Đề xuất một cách tiếp cận tác phẩm “rừng xà nu” của nguyễn trung thành

  • doc
  • 15 trang
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HOÁ
TRƯỜNG THPT ĐÀO DUY TỪ

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

ĐỀ XUẤT MỘT CÁCH TIẾP CẬN
TÁC PHẨM “RỪNG XÀ NU” CỦA NGUYỄN TRUNG THÀNH

Người thực hiện: Nguyễn Thị Thu Hằng
Chức vụ: Phó Hiệu trưởng
SKKN thuộc môn: Ngữ văn

THANH HOÁ NĂM 2013.

A. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Như chúng ta đã biết, công việc dạy Ngữ văn hiện nay đang gặp rất nhiều
khó khăn. Đây là hiện tượng chung do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan
mang lại. Một phần do bản thân giáo viên chưa thực sự thu hút được học sinh
“theo đuổi” môn học này và chưa đáp ứng được nhu cầu nhận thức, thẩm mỹ
ngày càng cao của người học cũng như của thời đại. Một phần do kỹ năng khai
thác thông tin, tác phẩm của học sinh trong trường THPT còn lúng túng. Xuất
phát từ thực tế đó, bản thân tôi luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi phương pháp,
hướng tiếp cận-khai thác tác phẩm để vận dụng trong từng bài dạy cụ thể nhằm
tháo gỡ cho riêng mình những khó khăn chung trong việc giảng dạy. Ở bài viết
này, trong phạm vi cho phép, tôi chỉ trình bày một hướng “khai thác” phần trích
tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành: khai thác, tìm hiểu tác phẩm
trong mối quan hệ với hoàn cảnh lịch sử và chỉnh thể tác phẩm văn học.

1

B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
I. Cơ sở lí luận:
Trong quá trình dạy-học văn ở trường THPT, giáo viên và học sinh gặp
không ít những khó khăn từ phía đặc trưng bộ môn. Đối với học sinh, việc
chiếm lĩnh kiến thức một tác phẩm văn học khác với tiếp nhận kiến thức của các
môn khoa học khác. Đòi hỏi học sinh phải biết cảm thụ, có phương pháp phân
tích nội dung, tư tưởng, tâm lí-tính cách nhân vật, ngôn từ... nghệ thuật của tác
phẩm. Đối với giáo viên cần phải có phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp với
từng tác phẩm ở các thể loại khác nhau. Đặc biệt người thầy phải có kiến thức
sâu sắc về tác giả, tác phẩm và tìm được phương pháp giúp người học có hướng
tiếp cận tác phẩm sâu sắc nhất.
Với bài viết này, tác giả đề xuất một cách tiếp cận, khai thác tác phẩm văn
học, được vận dụng cụ thể đối với bài “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.
II. Cơ sở thực tiễn:
Qua những năm giảng dạy và dự giờ của đồng nghiệp về tác phẩm này,
nhìn chung các bài giảng đều triển khai theo hướng sau:
2

- Hình tượng “Rừng xà nu” .
- Hình tượng Tnú, Cụ Mết, Zít, bé Heng...
- Ý nghĩa của các hình tượng .
Qua quá trình phân tích, chỉ ra đặc điểm cụ thể và ý nghĩa khái quát của
hình tượng, từ đó rút ra giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Cách hướng dẫn đọc-hiểu đó, theo tôi, giáo viên không khéo léo sẽ tách
các hình tượng ra khỏi tác phẩm với tư cách là một chỉnh thể nghệ thuật, một
sinh mệnh văn chương. Trong quá trình phân tích các hình tượng, đây đó có
người tuy có ý thức đặt chúng trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong phong cách,
nghệ thuật tác giả và giai đoạn văn học nhưng chưa thấy, hoặc thấy chưa rõ mối
liên hệ bản chất giữa chúng với nhau. Từ đó, tạo nên sự gò ép, thậm chi biến tác
phẩm thành một sự minh họa lịch sử, chính trị. Đó là một trong nhiều lý do
khiến giờ văn trở nên nhàm chán. Từ thực tế đó, tôi đã mạnh dạn kết hợp hướng
khai thác này đối với tác phẩm “Rừng xà nu” đến một số lớp học sinh và thấy
thực sự có hiệu quả trong giờ đọc hiểu tác phẩm. ..
III. Đề xuất một hướng tìm hiểu tác phẩm:
Để dạy-học tác phẩm, trước hết người giảng phải hiểu sâu sắc bản chất các
yếu tố chi phối đến tác phẩm: bối cảnh lịch sử xã hội, hoàn cảnh ra đời của tác
phẩm , hoàn cảnh riêng của tác giả, phong cách nghệ thuật...
Bản chất của những mối liên hệ trên không phải là các sự kiện lịch sử,
những biến cố đời tư của tác giả mà điều quan trọng là các sự kiện, biến cố ấy đã
tạo nên nét đặc trưng gì của thời đại và cá nhân nghệ sỹ. Những biểu hiện khác
3

nhau của đặc trưng ấy đã đi vào tác phẩm bằng quy luật nào? Tiếng vọng của
nó? Cũng tương tự như vậy, những nhu cầu thẩm mỹ của thời đại và của cá nhân
nhà văn đã tạo nên sự hình thành phong cách nghệ thuật, thi pháp giai đoạn văn
học và của mỗi nghệ sỹ như thế nào? Điều đó thể hiện trong tác phẩm ra sao?
Tất cả đều là những cơ sở - bản chất của vấn đề để chúng ta tìm hiểu tác phẩm.
1. Những thông tin tìm hiểu chung:
- Bối cảnh lịch sử, xã hội: tác phẩm được công bố năm 1965. Thời điểm này
có những sự kiện: Mỹ một mặt đổ quân ồ ạt vào Miền Nam, mặt khác ráo riết
ném bom phá hoại Miền Bắc, với lời tuyên bố láo xược: “Đưa Miền Bắc trở về
thời kỳ đồ đá”. Những hành động đó của Mỹ đã chạm vào một vấn đề nhạy cảm:
Danh dự, phẩm giá và sự tồn vong dân tộc. Điều này trước đó, do tính chất cuộc
chiến, chủ yếu người Việt đánh nhau với người Việt, nên nó chưa trở nên bức
xúc. Giờ bỗng bùng lên tạo nên nét tâm thế thời đại: Quật khởi, vùng lên...
- Về hoàn cảnh riêng của tác giả: Nguyễn Trung Thành quê ở Quảng Nam,
tập kết ra Bắc. Năm 1962, ông trở về Nam tham gia cuộc kháng chiến chống
Mỹ. Việc Mỹ đổ quân vào Miền Nam (1965) mà trực tiếp là bãi biển Chu Lai,
một phần mảnh đất quê hương ông, đã tác động sâu sắc đến tâm lý tác giả. Điều
đó kết hợp với những gì Nguyễn Trung Thành nghe và thấy ở Tây Nguyên trong
quá khứ, hiện tại (trong đó có phong trào Đồng Khởi) tạo nên nhu cầu viết.
Trước “Rừng xà nu”, Nguyễn Trung Thành đã viết tùy bút “Đường chúng ta đi”.
Tác phẩm “Rừng xà nu” ra đời trong tâm thế của tác giả, bởi thế, sự quật khởi
vùng lên của Làng Xô Man, sức sống của dân tộc cùng với chân lý: Chúng nó
4

cầm súng, chúng ta phải cầm mác” ... là tiếng vọng của thời đại. Dạy “Rừng xà
nu” nếu không chỉ ra được mối liên hệ bản chất ấy giữa trong và ngoài tác phẩm
hoặc chỉ ra hời hợt, chiếu lệ thì không thể dựng được không khí sử thi của
truyện, do đó cũng không dựng được hình tượng truyện.
- Đặc trưng về thể loại, cốt truyện, kết cấu tác phẩm...

Khi phân tích tác phẩm, người viết cần xuất phát từ điểm nhìn lý thuyết về
phong cách nghệ thuật, về thi pháp giai đoạn và thi pháp tác giả... Ở góc nhìn
này, sử thi là một trong những nét đặc trưng phong cách của văn học 19451975. Với Nguyễn Trung Thành, trong các tác phẩm, bên cạnh hơi thở chung ấy,
ông vẫn tạo được cho mình chất sử thi riêng. Đó là sự dồn nén quá khứ trong
thực tại, là sự thu nhỏ của cộng đồng lịch sử trong một làng quê, trong một cuộc
đời với tất cả bản sắc văn hóa, là chất huyền thoại theo nghĩa đích thực (câu
chuyện thanh gươm ông Tú trong “Đất nước đứng lên”) và theo nghĩa phát sinh
(cuộc đời Tnú trong “Rừng xà nu” ở góc độ nào đó cũng là một “huyền thoại”),
là sự đan cài giữa các kiểu không gian, thời gian sử thi, trong đó các hình tượng
chi tiết... đều cùng tham gia làm rõ số phận cộng đồng và các giá trị tiềm ẩn
trong nó... đó là phong cách cũng là thi pháp của Nguyễn Trung Thành trong
“Rừng xà nu”. Từ cơ sở lý thuyết này, người viết đã chọn Tnú trong tương quan
với Làng Xô Man trên trục không gian, thời gian: Tnú về làng – đêm Tnú ở làng
– Tnú ra đi, làm mạch chính của bài dạy. Trong quá trình đó, đồng thời phân tích
các hình tượng khác, từ đó làm rõ nội dung tác phẩm.
5

2.Thông tin phần hướng dẫn đọc hiểu:
2.1 .Tnú về làng.
Làng là một hình tượng nghệ thuật. Với Nguyễn Trung Thành, nó từng có
mặt trong một số tác phẩm với những tên gọi Xô Man, Công Hoa... Nó không
đơn giản là nơi sinh ra, lớn lên mà còn là biểu tượng của cộng đồng, là trầm tích
lịch sử, là cái nôi văn hóa... Bởi vậy, việc Tnú trở về đây cũng không đơn thuần
là trở về với nơi sinh thành, nguồn cội với nghĩa cụ thể mà là trở về cộng đồng,
với lịch sử, tìm lại mình trong tư cách một phần máu thịt của cộng đồng . Đó là
một cuộc trở về trong nghĩa sử thi. Do vậy, dạy đoạn này, cần làm toát lên tinh
thần ấy. Làng bao gồm những hình ảnh (hình tượng) sau:
 Rừng xà nu: Nó được tả trong tư cách là một quần thể hàng vạn cây xà
nu. Đó là một loại cây ham ánh sáng, giỏi chịu đựng, giàu sức sống, có khả năng
sinh sôi ( qua các tín hiệu nghệ thuật, giáo viên hướng dẫn học sinh rút ra các
đặc điểm đó). Rừng xà nu xuất hiện như một bộ ngực che chở cho dân làng. Nó
có mặt trong cuộc sống thường ngày của người dân ở mọi ngõ ngách: trên con
đường Tnú trở về, trong ánh lửa của những ngọn đuốc, trong cuộc tiễn đưa...
Dường như cuộc sống con người Xô Man đã hóa thân trong nó, tạc nên những
dáng hình, tư thế Xà Nu...Hình tượng Rừng Xà Nu trở thành một biểu tượng có
kích cỡ sử thi tượng trưng cho phẩm chất của một cộng đồng. Cuộc trở về của
Tnú trước hết được đặt trong tương quan với Rừng xà nu. Điều đó có nghĩa Tnú
cũng là một cây xà nu, một phần không thể tách rời của cánh rừng đó.

6

 Dân làng Xô Man: đó là những con người với tên gọi cụ thể: Cụ Mết,
Zít, bé Heng, bà cụ Leng, ông già Tâng, anh Prôi... Nhưng thực chất họ là một
hình tượng đám đông. Họ là hiện thân của cộng đồng đón tiếp Tnú trở về như
một phần máu thịt của mình bị xẻ tách ra, giờ về lại. Chất sử thi toát lên ở cả bề
mặt bởi tiếng cười nói rộn ràng, ấm áp và cả ở bề sâu của tiếng vọng tâm linh
giao hòa giữa người về và kẻ đón. (Khác với mọi người, Tnú về với làng, gia
đình của anh đã không còn nữa). Dựng hình tượng làng trong quan hệ với Tnú,
phải khắc chạm được điều đó.
 Làng còn bao hàm những chi tiết cụ thể tưởng như ngẫu nhiên nhưng
thực sự có ý nghĩa, đặc biệt đối với Tnú. Đó là hình ảnh một cây lớn đổ ngang
đường, là âm thanh tiếng chày... Với Tnú, cây đổ bên đường gợi kỉ niệm yêu
thương về lần gặp Mai sau 3 năm ở tù về. Lúc đó Mai đã là một thiếu nữ. Những
giọt nước mắt ngày ấy của Mai vẫn ấm mãi trong anh cho đến bây giờ...Kỷ niệm
cũng gợi lên trong Tnú nỗi đau về cái chết của vợ con... từ sự phân tích này, giáo
viên cần hướng dẫn học sinh rút ra kết luận: Làng Xô Man với Tnú là như vậy
đó. Nó gắn bó với anh không chỉ bằng kỷ niệm yêu thương, bằng những gì cụ
thể nhất . như một con đường, một thân cây bị đổ... mà cả bằng mạng chết của
người thân và cả máu của anh nữa. Trở về với làng tức là trở về với những điều
đó.
Với âm thanh tiếng chày, trước hết nó là những sự cắt nghĩa nỗi nhớ của
Tnú. Nó cho anh biết, cái mà ba năm nay xa làng Tnú nớ nhất là âm thanh đó,
cái âm thanh chuyên cần rộn rã của mẹ, của Mai, Zít, ...sâu hơn nữa đó là nhịp
7

sống, là bản sắc văn hóa làng quê. Nó thấm vào máu thịt, tâm hồn anh. Giờ sau
một thời gian xa vắng, nghe lại, nó chợt bùng lên tạo nên sự cộng hưởng, giao
hòa giữa tâm linh và ngoại giới...
Tất cả những điều đó trong Tnú đều được đặt trong khoảng không gian,
thời gian anh xa làng ba năm. Con số đó cùng với những gì được chứng kiến
trên con đường trở về đủ để Tnú kiểm nghiệm mối liên hệ bản chất giữa anh với
làng. Có thể nói không có làng Xô Man, sẽ không có một Tnú với vẻ đẹp tuyệt
vời đến vời đến vậy. Chất sử thi của hình tượng và của tác phẩm trước hết ở sự
dính kết đó. Dạy đoạn này, cần phác họa cho học sinh điều đó.
2.2 .Tnú trong đêm ở làng
Có thể nói, đây là đoạn văn thể hiện tập trung nhất, sâu sắc nhất, sắc sảo
nhất, phong cách và thi pháp Nguyễn Trung Thành. Chất sử thi đã được thể hiện
bằng sự phối hợp, giao thoa giữa các thủ pháp, các hình tượng, các sắc màu, âm
thanh... Trong đó, người dạy tập trung hướng dẫn học sinh khai thác các tín hiệu
nghệ thuật sau:
Cách tạo không gian, thời gian nghệ thuật:
Trước hết, đó là một đêm Tnú ở làng sau một khoảng thời gian xa cách 3
năm (và chỉ ở làng có một đêm thôi để rồi ngày mai anh lại lên đường). Sự ngắn
ngủi thời gian ấy đã không đáp ứng được tình cảm đầy ắp và dồn nén mà dân
làng từng dành cho anh. Điều đó tạo nên một thế áp thẩm mỹ. Nó làm cho cả
người trong truyện và ngoài truyện (người đọc) cùng sung sướng, cùng vỡ òa,
cùng tiếc nuối... Mặt khác, cái đêm ngắn ngủi ấy, sẽ là cách để nhà văn dồn nén
8

quá khứ một cuộc đời, một cộng đồng bằng câu chuyện cụ Mết kể về Tnú, về
dân làng Xô Man ngày hôm qua... Chưa hết, Nguyễn Trung Thành còn thông
qua việc dựng không gian bởi âm thanh tiếng mỏ nổi lên từ nhà Ưng, ánh sáng
từ những ngọn đuốc từ các ngả đường kéo về nhà cụ Mết, bếp lửa rực đỏ, đám
đông dân làng vây quanh, trong đó nổi bật hình ảnh Tnú, Zít và đặc biệt là cụ
Mết... Với mục đích dựng dậy một không gian sử thi trong thực tại, từ đó gợi
một không gian sử thi trong quá khứ sâu thảm lịch sử, văn hóa với những câu
chuyện anh hùng ca thời xa xưa và tập quán kể chuyện “Khan” của các bản làng
Tây Nguyên. Nó tạo nên chất sử thi vừa thực, vừa ảo, vừa hiện hữu, vừa sâu
thẳm, sương khói kiểu Nguyễn Trung Thành. Trong không gian ấy, người giảng
cần lưu ý đặc biệt đến hình tượng cụ Mết với những lý do sau:
Ở nghĩa cụ thể, cụ Mết là người kể câu chuyện bi tráng của cuộc đời Tnú
và dân làng Xô Man. Qua đó, tác giả khắc họa những phẩm chất sử thi của Tnú
như: Sự gắn bó sâu nặng với cộng đồng, sự dũng cảm, gan góc, sức chịu đựng,
sức sống mãnh liệt, tình yêu thương người thân, lý tưởng sống... Tất cả đều ở
cấp độ phi thường, khác thường, đại diện cho cộng đồng và gắn chặt với truyền
thống lịch sử, văn hóa...
Ở ý nghĩa khái quát, cụ Mết là hiện thân của cộng đồng, lịch sử. Trong
trường hợp đó, cụ trở thành điểm tựa tinh thần cho làng Xô Man, cho Tnú trong
cuộc chiến đấu hiện tại. Cụ còn gợi dậy hình ảnh của những nghệ sỹ dân gian
thời xa xưa (sau đó là một truyền thống văn hóa) trong vai trò kể một câu
chuyện “Sử thi” thời hiện đại về cuộc đời Tnú. Đó cũng là cách để Nguyễn
9

Trung Thành tạo nên sự liên hệ bản chất giữa quá khứ và hiện tại, trong đó mạch
chảy xuyên suốt là tình yêu cộng đồng, là sức sống Tây Nguyên, là chân lý lịch
sử: “Chúng nó cầm súng ta phải cầm mác”.
Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà tác giả tả cụ Mết với một cơ thể rắn
chắc, ngực căng như cây xà nu, giọng nói ồ ồ, râu dài đến ngực. Cũng không
phải ngẫu nhiên, Nguyễn Trung Thành lại để cho cụ Mết nói trước đám đông
dân làng: “Ông già, bà già biết rồi. Thanh niên có đứa chưa biết, có đứa chưa
biết rõ. Còn lũ con nít thì chưa biết. Tnú, anh Tnú của chúng mày về rồi đó...
Đấy, nó đấy, nó đi giải phóng quân đánh giặc, nay nó về thăm làng một đêm...
Nó là người Strá mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó
khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta. Đêm nay tau kể chuyện nó cho
dân làng nghe, để mừng cho nó về thăm làng. Người Strá ai có cái tai, ai có cái
bụng thương núi, thương nước hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi,
chúng mày phải kể cho con cháu nghe”... Có thể nói, chỉ có cụ Mết mới xứng
đáng được nói những điều trên trước cộng đồng của mình. Gắn với cụ Mết,
không chỉ có Tnú mà còn có Zít, bé Heng, là những người dân làng...
Họ tiêu biểu cho các thế hệ trong cuộc chạy tiếp sức truyền thống của làng
Xô Man, của các dân tộc Tây Nguyên.
Trở lại với câu chuyện Cụ Mết kể về cuộc đời Tnú, ngoài những điều đã
nói ở trên, có một cụm chi tiết nói về những đau thương, mất mát của anh rất
đáng được quan tâm. Đó là nỗi đau mất vợ, mất con do chính kẻ thù gây ra trên
mảnh đất quê hương mình. Tả nỗi đau đó, Nguyễn Trung Thành không chỉ khái
10

quát tội ác của giặc mà điều quan trọng là tác giả muốn cắt nghĩa nguyên nhân
vùng lên của anh và của dân làng Xô Man. Có điều, lần thứ nhất vùng lên bằng
tay không Tnú chuốc lấy thất bại. Lần thứ hai, sau sự kiện kẻ thù tra tấn Tnú một
cách dã man, cả làng Xô Man đã vùng lên và họ đã giành được thắng lợi. Từ câu
chuyện cụ thể đó, nhà văn muốn khái quát một chân lý thời đại: Phải dùng bạo
lực chống lại bạo lực. Quy luật đó đã được thực tế lịch sử chứng minh trong quá
khứ, đặc biệt là phong trào Đồng Khởi năm 1960.
Như vậy, làng Xô Man trong đêm Tnú trở về dồn nén biết bao điều. Ở đó
có quá khứ lịch sử sâu thẳm đồng hiện trong thực tại hiện hữu. Có câu chuyện
về một đời người, về một cộng đồng dồn tựu lại trong một đêm. Có số phận của
mỗi người và số phận một cộng đồng... Tất cả hòa trong mạch chảy ngợi ca của
tác giả trong tư cách đại diện cho chính cộng đồng để rồi tạo nên một thế giới sử
thi bi tráng.
Nhân vật Tnú được Nguyễn Trung Thành đặt trong mối quan hệ chằng chịt
ấy với làng Xô Man. Qua đó nhà văn muốn khái quát vấn đề: Tnú là sự kết tinh
chọn vẹn nhất của phẩm chất Xô Man, phẩm chất Tây Nguyên. Sức sống hình
tượng Tnú chỉ có thể tồn tại và phát huy khi được đặt trong không gian lịch sử,
văn hóa làng quê ấy đã biết khai thác nó. Giảng nhân vật Tnú trong đoạn này,
qua hệ thống câu hỏi dẫn dắt, bằng tài năng của mình, người dạy phải vừa cùng
một lúc phân tích các hình tượng vừa làm rõ đặc điểm sử thi của hình tượng.
Tnú dưới sự soi sáng của phong cách, thi pháp Nguyễn Trung Thành, qua đó
khắc họa cho học sinh những đơn vị kiến thức cơ bản nhất.
11

2.3 .Tnú ra đi.
Ai cũng biết, người tiễn Tnú đi sau một đêm ở làng là cụ Mết, Zít và cả
Rừng xà nu nữa. Điều cần khắc họa cho học sinh, theo tôi không phải là gì khác
mà là tính sử thi của cuộc tiễn. Nó thể hiện ở cả người đi và kẻ ở. Người đi
(Tnú) sau một đêm ở làng đã có cơ hội kiểm nghiệm lại tất cả những gì tốt đẹp
nhất mà mình có. Đồng thời cũng có được những gì dân làng cho và tiếp sức cho
mình. Anh ra đi trong tư thế đại diện cho cộng đồng. Người ở, trong phút đưa
tiễn này cũng đại diện cho cộng đồng, một cộng đồng mà trên mình đã và đang
mang những vết thương rỉ máu nhưng vẫn tràn đầy sức sống (“thể hiện ở cảnh
tượng đạn đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn, năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở
những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó, vô số những cây
con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những
mũi lê”). Họ đưa tiễn một phần máu thịt của cộng đồng mình hòa vào một cộng
đồng lớn với một niềm tự hào sâu sắc. Bởi thế, tác giả cho xuất hiện cuối tác
phẩm hình ảnh “Ba người đứng ở đây (tức là cửa rừng xà nu gần con nước lớn)
nhìn rất xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng Xà Nu
nối tiếp chạy tít chân trời”. Tóm lại, đó là cuộc tiễn đưa giữa cộng đồng với
cộng đồng mà xung quanh họ, dưới chân họ, trong lòng họ đều âm vang mạch
sống của quê hương, đất nước.
IV. Kiểm nghiệm:

12

Trên đây là phần trình bày của tôi về một hướng giúp học sinh tiếp cận,
khai thác tác phẩm “Rừng xà nu”. Hướng tiếp cận này tôi đã thử nghiệm kết hợp
ở một vài khóa, lớp học sinh :
Năm học
Dạy ở các lớp
2010-2011
12B5
12B6
2012-2013
12C3
12C9
12C10
12C12
và thu được kết quả thăm dò như sau: hầu hết học sinh đều nắm được vấn đề.
Riêng đối tượng học sinh khá và giỏi rất thích cách khai thác này.
Tôi đã kiểm tra lớp 12C9 ( năng lực HS khá, giỏi) một câu hỏi khó: Trình
bày sự hiểu biết của em về phong cách nghệ thuật Nguyễn Trung Thành qua
“Rừng xà nu”. Kết quả: 45/51 học sinh nắm được vấn đề. Tại lớp 12C10, năng
lực học sinh TB khá tôi khảo sát bằng câu hỏi : phân tích chất sử thi thể hiện qua
nhân vật Tnú. Kết quả: 38/45 học sinh nắm được những điều cơ bản về kiến
thức
C. KẾT LUẬN :
Ở bài viết này, người viết chỉ trình bày một hướng khai thác, tìm hiểu tác
phẩm “Rừng xà nu” dựa trên một số điểm nhìn lý thuyết về mối liên hệ giữa tác
phẩm với lịch sử xã hội và hoàn cảnh riêng của tác giả, phong cách, thi pháp giai
đoạn văn học nói chung và tác giả nói riêng. Trên cơ sở đó có thể vận dụng cho
việc giảng dạy những tác phẩm khác cùng thể loại. Bài viết không khái quát
được phương pháp giảng dạy một tác phẩm, đó là một vấn đề lớn. Song bản
thân tôi nhận thấy vận dụng có hiệu quả trong quá trình giảng dạy nên bày tỏ
cùng đồng nghiệp. Những ý kiến đóng góp nhỏ bé của người viết không ngoài

13

mục đích góp một tiếng nói khiêm tốn cho sự đổi mới trong công việc dạy học
Ngữ văn hiện nay. Bài viết không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế, mong
nhận được sự chia sẻ của đồng nghiệp.
XÁC NHẬN CỦA
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hóa, ngày 05 tháng 6 năm 2013
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình
viết, không sao chép nội dung của người
khác.

Nguyễn Thị Thu Hằng

14