Đặc điểm truyện ngắn của guy de maupassant
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
BỘ MÔN NGỮ VĂN
----------
VƯU HUYỀN TRÂN
MSSV: 6086222
ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN CỦA
GUY DE MAUPASSANT
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ văn
Cán bộ hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Cần Thơ, năm 2012
1
ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích, yêu cầu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁI QUÁT
1.1 Vài nét về văn học hiện thực Pháp thế kỷ XIX
1.1.1 Bối cảnh lịch sử xã hội
1.1.2 Tình hình văn học
1.2. Một số vấn đề chung về truyện ngắn
1.2.1 Khái niệm truyện ngắn
1.2.2 Đặc điểm truyện ngắn
1.2.2.1 Đặc điểm nội dung
1.2.2.2 Đặc điểm nghệ thuật
1.2.2.2.1 Dung lượng
1.2.2.2.2 Cốt truyện
1.2.2.2.3 Kết cấu
1.2.2.2.4 Tình huống truyện
1.2.2.2.5 Nhân vật
1.2.2.2.6 Nghệ thuật trần thuật
1.2.3 Đặc điểm truyện ngắn Pháp
1.3. Cuộc đời và sự nghiệp Guy de Maupassant
1.3.1. Cuộc đời
1.3.2. Sự nghiệp sáng tác
CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG
2
TRUYỆN NGẮN CỦA GUY DE MAUPASSANT
2.1. Hiện thực xã hội Pháp
2.1.1 Xã hội phân hóa sâu sắc
2.1.2 Con người thuộc xã hội thượng lưu
2.1.2.1 Thói tham lam
2.1.2.1 Sự vị kỉ, giả dối
2.1.3 Con người thuộc tầng lớp dưới của xã hội
2.1.3.1 Những biểu hiện phi đạo đức
2.1.3.2 Những số phận bất hạnh
2.1.3.3 Những tâm hồn cao thượng
2.2. Hiện thực về cuộc chiến tranh Pháp – Phổ
2.2.1 Cái nhìn của nhà văn về cuộc chiến tranh
2.2.2 Cái nhìn của nhà văn về con người trong chiến tranh
CHƯƠNG 3. ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT
TRUYỆN NGẮN CỦA GUY DE MAUPASSANT
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.1.1 Xây dựng nhân vật qua miểu tả ngoại hình
3.1.2 Nghệ thuật khắc họa tính cách
3.2. Kết cấu
3.2.1 Kết cấu tuyến tính
3.2.2 Kết cấu truyện lồng truyện
3.2.3 Kết cấu tâm lí
3.2.4 Kết cấu dưới hình thức thư từ, nhật kí
3.3. Tình huống truyện
3.4. Nghệ thuật trần thuật
3.4.1 Người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật
3.4.2 Ngôn ngữ
3.4.3 Giọng điệu
3.5. Yếu tố kỳ ảo
PHẦN KẾT LUẬN
3
TÀI LIỆU THAM KHẢO
4
PHẦN MỞ ĐẦU
5
1. Lí do chọn đề tài
Chủ nghĩa hiện thực phê phán là một trào lưu văn học ra đời trong điều kiện chế độ
tư bản chiếm địa vị thống trị, phong trào công nhân bắt đầu lớn mạnh và trào lưu chủ
nghĩa lãng mạn đang đi đến thoái trào. Những nhà văn đã tìm đến với chủ nghĩa hiện thực
như một cứu cánh cho sáng tác của mình, và nổi lên ở thời kì này đó là: Dicken (Anh),
Tolstoi (Nga), Puskin (Nga), Balzac (Pháp), Maupassant (Pháp)… Với cách nhìn mới đối
với cuộc sống, họ đã thành công trong việc vạch trần bản chất của xã hội đương thời, phê
phán thực tại tuy chưa tạo ra được viễn cảnh tương lai.
Trong những danh nhân văn học ấy, Guy de Maupassant được nhắc đến như một tài
năng văn chương của thế kỷ XIX không chỉ riêng ở Pháp nơi ông sinh sống mà còn trên
cả thế giới. Maupassant viết nhiều thể loại như: thơ, ký, tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn
nhưng nổi tiếng nhờ vào truyện ngắn. Truyện ngắn, một thể loại “nhỏ”, ít được các đại
văn hào đương thời xem trọng, nhưng với Maupassant, truyện ngắn đã biểu lộ được
những khả năng nghệ thuật rất lớn, với tất cả chiều sâu và dung lượng phong phú, trong
khuôn khổ nhỏ hẹp.
Với những tác phẩm đặc sắc và giá trị, Maupassant được tôn vinh như người tạo nên
dấu mốc cho thể loại truyện ngắn. Ông cũng được vinh danh trong hàng ngũ nhà văn hiện
thực phê phán xuất sắc của văn học thế giới. Bước vào thế giới truyện ngắn của ông, ta
nhận thấy rõ nhất chính là nét mới trong điểm nhìn và lí giải hiện thực xã hội rất độc đáo.
Hơn 300 truyện ngắn, Maupassant cố gắng không tự lặp lại và luôn tìm tòi cái mới, “cố
phát hiện được vẻ gì chưa ai thấy, chưa ai nói” bởi vì với ông “trong hết thảy mọi điều
đều có cái chưa được phản ánh… Vật tầm thường nhất cũng chứa đựng một chút lạ lùng.
Hãy tìm thấy cái lạ lùng ấy” [18; tr.575]
Không chỉ thế khi đi sâu vào nghiên cứu và tìm hiểu, ta thấy được một sự khác biệt
rất lớn trong tác phẩm của ông với những nhà văn đương thời. “Không còn những nhân
vật lớn lao đầy sức sống như trong tác phẩm của Balzac, Stendhal nữa mà nhân vật của
ông chỉ là những con người tầm thường, nhỏ nhen, tuy đôi khi giằng xé giữa đạo đức
thông thường và lòng tham, đôi khi cũng gắng gượng chống lại cái xấu thấp hèn với ý
thức muốn sống tốt hơn nhưng cuối cùng chút nhân cách ít ỏi còn lại đó phải đầu hàng”
[18; tr.575].
6
Chính sự độc đáo trong cách nhìn và lí giải vấn đề của ông nên người viết không
chút ngần ngại đi đến chọn đề tài “Đặc điểm truyện ngắn của Guy de Maupassant” cho
đề tài luận văn tốt nghiệp của mình. Qua đề tài này, người viết sẽ nghiên cứu, tìm tòi để
có thể thấy được sự đặc sắc, độc đáo về nội dung cũng như nghệ thuật trong truyện ngắn
của nhà văn Guy de Maupassant.
2. Lịch sử vấn đề
Trong quá trình nghiên cứu đề tài “Đặc điểm truyện ngắn của Guy de Maupassant”
người viết có khảo sát sơ lược về quá trình tìm hiểu, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu
về nhà văn Maupassant như cuộc đời, sự nghiệp văn chương của ông. Maupassant là nhà
văn Pháp nổi tiếng ở thế kỉ XIX, nhưng trước đây ở Việt Nam, do điều kiện đất nước
trong thời kì chiến tranh nên truyện ngắn của ông chưa được dịch thuật rộng rãi. Khi đất
nước thống nhất, chính trị ổn định, kinh tế phát triển, văn hóa tinh thần ngày càng được
nâng cao, văn học trong nước ngày càng có điều kiện tiếp thu nền văn học thế giới, cho
nên, các dịch giả Việt Nam cũng bắt đầu dịch tác phẩm nước ngoài, trong đó, có những
tác phẩm truyện ngắn của ông.
Năm 1880: Hướng Minh dịch truyện ngắn Viên mỡ bò.
Năm 1886: Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp xuất bản Tuyển tập
truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX do Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch đã dành hầu như
toàn bộ tập hai cho tác giả Maupassant.
Năm 2000: NXB Hội nhà văn xuất bản Tuyển tập truyện ngắn Guy de Maupassant
do Trọng Đức, Ngô Văn Phú, Lê Đức Mẫn, Trần Thanh Ái, Nguyễn Văn Sĩ, Trung Hiếu,
Hướng Minh, Vũ Đình Bình, Lê Hồng Sâm dịch.
Năm 2004: NXB Hội nhà văn xuất bản Guy de Maupassant tập truyện ngắn Đêm
Noel do nhiều tác giả dịch nhằm bổ sung thêm những tác phẩm của ông.
Bên cạnh đó có không ít các công trình nghiên cứu, tìm hiểu về tác giả, tác phẩm nước
ngoài trong đó có tìm hiểu về nhà văn Maupassant như: Quyển Văn học lãng mạn và văn
học hiện thực phương Tây thế kỉ XIX của Đặng Thị Hạnh và Lê Hồng Sâm, Lịch sử văn
học Pháp thế kỉ XVIII và thế kỉ XIX của Phùng Văn Tửu và Lê Hồng Sâm, Văn học Pháp
(tập 2) của Giáo sư Hoàng Nhân (chủ biên).
7
Đặt biệt, xuất hiện nhiều nhất là các công trình nghiên cứu luận văn tốt nghiệp đại
học do sinh viên thực hiện với các đề tài như: Vấn đề số phận con người trong truyện
ngắn của Guy de Maupassant, Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Guy de Maupassant,
So sánh hình tượng con người bé nhỏ trong truyện ngắn Guy de Maupassant với hình
tượng con người bé nhỏ trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan…
“Đặc điểm truyện ngắn của Guy de Maupassant” là một đề tài luôn thu hút sự quan
tâm của nhiều nhà nghiên cứu, nhưng hầu hết các tác giả trong các công trình nghiên cứu
thường giới thiệu khái quát về đặc điểm truyện ngắn của ông. Trong quyển Lịch sử văn
học Pháp thế kỉ XVIII và thế kỉ XIX của Phùng Văn Tửu và Lê Hồng Sâm có bài giới thiệu
về nhà văn Maupassant. Ở phần trình bày về nghệ thuật, tác giả đã đưa ra những nhận
định quan trọng như: “Truyện ngắn Maupassant nổi bật ở dung lượng súc tích, kết cấu
hoàn chỉnh, cách trình bày giản dị cô đọng và chiều sâu suy nghĩ” [18; tr.580]. Hay trong
quyển Văn học Pháp (tập 2), Giáo sư Hoàng Nhân có nhận xét về cách viết truyện của
nhà văn “Ông viết hết sức giản dị, đưa ra một vài nhận xét ngắn gọn, sắc sảo về cảnh trí,
hoặc các nhân vật, chọn một vài chi tiết thật đắt làm nổi bật tính cách nhân vật” [13;
tr.229].
Trong quyển Văn học lãng mạn và văn học hiện thực phương Tây thế kỉ XIX của
Đặng Thị Hạnh và Lê Hồng Sâm, cũng đưa ra ý kiến “… vũ khí nghệ thuật mạnh nhất
của Maupassant là sự châm biếm kín đáo toát ra từ bản thân tình thế, từ hành vi, tâm lí
nhân vật, từ sự phát triển của đề tài.” [7; tr.444].
Về nội dung, các bài giới thiệu về sự nghiệp sáng tác Maupassant cũng đã khái quát
được những nội dung chính trong truyện ngắn của Maupassant về hiện thực xã hội, con
người Pháp nửa cuối thế kỉ XIX. “Ông vạch trần thói vụ lợi, ích kỉ và giả dối – những nét
tiêu biểu của con người xã hội trưởng giả, trong rất nhiều truyện như: Cái thùng con,
Món gia tài, Bà Hermet, Người đã khuất,…” [13; tr.230], lời nhận định trong quyển Văn
học Pháp của Giáo sư Hoàng Nhân (chủ biên). Ở một đoạn khác cũng có viết
“Maupassant viết về những con người khốn khổ bị vùi dập, bị người đời bạc đãi, khinh
khi, với quan niệm cảm thông sâu sắc” [13; tr.230]. Maupassant với tâm hồn nhạy cảm,
ông thường đặt cái nhìn của mình vào những con người khốn khổ, những số phận nhỏ
nhoi vốn phải chịu bất hạnh đau khổ. Nhưng trong xã hội, Maupassant không chỉ nhìn
8
thấy mặt xấu xa, giả dối, tàn nhẫn và đau khổ của những kiếp người, mà ở đó, ông còn
phát hiện vẻ đẹp, hạnh phúc của con người. “ Một số truyện ngắn của Maupassant viết về
cái đẹp, về hạnh phúc của con người, về phẩm chất của những người lao động bình
thường: lòng đôn hậu của anh chàng Philippe (Bố của Simon), tình yêu chân thật, sâu
nặng của anh lính Boitlle và người đàn bà làm nghề độn ghế trong hai truyện ngắn cùng
tên.” [18; tr.579], trong quyển Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XVIII và thế kỉ XIX của Phùng
Văn Tửu và Lê Hồng Sâm. Tất cả đã tạo nên nội dung phong phú, đa dạng trong truyện
ngắn của ông.
Tóm lại, qua những công trình nghiên cứu trước, chúng ta đã có cái nhìn tổng quát
về đặc điểm truyện ngắn của nhà văn Maupassant, tuy nhiên, để tìm hiểu đầy đủ và sâu
sắc hơn đòi hỏi phải có sự đầu tư về mặt thời gian. Trong khuôn khổ luận văn này, người
viết hi vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để có thể hệ thống được toàn bộ những đặc
điểm truyện ngắn của Maupassant một cách khái quát, cụ thể và chi tiết nhất.
Dựa vào những công trình nghiên cứu trước làm nền tảng cơ sở, cùng với lòng đam
mê yêu thích tác phẩm truyện ngắn của Maupassant, người viết sẽ cố gắng làm nổi bật
được những giá trị độc đáo cả về mặt nội dung cũng như là nghệ thuật đã tạo nên thành
công trong tác phẩm của ông, tạo nên tài năng bậc thầy về truyện ngắn của thế giới.
3.Mục đích, yêu cầu
Với đề tài “Đặc điểm truyện ngắn của Guy de Maupassant” đặt ra cho người viết
những mục đích và yêu cầu sau:
3.1 Mục đích
Một là, thông qua một số tác phẩm của Guy de Maupassant mà người viết có thể
khái quát những đặc điểm nội dung, nghệ thuật độc đáo trong truyện ngắn của ông.
Hai là, thông qua đề tài này người viết muốn đưa đến cho người đọc những hiểu
biết về tác phẩm truyện ngắn của Maupassant, người được xem là một trong những bậc
thầy viết truyện ngắn trên thế giới.
Ba là, thông qua đề tài nghiên cứu này có thể củng cố những kĩ năng, kiến thức mà
người viết tiếp thu, học tập trên giảng đường đại học cũng như giúp cho việc học tập,
giảng dạy sau này.
9
3.2 Yêu cầu
Để khảo sát đề tài này thì yêu cầu đặt ra đối với người viết là:
Một là, phải tìm hiểu cuộc đời sự nghiệp của Guy de Maupassant và những vấn đề
liên quan đến đề tài như: văn học Pháp thế kỷ XIX và trào lưu chủ nghĩa hiện thực, đặc
điểm nội dung và nghệ thuật truyện ngắn…
Hai là, phải nắm bắt được cốt truyện trong những truyện ngắn của Maupassant.
Ba là, nêu lên được những đặc điểm nội dung, nghệ thuật nổi bật trong truyện ngắn
đã tạo nên tên tuổi nhà văn.
4. Phạm vi nghiên cứu
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, người viết sẽ đi sâu vào nghiên cứu, tìm
hiểu đặc điểm truyện ngắn Maupassant để thấy được những đặc sắc về nội dung cũng như
nghệ thuật trong truyện ngắn của Guy de Maupassant. Với số lượng truyện ngắn đồ sộ
hơn 300 truyện, người viết sẽ lựa chọn, hệ thống lại và khảo sát khoảng 50 truyện ngắn
được xem là thành công nhất về nội dung và nghệ thuật của ông.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài “Đặc điểm truyện ngắn của Guy de Maupassant” người viết đã
kết hợp nhiều phương pháp khác nhau sau:
Thứ nhất, người viết sử dụng phương pháp thống kê để hệ thống các tác phẩm
truyện ngắn, đồng thời, thu thập tài liệu và những bài viết có liên quan đến đề tài nghiên
cứu để phục vụ cho đề tài này.
Thứ hai, người viết sử dụng kết hợp các phương pháp phân tích, tổng hợp nghĩa là đi
vào tìm hiểu những vấn đề cụ thể được đặt ra sau đó phân tích, hệ thống lại và đưa ra
những kết luận chung về vấn đề đó.
Thứ ba, trong quá trình trình bày người viết sử dụng tất cả các thao tác nghị luận
như: giải thích, chứng minh, so sánh, bình luận để làm nổi bật những vấn đề được đặt ra.
Thứ tư, người viết kết hợp cả hai phương pháp diễn dịch và quy nạp để trình bày kết
quả thu được thông qua quá trình nghiên cứu đề tài này.
10
PHẦN NỘI DUNG CHÍNH
11
CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁI QUÁT
1.1. Vài nét về văn học hiện thực Pháp thế kỷ XIX
1.1.1 Bối cảnh lịch sử xã hội
Xã hội Pháp ở thế kỉ XIX là thế kỉ đầy những biến cố lịch sử trọng đại đối với nhân
dân Pháp và cả thế giới. Đây là quá trình di chuyển của giai cấp tư sản Pháp từ một lực
lượng tiến bộ chống phong kiến thành một thế lực hoàn toàn phản động thẳng tay đàn áp
giai cấp công nhân và nhân dân lao động; mặt khác giai cấp công nhân Pháp từ chỗ phụ
thuộc cho giai cấp tư sản đến chỗ trở thành một lực lượng chính trị độc lập chống giai cấp
tư sản. Nói một cách khác, mâu thuẫn giữa hai giai cấp tư sản và giai cấp vô sản là mâu
thuẫn cơ bản trong xã hội lúc bấy giờ. Mác và Ăngghen viết: “Giai cấp tư sản đã đem
một sự bóc lột công nhân vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng
những ảo tưởng tôn giáo và chính trị”.
Sau thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Bảy năm 1830 lật đổ vương Triều
Buôcbông, nền dân chủ tư sản được thành lập. Thực chất chính quyền nằm trong tay đại
tư sản, trước hết là bọn tư bản tài chính. Trong khi đó, sự phát triển của máy móc, hầm
mỏ, đường sắt giai cấp công nhân ngày càng đông đảo và tập trung hơn trước như ở Pari
năm 1838 đã có 250.000 công nhân trên số 900.000 người. Từ những năm 1831-1834,
nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra đòi tăng lương, giảm giờ làm nhằm cải thiện
đời sống.
Năm 1848 là “trận giao chiến lớn đầu tiên giữa hai giai cấp đối lập trong xã hội
đương thời” (Mác Đấu tranh giai cấp ở Pháp) [12; tr.97]. Cuộc cách mạng này đã lập ra
nền Cộng hòa II (1848 – 1851). Chính phủ này bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản và
hứa hẹn nhiều điều với giai cấp công nhân, nông dân lao động, nhưng trên thực tế không
thể dung hòa giữa hai giai cấp đối địch nhau: tư sản và vô sản. Tháng 6 năm 1848 cuộc
khởi nghĩa của giai cấp công nhân Pháp nổ ra nhưng nhanh chóng bị dập tắt.
Cháu của Napoleon I là Louis Bonaparte, một kẻ tự xem mình là người có khả năng
bảo vệ trật tự và ổn định xã hội, tháng 12 năm 1851 Louis Bonaparte đảo chính lật đổ nền
Cộng hòa, thành lập Đế chế II và tự xưng là Napoleon III. Thời kì này đánh dấu bước
12
phát triển mới của giai cấp tư sản. Năm 1870, Napoleon III tiến hành chiến tranh với nước
Phổ và liên tiếp thất bại, ngày 3-9-1870 nhân dân Pari biểu tình đòi phế truất Napoleon
III.
Ngày 4-9-1870, Đế chế II sụp đổ, nền Cộng hòa III được thành lập. Nền Cộng hòa
III giờ đây xem quần chúng cách mạng là mối đe dọa nguy hiểm hơn quân xâm lược Phổ
nên chấp nhận đầu hàng nước Phổ để rảnh tay đàn áp cuộc cách mạng. Thời gian này
nhân dân Pari tự thành lập Vệ quốc quân, tự vũ trang chống quân Phổ, bảo vệ thành phố.
Ngày 8-3-1871 thất bại trong âm mưu cướp vũ khí quân Vệ quốc, quân đội chính phủ rút
lui. Nhân dân lao động làm chủ Pari bầu hội đồng Công xã, nhưng đến ngày 25-5-1871
Công xã Pari bị dập tắt. Nền Cộng hòa III với chính sách bành trướng thuộc địa được chú
trọng từ thời Đế chế II, nước Pháp đã viễn chinh đánh chiếm các nước ở Châu Phi và Viễn
Đông để kiếm thị trường xuất khẩu hàng hóa, bóc lột tài nguyên và công nhân ở các nước
lạc hậu.
Nhìn chung, thế kỉ XIX trong khoảng thời gian (1830 -1880) là thế kỉ chiến thắng
của giai cấp tư sản Pháp và là thế kỉ bần cùng hóa của giai cấp công nhân đang trưởng
thành.
Trong tình hình chính trị như thế, xã hội ngày càng bị phân hóa, đặt biệt là khoảng
cách giữa người giàu và người nghèo, sự khủng hoảng về đạo đức, tinh thần, sự hoang
mang về chân lí và sự thật về sự thống trị của chủ nghĩa tư bản đang ngày càng trở nên
gay gắt. Trước tình hình đó, các nhà xã hội như Xanhximông, Sáclơ, Phuriê, Rôbe Ôwen
cho ra đời học thuyết chủ nghĩa không tưởng, tuy “kê đơn” một cách ảo tưởng – kêu gọi
bằng lòng bác ái của giai cấp thống trị để xây dựng xã hội công bằng, hợp lí, nhưng đã
“bắt mạch” đúng đắn những mâu thuẫn về áp bức giai cấp trong xã hội tư bản. Điều này
giúp ích cho việc nhận thức hiện thực xã hội lúc bấy giờ.
Về mặt sử học, các tác phẩm của Ghidô, Minhê, Chiêri - những sử gia tư sản Pháp
đã phê phán các sử gia phong kiến khi quan niệm rằng chế độ phong kiến là vĩnh hằng bất
biến, thắng lợi của cách mạng 1789 chỉ là ngẫu nhiên và sẽ bị đảo ngược. Họ đã chứng
minh rõ ràng sự thắng lợi của giai cấp tư sản đối với giai cấp phong kiến là một tất yếu
của lịch sử. Mặc dù các nhà sử gia đứng trên lập trường của giai cấp tư sản, nhưng luận
13
điểm của họ là tiến bộ, đúng đắn và vô hình trung đã vạch ra quy luật đấu tranh giai cấp
như một phương diện quan trọng trong động lực phát triển lịch sử.
Từ những năm 30 – 50 của thế kỉ XIX, nhân loại đã chứng kiến ba phát minh quan
trọng của thế giới, gồm định luật Bảo toàn và chuyển hóa năng lượng, học thuyết về Tế
bào và thuyết Tiến hóa. Đây là những phát minh vĩ đại đóng vai trò quan trọng trong cuộc
đấu tranh chống quan điểm siêu hình, phá tan quan niệm về sự bất động, bất biến trong tự
nhiên, chuẩn bị cho sự ra đời cho chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Xã hội nước Pháp nói riêng, các nước Tây Âu nói chung từ những năm 30 của thế kỉ
đã tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa giai cấp quý tộc-tư sản, giữa tư sản-vô sản và quý tộc-vô
sản. Mâu thuẫn này là nguyên nhân chính giữa các cuộc đấu tranh của thế kỷ XIX.
Trong bối cảnh lịch sử - xã hội như thế chủ nghĩa hiện thực ra đời đã đạt tới trình độ
nhận thức sâu sắc chân lí cuộc sống, thấu hiểu tính quy luật và quá trình phát triển lịch sử,
trông thấy lịch sử tự bộc lộ qua những mâu thuẫn đấu tranh giai cấp.
1.1.2 Tình hình văn học
Chủ nghĩa hiện thực là một trào lưu xuất hiện ở các nước Tây Âu nhưng bắt đầu ở
Pháp trong khoảng những năm 30 của thế kỷ XIX vào thời đại mà những vần thơ ủy mị
của Lamactine không còn được công chúng Pháp hoan nghênh nhiệt liệt. Chủ nghĩa hiện
thực xuất hiện và nhanh chóng phát triển một cách mạnh mẽ. Đây là một trào lưu văn học
có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới và để lại nhiều nhà văn, tác phẩm lớn có tầm vóc
quốc tế, có một sức sống lâu dài trên các chặng đường lịch sử như: Honore de Balzac,
Prosper Mérimée, Alexandre Dumas, Gustave Flaubert, Emile ZoLa, Guy de
Maupassant… họ đã vạch trần những bản chất xấu xa của xã hội đương thời.
Chủ nghĩa hiện thực ra đời dưới sự kết tinh những phản ứng của tầng lớp dân chủ
cấp tiến đối với những bất công của xã hội tư bản nhưng họ vẫn đặt hi vọng vào những
nhà tư sản tốt bụng. Giờ đây các nhà văn chân chính hoàn toàn thất vọng với chế độ tư
bản, quay về nhìn thẳng vào hiện thực, để vạch trần những tội ác của chúng. Đây là những
nguyên nhân sâu xa nhưng căn bản giải thích quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa lãng mạn
sang chủ nghĩa hiện thực trong văn học Pháp thời kỳ bấy giờ. Gắn liền với trên khi quay
về nhìn thẳng vào thực tại xã hội qua các cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp: tư sản, vô sản
các nhà văn chân chính không thể không thấy nổi bật lên vấn đề mâu thuẫn giai cấp là
14
một nội dung cơ bản của quan hệ xã hội. Tất nhiên trong những hình thái xã hội trước kia
vốn đã như vậy, nhưng chỉ đến với xã hội tư bản, mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp mới trở
nên sâu sắc, gay gắt nhất. Tuy nhiên, những nhà văn hiện thực để có thể nhìn thẳng vào
thực tại tránh những bệnh ảo tưởng, phiến diện thì những nhà văn này còn phải nhờ vào
“một trình độ tri thức nhất định về thế giới” là sự kết tinh của những thành tựu khoa học
lúc bấy giờ.
Trào lưu văn học hiện thực phê phán ra đời, có một khoảng thời gian tồn tại song
song và về sau lấn áp văn học lãng mạn do vậy chúng có sự liên quan mật thiết với nhau.
Văn học hiện thực phê phán và văn học lãng mạn (tích cực) có nhiều điểm chung như về
bối cảnh lịch sử, cơ sở ý thức. Stendhal, Balzac, Mérimée đã cùng các nghệ sĩ lãng mạn
đấu tranh chống chủ nghĩa cổ điển nhằm giải phóng và đổi mới văn học. Nhiều tác phẩm
đáng chú ý của hai trào lưu xuất hiện song song: Racine và Shakespeare năm 1825, Tựa
kịch Cromwell năm 1827, và từ 1830 đến 1832 là Hernani, Nhà thờ Đức bà Paris của
Hugo, Đỏ và Đen của Stendhal, Những cảnh đầu tiên trong Tấn trò đời của Balzac. “Tiểu
thuyết lãng mạn của Hugo, G. Sand chứa đựng những yếu tố hiện thực nhiều khi sâu sắc;
trong tác phẩm của Stendhal, Balzac, Mérimée, xuất hiện cái kì ảo, cảm hứng lãng mạn,
những nét phi thường của nhân vật.” [18; tr.330]. Điều khác biệt giữa hai trào lưu là ở
chỗ cùng bất bình với thực tại, nhưng các nhà văn hiện thực không quay lưng với thực tại,
thoát li nó bằng sự tìm tòi và thể hiện lí tưởng như các nhà văn lãng mạn, mà hướng về
chính thực tại ấy tìm cách thể hiện đúng như nó đã tồn tại. “Sự thật, sự thật chua chát” là
đề từ cuốn Đỏ và Đen của Stendhal, và hơn nửa thế kỉ sau, Một cuộc đời của Maupassant
lấy đề từ “Sự thật hèn mọn”. Khác với nhân vật thuộc trào lưu lãng mạn, nhân vật hiện
thực chịu sự chi phối của môi trường, tính cách của nhân vật được hình thành, chuyển
biến phù hợp với thực tế khách quan. Như những nhân vật Julien Sorel (trong Đỏ và Đen
của Stendhal), Lucien Chardon (Ảo tưởng tan tành, Bước thằng trầm của kỹ nữ của
Balzac), đường đời của các nhân vật này được biểu hiện như một quá trình mất dần các ảo
tưởng, nhân vật bị xã hội nghiền nát hoặc chinh phục xã hội bằng cách thích nghi với nó
và như vậy sự chinh phục đồng thời là sự đầu hàng như những nhân vật trong tác phẩm
của Balzac.
15
Năm 1848, cuộc cách mạng thất bại, văn học Pháp bước vào giai đoạn hàng loạt
những trường phái kế tiếp nhau xuất hiện như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực,
chủ nghĩa tự nhiên. Chủ nghĩa hiện thực trong giai đoạn này phát triển trong vòng vây của
đủ mọi khuynh hướng đặt biệt là ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên. Tuy nhiên, văn học
hiên thực vẫn xuất hiện những tác phẩm xuất sắc như: Bà Bovary (1856), Một tấm lòng
chất phác (1869) của Flaubert. Tiếp tục truyền thống của Balzac, Stendhal, Flaubert là
Guy de Maupassant, học trò của Flaubert với những tác phẩm Một cuộc đời, Anh bạn điển
trai cùng những truyện ngắn đặc sắc như Viên mỡ bò, Người đã khuất, Con quỷ, Cô Fifi…
Ông đã thổi bùng lên luồng sinh khí mới, mạnh mẽ rộng lớn mà Stendhal, Balzac không
có. Đó là vấn đề chiến tranh, hòa bình được đề cập đến và nhìn nhận ở nhiều góc độ.
Nhìn chung, văn học giai đoạn này đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn,
với các tác phẩm mang tính xã hội có nội dung phong phú, sâu sắc và nghệ thuật cao. Guy
de Maupassant đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển văn học hiện thực phê phán.
1.2. Một số vấn đề chung về truyện ngắn
1.2.1 Khái niệm truyện ngắn
Trong thực tế sáng tác, truyện ngắn là một thể loại có nhiều biến thiên so với các thể
loại văn học khác. Các tác phẩm ngắn ngày càng đa dạng hơn, tới mức khó tìm ra được
định nghĩa cho phép gom hết nét vẻ riêng của chúng. Nguyên nhân là do các nhà nghiên
cứu đứng ở nhiều góc độ khác nhau để nhìn nhận và đưa ra khái niệm. Sau đây, là một số
quan điểm tiêu biểu về khái niệm truyện ngắn của các nhà nghiên cứu, nhà lí luận, nhà
văn trong và ngoài nước.
Trong Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi
quan niệm “Truyện ngắn là một tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung của thể loại truyện ngắn
bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống, đời tư, thế sự hoặc sử thi, nhưng nét độc
đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn viết ra để tiếp thu liền một mạch không nghỉ” [6;
tr.370]. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cũng nhận định: “Truyện ngắn là tác phẩm văn
xuôi cỡ nhỏ dung lượng hạn chế, phải nói là nhỏ hơn hẳn so với hai thể khác là truyện
vừa và tiểu thuyết” [1; tr.37]. Hay nhà văn Nguyễn Công Hoan thì cho rằng “Truyện ngắn
không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết với sự bố trí chặt chẽ
và bằng thái độ với cách đặt câu có cân nhắc” [11; tr.15]
16
Qua một số khái niệm về truyện ngắn trên, ta thấy dù xét ở phương diện nào thì các
quan điểm này có phần tương đối giống nhau. Họ đều cho rằng, truyện ngắn là một thể
loại tự sự cỡ nhỏ chỉ là “lát cắt của cuộc sống” và khác với các thể loại khác ở dung
lượng, tính chất nắm bắt cuộc sống của nó. Dung lượng tuy ngắn nhưng chứa cả một nội
dung phong phú và đa dạng đòi hỏi nhà văn phải nhạy bén, tinh tế để diễn đạt một cách cô
đọng, hàm súc.
Các nhà nghiên cứu truyện ngắn trên thế giới cũng đưa ra một số quan điểm khác
nhau dựa trên những lí lẽ, giải thích nhằm thuyết phục người tiếp nhận nhưng nhìn chung
họ đều đề cập đến một số phương diện sau:
Thứ nhất, truyện ngắn đề cập đến những vấn đề cuộc sống xã hội và con người, phải
tái hiện được toàn bộ hiện thực của xã hội, con người trong thế giới thực tại qua câu
chuyện mà tác giả viết.
Thứ hai, truyện ngắn phải là thể loại đúng như tên gọi của nó là “ngắn” nhưng nó
phải chứa đựng được mọi “biến động trong cảm hứng” của người viết.
Đây là hai phương diện mà nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn đã khẳng định.
Nhà văn Mĩ U. Xaroyan cho rằng: “Truyện ngắn, là một thể tài văn học sinh ra một cách
tự nhiên trong những câu chuyện hằng ngày, những câu đùa, những lời trêu chọc giữa
người nọ và người kia. Nó hết sức dẻo dai để thích hợp với mọi biến động trong cảm
hứng cũng tức là tải được mọi sắc thái và tài năng của người kể chuyện” [11; tr.104].
Nhà phê bình văn học N.A.Gulaiep quan niệm: “Truyện ngắn là một hình thức tự sự loại
nhỏ, trong đó nó khác truyện vừa ở dung lượng nhỏ hơn tập trung mô tả một sự kiện nào
đó thường xảy ra trong đời sống của một nhân vật, hơn nữa thường bộc lộ một nét nào đó
của nhân vật” [11; tr.146]. Hay Sêkhốp thì: “Truyện ngắn là một thể tài dân chủ bậc
nhất, bởi một cuộc đời nhạt nhẽo đến như thế nào, ít nhất có thể làm đầy một truyện
ngắn. Truyện ngắn dao động trên một biên độ rộng lớn, bởi ngay đối tượng miêu tả đã
quy định cho nó cái quyền rộng lớn như vậy” [11; tr.183].
Dựa trên việc tìm hiểu một số quan điểm về khái niệm truyện ngắn của các nhà
nghiên cứu trong và ngoài nước, chúng ta có thể hiểu truyện ngắn là một thể loại tự sự cỡ
nhỏ, đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của
17
truyện ngắn là phải “ngắn” nhưng nó có một sức chứa và sức nặng vượt ra ngoài cái
khuôn khổ “ngắn” mà loại hình quy định.
1.2.2 Đặc điểm truyện ngắn
1.2.2.1 Đặc điểm nội dung
Truyện ngắn không chỉ đơn thuần vì “chuyện” của nó “ngắn” mà còn phải biết cách
nắm bắt cuộc sống. Nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm nhiều phương diện của
đời sống con người và xã hội, truyện ngắn có thể kể về cả một cuộc đời hay một đoạn đời,
một sự kiện, một bước ngoặt hay một giây phút trong đời sống nhân vật, nhưng cái chính
của truyện ngắn không phải là hệ thống sự kiện, mà là cái nhìn tự sự với cuộc đời. Nếu
như tiểu thuyết phản ánh một cách toàn vẹn và sinh động hiện thực đời sống, miêu tả tỉ mỉ
từng bước thăng trầm của số phận nhân vật thì truyện ngắn chỉ tập trung nắm bắt một
bước ngoặt, một trường hợp nào đó hay tâm trạng nhân vật để làm nổi bật lên vấn đề, tuy
lời ít nhưng ý vị lại sâu xa, gợi cho người đọc sự suy ngẫm về cuộc đời, thế sự.
Với tư cách là một thể tài tự sự, truyện ngắn cũng phản ánh hiện thực xã hội và phản
ánh đời sống tâm hồn, tình cảm con người. Tuy nhiên, so với các thể loại tự sự khác thì
truyện ngắn vẫn mang những nét riêng về nội dung. Các thể loại như tiểu thuyết, truyện
dài là những thể tài mà quy mô cho phép chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự toàn vẹn,
đầy đặn của nó, còn truyện ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện
một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay trong đời sống tâm hồn con người. Thông
qua việc khắc họa một hiện tượng nào đó của cuộc sống, phát hiện một nét bản chất trong
quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người, truyện ngắn luôn để lại trong lòng
người đọc những trăn trở, suy nghĩ về cuộc đời và con người.
1.2.2.2 Đặc điểm nghệ thuật
1.2.2.2.1 Dung lượng
Dung lượng dài hay ngắn của một tác phẩm là dựa vào hình thức của tác phẩm ấy.
Tức là dựa vào số lượng từ ngữ, số lượng trang. Về dung lượng của truyện ngắn, một tác
phẩm văn học được gọi là truyện ngắn thì phải có kích cỡ “ngắn” và (vì nó phải ngắn).
Nhiều nhà nghiên cứu còn khẳng định “ngắn” là nét đặc trưng nhất, là yếu tố duy nhất
giúp phân biệt truyện ngắn với các thể loại khác.
18
Để có thể hiểu rõ hơn về dung lượng truyện ngắn, cách tốt nhất là so sánh nó với
tiểu thuyết. Nếu tiểu thuyết là một “hình thức tự sự cỡ lớn”, miêu tả cuộc sống trong quá
trình phát triển với một cấu trúc phức tạp (nhiều cốt truyện – chủ đề - nhân vật) với nhiều
số phận, tính cách đan xen nhau thì truyện ngắn là một “hình thức tự sự cỡ nhỏ” chỉ thể
hiện một bước ngoặc, một trường hợp hay một tâm trạng của nhân vật. Nếu tiểu thuyết là
một “quá trình” thì truyện ngắn chỉ là một “kết quả”, nếu tiểu thuyết mở ra ở “diện
rộng” thì truyện ngắn lại xoáy vào “một điểm”. Tóm lại, tiểu thuyết có kích thước dài
hơn truyện ngắn.
Nhưng trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu không thể quy định chính xác độ dài, ngắn
của thể loại này, vì xem đó là một việc làm vô nghĩa. Truyện ngắn như là một “loại chất
dẽo đặt biệt”, nó có giãn dài tới khoảng một trăm trang và co đến mức gây choáng là ba
dòng. Ngoài ra, độ dài của các tác phẩm, tác giả cũng rất khác nhau. Như tác phẩm AQ
chính truyện - Lỗ Tấn có độ dài là 70 trang, Món gia tài - Maupassant có độ dài 133
trang, Thảo Nguyên - một truyện ngắn của Tsêkhôp dài gần 100 trang… Mỗi tác phẩm
đều có kích cỡ khác nhau và điều này tùy thuộc vào tác giả.
Nhưng sẽ lấy gì làm tiêu chí để phân biệt truyện ngắn và các thể loại văn học khác
nếu không dựa vào kích cỡ? Vì thế, dường như có sự tồn tại những quy định, thỏa thuận –
một quy ước bất thành văn giữa các nhà văn và nhà xuất bản: độ co giãn về kích cỡ của
truyện ngắn có thể từ 1 đến 100 trang.
1.2.2.2.2 Cốt truyện
Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế,
chức năng của nó nói chung là giúp người đọc nhận ra điều gì đó sâu sắc về cuộc đời và
tình người. Thông thường, khi đề cập đến truyện, các nhà nghiên cứu thường tập trung
vào tiểu thuyết. Nhưng trong thực tế, truyện ngắn là nơi phô diễn những cách tân về cốt
truyện hiệu quả nhất. Do hạn chế về mặt dung lượng nên cốt truyện của truyện ngắn
thường ngắn gọn, không cầu kỳ, nhưng nó có khả năng chuyển tải chủ đề tư tưởng và nội
dung phản ánh rất lớn. Vì vậy, người đọc cần có quá trình suy ngẫm, chiêm nghiệm để có
thể nhận ra được nội dung phản ánh. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Những truyện
ngắn hay thoạt trông chẳng có gì, chẳng có gì gay cấn, quyết liệt, thậm chí chẳng có gì
đáng kể, nhưng rồi càng đọc càng thấm, càng đau” [1; tr.15].
19
1.2.2.2.3 Kết cấu
Một tác phẩm văn học, dù dung lượng lớn hay nhỏ cũng đều là những chỉnh thể
nghệ thuật, bao gồm nhiều yếu tố, bộ phận... Tất cả những yếu tố, bộ phận đó được nhà
văn sắp xếp, tổ chức theo một trật tự, hệ thống như thế nào đó để biểu hiện một nội dung
nghệ thuật nhất định thì được gọi là kết cấu. Nói cách khác, kết cấu là toàn bộ tổ chức
phức tạp và sinh động của tác phẩm văn học. Tuy nhiên, truyện ngắn có dung lượng ngắn
nên kết cấu thường ít yếu tố, bộ phận, nhưng nó vẫn thể hiện được nội dung nghệ thuật
của tác phẩm. Một số hình thức kết cấu của truyện ngắn như: kết cấu tuyến tính, kết cấu
truyện lồng truyện, kết cấu tâm lí…
1.2.2.2.4 Tình huống của truyện ngắn
Tình huống là cái tình thế của câu chuyện, là hoàn cảnh chứa đựng trong nó những
mâu thuẫn, xung đột hoặc khả năng tiềm tàng để cốt truyện diễn tiến, phát triển, nhân vật
bộc lộ tính cách. Tình huống có vai trò hết sức quan trọng được xem như chiếc chìa khóa
vận hành cốt truyện. Từ tình huống truyện, các sự kiện, các biến cố của cốt truyện được
phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ. Việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột
trong cốt truyện sẽ bộc lộ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm và dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Truyện ngắn cũng thể hiện tính cách và số phận như tiểu thuyết và truyện dài.
Nhưng vì khuôn khổ trong truyện ngắn hạn chế, nên không thể nói nhiều, nói đầy đủ như
tiểu thuyết hay truyện dài. Do đó, điều quan trọng đối với truyện ngắn là phải lựa chọn
cho được cái tình thế để tự nó bộc lộ ra nét chủ yếu của tính cách và số phận, tự nó đặc
trưng cho một hiện tượng xã hội. Ta thường gặp một số kiểu tình huống chính trong sáng
tác truyện ngắn như: tình huống kịch, tình huống tâm lí, tình huống tượng trưng...
1.2.2.2.5 Nhân vật
Cũng như tiểu thuyết, truyện ngắn sống bằng nhân vật. Nói đến nhân vật là nói đến
những con người được miêu tả, trần thuật cụ thể. Đó chính là những nhân vật văn học.
Những con người này có thể được miêu tả kĩ hay sơ lược, sinh động hay không rõ nét,
xuất hiện nhiều lần hay một lần, thường xuyên hay từng lúc, giữ vai trò quan trọng nhiều,
ít hoặc không ảnh hưởng nhiều lắm đối với tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có
tên riêng như Tấm, Cám (trong truyện cổ tích), Thúy Kiều, Kim Trọng (trong Truyện kiều
của Nguyễn Du), A.Q (trong A.Q chính truyện của Lỗ Tấn), Viên mỡ bò (trong truyện
20