Đạo đức trung hiếu của nho giáo và ý nghĩa của nó đối với việc giáo dục ý thức trách nhiệm ở việt nam hiện nay
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN THỊ LAN HƯƠNG
ĐẠO ĐỨC TRUNG, HIẾU TRONG NHO GIÁO
VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI VIỆC GIÁO DỤC Ý THỨC
TRÁCH NHIỆM Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Chuyên ngành
: Triết học
Mã số
: 62.22.03.01
LUẬN ÁN TIẾN SỸ TRIẾT HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS Trần Nguyên Việt
Hà Nội – 2014
MỤC LỤC
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU......................................................................................................1
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI....................5
1.1 Các công trình nghiên cứu về đạo đức Nho giáo nói chung, đạo đức trung, hiếu
của Nho giáo nói riêng..............................................................................................5
1.2. Các công trình nghiên cứu về việc kế thừa và phát huy các giá trị của Nho.....16
Tiểu kết chương 1....................................................................................................25
CHƯƠNG 2. SỰ RA ĐỜI CỦA NHO GIÁO VÀ ĐẠO ĐỨC TRUNG, HIẾU
CỦA NÓ.................................................................................................................27
2.1. Bối cảnh ra đời của Nho giáo...........................................................................27
2.2. Nội dung cơ bản của đạo đức trung, hiếu trong lịch sử Nho giáo.....................30
2.2.1.Quan niệm của các nhà sáng lập Nho giáo nguyên thủy về đạo đức trung, hiếu....30
2.2.1.1. Về đạo trung của Nho giáo nguyên thủy.....................................................31
2.2.1.2. Quan niệm về đạo hiếu của Nho giáo nguyên thủy.....................................41
2.2.2.Quan niệm của các nhà nho thời Hán về đạo đức trung hiếu........................55
2.2.3.Quan niệm của các nhà nho thời Tống về đạo đức trung hiếu.......................62
Tiểu kết chương 2....................................................................................................66
CHƯƠNG 3. ĐẠO ĐỨC TRUNG, HIẾU TRONG NHO GIÁO Ở VIỆT NAM. . .68
3.1. Một số yếu tố cơ bản quy định sự tiếp biến của Nho giáo ở Việt Nam.............68
3.2. Một số nội dung cơ bản của đạo đức trung, hiếu trong Nho giáo Việt Nam.....77
3.2.1 Quan niệm về đạo trung của các nhà nho Việt Nam.......................................77
3.2.2.Quan niệm về đạo hiếu của các nhà nho Việt Nam.........................................93
3.3. Đạo đức trung, hiếu trong Nho giáo ở Việt Nam được luật hóa và gắn với nghĩa
để quy định nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của con người.................................102
Tiểu kết chương 3..................................................................................................111
Chương 4. Ý NGHĨA CỦA ĐẠO ĐỨC TRUNG, HIẾU ĐỐI VỚI VIỆC
GIÁO DỤC Ý THỨC TRÁCH NHIỆM Ở VIỆT NAM HIỆN NAY..............113
4.1. Những giá trị căn bản của đạo đức trung, hiếu trong xã hội Việt Nam hiện đại.....113
4.2. Những nội dung cơ bản của giáo dục ý thức trách nhiệm trên nền tảng đạo...118
4.2.1 Giáo dục ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với chính bản thân................120
4.2.2 Giáo dục ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình..........................126
4.2.3. Giáo dục ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội.............................131
4.3. Một số kiến nghị mang tính giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức
trách nhiệm trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam................................................. 138
Tiểu kết chương 4..................................................................................................144
KẾT LUẬN..........................................................................................................146
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................148
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập, các dân tộc đều đứng trước đòi hỏi
tất yếu khách quan, đó là vừa phải hòa mình vào bối cảnh chung, vừa phải khẳng
định các tính chất riêng có của quốc gia, dân tộc mình. Với tư cách là cái bản chất
định vị vai trò, chỗ đứng của các dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống luôn là hệ
chuẩn nhận diện sức sống và tương lai phát triển của chính dân tộc ấy. Do đó, việc
nghiên cứu lý luận nhằm tiếp tục làm rõ vai trò của các giá trị truyền thống với tư
cách hình thành nên bản sắc văn hóa là điều cần thiết và có ý nghĩa đối với đất nước
ta hiện nay.
Trong không khí ấy, các giá trị văn hóa tinh thần Đông phương, trong đó có
Nho giáo đang nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều sự đóng góp của nó vào sự
hình thành các giá trị đó trong thời kỳ lịch sử lâu dài. Chính những thành công của
một số nước trong khu vực chịu ảnh hưởng của Nho giáo đã chứng tỏ điều đó.
Không chỉ trong lịch sử, mà ngày nay Nho giáo nói chung, học thuyết đạo đức của
nó noia riêng đang tiếp tục tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống tinh thần của nhiều
dân tộc. Do đó, vấn đề căn bản hiện nay là phải khai thác cái gì ở Nho giáo và vận
dụng nó như thế nào cho phù hợp với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Không
những thế, yêu cầu này còn xuất phát từ thực tiễn vì mục đích xây dựng xã hội lành
mạnh, hài hòa và phát triển.
Việc kế thừa và phát huy đạo đức truyền thống nói chung và các giá trị đạo
đức Nho giáo nói riêng hiển nhiên không phải là sự lựa chọn mới, mà là một tất yếu
khách quan. “Từ xưa đến nay, bất luận dân tộc nào, bất luận quốc gia nào, dầu vàng,
dầu trắng, dầu yếu, dầu mạnh, đã đứng cạnh tranh hơn thua với các dân tộc trên thế
giới thì chẳng những thuần nhờ sức mạnh thôi, mà phải nhờ cái đạo đức làm gốc
nữa; nhất là dân tộc nào bị té nhào xuống, nay muốn đứng lên khỏi bị người đè lên
trên thì lại cần có một đạo đức vững chặt hơn dân tộc đang giàu mạnh hơn mình”
[134, tr.2]. Vấn đề xây dựng đạo đức mới hiện nay đang trở nên quan trọng và cấp
thiết hơn bao giờ hết, bởi lẽ, những tác động tiêu cực nảy sinh từ sự chuyển đổi thể
1
chế kinh tế ở nước ta diễn ra trong vài thập niên gần đây đã tạo môi trường thuận lợi
cho cái cũ, cái lạc hậu có cơ hội phục hồi, cái bệnh hoạn, suy đồi, biến thái được
dung dưỡng. Tình trạng lao dốc của đời sống đạo đức tỷ lệ nghịch với sự tăng
trưởng các điều kiện vật chất, sức mạnh đồng tiền đã khiến xã hội đối mặt với thực
trạng vô đạo đức, phản văn hóa ngày càng gia tăng. Nhiều người thừa tiền nhưng
sống thiếu văn hóa, giàu về vật chất nhưng hủ bại về đời sống đạo đức. Không ít
đạo lý vốn được coi là chân lý sống bị đảo lộn: người già bị bạc đãi, con trẻ bị bỏ
rơi, con người cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, không ít người
không thực hiện trách nhiệm của một người làm con đối với cha mẹ, quên đi trách
nhiệm của một công dân đối với tổ quốc…
Khi Việt Nam đã và đang tiếp tục đối mặt với những thách thức về suy thoái
đạo đức, thì việc trở lại với những giá trị đạo đức căn bản như hiếu, trung để giáo
dục ý thức trách nhiệm cho con người càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy
nhiên, việc nghiên cứu đạo đức trung, hiếu của Nho giáo từ khía cạnh lịch sử triết
học có nhiệm vụ gạn đục khơi trong để tìm lấy ở đó những giá trị hợp lý có thể vận
dụng trong điều kiện mới là việc làm không chỉ mang tính học thuật thuần túy, mà
còn có ý nghĩa thực tiễn cấp bách đối với xã hội hiện nay.
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài “Đạo đức
trung, hiếu của Nho giáo và ý nghĩa của nó đối với việc giáo dục ý thức trách nhiệm
ở Việt Nam hiện nay”, cho luận án tiến sỹ triết học của mình với mong muốn được
đóng góp phần nhỏ bé của mình vào việc làm rõ và sâu sắc hơn hai phạm trù đạo
đức đó của Nho giáo cũng như cho việc hoạch định phương hướng giải quyết các
vấn đề thực tiễn cấp bách nảy sinh trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước
trong điều kiện hiện nay.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
Mục đích: Từ việc phân tích nội dung căn bản của đạo đức trung, hiếu của
Nho giáo và sự tiếp biến của nó ở Việt Nam, luận án làm rõ ý nghĩa của đạo đức
trung hiếu đối với việc giáo dục ý thức trách nhiệm ở Việt Nam hiện nay.
2
Nhiệm vụ:
- Phân tích bối cảnh ra đời và những nội dung của đạo đức trung, hiếu trong
tiến trình lịch sử của Nho giáo.
- Phân tích sự tiếp biến và đạo đức trung, hiếu trong Nho giáo Việt Nam
- Phân tích về ý nghĩa của trung, hiếu đối với việc giáo dục ý thức trách
nhiệm ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu: Đạo đức trung, hiếu trong Nho giáo.
Phạm vi nghiên cứu:
Luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu bằng việc chỉ khảo cứu đạo đức trung,
hiếu của Nho giáo ở Trung Quốc (Nho giáo Nguyên Thủy, Nho giáo thời Hán, Nho
giáo thời Tống) và phân tích nội dung của nó trong Nho giáo Việt Nam qua các đại
biểu nho học chọn lọc. Trên cơ sở đó, đánh giá ý nghĩa của nó đối với việc giáo dục
ý thức trách nhiệm cá nhân ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
- Cơ sở lý luận của luận án là Chủ nghĩa duy vật biện chứng, Chủ nghĩa duy
vật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về
giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong điều kiện mới.
- Phương pháp nghiên cứu: Khi áp dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử
triết học, luận án đặt toàn bộ vấn đề nghiên cứu dưới ánh sáng của chủ nghĩa Duy
vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, vì vậy ngoài việc sử dụng các phương
pháp: từ trừu tượng đến cụ thể, phân tích, tổng hợp, so sánh....luận án còn quán triệt
nguyên tắc lịch sử cụ thể và nguyên tắc khách quan, toàn diện trong quá trình triển
khai đề tài.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án trình bày khái quát được nội dung đạo đức trung, hiếu của Nho giáo
ở Trung Quốc đồng thời chỉ ra được sự tiếp biến của đạo đức trung, hiếu trong Nho
giáo ở Việt Nam và nhận định được về ý nghĩa của đạo đức trung, hiếu đối với việc
giáo dục ý thức trách nhiệm cho cá nhân trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.
3
6. Ý nghĩa của luận án
Về mặt lý luận: Luận án luận giải những nội dung cơ bản của đạo đức trung,
hiếu Nho giáo và sự tiếp biến ở Việt Nam. Làm rõ ý nghĩa của nó đối với việc giáo
dục ý thức trách nhiệm cho cá nhân trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.
Về mặt thực tiễn: Luận án góp phần phục vụ nghiên cứu chuyên sâu và giảng
dạy lịch sử triết học. Luận án cũng có thể trở thành tư liệu tham khảo cho các
chuyên ngành có liên quan.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án được
chia thành bốn chương, chín tiết.
4
CHƯƠNG 1.
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
1.1 Các công trình nghiên cứu về đạo đức Nho giáo nói chung, đạo đức trung,
hiếu của Nho giáo nói riêng
Nho giáo là học thuyết ra đời từ thời kỳ cổ đại ở Trung Quốc. Sự tồn tại,
hưng vong và những nội dung cơ bản của Nho giáo đã nhận được sự quan tâm rộng
khắp của giới nghiên cứu ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Các công trình nghiên cứu về Nho giáo trong những thập niên gần đây tăng nhanh
và khó có thể có được con số thống kê cụ thể, chi tiết. Vì vậy, một sự khảo sát, đánh
giá tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài chỉ là phác những nét cơ bản thông qua
những công trình liên quan trực tiếp để từ đó chúng tôi có thể đi sâu nghiên cứu và
đạt được những bước tiến cũng như kết quả nhất định.
Bản thân Nho giáo với tư cách là học học thuyết chính trị, đạo đức, tôn giáo
luôn mang trong mình tính đa nghĩa ở mỗi một vai trò mà không có sự tách biệt
hoàn toàn. Nghiên cứu về đạo đức Nho giáo nói chung vì thế cũng không tách bạch
một cách siêu hình với việc nghiên cứu các nội dung khác Nho giáo. Trong tính
thống nhất tương đối đó, vấn đề đạo đức của Nho giáo nói chung và đạo đức trung,
hiếu của Nho giáo nói riêng đã được khai thác ở những tầng bậc khác nhau.
Trần Văn Giầu trong “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX
đến cách mạng Tháng Tám, tập 1, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước
nhiệm vụ lịch sử” cho rằng: “Trong quan niệm Nho giáo, đạo đức là một khái niệm
có rộng hơn là đạo đức ta thường nói hàng ngày tức là những nguyên tắc, những
quy phạm để đánh giá, nhận định xem đâu là tốt, xấu, đâu là phải, trái, đâu là nên,
chăng. Khái niệm đạo đức của Nho giáo còn là sự biểu hiện của “tính”, của “thiên
tính”, của “đạo”, nó chẳng những là tính riêng của con người mà cũng là tính chung
cho cả trời đất. Nhà Nho và Nho giáo nhìn cái gì cũng nhìn theo con mắt đạo đức:
trời, người, lịch sử, không coi trọng tính khách quan của sự vật. Hơn nữa đạo đức
trong Nho giáo lại là phương châm, phương hướng lớn của việc trị nước…Nho giáo
không chú trọng nghiên cứu thiên nhiên. Nho giáo chú trọng con người, đạo đức.
5
Sách Nho giáo về đạo đức nhiều hàng chục xe, cô đọng lại chỉ hai chữ luân thường
hay cương thường. Tuy luân thường hay cương thường không phải là tất cả đạo đức
Nho giáo song luân thường là cốt tủy của Nho giáo, là cái chung nhất của Nho giáo
dù là Nho giáo ở Trung Quốc hay Việt Nam, dù là Nho giáo thời Xuân Thu – Chiến
Quốc hay Nho giáo Hán Đường, hay Nho giáo Lê Nguyễn…Ngũ luân là quan trọng
nhất trong Nho giáo, trung hiếu là quan trọng nhất trong ngũ luân” [47, tr.218-220].
Trong khi phân tích về đạo đức Nho giáo nói chung, đạo đức trung hiếu của Nho
giáo nói riêng, Trần Văn Giầu cũng đặt ra và giải quyết vấn đề quan hệ giữa hiếu và
trung. Ông chỉ ra rằng: “Sau chữ trung thì chữ hiếu là điều quan trọng đặc biệt của
ngũ luân. Lắm khi chữ hiếu được đặt trước cả chữ trung, đạo hiếu được xem là nền
của đạo trung” [47, tr.241]. Trần Văn Giàu khẳng định: “trung hiếu là hai đức tính
cơ bản của con người mà luân lý Nho giáo đòi hỏi một cách nghiêm khắc. Đánh giá
con người, nhận xét hành vi, tất thảy đều lấy trung hiếu làm tiêu chuẩn” [47,
tr.246]. Ông cho rằng: “Cái chính yếu nhất của Nho giáo là đạo đức. Đạo đức Nho
giáo cuối cùng là nhằm phục vụ sự trị nước: trị quốc, bình thiên hạ là cái đích cao
của sự thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia. Như vậy mối quan hệ giữa đạo đức và trị
đạo là điều dễ thấy trong Nho giáo” [47, tr.112].
Có thể thấy trong khi đặt và giải quyết vấn đề đạo đức Nho giáo nói chung,
đạo đức trung hiếu của Nho giáo đã được Trần Văn Giầu phân tích và có sự so sánh
nhất định giữa các thời kỳ của Nho giáo, giữa các đại biểu của nó và sự vận dụng đa
dạng của các nhà Nho Việt Nam. Tuy nhiên, do chỉ chiếm một thời lượng nhỏ trong
tác phẩm nên đạo đức trung, hiếu mới chỉ được đề cập ở những nội dung căn bản
mà chưa đi sâu vào chi tiết. Quan điểm và những phân tích của Trần Văn Giầu vì
thế mở ra một khả năng khai thác sâu rộng hơn nữa vấn đề trung, hiếu mang tính
xâu chuỗi lịch sử trên bình diện Triết học.
Bàn về đạo đức Nho giáo, Quang Đạm trong “Nho giáo xưa và nay” khẳng
định “Khổng Khâu và các đồ đệ trực tiếp hoặc gián tiếp của “Phu Tử” dành công
phu nhiều nhất vào sự giảng dạy trau dồi các đức hiếu đễ, đức nhân và đức lễ. Đi từ
đáy tháp lên tới đỉnh tháp, chúng ta sẽ cố gắng một mặt tìm hiểu chung tất cả các
6
đức trên đây, mặt khác tập trung sự chú ý nhiều hơn vào hiếu đễ, nhân và lễ…Nếu
ta coi đức nhân là đức lớn tập trung tinh túy của tất cả các đức khác, thì chúng ta có
thể kết luận rằng, Khổng giáo coi hiếu đễ là gốc của tất cả mọi đức nói chung…
Hiếu đễ không phải chỉ là đức tốt của người làm con làm em mà còn luyện cho con
người trở thành hữu đạo, hữu đức trong nước trong thiên hạ nữa” [30, tr.130]. Nhà
nghiên cứu Quang Đạm đã từ nhiều luận điểm trong Ngũ Kinh, Tứ Thư…và nhiều
tài liệu diễn giải của những danh nho về sau để nêu lên mấy nguyên lý lớn nhất của
chữ hiếu: sự thân và thủ thân gắn liền với nhau; suốt đời thiện kế, thiện thuật;
dương danh hiển thân, cách báo hiếu tốt nhất [30, tr.178].
Ngoài hiếu đễ, Quang Đạm cũng đề cập tới các mối quan hệ khác trong gia
đình và trong phạm vi nhà. Mối quan hệ quân thần được tác giả đề cập trong phần
quan hệ trên dưới. Tuy nhiên trong mối quan hệ vua tôi, ít thấy tác giả đề cập tới
đạo trung mà chủ yếu nói về đường lối cai trị và cách xử thế của vua. Điểm đáng
lưu ý là trong cách tiếp cận, phân tích, chứng minh của Quang Đạm, tính khách
quan được quán triệt khá triệt để cho nên có thể thấy được cả ưu điểm và nhược
điểm của đạo đức Nho giáo đối với đời sống đạo đức chung của xã hội.
Vi Chính Thông trong “Nho gia với Trung Quốc ngày nay” cũng góp một
cách nhìn về đạo đức Nho giáo nói chung và một số phạm trù đạo đức cụ thể của nó
nói riêng. Dành riêng một phần bàn về “Căn bệnh đạo hiếu”, Vi Chính Thông cho
rằng “Nho gia đã dựa vào hiếu để nói về đạo đức, quả là cách tiếp cận thuận lợi”
[123, tr.101]. Theo tác giả, kết quả của việc coi mọi biểu hiện của đạo đức con
người đều đã thể hiện ở hiếu, cứ từ hiếu mà suy ra là “Khi hiếu đã thay thế cho mọi
biểu hiện của đạo đức, người ta sẽ rơi vào “phiếm hiếu chủ nghĩa”…Về sau, đạo
hiếu trở thành công cụ duy trì nền chuyên chế chính là xuất phát từ đó. “Phiếm hiếu
chủ nghĩa” trở thành tệ nạn phổ biến” [123, tr.102]. Cách đánh giá này có những
điểm hợp lý nhất định vì rõ ràng, khi đẩy bất cứ một nguyên lý đạo đức nào lên một
cách thái quá, kết quả cũng sẽ là sự thiên lệch, siêu hình. Tư tưởng biện chứng đòi
hỏi phải xem xét toàn diện cả ưu khuyết điểm của cùng một vấn đề. Vấn đề đặt ra
là, có phải trong suốt tiến trình lịch sử Nho giáo, đạo hiếu luôn ở vào hoàn cảnh bị
7
đẩy lên thái quá như vậy không? Đây là vấn đề mà đề tài cần tiếp tục đi sâu làm rõ.
Trong phần “Tư tưởng hiếu đạo Trung Quốc – Diễn biến và vấn đề”, Vi
Chính Thông đã đi theo tiến trình diễn tiến thay đổi của hiếu đạo Trung Quốc và
bước đầu đưa ra nhiều vấn đề với dẫn chứng minh họa từ kinh điển. Ông cũng đã
khái quát những nội dung chính “Tư tưởng hiếu đạo của Khổng Tử” thành: duy trì
trật tự trên dưới; chuẩn mực về đạo đức luân lý; hiếu và nhân; hiếu và trung. Trong
đó, tác giả cũng khẳng định: “Vì từ sau Tần, Hán, hiếu trung bị lẫn lộn nên đã làm
cho tư tưởng hiếu đạo bị méo mó đi nhiều. Những nhân sỹ chống Nho gia thời kỳ
đầu dân quốc đã từng cho rằng đó là một trong những luận cứ chứng minh tư tưởng
Nho gia có lợi cho nền chuyên chế. Nhưng trong tư tưởng hiếu đạo của Khổng Tử
thể hiện trong “Luận ngữ” thì không có hiện tượng lẫn lộn giữa hiếu và trung…
Trong ngôn luận của Khổng Tử nói về quan hệ trung hiếu không chỗ nào có ý nghĩa
trung quân như người đời sau nói” [123, tr.255]. Đây là nhận định rất quan trọng và
có ý nghĩa định hướng đối với việc nghiên cứu đạo đức trung hiếu.
Trong phần “Mạnh Tử phát huy tư tưởng hiếu đạo”, Vi Chính Thông cho
rằng Mạnh Tử đã có nhiều phát triển về mặt hiệu quả tư tưởng tập trung ở một số
điểm: Đề ra nguyên tắc “thân thân” (thương yêu người thân); Mở rộng ý nghĩa của
hiếu đễ; Vô vi (không vi phạm); Tạo ra những điển hình về người con có hiếu.
Những nội dung được đề cập khá quan trọng nhưng do thời lượng nhỏ nên chưa
khai thác sâu được nhiều luận cứ trong kinh điển Nho giáo. “Sự mở rộng tư tưởng
hiếu đạo từ sau Mạnh Tử” được Vi Chính Thông khảo sát qua thư tịch cổ như: Đại
học, Trung Dung, Lã Thị Xuân Thu, Đại đới lễ ký. Qua những thư tịch cổ này, ở
những vấn đề chính các sách đều có lặp lại và những nét tương đối riêng biệt.
Thông qua diễn biến của tư tưởng hiếu đạo từ Khổng Mạnh tới Tần Hán, Vi Chính
Thông cũng phát hiện ra hai vấn đề xuất hiện là: vấn đề lẫn lộn giữa trung và hiếu
và vấn đề giữa tình riêng và phép nước. Ông cho rằng: “sự lẫn lộn giữa hiếu và
trung rất có thể liên quan tới chế độ cha truyền con nối. Dưới chế độ cha truyền con
nối, thế tử và vua cha là quan hệ cha con, nên con phải tận hiếu với cha. Đối với thế
tử, tận hiếu cũng là tận trung, giữa hiếu và trung rất khó phân biệt.Chính trị quý tộc
8
là cha truyền con nối, chính thể chuyên chế cũng cha truyền con nối” [123, tr.272].
Đề cập nhiều nội dung liên quan đến hiếu đạo và bước đầu đi vào lý giải nguyên
nhân lẫn lộn giữa hiếu và trung song Vi Chính Thông gần như không đề cập tới đạo
trung. Chính vì vậy, cần có sự khảo sát kỹ hơn nữa để tìm hiểu xem diễn biến đạo
đức trung hiếu của Nho giáo.
Đi theo lối truyền thống và mở ra một triển vọng khai thác vấn đề trung hiếu
ở cấp độ sâu hơn phải kể đến tác phẩm “Chữ hiếu trong nền văn hoá Trung Hoa”
của Tiêu Quần Trung. Với bốn chương, Tiêu Quần Trung đã đề cập tới khởi nguồn,
diễn biến, ý nghĩa của đạo hiếu và bước đầu nêu lên những suy nghĩ về lịch sử của
hiếu đạo với các giá trị đương đại. Theo ông, từ Khổng Tử đến Hiếu kinh là hoàn
thành lý luận hiếu đạo của Nho gia. Về sau nhà Hán dùng hiếu trị thiên hạ. Còn văn
hóa hiếu đạo thời Ngụy, Tấn, Tùy, Đường là loại suy tôn và biến dị. Tác giả cũng
đưa ra nhận định về đỉnh cao ngu hiếu thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Trên cơ sở
đó, Tiêu Quần Trung đã nghiên cứu mối quan hệ giữa hiếu đạo và việc báo hiếu,
không chỉ chỉ ra tác dụng lịch sử của hiếu đạo mà còn khẳng định giá trị hiếu đạo
trong quan hệ gia đình, xã hội, quốc gia và dân tộc. Ông khẳng định: “Hiếu đạo
trong xã hội cổ đại Trung Quốc đã phát huy tác dụng lịch sử của nó chủ yếu là tác
dụng làm ổn định, hòa mục gia đình đến 9 họ và duy trì ổn định xã hội. Phát huy
ảnh hưởng trọng yếu của nó không gì thay thế được. Bản thân hiếu đạo là đạo đức
giao tế điều hòa quan hệ cha con, họ tộc. Hiếu đạo là một cử chỉ thân tình tự nhiên,
song cũng lại là công cụ giáo dục nghĩa vụ con người…Hiếu đạo không trực tiếp
thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, song nó có tác dụng làm cho gia đình và xã hội ổn
định, như vậy là đã gián tiếp làm cho xã hội phát triển” 135, tr.373.
Nhìn chung, những nhìn nhận và đánh giá của Tiêu Quần Trung là khá sâu
sắc. Tuy nhiên, có thể do nghiên cứu từ góc độ và phương pháp tổng hợp của văn
hóa nên tính chất tổng hợp lý tính trừu tượng mang tính triết học trong tác phẩm còn
mờ nhạt. Chưa thấy Tiêu Quần Trung phân tích về cơ sở tồn tại xã hội, cái mà trên
đó văn hóa hiếu đạo nảy sinh và phản ánh. Cho nên, tuy diện mạo của hiếu đạo
trong nền văn hóa Trung Hoa thì đã được phác họa song lý do cư bản để nó nảy
9
sinh, tồn tại và biến dịch trong quá trình vận động thì chưa được đề cập. Đây là khu
vực có thể tiếp tục bổ sung, khai thác và nghiên cứu ở một cấp độ chi tiết hơn.
Phan Đại Doãn trong tác phẩm “Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam” đã
phân tích: “Ở Việt Nam, trên nền tảng Đông – Nam Á, gia đình nhỏ lấy vợ chồng
làm mặt ngang bằng, bình đẳng là chính, khi tiếp nhận luân lý Nho giáo đương
nhiên phải chuyển đổi, đó là quan niệm hiếu gắn liền với nghĩa. Nho giáo Việt Nam
cũng bàn luận nhiều về hiếu trung. Nhưng tư tưởng trung của Việt Nam không phải
là nét chính yếu (như người Nhật)” [29, tr.98]. “Hiếu vốn là tinh thần, là nội dung
của đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam hình thành từ rất xa xưa trong phong
tục tín ngưỡng như “thờ cúng tổ tiên”, “trọng lão” nhưng về sau lại được giáo lý
Nho giáo khẳng định thêm sâu sắc, chi tiết và thể chế hóa thành luân lý xã hội. Các
nhà nước dưới thời Lê – Nguyễn đều lấy hiếu để củng cố gia đình…lấy hiếu làm
chuẩn mực cho các giá trị xã hội, làm tiêu chuẩn để rèn luyện nhân cách, lấy hiếu để
ràng buộc con người với con người, bề dưới với bề trên và đặc biệt được pháp luật
hóa, chính sách hóa” [29, tr.144]. Phan Đại Doãn đã nhận định về vấn đề nhà nước
pháp luật hoá những quan niệm hiếu nghĩa để rút ra những nội dung cơ bản của đạo
hiếu ở Việt Nam, đồng thời khẳng định: Hiếu là nhân cách con người, là gốc của
nhân luân, là một giá trị xã hội cao quý, là quan hệ đứng dọc trong gia đình và dòng
họ, có ý nghĩa quan trọng nhất trong các nguyên tắc ứng xử gia đình. Đạo hiếu thể
hiện trước hết ở việc con cháu phải nuôi dưỡng ông bà cha mẹ . Đây là yêu cầu tối
thiểu đối với mỗi thành viên trong gia đình. [29, tr.156]. Không những thế, theo
Phan Đại Doãn, “hiếu không dừng ở đạo đức, mà xa hơn còn là phạm trù tín
ngưỡng, một tín ngưỡng thế tục, hiếu còn là điều luật xã hội mọi người phải tuân
thủ” [29, tr.175]. “
Quan điểm của Phan Đại Doãn như trên khá sâu sắc và mang tính gợi mở
cao. Vấn đề các triều đại đều có ý thức sử dụng pháp luật để pháp lý hóa tư tưởng
hiếu hay tông pháp hóa gia đình và dòng họ là một thực tế lịch sử. Nhưng sự tông
pháp hóa đó ảnh hưởng đến tư duy, hành động và việc hình thành nhân cách con
người Việt Nam như thế nào cần có sự luận giải và minh chứng rõ hơn nữa.
10
Gần đây tác phẩm “Đối thoại với tiên triết về văn hoá phương Đông thế kỷ
XXI” của Trần Chí Lương đã được dịch ra tiếng Việt. Trong công trình này, với lối
viết đối thoại hiện đại, tác giả đã mượn lời của các tiên triết để nói về tư tưởng của
họ và ý nghĩa của nó trong thế kỷ 21. Trong phần “Hiếu với nguyên tắc nhân luân
hiện đại”, Trần Chí Lương khẳng định: “Trung và hiếu là hai phạm trù cực kỳ quan
trọng trong văn hóa truyền thống Nho gia và văn hóa truyền thống Trung Quốc,
được xem là thể hiện trực tiếp của đạo lý trong trời đất. Trung và hiếu có sự chuyển
hóa lẫn nhau, chỉ có thực hiện được đạo hiếu mới có thể thực hiện được đạo trung…
Ngày nay, chúng ta tiến hành nhận thức lại trung hiếu phải đứng trên độ cao phát
triển của thế kỷ XXI, có sự đánh giá so sánh để có thể hiểu biết và phát huy mới
hơn” [86, tr.140]. Trần Chí Lương dẫn lời của Khổng Tử về ba tầng thứ bậc, ba
mức độ của hiếu gồm tiểu hiếu, trung hiếu và đại hiếu trong đó: (1) Kính dưỡng là
biết kính trọng nuôi dưỡng cha mẹ gọi là đạt tiểu hiếu. (2) “Bất nhục chi hiếu” là
làm người con không để lại điều gì nhục nhã cho cha mẹ gọi là đạt trung hiếu. (3)
“Đại đạo chi hiếu” là làm người con phải lấy vợ lấy chồng để có nối dõi tông đường
và biết thuận ứng đại đạo lý, thuận ứng quy luật khách quan gọi là đại hiếu. [86,
tr.142].
Trần Chí Lương đặt vấn đề lý giải ngụ ý trong lời dạy của các tiên triết như
Khổng Tử, Mạnh Tử, Vương Dương Minh, Chu Hy… theo lối phát vấn. Chẳng hạn,
khi bàn về “hiếu với sinh tồn của nhân loại”, có đoạn: “Lục Ngọc Lâm: Khổng
thánh nhân! Phải kính dưỡng cha mẹ, đó là điều tất nhiên. Nhưng đem đạo hiếu
nâng lên thành nguyên tắc cơ bản của nhân loại trong đối xử nhân thế, sẽ khiến cho
hành vi của con người trở nên bảo thủ bó tay, bị ràng buộc quá nhiều, xã hội chỉ biết
tông theo tông pháp khó mà tiến lên được. Khổng Tử: Hiếu với sự phát triển xã hội
là nhất trí, thống nhất với nhau. Hơn nữa hiếu còn có thể yêu cầu làm rạng danh tổ
nghiệp, lập công danh hiển hách, soa lại nói hiếu cản trở sự tiến lên của xã hội, sao
lại nói xã hội bị dẫm chân tại chỗ, bảo thủ được. Bản chất của hiếu là sinh, có nghĩa
là luôn làm cho sự nghiệp phát đạt, xã hội sôi động phát triển tưng bừng” [86,
tr.153]. Trần Chí Lương còn đặt vấn đề hiếu là nguồn gốc của lòng yêu nước và ý
11
nghĩa của hiếu đối với thế kỷ XXI là nêu ra được phương pháp tư duy mới: “Hiếu
đem trời gọi là cha, đem đất gọi là mẹ, xem người và vạn vật là một thể. Đây là một
phương thức tư duy mới. Con người đối với cha mẹ như thế nào thì đối với tự nhiên
như thế ấy, cùng chung sống với tự nhiên” [86, tr.169]
Với cùng một cấu trúc phát vấn, nhiều vấn đề liên quan đến đạo hiếu của
Nho giáo đã được đề cập và giải thích theo tư duy hiện đại tích cực. Bàn về trung,
tác giả cũng áp dụng phương pháp tương tự để nói về: bản chất của trung, các tầng
bậc và mức độ trung, bất trung, trung thần… Trần Chí Lương cũng đặt vấn đề “Ý
nghĩa hiện đại của trung”: “trung là trung với nước, trung với dân tộc, trung với sự
nghiệp. Trung là công chính vô tư, khiêm chính, liêm công, cần kiệm xây dựng sự
nghiệp. Ở thời hiện đại, trung không những là nguồn gốc sinh ra lòng yêu nước mà
còn sinh ra tinh thần quốc tế cao cả để các nước trên thế giới hợp tác, hòa hợp với
nhau” [86, tr.171]… Cách tiếp cận của Trần Chí Lương là cách tiếp cận mới, hiện
đại hóa vấn đề dựa trên kinh điển được hiểu như một sự thông diễn hay cách ngôn.
Các vấn đề về trung hiếu của Nho giáo được đề cập đều được Trần Chí Lương đặt
trong sự đa nghĩa để luận bàn. Điều này có cơ sở từ trong bản chất của Nho giáo vì
bản thân các đại biểu của nó thường không đưa ra khái niệm hay hệ chuẩn khép kín
cho một vấn đề mà tùy hoàn cảnh, trường hợp sẽ có sự giải đáp. Tuy nội dung chính
của trung, hiếu trong tác phẩm của Trần Trí Lương dựa vào những lời nói của “tiên
triết” (theo cách gọi của tác giả) song vấn đề để đi sâu vào nội dung này thì cần phải
được trở lại tìm hiểu từ trong tài liệu mang tính kinh điển của Nho giáo một cách hệ
thống để làm minh chứng.
Phùng Hữu Lan trong “Lịch sử triết học Trung Quốc” đã dành một chương
để bàn về Nho gia đời Tần Hán trong đó có phần “Lý luận về hiếu” và khẳng định:
“Đạo hiếu có hai mặt: nhục thể và tinh thần. Về mặt nhục thể, đạo hiếu có ba điều:
Phải nuôi dưỡng cha mẹ; Phải nghĩ rằng thân thể của mình là do tinh huyết cha mẹ
lưu lại nên phải bảo vệ, không được hủy hoại; Phải tạo ra “cái tôi mới” khác nữa
(tức là lấy vợ sinh con) để nối tiếp sinh mệnh của cha mẹ…Về phương diện tinh
thần, khi cha mẹ còn sống, con cái phải thuận theo ý chí của cha mẹ chứ không chỉ
12
biết nuôi dưỡng vật chất mà thôi. Khi cha mẹ có sai lầm thì con cái phải khuyên lơn
cha mẹ sửa chữa. Sau khi cha mẹ qua đời, con cái phải cúng tế và tôn kính tưởng
nhớ để cha mẹ trở nên bất hủ trong tâm trí của mình…Mặt khác, con cái phải nối
tiếp sự nghiệp của cha mẹ, hoàn thành chí hướng còn dang dở của cha mẹ, hoặc bản
thân người con có những tạo tác và những thành tựu khiến mình nổi danh, nhờ đó
cha mẹ được tiếng thơm, đạt được sự bất hủ trong ký ức và mến mộ của mọi người”
[71, t.1, tr.489-490].
Phùng Hữu Lan cũng khẳng định hiếu về phương diện tinh thần là đại hiếu,
chí hiếu và nó quan trọng hơn hiếu về mặt nhục thể. Những nhận định này của ông
Phùng Hữu Lan là khá chính xác và cùng quan điểm với nhiều nhà nghiên cứu khác.
Ông cũng dẫn luận minh chứng bằng kinh điển Nho giáo (chủ yếu là trong Lễ Ký,
Hiếu Kinh và Kinh Thi) và cho rằng: “Theo đó mà nói, hễ có hiếu hạnh thì ắt có mọi
đức hạnh. Cho nên hiếu là căn bản của đạo đức. Vào đời Hán, học thuyết này ảnh
hưởng rất mạnh. Hễ ai hiếu đễ thì được trọng thưởng. Thụy hiệu của các vua đời
Hán đều có chữ Hiếu. Như vậy có thể thấy hiếu rất được xem trọng vào thời đó”
[71, t.1, tr.493]. Tuy khẳng định vị trí của hiếu và phần luận bàn được đặt trong
phần Nho gia đời Tần Hán song không thấy Phùng Hữu Lan bàn trực tiếp về tư
tưởng hiếu của các Nho gia thời kỳ này mà chỉ tập trung vào Nho giáo nguyên thủy.
Do đó, cần tiếp tục có sự nghiên cứu, so sánh để làm rõ sự tương đồng cũng như
khác biệt trong quan niệm về hiếu của các nho gia ứng với từng thời kỳ trong lịch
sử tồn tại và phát triển Nho giáo.
Cũng có những nhà nghiên cứu đi sâu hơn vào đạo đức trung, hiếu của Nho
giáo và đánh giá sự tiếp biến của nó trong xã hội Việt Nam trong phạm vi nghiên
cứu hẹp và đưa ra nhiều nhận định có giá trị. Chẳng hạn:
Phan Chu Trinh trong bài diễn thuyết “Đạo đức và luân lý Đông Tây” phân
tích sự cực đoan, siêu hình và tầm thường hóa các quan niệm đạo đức trung, hiếu
của những người ông gọi là hủ nho: “Một bọn hủ nho mắc cạn vẽ rắn thêm chân,
đem những tư tưởng rất nông nỗi truyền bá ra để trói buộc dân gian. Như là: “Quần
thần chí nghĩa bất khả đào ư thiên địa chi gian” nghĩa là mình sinh ra ở xứ này phải
13
đôi ông vua lên đầu…, “thiên hạ vô bất thị để phụ mẫu” nghĩa là trong trời đất
không có cha mẹ nào quấy” [134, tr.5]. Phan Chu Trinh còn phân tích việc cường
điệu một cách hình thức khi treo tranh Nhị thập tứ hiếu và chỉ ra rằng: “cha con xem
ra chỉ còn thấy những kẻ chân lấm tay bùn còn biết cắm cúi lo làm để nuôi cha mẹ,
chứ như bọn thượng lưu, trung lưu thì ta không còn thấy chữ hiếu nữa. Bọn ấy
thường nhiều mượn những lốt lễ nghĩa rất kỳ khôi của bọn tà nho mang vào để che
miệng thế gian, chớ không có một chút gì gọi là hiếu thuận cả. Nào là nằm đường,
nào là chống gậy, nào là khóc mả, nào là ở dơ” [134, tr.5]. Phan Chu Trinh chỉ ra
rằng luân lý của ta có thời kỳ chỉ ở trong vòng chật hẹp của vua và tôi “Vua là
người cầm quyền chính trong nước, là người đầu sỏ trong bộ lạc ấy…là người lấy
quyền người làm quyền mình, lấy công quyền làm quyền tư…Tôi là người phục
tùng vua (vua chư hầu). Đem mình ra đầu tên mũi đạn đổi lấy một mảnh giấy vàng,
một dấu ấn đỏ…Tôi là người tôi mọn, bán rẻ vừa linh hồn lẫn thể xác cho vua…dân
chỉ biết tôn quân mà không biết nghĩa ái quốc, gặp vua tử tế làm nhiều công bình thì
dân thương, dân liều chết mà đánh giặc giúp vua, gặp vua bạo tàn thì dân ghét,
muốn rửa hờn mở cửa thành cho giặc vào” [134, tr.6]. Phan Chu Trinh cũng nhấn
mạnh, đạo Khổng Mạnh không phải là cách chuyên chế của các vua và vì nhiều
người ở ta hiểu lầm lạc cho nên dẫn đến cái bệnh chuyên chế, cho nên ông chủ
trương đem “cái chân văn minh Âu Tây hòa hợp với chân Nho giáo ở Á Đông”.
Tuy những phân tích và chủ trương của Phan Chu Trinh được đưa ra từ năm
1925 trong khuân khổ bài diễn thuyết và từ đó đến nay lịch sử dân tộc đã trải qua
chặng đường phát triển dài song những ý kiến của ông cho thấy tính chất phức tạp
của việc nhận thức và vận dụng đạo đức Nho giáo ở Việt Nam. Tính chất phức tạp
này, cùng với những nhận thức không đầy đủ hoặc thái quá đã khiến cho Nho giáo
nói chung và đạo đức trung hiếu của Nho giáo nói riêng phải gánh chịu nhiều tội
trạng trong lịch sử. Đây là căn cứ định hướng quan trọng trong việc tiến hành
nghiên cứu đạo đức trung, hiếu trong Nho giáo và sự tiếp biến của chúng khi du
nhập vào Việt Nam.
Hà Thúc Minh với các bài viết “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và tư tưởng
14
đạo đức Nho giáo về hoà mục và trung- hiếu”; “Biến thiên của gia đình và chữ
hiếu”. Ông đã cho rằng: “chữ hiếu có cái lý của nó bởi vì nó dựa vào gốc rễ của tự
nhiên, đồng thời nâng con người lên khỏi tự nhiên, nhưng một khi nó chỉ là công cụ
của quyền lực thì lại hạ con người xuống, biến thành ngu trung, ngu hiếu…chữ hiếu
còn thì gia đình phương Đông còn, chữ hiếu mất thì gia đình phương Đông mất”
96, tr.7. Nhận định này có thể cần phải được luận giải, minh chứng một cách cụ
thể hơn, song trong chừng mực nhất định, đó là những nhận định sâu sắc, mang tính
định hướng, gợi mở cho công việc nghiên cứu.
Trần Nguyên Việt với bài viết “Đạo hiếu Việt Nam qua cái nhìn lịch đại” đã
luận giải khái niệm hiếu, quan điểm hiếu đạo theo tiến trình phát triển lịch sử tư
tưởng Việt Nam. Trần Nguyên Việt cho rằng: “Tinh thần trung hiếu thời Trần đã để
lại cho các triều đại phong kiến Việt Nam về sau một bài học sâu sắc mà triều đại
nào không biết phát huy nó đều gặp phải khó khăn trong việc điều hành đất nước và
đặc biệt, không thể thắng được kẻ thù xâm lược” 161, tr.36 và “chủ trương lấy
hiếu trị thiên hạ, “lấy trung làm hiếu” (Minh Mệnh chính yếu) đã làm cho đạo hiếu
trở thành cái chủ đạo trong lối sống của nhiều gia đình cũng như chuẩn mực đạo
đức trong văn hóa ứng xử xã hội mang tính luân lý người Việt” 60, tr.41…Trên cơ
sở đó, Trần Nguyên Việt rút ra một số đặc điểm trong đạo hiếu Việt Nam: đạo hiếu
thiên về hoạt động thực tiễn hơn là lập thuyết; đạo hiếu Việt Nam chịu ảnh hưởng
của nhiều học thuyết triết học, chính trị - đạo đức, tôn giáo và các yếu tố bản địa;
thừa nhận đạo hiếu như một lẽ tự nhiên, người Việt Nam chấp nhận và tuân thủ việc
luật pháp hóa các hành vi đạo đức, coi những quy phạm đạo hiếu đã được luật pháp
hóa ấy như những chuẩn mực đạo đức để điều chỉnh, định hướng hành vi đạo đức
của mình; đạo hiếu Việt Nam có thể nhìn theo hai chiều chính: chiều đứng dọc và
chiều bằng ngang.
Tuy Trần Nguyên Việt đã rút ra những đặc điểm của đạo hiếu Việt Nam
nhưng trong khuôn khổ phạm vi nghiên cứu hẹp, ông chưa có điều kiện để đề cập
và khai thác sâu các khía cạnh như: bổn phận, trách nhiệm của người làm con, tính
thống nhất và mâu thuẫn giữa hiếu và trung ở từng thời kỳ lịch sử cụ thể... Cho nên,
15
nếu dùng hệ chuẩn của kinh điển Nho giáo để soi dẫn tiến trình biến đổi của đạo
đức trung hiếu theo lịch đại có thể đem lại cách đánh giá vừa toàn diện vừa mang
tính lịch sử cụ thể. Đây là một cách cửa, một lối đi đã được mở để tiếp tục bước
tiếp.
Có thể nói, các công trình nghiên cứu về đạo đức Nho giáo nói chung và đạo
đức trung, hiếu của Nho giáo nói riêng đã khai thác vấn đề ở nhiều chiều cạnh khác
nhau và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do phạm vi nghiên cứu,
góc tiếp cận và nhiều yếu tố khác nên những phân tích, luận giải trên bình diện triết
học về vấn đề này còn ít và đối khi bị che lấp nhiều bởi bình diện lịch sử, văn học.
Bên cạnh đó, chưa thấy có công trình chuyên biệt nghiên cứu trên phương diện triết
học về đạo đức trung, hiếu của Nho giáo nói chung và của Nho giáo Việt Nam nói
riêng một cách hệ thống và chi tiết.
1.2. Các công trình nghiên cứu về việc kế thừa và phát huy các giá trị của Nho
giáo nói chung, đạo đức trung, hiếu của nó nói riêng trong việc giáo dục ý thức
trách nhiệm cho con người
Như chúng ta đều biết, cơ sở xã hội để tồn tại của Nho giáo đã bị xóa sổ từ
lâu trong lịch sử nhưng sức sống và sự ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo là điều đã
được lịch sử xác nhận. Ngày nay, thay vì việc phê phán Nho giáo theo trào lưu
trước đây gắn với toàn bộ tội trạng của xã hội phong kiến, các nhà nghiên cứu chú
trọng vào khuynh hướng khai thác những giá trị của đạo đức Nho giáo, những giá
trị có thể tích hợp được với hệ giá trị hiện đại trên quan điểm khách quan, toàn diện
và thực tiễn. Chính khuynh hướng này khẳng định việc cần thiết phải kế thừa và
phát huy các giá trị của Nho giáo nói chung, đạo đức trung, hiếu của Nho giáo nói
riêng.
Quang Đạm trong “Nho giáo xưa và nay” khẳng định: “Nhìn từng đạo lý
Nho giáo riêng rẽ, người ta thấy có hay có dở, có đúng có sai, không hoàn toàn
đồng nhất. Nhưng nếu từ những đạo lý riêng rẽ ấy mà nhìn nhận bằng nhận thức
cảm tính và tư duy siêu hình… thì rốt cuộc đều là thoát ly hiện thực, và bảo thủ
cũng sai, xóa sạch cũng sai. Kinh nghiệm sinh động, thiết thực và phong phú của
16
cuộc sống luôn luôn đòi hỏi: Bao giờ cũng đặt sự vật và con người dưới ánh sáng
của khoa học và thực tiễn cách mạng mà phân biệt cái đúng, cái tốt cụ thể để kế
thừa và phát huy, cái sai, cái xấu để xóa bỏ hoặc cải tạo. Đối với Nho giáo đã để lại
những dấu ấn còn sức sống đáng chú ý trong các truyền thống và nền nếp hoạt động
của chúng ta, đó là một đòi hỏi cần thiết thường xuyên. Chính trong thời cuộc đổi
mới hiện nay, điều đó đã và đang trở thành bức thiết” 30, tr.551.
Nguyễn Hiến Lê ngay trang đầu của ấn phẩm “Khổng Tử” cũng khẳng
định: “Muốn đánh giá một triết thuyết thì phải đặt nó vào thời đại của nó, xem nó
giải quyết được những vấn đề của thời đại đó không, coi đó là tiến bộ so với các
thời trước, một nguồn cảm hứng cho các thời sau không. Và nếu sau mươi thế hệ,
người ta thấy nó vẫn còn làm cho đức trí của con người được nâng cao thì phải coi
nó là cống hiến to lớn của nhân loại rồi” 76, tr.5.
Hoàng Tuấn Kiệt trong “Tầm nhìn mới về lịch sử Nho học Đông Á” đã viết:
“Nếu như chúng ta có được cái nhìn toàn diện về tình hình phát triển của Nho học
tại khu vực Đông Á, bao quát được những nét đặc biệt và tương đồng của Nho học
tại các nước Đông Á, đồng thời đúc rút được những nội hàm và đặc trưng của Nho
học Đông Á, thì chúng ta có thể vận dụng tối đa những giá trị tinh thần của Nho gia
để xây dựng cơ sở cho quá trình tương tác và hòa nhập giữa nền văn minh Đống Á
và nền văn minh thế giới trong giai đoạn đối thoại văn minh của thời đại hiện nay”
69, tr.17.
Sự minh triết trong tư tưởng Khổng Tử có thể giúp ích cho chúng ta khi đối
diện với vô số vấn đề của cuộc sống hiện đại. Đó là quan điểm của Yu Dan trong
tác phẩm “Khổng Tử tinh hoa – Những điều diệu kỳ từ tư tưởng và triết lý sống của
Khổng Tử”. Yu Dan khẳng định: “Những gì chúng ta có thể thu nhận từ Luận ngữ
của Khổng Tử là những chân lý giản dị mà mỗi người tâm đắc và có thể tiếp nhận…
Chân lý ấy dạy cho chúng ta sống một cuộc sống hạnh phúc theo nhu cầu tinh thần
của chính mình” 31, tr.8-10. Cho nên, theo bà, trước những vấn đề làm ta bối rối
trong cuộc sống mà kết cục thường hoàn toàn ngược với mong muốn của ta, Khổng
Tử luôn có những lời khuyên để tránh những tình trạng ấy.
17