Đặc điểm thơ tự trào của tú xương
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
BỘ MÔN NGỮ VĂN
---- ----
TRẦN TUYẾT TRINH
MSSV: 6095826
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành cử nhân Ngữ văn
Cán bộ hướng dẫn: ThS.GV. PHAN THỊ MỸ HẰNG
Cần Thơ, năm 2013
1
ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích vấn đề
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Khái quát thơ tự trào
1.1.1. Khái niệm tự trào
1.1.2. Quá trình hình thành và phát triển thơ tự trào trong văn học Trung đại
1.2. Hiện thực xã hội Việt Nam qua thơ tự trào Tú Xương
1.2.1. Sự xuống cấp các giá trị đạo đức
1.2.2. Sự sụp đổ của nền Hán học
1.3. Thống kê, nhận xét thơ tự trào Tú Xương
1.3.1. Thống kê
1.3.2. Nhận xét
CHƯƠNG 2
ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG THƠ TỰ TRÀO CỦA TÚ XƯƠNG
2.1. Thơ tự trào Tú Xương phản ánh chân dung tự họa về bản thân và gia cảnh
2.1.1. Tự trào về ngoại hình
2.1.2. Tự trào về phẩm chất, tài năng
2.1.3. Tự trào về gia cảnh
2.2. Thơ tự trào Tú Xương thể hiện tâm trạng của nhà thơ trước thời cuộc và cảnh ngộ
của đời mình
2.2.1. Tự trào về những biến đổi của thời cuộc
2.2.2. Tự trào về cảnh ngộ của đời mình
2.3. Thơ tự trào Tú Xương thể hiện ý thức cá nhân rõ nét
2.3.1. Tự trào với ý thức tự khẳng định
2.3.2. Tự trào với ý thức tự phủ định
2
CHƯƠNG 3
ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỨC THƠ TỰ TRÀO CỦA TÚ XƯƠNG
3.1. Ngôn ngữ thơ tự trào Tú Xương
3.1.1. Sử dụng đại từ nhân xưng
3.1.2. Sử dụng ngôn ngữ dân gian
3.1.3. Sử dụng ngôn ngữ đời sống
3.2. Hình tượng thơ tự trào Tú Xương
3.2.1. Hình tượng tự trào trực tiếp
3.2.2. Hình tượng tự trào gián tiếp
3.3. Giọng điệu thơ tự trào Tú Xương
3.3.1. Giọng điệu trào phúng
3.3.2. Giọng điệu bi hài
PHẦN KẾT LUẬN
3
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Tú Xương là một đại biểu xuất sắc của văn học Trung đại Việt Nam trong giai
đoạn cận hiện đại. Ông nổi tiếng và được biết đến nhiều hơn ở mảng thơ trào phúng.
Tiếng cười trào phúng trong thơ Tú Xương là một tiếng cười dí dỏm, hồn nhiên nhưng
cũng cay cú, xót xa. Nó chứa đựng tâm trạng u hoài của một lớp nhà nho “cuối mùa”
trước hoàn cảnh xã hội bấy giờ. Và trong mảng thơ trào phúng của Tú Xương, thơ tự
trào chiếm vị trí quan trọng cả về số lượng lẫn giá trị nghệ thuật. Thơ tự trào là tiếng
nói đầy chua xót, tự cười tự chế giễu chính bản thân mình, là sự bất lực trước hoàn
cảnh thực tại. Tự trào trong thơ Tú xương là những tiếng cười chế giễu bản thân, từ
hình dáng bên ngoài đến phẩm chất bên trong, từ bản thân đến cuộc sống gia đình…
Mỗi nhà thơ đều có những nỗi niềm, những tâm sự riêng và những điều bất mãn về bản
thân để từ đó tạo ra những vần thơ tự trào theo từng tâm trạng khác nhau, phủ định hay
khẳng định.
Nếu như việc tìm hiểu hiện thực trào phúng trong thơ Tú Xương giúp chúng ta
hiểu được bức tranh hiện thực của cuộc sống đương thời thì việc tìm hiểu mảng thơ tự
trào trong sáng tác của Tú Xương sẽ giúp chúng ta thấy rõ được bức tranh chân dung
tự họa của con người cũng như tính cách của Tú Xương. Thông qua việc tìm hiểu thơ
tự trào Tú Xương để thấy được những suy tư, trăn trở, những nỗi đau và trái tim tâm
tình của nhà thơ. Cũng bởi niềm hứng thú với thơ Tú Xương và đặc biệt là mảng thơ tự
trào chúng tôi quyết định chọn đề tài “Đặc điểm thơ tự trào của Tú Xương” để làm
luận văn tốt nghiệp.
2. Lịch sử vấn đề
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng thơ văn của Tú Xương vẫn chiếm một
vị trí quan trọng trong lòng độc giả, đặc biệt là những độc giả yêu thích mảng thơ trào
phúng. Các tác phẩm của ông đã gây được sự chú ý, sự đón nhận rộng rãi và đạt nhiều
thành quả trên các phương diện: sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu về cuộc đời và sự
nghiệp văn chương.
Qua quá trình tổng hợp, chúng tôi nhận thấy có hai hướng nghiên cứu chính liên
quan đến đề tài luận văn: Hướng thứ nhất, bao gồm những công trình nghiên cứu đề
cập đến tiểu sử cuộc đời, sự nghiệp của Tú Xương qua những vần thơ tự trào.
4
Công trình Tú Xương – Thơ, lời bình và giai thoại [8], Mai Hương tập hợp được
khá nhiều bài thơ mang nội dung tự trào của Tú Xương và sưu tầm được một số giai
thoại tiêu biểu có liên quan đến hoàn cảnh ra đời của các bài thơ tự trào. Thông qua
những giai thoại về Tú Xương giúp người viết hiểu hơn về con người cũng như tính
cách của nhà thơ.
Tác giả còn tập hợp một số bài viết liên quan đến tiểu sử cuộc đời của Tú Xương,
trong đó có bài viết Tú Xương, nhà thơ lớn của dân tộc của Nguyễn Đình Chú nói đến
cuộc đời, sự nghiệp của Tú Xương. Nguyễn Đình Chú tập hợp lại một số đánh giá của
các nhà nghiên cứu, nhà phê bình về Tú Xương “Trần Thanh Mại gọi Tú Xương là
“nhà thơ thiên tài”. Nguyễn Công Hoan tôn Tú Xương là “bậc thần thơ thánh chữ”.
Đặng Thai Mai khen Tú Xương là “một thầy Tú cũng biết cười” cạnh “một ông Nghè
thích cười” (Nguyễn Khuyến). Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là “một người thơ,
một nhà thơ vốn nhiều công đức trong công cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học
của dân tộc Việt Nam. Xuân Diệu xếp hạng Tú Xương thứ năm sau “ba thi hào dân
tộc” (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương) và Đoàn Thị Điểm” [8; tr.10-11] để
thấy được những đóng góp quan trọng của Tú Xương cho văn học Trung đại Việt
Nam.
Công trình Trông dòng sông Vị [14] Trần Thanh Mại đề cập đến một phần đời
của nhà thơ Tú Xương thể hiện qua những vần thơ tự trào của ông. Đó là những tiếng
than thở thiết tha đau đớn của một kẻ thất thời, bây giờ chỉ cầu lấy một cuộc sống bình
thường có được miếng ăn nuôi nhau. Vậy mà ông không hề lên tiếng trách đời, trách
người, trái lại vẫn nhìn cảnh ngộ của mình một cách thản nhiên bằng những tiếng cười
hóm hỉnh nhưng nhiều khi cũng là tiếng cười rơi nước mắt, những điều đó được ông
nói ra bằng giọng trào phúng khôi hài như để nhạo báng bản thân mình hay để che lấp
vẻ thảm thiết, ảo não của một tâm hồn đau đớn.
Công trình Trần Tế Xương - về tác giả và tác phẩm [16] , một công trình lớn do
Vũ Văn Sỹ làm chủ biên. Công trình tập hợp những bài viết, bài nghiên cứu góp phần
khơi gợi và thúc đẩy tiến trình nghiên cứu về cuộc đời và thơ văn Trần Tế Xương.
Tiêu biểu như bài viết Nhà thơ Trần Tế Xương, Nguyễn Văn Hoàn nhận xét
“Lịch sử đời riêng của Tú Xương cũng là một lịch sử thất bại, lịch sử của một người
suốt đời long đong, lận đận vì thi cử mà chẳng bao giờ toại nguyện!” [16; tr.451].
Cùng với xã hội lố lăng và tư tưởng tiến thân bằng con đường khoa bảng chính đáng
5
vậy mà suốt đời thất bại, Tú Xương đã tự cười mình qua những vần thơ tự trào của
ông.
Bài viết Tú Xương – Đỉnh cao của thơ trào phúng Việt Nam , Lê Đình Kị khẳng
định “Tú Xương được thời buổi biến thành nhà thơ trào phúng lớn nhất của nền văn
học Việt Nam, và ở nhà thơ này hình thức tự trào là hình thức thường dùng và thấm
thía nhất, mang ý nghĩa khái quát, phát hiện lớn về tình trạng ý thức đương thời” [16;
tr.507-508].
Hướng thứ hai, bao gồm các công trình nghiên cứu về nội dung, nghệ thuật qua
thơ văn tự trào của Tú Xương.
Về mặt nội dung, thơ Tú Xương phản ánh chân thật hiện thực xã hội và cuộc
sống, trong đó cuộc sống của chính nhà thơ được thể hiện khá rõ nét qua mảng thơ tự
trào.
Công trình Trần Tế Xương - về tác giả và tác phẩm [16] tập hợp nhiều bài viết
liên quan đến nội dung thơ tự trào của Tú Xương. Trong đó, bài viết “Bức tranh xã hội
trong thơ Tú Xương” của Nguyễn Lộc đem đến một cái nhìn toàn cảnh về hiện thực xã
hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với sự xuống cấp của các giá
trị đạo đức và sự suy tàn của một nền Hán học. Trong bức tranh xã hội đó bắt đầu có
sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới “Trong thơ Tú Xương có hình bóng những con
người và sinh hoạt của xã hội cũ đã “thực dân hóa”, và có hình bóng những nhân vật
mới, sinh hoạt mới, do xã hội thực dân đem lại” [16; tr. 242]. Dựa trên bài viết này, ta
thấy thơ tự trào Tú Xương cũng phản ánh sâu sắc những đặc điểm về bức tranh xã hội
Việt Nam lúc bấy giờ.
Bài viết Tú Xương, nhà thơ lớn của dân tộc, Nguyễn Đình Chú chỉ ra một trong
những gốc rễ của bản chất hiện thực và trữ tình trong thơ Tú Xương xuất phát một
phần từ cuộc sống hiện thực của ông: “Nghèo đói đã cưa xé Tú Xương. Sự đểu cán đã
vả vào Tú Xương. Kết quả là Tú Xương cũng phải vất vả, cay cú, phát phẫn, buồn
phiền như ai…” [16; tr.495]. Điều đáng quý là Tú Xương không chịu để cái nghèo làm
mình tha hóa. Cùng với cái nghèo, chuyện thi cử của Tú Xương cũng mang đến ông
nhiều tâm trạng “Sự thi của Tú Xương có nghĩa là sự hỏng … chuyện hỏng thi đã
không cho Tú Xương bứt ra khỏi cảnh sống một ông đồ, mà nổi lên trong cuộc đời,
trong tâm trạng vẫn là cái đáng buồn, cái buồn thiu, cái luẩn quẩn, cái vô tích sự”
[16; tr.495]. Cái bi kịch của nhân vật Tú Xương là muốn sống hồn nhiên, nhưng không
6
sao sống nổi, muốn bứt ra khỏi cái luẩn quẩn, vô nghĩa nhưng không sao bức nổi.
Trong khi đó cứ phải trương mắt ngồi nhìn cái xã hội thực dân nửa phong kiến đang
hiện lên từng ngày từng giờ với bao nhiêu sự thối tha rác rưởi, cứ phải nhìn cuộc sống
như sụp lở dưới chân mình. Cho nên rút cục là phẫn chí, là buồn rầu, thậm chí có khi
như phát điên dại, đờ đẫn cả người.
Bài viết Nhà thơ lớn trên bến Vị Hoàng xưa, Trần Lê Văn đề cập đến cảnh nghèo
của Tú Xương “Trong những điều than thở của Tú Xương gửi vào thơ phú, có một
điều than thở cứ trở đi trở lại như một điệu khúc. Ấy là “than nghèo” [16; tr.531].
Thông qua hai bài viết trên nhằm khẳng định việc hỏng thi và cảnh nghèo của gia đình
là hai khía cạnh sẽ được Tú Xương đem ra tự trào nhiều nhất trong thơ của mình.
Bài viết “Cái tôi trong thơ Tú Xương, một điển hình nghệ thuật”, Nguyễn Lộc
muốn nói đến vấn đề ý thức cá nhân trong thơ trào phúng của Tú Xương “Ngoài
những bài thơ châm biếm, đả kích những hiện tượng xấu xa trong xã hội thể hiện rõ
nét một tài năng, một cá tính sắc cạnh của nhà thơ, Tú Xương có những bài viết về
mình, viết về cuộc sống tâm tư, tình cảm của mình. Ở đây cái tôi của nhà thơ thể hiện
rất rõ” [16; tr.406]. Tác giả nhận xét trong thơ Tú Xương có hai bộ phận song song:
một là cái tôi trào phúng của một con người ăn chơi, ngông nghênh; hai là cái tôi trữ
tình của một con người có nhiều suy nghĩ, nhiều day dứt, dằng vặt. Vì vậy trong thơ tự
trào của Tú Xương cũng sẽ thể hiện rõ nét cái tôi cá nhân của nhà thơ và cái tôi trữ tình
trước thời cuộc và cảnh ngộ của đời mình.
Về mặt nghệ thuật, nhiều công trình nghiên cứu nhưng chủ yếu đề cập đến nghệ
thuật thơ văn trào phúng Tú Xương, riêng phương diện liên quan đến nghệ thuật thơ tự
trào chỉ được nhắc đến qua một số bài viết trong công trình Trần Tế Xương - về tác giả
và tác phẩm [16]. Tiêu biểu có bài viết Thơ Tú Xương kiểu tự trào thị dân của Đoàn
Hồng Nguyên. Tác giả cho rằng thơ Tú Xương có một lối trào lộng khá độc đáo trong
phong cách tự họa chân dung bằng lời hí họa và lời tự chế giễu bôi xấu mình, đó là
kiểu tự trào phủ định. Bên cạnh đó tác giả còn chỉ ra tiếng cười khẳng định của Tú
Xương. Đó là một Tú Xương tài hoa, phong lưu thế thiệp của chốn thị thành “Không
thâm trầm, kín đáo mang tính khẳng định như Nguyễn Khuyến, Tú Xương tự trào một
cách trực tiếp, khi phủ định khi thì khẳng định” [16;420].
Trong bài viết này tác giả đưa ra những nhận định để so sánh kiểu thơ tự trào của
Nguyễn Khuyến và kiểu thơ tự trào của Tú Xương. Ở Nguyễn Khuyến thể hiện rõ hình
7
ảnh một ông già tự cười mình, thâm trầm mà kín đáo, đó là kiểu tự trào ngôn chí mang
tính chất giáo hóa, phi ngã hóa, chưa thoát khỏi quy phạm của văn chương nhà nho.
Khác với Nguyễn Khuyến, Tú Xương có một lối trào lộng khá độc đáo với kiểu tự trào
thị dân. Những cảm nhận thị dân của Tú Xương tuy chưa thể hiện được một hình thức
diễn đạt mới bằng một thể thơ mới, nhưng ít nhiều Tú Xương cũng đã tạo nên một
giọng điệu riêng trong kiểu tự trào của mình. Và tác giả kết luận “Trong cảm thức thị
dân, bằng lối tự trào, tự vịnh, Tú Xương đã tạo nên một kiểu hình nhà nho thị dân, một
kiểu trữ tình phúng thế thị dân. Trước Tú Xương, trong thơ trào phúng nhà nho chưa
hề có và cho đến nay trong văn chương trào phúng hiện đại cũng hiếm có một kiểu tự
trào độc đáo như vậy” [16; tr.425].
Bài viết Nụ cười giải thoát cá nhân và tự khẳng định trong thơ Tú Xương, Trần
Đình Sử nhấn mạnh đến phương diện ý thức cá nhân và tiếng cười giải thoát trong thơ
của Tú Xương “Tự cảm thấy không phải với vợ con và với chính mình, nhà thơ đã
dùng tiếng cười tự trào để giải thoát cho mình, tự khẳng định nhân cách mình, tạo ra
một thế cân bằng mới. Tú Xương đi ngược lại truyền thống thơ ngôn chí, là thơ làm ra
để tự khẳng định cái chí hướng, lý tưởng của mình” [16; tr.415].
Ngoài ra, tác giả nhắc đến ba đặc điểm tiếng cười của Tú Xương: Một là, không
mang tính chất thuần túy đạo đức, ý thức hệ, mà mang tính chất hài hước, sinh hoạt,
cười vui; Hai là, có tính chất khá phổ biến: vừa cười người, vừa cười mình, không tự
đặt mình ra ngoài đối tượng của tiếng cười; Ba là, có tính chất lưỡng tính: vừa phủ
định, vừa khẳng định.
Bài viết “Nghệ thuật Tú Xương”, Trần Thanh Mại phân tích nghệ thuật trào
phúng trong thơ văn Tú Xương “Trong thơ văn ông, chúng ta thấy từ nhân vật, sự việc,
cho đến ngôn ngữ, hình tượng, Tú Xương đều lấy ngay trong bản thân cuộc sống xã
hội thời ông” [16; tr.261]. Tác giả khẳng định “Ngôn ngữ và hình tượng trong thơ ông
là ngôn ngữ và hình tượng của dân gian, của nhân dân dùng hằng ngày” [16; tr.269].
Bài viết là cơ sở giúp người viết xây dựng các đặc điểm nghệ thuật về mặt ngôn ngữ và
hình tượng trong thơ tự trào của Tú Xương.
Nhìn chung, trong những công trình nghiên cứu thơ văn Tú Xương về nội dung
và nghệ thuật, các tác giả đã có những nhận định về đóng góp của Tú Xương đối với
nền văn học nước nhà và phần nào nói đến tính chất tự trào trong thơ Tú Xương. Trên
8
cở sở tiếp thu các ý kiến, thành tựu của những người đi trước chúng tôi xem đó là căn
cứ để định hướng trong quá trình làm luận văn.
3. Mục đích vấn đề
Tú Xương là một đại diện tiêu biểu và xuất sắc nhất trong dòng văn học trào
phúng của dân tộc. Tìm hiểu thơ tự trào của Tú Xương, người viết có dịp hiểu rõ hơn
về con người, sự nghiệp và đặt biệt thơ trào phúng Tú Xương, trong đó có mảng thơ tự
trào. Từ đó, người viết sẽ hiểu sâu hơn những đóng góp về nội dung và nghệ thuật
trong thơ tự trào nhằm khẳng định đóng góp quan trọng của Tú Xương trong việc tạo
nên những nét hiện đại trong thơ tự trào để đưa thơ tự trào phát triển thành dòng văn
thơ tự trào.
Qua việc hoàn thành đề tài luận văn, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về thơ
tự trào của Tú Xương trong văn học Trung đại Việt Nam.
4. Phạm vi nghiên cứu
Trong giới hạn của đề tài, chúng tôi chủ yếu khảo sát thơ tự trào Tú Xương ở hai
phương diện nội dung và nghệ thuật để làm nổi bật đóng góp của thơ tự trào Tú Xương
trong việc đưa thơ tự trào phát triển thành dòng thơ tự trào. Tài liệu được dẫn liên quan
đến thơ tự trào của Tú Xương chủ yếu dựa vào hai quyển Tú Xương giai thoại [20] và
Tinh hoa văn học Việt Nam – Văn học thế kỷ XIX (tập 6) [21].
Trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi có sử dụng thêm các tài liệu khác
có liên quan đến đề tài, chủ yếu dựa vào những quyển: Từ điển thuật ngữ văn học, Từ
điển Tiếng Việt, Lí luận văn học (tập 2) [4], Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII
– hêt thế kỷ XIX) [11], Trần Tế Xương – về tác giả và tác phẩm [16],...
5. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài chúng tôi đã sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau.
Phương pháp phân tích – tổng hợp giúp làm sáng tỏ đặc điểm về nội dung và
nghệ thuật thơ tự trào của Tú Xương.
Phương pháp thống kê phân loại để thống kê tổng số lượng bài thơ tự trào của Tú
Xương, thống kê thơ tự trào của Tú Xương về mặt nội dung (bao gồm về diện mạo và
cuộc sống) và về nghệ thuật (chủ yếu về thể thơ và ngôn ngữ thơ) nhằm làm cơ sở tư
liệu để luận văn có thể phân tích, tổng hợp, rút ra những kết luận khoa học.
Phương pháp so sánh nhằm thấy được sự kế thừa và sáng tạo của Tú Xương trong
thơ tự trào so với các nhà thơ khác cùng viết về đề tài tự trào.
9
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Khái quát về thơ tự trào
1.1.1. Khái niệm tự trào
Cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm rõ ràng và chính xác nào về tự trào.
Nhưng qua nghiên cứu và tìm hiểu có thể đưa ra khái quát chung nhất. “Tự trào” được
xem là một mảng của thơ ca trào phúng Việt Nam, trong đó đối tượng trào phúng là
chủ thể (Chủ thể ở đây được hiểu là chính bản thân tác giả).
Muốn hiểu được khái niệm “tự trào”, trước hết chúng ta phải tìm hiểu thế nào là
“trào phúng”.
Trong cuốn “Từ điển Hán Việt” từ “trào phúng” được giải nghĩa như sau: Trào là
cười (cười nhạo), giễu (chế giễu). Phúng là nói bóng gió, nói ví. “Trào phúng” có
nghĩa là nói ví để cười nhạo, là châm biếm giễu cợt. “Trào phúng” cũng có nghĩa
mượn lời bóng gió để tạo ra tiếng cười châm biếm, giễu cợt.
Từ giải thích trên, ta có thể suy rộng ra nghĩa của từ “tự trào”: Tự có thể là tự
mình, tự chính bản thân mình. Trào là cười (chế nhạo), giễu (chế giễu).
Như vậy, “tự trào” là tự cười mình, tự chế giễu mình. Thơ tự trào là thơ làm ra
để tự cười mình mà đối tượng được cười nhạo trong thơ tự trào chính là chủ thể. Nói
cách khác, đối tượng cười nhạo trong bài thơ là chính tác giả. Cũng có thể nói thơ tự
trào là thơ trào phúng mà trong đó đối tượng trào phúng chính là bản thân chủ thể trữ
tình.
1.1.2. Quá trình hình thành và phát triển thơ tự trào trong văn học Trung
đại
Thơ tự trào là một bộ phận nằm trong mảng thơ trào phúng. Để xác định thời
gian ra đời chính xác của thơ tự trào là rất khó khăn, bởi nhiều lí do mà trong đó lí do
chính là vì lúc này thơ tự trào chưa phát triển mạnh. Nó chỉ mới là những bài thơ có
yếu tố “tự trào” được các nhà thơ, nhà nho sáng tác bộc phát để bày tỏ nỗi lòng, tâm sự
của chính mình.
Ta có thể ước đoán vào thời điểm văn học trào phúng ra đời cũng là lúc xuất hiện
thơ tự trào. Nó bắt đầu từ thế kỷ XVI, khi xã hội phong kiến Việt Nam bắt đầu có
10
những biểu hiện của sự đi xuống, sự suy thoái của các giá trị đạo đức và xuất hiện
nhiều tệ nạn xã hội; khi mà chế độ phong kiến bộc lộ bản chất xấu xa, đáng bị lên án.
Yếu tố “tự trào” đã sớm xuất hiện từ trong văn học dân gian thông qua những câu
tục ngữ, những bài ca dao và nhất là những câu vè châm biếm thói hư tật xấu của
người đời, của cường quyền. Đội ngũ sáng tác văn học dân gian chủ yếu là người dân
lao động. Trong lúc làm việc mệt nhọc, họ muốn tạo ra tiếng cười để xua tan đi những
ưu phiền, mệt nhọc của cuộc đời. Khi đó, ca dao tự trào chỉ là những bài ca dao vang
lên tiếng cười tự bản thân mình, tự cười mình, hoàn cảnh của mình nhằm mục đích
mua vui, giải trí, bài tỏ bản thân. Ví dụ như bài ca dao sau:
Chồng còng mà lấy vợ còng,
Nằm phản thì chật nằm nong thì vừa.
Hay:
Lấy chồng từ thủa mười ba
Đến nay mười tám thiếp đà năm con
Ta thấy trong văn học dân gian yếu tố tự cười, tự mỉa mai bản thân trong các câu
ca dao, câu vè là không thật sự rõ nét. Đến thế kỷ X, khi văn học viết chính thức ra đời
(lúc này chỉ sử dụng chữ Hán để sáng tác văn thơ), ta thấy thấp thoáng tiếng cười giải
trí của các văn sĩ trong những lúc bình văn, đối ngẫu. Phong cách trang nghiêm, cổ
kính của văn chương chữ Hán đã chi phối mạnh mẽ ngòi bút của người sáng tác. Từ
cuối thế kỷ XII đến thế kỷ XVI, tiếng cười có màu sắc hơn để phán ánh thế thái nhân
tình. Tuy nhiên do tính chất giáo hóa và quy phạm phi ngã hóa của văn chương nhà
nho nên hình thức tự trào trong thơ trào phúng nhà nho không phát triển thành dòng
thơ tự trào mà chỉ dừng lại ở mức độ như một kiểu “ngôn chí” của các nhà nho.
Chính vì thế, tác phẩm văn học từ khoảng thế kỷ XVI trở về trước, dù viết bằng
Hán hay chữ Nôm, hiếm khi chọn trào lộng làm cảm hứng chủ đạo. Thấp thoáng ta chỉ
thấy nụ cười như kiểu Nguyễn Bỉnh Khiêm cười nhân thế:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao.
(Vô đề, bài 73)
Câu thơ trên tạo ra hai đối cực: một bên là nhà thơ xưng “Ta” một cách ngạo
nghễ, một bên là “Người”; một bên là dại của Ta, một bên là khôn của Người; một
“nơi vắng vẻ” với một “chốn lao xao”. Đằng sau những đối cực ấy là những ngụ ý tạo
11
thành phản đề khẳng định cho thái độ sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bản thân nhà thơ
nhiều lần đã định nghĩa dại – khôn bằng cách nói ngược này. Bởi vì người đời lấy lẽ
dại – khôn để tính toán, tranh giành thiệt hơn, cho nên thực chất dại – khôn là thói thực
dụng ích kỷ làm tầm thường con người, cuốn con người vào dục vọng thấp hèn. Mượn
cách nói ấy, nhà thơ chứng tỏ được một chỗ đứng cao hơn và đối lập với bọn người mờ
mắt vì bụi phù hoa giữa chốn lao xao. Tiếng cười của Nguyễn Bỉnh Khiêm được cất
lên nhẹ nhàng và nụ cười ấy không làm mất đi dáng dấp đứng đắn của một nho sĩ.
Thâm thúy pha lẫn ngao ngán, cái cười của Nguyễn Bỉnh Khiêm nghiêng hẳn về
hướng phê phán. Nhà thơ không phải tự giễu mình mà chẳng qua mượn cách nói
ngược làm phương tiện hữu hiệu để khắc họa sự đảo chiều của những giá trị trong cuộc
sống: đạo đức bị hạ thấp, quyền lực và đồng tiền lên ngôi.
Và yếu tố “tự trào” chỉ thật sự có màu sắc rõ nét từ thế kỷ XVIII với sự xuất hiện
tiếng cười trong thơ Nôm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bằng tài năng nghệ thuật của
mình, Hồ Xuân Hương đã tạo nên một ngôn ngữ riêng, một giọng điệu riêng: vua,
chúa, anh hùng, văn nhân, tài tử... mất đi cái vẻ thiêng liêng, đạo mạo, trong văn
chương bác học của nhà Nho chính thống và phi chính thống. Tiếng cười trong thơ Hồ
Xuân Hương là tiếng cười suồng sã mang sinh khí của cuộc sống phàm tục. Xót xa, tủi
phận cho hoàn cảnh của bản thân, Hồ Xuân Hương đã mượn những trang thơ để phô
bày những bực tức, ghét giận của bà đối với những cái xấu trong xã hội. Thơ Hồ Xuân
Hương mang đậm chất trào phúng, thông qua đó thể hiện thái độ châm biếm, phê phán
của bà. Sáng tác của Hồ Xuân Hương còn trực tiếp nói đến bản thân mình bằng một
giọng văn cáu gắt nhưng thật cảm động. Đó là những bài than trách số phận hồng
nhan, tình cảnh đơn chăn gối chiếc. Bà đã cho ta thấy cái tình cảnh đáng thương của
người đi làm lẽ, với cái tâm lý của người đã từng sống trong cảnh, và với một giọng
điệu bực tức, vừa mỉa mai, vừa chua chát, mỗi chữ gieo xuống là một tiếng nguyền rủi
nặng nề:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
(Lấy chồng chung)
Bao lần tủi phận cho kiếp má hồng, Hồ Xuân Hương đã bật lên tiếng nói chống
đối lại sự hà khắc của chế độ phong kiến bằng giọng đùa hóm hỉnh của người đàn bà
chửa hoang:
12
Quản bao miệng thế lời chênh lệch
Không có nhưng mà có mới ngoan
(Không chồng mà chửa)
Bên cạnh đó, tiếng cười tự trào của bà chỉ là để khẳng định bản thân:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
(Mời trầu)
Nhìn chung, tiếng cười trào lộng của Hồ Xuân Hương nhằm mục đích châm
biếm, mĩa mai cái xấu xa, bất công của xã hội; đồng thời lên tiếng đòi quyền bình đẳng
cho người phụ nữ.
Đến thế kỷ XVIII với tác phẩm của Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát, cái áo
khoác đẹp đẽ về cuộc sống hàn nho bị xé rách, phơi bày ra đủ mọi điều đắng cay, cực
nhục. Nhà nho không thể đứng ngoài phán xét đồng tiền như cách hành xử của Nguyễn
Bỉnh Khiêm hơn hai trăm năm trước. Nhà nho chịu ảnh hưởng nhiều từ tư tưởng thị
dân cũng cần ăn, cần mặc và nuôi sống gia đình. Tất cả những vất vả, chua chát ấy
được Nguyễn Công Trứ, kể lại rất thành thật:
Chém cha cái khó,
Chém cha cái khó.
Khôn khéo mấy ai?
Xấu xa một nó.
Đó là hai câu mở đầu của bài phú Hàn nho phong vị phú, một bài phú về cái
phong vị của nhà nho nghèo. Toàn bộ bài phú là lời tự trào của một học trò nghèo khi
nói về cái khổ, cái khó của mình. Cảnh nghèo ấy được vẽ ra cùng cực tưởng như
không thể nghèo hơn: nhà cỏ, tường mo, cửa nhiện, vách thủng, mái dột.... Tuy nhiên,
dù viết về cái nghèo khó nhưng nhà thơ không hề than thân trách phận mà thể hiện
bằng giọng văn hóm hỉnh, nét tả ngộ nghĩnh. Có khi ông đùa giỡn với cái nghèo, bỡn
cợt trong cảnh nghèo, ra chiều phong lưu sướng khoái với nếp sinh hoạt của kẻ khó:
Đỡ mồ hôi võng lác, quạt mo
Chống hơi đất dép da, guốc gỗ
Miếng ăn sẵn cà non mướp luộc, ngon khéo là khon
Đồ chơi nhiều quạt sậy điếu tre, của đâu những của.
13
Khi gặp những tình huống đầy "nguy kịch" như kiểu "con khóc đòi ăn, chủ nợ
réo tiền", tuy có khiến ông phải "vò đầu bứt tai" mà nghĩ ra trăm phương nghìn kế để
vượt qua - làm thầy thuốc, thầy cúng, thầy bói, thầy địa lý, đi buôn, đánh bạc - song
Nguyễn Công Trứ vẫn có thể đùa bỡn được:
Mất việc toan giở nghề cơ tắc, tủi con nhà mà hổ mặt anh em
Túng đường mong quyết chí cùng tư, e phép nước nên chưa gan sừng sỏ
Qua đây ta thấy Nguyễn Công Trứ cũng dùng tiếng cười để giải bày lòng hết nỗi
của mình nhưng với một cách rất khác người. Tuy nhiên, tiếng cười trong thơ ông chỉ
mới dừng lại ở ý nghĩa khẳng định giá trị của bản thân. Ông cất lên tiếng cười để xua
tan sự đè nặng u ám của cảnh nghèo.
Khác với cái cười ngất ngưởng, ngông nghêng của Nguyễn Công Trứ là cái cao
ngạo của Cao Báo Quát trong bài phú Tài tử đa cùng phú:
Có một người:
Khổ dạng trâm anh,
Nết na chương phủ.
Hơi miệng sữa, tuổi còn giọt máu,
nét hào hoa chừng ná Tân Dương!
Chòm tóc xanh, vừa chấm ngang vai,
lời khí nghiệp những so Y, Phó.
“Tài tử đa cùng” nghĩa là người tài tử gặp lắm nỗi cùng khổ. Bài thơ là lời than
cảnh cùng cực của Cao Bá Quát, đồng thời cũng thể hiện khí tiết cao ngạo của ông.
Hầu như nhà thơ, nhà nho nào cũng có một vài bài để tự trào, tự thuật. Trong nụ
cười mang tính chất tự tiếu và tiếu ngã ấy các nhà nho đã đem bản thân ra làm đối
tượng để cười: cười bản thân mình để tự răn mình tránh vấy bẩn những điều xấu xa.
Yếu tố tự trào trong thơ văn đã xuất hiện từ rất sớm, khởi nguồn với ca dao trào phúng.
Qua bao thế kỉ, cái cười hài hước, châm biếm đã được phát triển hơn trong văn học
viết với sự bùng phát trước hiện tượng lạ Hồ Xuân Hương và chưa thật rõ nét ở
Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát nhưng nó sẽ là nền tảng để những sáng tác văn thơ tự
trào tiếp tục phát triển.
Đến cuối thế kỉ XIX, đất nước ta xảy ra nhiều biến động lớn. Pháp xâm chiếm
Việt Nam, sau đó thực hiện chính sách bình định khiến xã hội Việt Nam có nhiều biến
đổi. Nền tảng hệ tư tưởng phong kiến bị lung lay. Lối sống Âu hóa du nhập trong khi
14
hệ tư tưởng cũ vẫn tồn tại, tạo nên một sự lai căng đến lố bịch. Cả xã hội chao đảo
trong cơn biến động dữ dội. Tình trạng ấy đã tạo nên những cảnh huống dở khóc dở
cười. Bộ mặt văn học giai đoạn này có nhiều thay đổi. Đó chính là nguyên nhân làm
nên tiếng cười đa thanh trong sáng tác của các nhà thơ lúc bấy giờ. Thơ văn tự trào
cũng bị ảnh hưởng một phần. Bây giờ không chỉ có tiếng cười cái xã hội thối tha, bông
phèn, mà các nhà thơ còn cười chính bản thân mình; không chỉ có cái cười đả kích,
châm biếm mà cả cái cười đớn đau, chua xót.
Tiêu biểu cho tiếng cười tự trào ấy phải nhắc đến đầu tiên là Nguyễn Khuyến.
Đọc thơ tự trào của Nguyễn Khuyến, ta bắt gặp cái cười hóm hỉnh, kín đáo, thâm trầm
mà sâu sắc. Trong thơ ông, thường có sự kết hợp giữa cái nhìn trào lộng với cái tôi trữ
tình. Điều này dẫn đến thơ trào phúng Nguyễn Khuyến có sự ra đời của những bài thơ
tự trào và cảm thán thời thế.
Nguyễn Khuyến cười với chính ông, cười cho cái già đang dần tới:
Ông chẳng hay ông tuổi đã già
Năm mươi, ông cũng lão đây mà
Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ
Có rượu, thời ông chống gậy ra…
(Lên lão)
Đôi khi, ông tự phô bày bản thân mình từ nhiều góc độ: dáng vẻ, phẩm chất,
tính cách đến bản thân và gia đình. Ông đã tự vẽ chân dung:
Cũng chẳng giàu, mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy, chẳng béo, chỉ làng nhàng.
Cờ đang dở cuộc, không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!
(Tự trào)
Cái giàu và cái sang là hai nét tiêu biểu cho cái có ngoại thân, Nguyễn Khuyến tự
xét là mình đã buông bỏ cả hai. Cái gầy và cái béo là cái có trên bản thân, ông thấy
mình không có cả hai mà chỉ làng nhàng. Cuộc cờ canh bạc phải chăng là nhưng thú
15
vui trong cuộc sống tranh đua, thì ông không còn nước đi, hay là ông không muốn chơi
tiếp; hoặc ông chạy làng, chẳng vì ăn non, mà vì không còn thấy thích thú. Thái độ đó
người đời khó chấp nhận được và cho ông là gàn. Ngay cả đến việc ông đoạt đươc bia
xanh bảng vàng ngày nay cũng thành vô nghĩa.
Nhìn chung, đến với Nguyễn Khuyến thơ tự trào đã có nhiều nét mới hơn so với
trước. Nhà thơ đã nhìn nhận ra bản chất thật của xã hội này nên ông đau đớn vì mình
cũng chỉ là “quan nhọ”, là “tiến sĩ giấy” để “dử thằng cu” mà thôi. Thơ tự trào của
Nguyễn Khuyến thể hiện những kiễu cười, giễu cợt bản thân nhưng đó là tiếng cười
theo kiểu tự trào của các nho sĩ xưa. Giễu mình để tự khẳng định mình. Với hướng tự
trào như vậy, Nguyễn Khuyến vẫn chưa toát khỏi dòng thơ tự trào theo hướng khẳng
định bản ngã trong thơ trào phúng nhà nho.
Và thơ tự trào thật sự tạo ra một bức phá ngoạn mục khi có sự xuất hiện của Tú
Xương. Là bậc hậu sinh của Nguyễn Khuyến, Tú Xương chứng kiến xã hội lố lăng,
kệch cỡm đến mỉa mai. Cùng với nỗi ngậm ngùi vì thi hỏng, buồn rầu vì nho học suy
tàn, đau đớn vì cảnh nghèo túng…khiến cho thơ ông có cái giọng châm biếm, sắc cạnh
trực diện, nhiều khi tự khuếch trương, phóng đại cái đáng cười của bản thân, để rồi
tung hê tất cả. Điều đó đã tạo ra trong thơ Tú Xương một kiểu cười tự trào phúng thế
thị dân, một kiểu tự trào mang đậm cái tôi, kiểu tự trào bôi xấu bản thân tạo ra tiếng
cười châm biếm, giễu bản thân rất quyết liệt. Ông châm biếm bản thân, chế giễu bản
thân không phải là để tự khẳng định mình mà là một cách giải thoát. Đó là tiếng cười
giải thoát, giải thoát bản thân ra khỏi sự u uất, bất mãn với mình với đời. Với kiểu tự
trào như thế, Tú xương đã tạo nên sắc thái hiện đại cho văn học trào phúng Trung đại
và đưa thơ tự trào phát triển thành dòng văn thơ tự trào với sự góp mặt của những nhà
thơ tự trào mới thời kỳ sau này như: Tản Đà, Tú Mỡ...
1.2. Hiện thực xã hội Việt Nam qua thơ tự trào Tú Xương
Một trong những đóng góp độc đáo, sâu sắc làm nên giá trị trong toàn bộ sáng tác
của Tú Xương là việc ông đã mang đến cho văn học một bức tranh đời sống, không
những chân thực, đa dạng mà rất cụ thể, chi tiết. Phản ánh hiện thực là mục đích cuối
cùng của sáng tạo nghệ thuật chân chính. Qua thơ tự trào, Tú Xương đã thể hiện một
bức tranh hiện thực nhiều vẻ, sinh động về xã hội Việt Nam buổi đầu vào những năm
cuối của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đây là một giai đoạn lịch sử mà đất nước ta
diễn ra nhiều biến động lớn: sự suy thoái của chế độ phong kiến bên cạnh phong trào
16
chống Pháp đang bị đàn áp dã man và thực dân Pháp đã bắt đầu cuộc khai thác thuộc
địa lần thứ nhất. Tự lấy mình ra để tự trào, Tú Xương không chỉ tự làm xấu mình đi mà
còn phản ánh cái bộ mặt xấu xa của thời đại, đồng thời cũng phản ánh tâm sự của
những người thất thế trước sự sa đọa của xã hội mới.
1.2.1. Sự xuống cấp của các giá trị đạo đức
Đối với Tú Xương, một con người chỉ sống quanh quẩn ở thành Nam Định, điều
đập vào mắt ông rõ rệt nhất là những cái lố lăng, kỳ quặc của xã hội vào buổi giao thời
ấy và nhà thơ đã ghi lại rất sinh động, những người, những cảnh, những tập tục của xã
hội đó. Bức tranh xã hội Việt Nam trong thơ tự trào Tú Xương, trước hết là bức tranh
của thành phố Nam Định những năm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Nhưng Nam
Định là một trong những thành phố bị chiếm đầu tiên trên miền Bắc, cuộc sống thực
dân đã sớm cắm rễ ở đây. Nó là hình ảnh thu nhỏ lại, đồng thời cũng tập trung hơn
cuộc sống xã hội thực dân nửa phong kiến sẽ tràn lan sau này. Tú Xương viết về Nam
Định nhưng ý nghĩa của những bài thơ của ông không chỉ bó hẹp ở một địa phương,
mà còn tiêu biểu cho bức tranh chung của xã hội Việt Nam trong buổi giao thời, từ xã
hội phong kiến sang xã hội thực dân nửa phong kiến.
Nam Định là một đô thị sầm uất, người mọi tu trí làm ăn khi xưa không còn nữa
mà thay vào đó là một đô thị xô bồ, cuộc sống đảo lộn, đạo đức xuống cấp.
Nguyên nhân chính là do sức mạnh thế lực đồng tiền đã bắt đầu ngự trị và ra sức
tác oai tác quái theo kiểu: “Có tiền mua tiên cũng được”. Đồng tiền đã thật sự làm đảo
lộn xã hội. Nó làm cho đạo đức suy đồi từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Một
trật tự xã hội hỗn độn và xáo trộn vì thế lực của đồng tiền. Tiền là trên hết:
Kẻ yêu người ghét hay gì chữ,
Đứa trọng thằng kinh chỉ vì tiền.
(Thói đời)
Có thể thấy bức tranh hiện thực xã hội trong thơ tự trào của Tú Xương bị tha hóa
đến trầm trọng. Nào là cảnh:
Khăn là bác nọ to tày rế
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè
Công đức tu hành sư cũng lọng
Xu hào rủng rỉnh, Mán ngồi xe
(Năm mới)
17
Vì tiền mà bao xấu xa, nực cười, quái gở, lố lăng trong xã hội ngày càng được
phơi bày. Những cám vỗ về vật chất phù hoa đã làm cho con người mù quáng, khiến
không còn phân biệt được đâu là đẹp đâu là xấu. Các “cô kia”, các “bác nọ” ăn mặc
chẳng giống ai. Kể cả thầy tu cũng dùng lọng che đi như quan lớn.
Không những thế, vì đồng tiền, con người lừa gạt nhau để sống, đối xử nha
không ra gì. Tình cha con, vợ chồng, tình bạn bè… đều bị chà đạp bởi thế lực của đồng
tiền. Bản thân Tú Xương cũng là nạn nhân của đồng tiền, vì quá tin tưởng vào bạn nên
phải mất cả đất, bán cả vườn để trả nợ:
Tin bạn hóa ra người thất thổ
(Gần tết than việc nhà)
Dưới con mắt của Tú Xương, xã hội của nhà nho, của đạo đức thánh hiền đã sụp
đổ, không còn chút thế lực. Trước kia, xã hội phong kiến ràng buộc con người bằng
đạo đức tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, những việc làm vô nhân đạo đều bị
xã hội quyết liệt lên án. Nhưng nay, dưới xã hội thực dân nửa phong kiến, những giá
trị, truyền thống tốt đẹp đã bị đạp đổ để nhường chỗ cho cái xấu xa, giả dối lên ngôi.
Chứng kiến thực tế phũ phàng cộng với hoàn cảnh nghèo khổ của bản thân, Tú Xương
cảm thấy mình vô tích sự:
Trời đất sinh ta chán vạn nghề
Làm thầy, làm thợ, lại làm thuê
Bác này mới thật thái vô tích
Sáng vác ô đi tối vác về
(Vô tích)
Tự mĩa mai mình không biết làm việc gì nhưng thật ra Tú Xương đang giễu cợt
những kẻ vô tích sự, biếng nhát, những người chồng vô dụng:
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
(Thương vợ)
Trong xã hội còn có những người mê muội, chạy theo danh vọng hảo huyền như
cha con của cụ xứ nhà kia:
Cụ xứ có cô con gái đẹp
Lăm le xui bố cưới làm chồng
(Đi thi nói ngông)
18
Tú Xương mắng nhiếc sâu cay vào cái xã hội vô tâm, mất hết tình người:
Người đói thì ta cũng chẳng no
Cha thằng nào có tiếc không cho
(Thói đời)
Sự chênh lệch đẳng cấp trong xã hội đã làm cho người nghèo luôn bị xã hội coi khinh.
Bọn nhà giàu thì ăn chơi phung phí, còn dân nghèo thì đói đến chết vẫn “tiếc không
cho”. Sự ích kỷ, vô nhân đạo của con người không chỉ ở kẻ giàu người nghèo mà ngay
chính những người cùng cảnh nghèo với nhau cũng đố kị, ghen ghét nhau:
Miếng ăn đến miệng là thưa kiện
Lúa rũ chân đê chửa được vò
(Thói đời)
Chung quy lại cũng vì nghèo đói, vì miếng ăn mà con người đối xử tệ bạc với
nhau như thế:
Một tuồng rách rưới con cùng bố
Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng
(Mùa nực mặc áo bông)
Thơ tự trào của Tú Xương thể hiện được một xã hội cũ đang tan rã và một xã hội
mới đang hình thành với những lố lăng, bất tài, vô đạo đức. Chán ngán trước sự đời
thay đổi nên ngày tết Tú Xương cũng chúc tết như ai, nhưng ông lại chúc cho cả thiên
hạ, lời chúc rất đặc biệt:
Bắt trước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người.
(Chúc tết)
1.2.2. Sự sụp đổ của nền Hán học
Thời đại Tú Xương sinh sống là thời đại của mầm tha hóa, lai căng đang mọc lên
nhanh chóng. Nó làm hoen ố, tiêu tan mọi danh dự, phẩm giá của con người. Chưa có
một giai đoạn nào trong lịch sử văn học dân tộc như giai đoạn này: khủng hoảng trầm
trọng về hệ ý thức xã hội, về chỗ dựa tinh thần. Nho giáo suy tàn, phá sản. Lão - Trang
hay Phật giáo cũng không còn đủ sức mạnh. Đạo Gia Tô giáo, Thiên Chúa Giáo mới
được du nhập vào nhằm củng cố, lấn át, đè bẹp nền văn hóa cổ truyền Việt Nam để
19
đưa người dân vào vòng ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Sự xuất hiện của chữ
Quốc ngữ đã thay cho chữ Hán, chữ Nôm; kèm theo đó là việc thi cử chữ Hán đang
trong tình trạng hấp hối. Điều đó đồng nghĩa với sự sụp đỗ hoàn toàn của nền Hán học
đã tồn tại lâu đời trên đất nước ta. Lối sống “tư sản hóa”, lối sống “Âu hóa” dần dần
hình thành, xâm nhập và tấn công vào lối sống phong kiến, lối sống cổ truyền của nhân
dân ta.
Đạo Nho một thời làm nền móng cho những luân lý, đạo đức của cả dân tộc. Nay
trong bối cảnh giao thời giữa nền văn học cũ và mới, chữ Nho đã mất dần vị trí của
mình, và đang chờ chết. Tú Xương là lớp nho sĩ cuối cùng chứng kiến bao quát cả một
nền Hán học sụp đổ. Sự giãy chết của chữ Nho cũng là nguyên nhân làm sụp đổ cả nền
Hán học nước nhà:
Nghe nói khoa này sắp đổi thi
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi!
Dẫu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút chì!
(Đổi thi)
Tú Xương chán ngán vì là nhà nho mà phải đi thi bằng chữ Quốc ngữ:
Ba kỳ trọn vẹn thêm kỳ nữa
Ú, ớ , u ,ơ ngọn bút chì
(Đi thi)
Thời thế thay đổi, sách vở thánh hiền cũng chẳng còn mất ai đọc nữa, giờ họ có
xu hướng: “Muốn bỏ văn chương, học võ biền”
Từ đó dẫn đến hệ quả đau xót là trong buổi lễ xướng danh khoa Đinh Dậu ta thấy
tình cảnh thảm hại của chế độ thi cử:
Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà
Cho thấy số lượng người đi thi rất ít nên phải nhập hai trường lại thi chung. Không còn
thấy cảnh uy nghiêm, trang trọng của một trường thi chữ Hán xưa kia mà nó đang lùi
dần trước uy thế của kẻ thù:
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,
Nó đỗ khoa này có sướng không !
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
20