Giá trị nội dung và nghệ thuật của trường thiên tùy bút thương nhớ mười hai (vũ bằng)
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
BỘ MÔN NGỮ VĂN
NGUYỄN THỊ TRÚC LAM
MSSV: 6086252
GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT
CỦA TRƯỜNG THIÊN TÙY BÚT
THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI
(VŨ BẰNG)
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn
Cán bộ hướng dẫn: TS. TRẦN VĂN MINH
Cần Thơ, năm 2012
1
LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình nghiên cứu đề tài “Giá trị nội dung và nghệ thuật
của trường thiên tùy bút Thương nhớ mười hai”, tôi đã nhận được nhiều
lời hướng dẫn, góp ý, động viên từ nhà trường, quý thầy cô và bạn bè.
Trước hết, tôi xin dành những dòng chữ đầu tiên của luận văn này để
bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến thầy Trần Văn Minh, người đã
trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình thực hiện đề
tài.
Đồng thời, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến tất cả quý thầy cô trong
bộ môn Sư phạm Ngữ văn, Khoa Sư phạm và quý thầy cô trong bộ môn
Ngữ văn, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ, đã
tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành khóa học tại trường.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những người thân và các
bạn lớp Ngữ văn khóa 34 đã quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ tôi trong suốt khóa
học.
Thân ái!
Cần Thơ, ngày 30 tháng 4 năm 2012
Sinh viên
Nguyễn Thị Trúc Lam
2
ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
Chương I: NHÀ VĂN VŨ BẰNG VÀ TÙY BÚT THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI
1.1. Nhà văn Vũ Bằng- con người và sự nghiệp.
1.1.1. Đôi nét về tiểu sử.
1.1.2. Sự nghiệp văn chương.
1.1.3. Phong cách sáng tác.
1.2. Tùy bút Thương nhớ mười hai.
1.2.1. Khái quát về thể loại tùy bút.
1.2.2. Thương nhớ mười hai – trường thiên tùy bút đặc sắc của nhà văn Vũ Bằng.
Chương II: THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI – DÒNG HỒI ỨC MIÊN MAN
VỀ CỐ HƯƠNG VÀ CỐ NHÂN.
2.1. Văn hóa dân tộc – mảng đề tài chính trong Thương nhớ mười hai
2.1.1 Những thành tố văn hóa vật chất.
2.1.2. Những thành tố văn hóa tinh thần.
2.2. Thương nhớ mười hai – dòng hoài niệm của người con xa xứ
2.2.1. Khúc tự tình đầy tự hào và xót xa về quê hương xứ Bắc.
2.2.2. Nén tâm hương khóc người vợ tào khang.
2.3. Cái tôi trữ tình lãng mạn.
2.3.1. Cái tôi có đời sống tình cảm chân thành, sâu sắc
2.3.2 Cái tôi có năng lực quan sát tinh tế và vốn sống dồi dào.
2.4. Sự hòa trộn của nhiều cung bậc cảm hứng.
2.4.1. Dòng hoài niệm thấm đẫm chất trữ tình.
2.4.2. Quê hương xứ Bắc qua cái nhìn lãng mạn của thi nhân.
3
Chương III. THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI – MỘT ÁNG VĂN XUÔI
TRỮ TÌNH ĐỘC ĐÁO.
3.1. Một phức hợp giọng điệu.
3.1.1. Giọng tâm tình ngọt ngào.
3.1.2 Giọng da diết, khắc khoải, ngậm ngùi.
3.2. Kết cấu hài hòa giữa tuyến tính và đồng hiện.
3.2.1. Mạch thời gian tuyến tính trong Thương nhớ mười hai.
3.2.2. Kết cấu tự do theo mạch cảm xúc.
3.3. Từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm, giàu chất thơ.
3.3.1. Từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm.
3.3.2. Từ ngữ giàu chất thơ.
PHẦN KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
4
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ai cũng mang trong tim mình hình bóng một quê hương để thương để nhớ.
Nhưng, tình cảm của những người xa quê thường nồng đượm hơn và nỗi nhớ cũng da diết
hơn.
Vũ Bằng - nhà văn tài hoa của dân tộc - cũng có một quê hương để khi xa rồi đau
đáu nhớ thương nhưng không một lần được trở lại. Đấy là xứ Bắc- mảnh đất ngàn năm
văn hiến của dân tộc. Tha thiết nhớ, tha thiết yêu nhưng tất cả chỉ còn là nỗi hoài vọng, để
rồi ông trang trọng dành riêng một góc tâm hồn mình cho xứ Bắc thân yêu và không
nguôi thương nhớ. Nỗi nhớ ấy cứ đong đầy lên theo từng năm tháng, xiết chặt lấy trái tim
ông. Và tùy bút Thương nhớ mười hai ra đời trong những đêm ngập sầu thương nhớ như
không thể kiềm nén được nữa, cảm xúc đã tràn đầy và giờ đây nó bật ra ngoài con chữ để
nhớ thương thêm dâng đầy hơn nữa.
Thương nhớ mười hai – một cuốn lịch ghi dấu lại một cách tỉ mỉ và chi tiết mười
hai tháng trong năm. Một cuốn lịch không phải được cấu thành bằng những con số mà
được viết nên bởi những giọt nước mắt nhớ thương của một trái tim tha hương. Quyển tùy
bút mở ra một vùng không gian kí ức cho tác giả, nơi đó ông được sống với những kỉ
niệm của mình, được trở về với Bắc Việt dù chỉ là trong tâm tưởng, được đi dưới hàng
hoa sữa cùng người vợ yêu thương, được ăn những món ăn dân dã đậm đà mùi vị xứ Bắc
mà không đâu có thể tìm thấy. Đến với Thương nhớ mười hai chúng ta gặp lại một Hà
Nội cổ kính, nghiêm trang, hiền lành với những giá trị văn hóa truyền thống đầy tự hào.
Thế nhưng đã một thời gian dài, mọi người đến với Thương nhớ mười hai nói riêng
và những tác phẩm của Vũ Bằng nói chung luôn trong một tư thế dè dặt. Bởi thời gian đó,
Vũ Bằng đang đau đớn nhận về mình những lời nhận xét đầy cay đắng: nào là dinh tê, về
thành, nào là quay lưng lại với kháng chiến… Chính cái gông vô hình ấy đã đè nặng Vũ
Bằng trong suốt những ngày còn lại của cuộc đời ông. Để rồi, sau gần mười sáu năm trở
về với đất mẹ, vào tháng 3 năm 2000, Tổng cục II, bộ Quốc Phòng đã có giấy xác nhận
Vũ Bằng là chiến sĩ cách mạng hoạt động trong lòng địch từ năm 1952 đến 1975. Thiết
nghĩ, một khi danh phận đã rõ ràng, Vũ Bằng là con người của kháng chiến, một lòng
theo cách mạng thì những tác phẩm văn chương của ông cũng phải được chúng ta nhìn
nhận sao cho xứng đáng và đặc biệt là tùy bút Thương nhớ mười hai- một trường thiên
tùy bút đặc sắc của nền văn học dân tộc.
5
Viết về quê hương xứ Bắc với những hương vị ngọt ngon, với những giá trị văn
hóa đáng tự hào không phải chỉ riêng có Vũ Bằng. Nhưng vì sự yêu thích, người viết vẫn
thấy rằng chỉ ở những trang văn của Vũ Bằng mới thật sự hấp dẫn và đặc sắc hơn cả. Với
giọng văn ngọt ngào, da diết, Vũ Bằng như rót những tiếng yêu thương vào tâm hồn của
mỗi chúng ta. Do sự say mê trước một giọng văn trữ tình ngọt ngào, đồng cảm với một
tâm hồn khắc khoải nhớ quê và hơn nữa là lòng yêu mến của bản thân trước cuộc đời “éo
le” của một nhà văn, nhà tình báo cách mạng vĩ đại – Vũ Bằng nên người viết thực hiện
nghiên cứu đề tài “Giá trị nội dung và nghệ thuật của trường thiên tùy bút Thương nhớ
mười hai”. Thông qua đề tài nghiên cứu này, người viết mong muốn gửi một chút suy
nghĩ của mình về tác phẩm đã một thời bị quên lãng, để một lần nữa chúng ta dành chút
thời gian nhìn nhận lại những gì mà Thương nhớ mười hai mang lại cho nền văn học của
dân tộc.
2. Lịch sử vấn đề
Một thời gian dài, cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của Vũ Bằng bị rơi vào
quên lãng. Chính vì thế, những công trình nghiên cứu về Vũ Bằng và tác phẩm của ông
cũng không nhiều, đặc biệt là tùy bút Thương nhớ mười hai. Viết về Vũ Bằng và những
tác phẩm của ông phần lớn là những người bạn tâm giao, những người luôn yêu mến, kính
trọng trước một giọng văn ngọt ngào và có nhân cách trong sáng. Tiêu biểu nhất có thể kể
đến như Tô Hoài, Vũ Ngọc Phan, Văn Giá, Triệu Xuân…Trân trọng một tài năng kiệt
xuất, những người yêu và hiểu Vũ Bằng luôn cố gắng tìm kiếm, giữ gìn và cất lên những
tiếng nói bênh vực Vũ Bằng trong những ngày tháng ông lặng lẽ sống giữa cuộc đời.
Có thể nói, trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, Vũ Bằng là một trong những
cây bút hoạt động sôi nổi nhất, dù phải chịu bao tai tiếng nhưng ông vẫn viết miệt mài
không ngừng nghỉ. Lúc đầu khi bước vào làng văn, mọi người biết đến Vũ Bằng như một
nhà tiểu thuyết hiện đại. Trong quyển Văn học Việt Nam hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã trịnh
trọng đặt Vũ Bằng vào hàng ngũ một nhà tiểu thuyết gia với những nhận định hết sức
chân thành: “Tiểu thuyết của Vũ Bằng rất gần của Nguyễn Công Hoan về lối tả cảnh và
nhân vật, dù là họ ở vào cảnh nghèo khổ hay giàu sang bao giờ Vũ Bằng cũng tả bằng
ngọn bút dí dỏm, nhạo đời hơi đá hoạt kê một chút; còn về cảnh, ông chỉ tả sơ sơ; ông
chú trọng vào hành vi ấy là động tác của cuốn tiểu thuyết và gây nên những cảnh riêng
biệt cho nhân vật” [20; tr. 91]. Nhận xét về vấn đề này, Nguyễn Vỹ cho rằng: “Anh có lối
tả chân đặt biệt và trào phúng chuyên môn, có khi rất nhẹ nhàng khả ái như Alphonse
Daudet, có khi cầu kỳ lí thú như Courteline. Tôi không nói Vũ Bằng là một văn hào,
nhưng chắc chắn anh ta là nhà văn Việt Nam độc đáo trên lĩnh vực tả chân trào phúng,
trước kia và bây giờ” [6; tr. 121]. Còn đối với nhà phê bình Thượng Sỹ, Vũ Bằng “là một
6
nhà văn phong phú, một tiểu thuyết gia, một cây bút phóng sự, tả chân đã gây ảnh hưởng
không ít cho một lớp độc giả và một lớp người viết văn” [6; tr. 119].
Một trong những người có công trong quá trình “Đi tìm chỗ đứt gãy trong lý lịch
nhà văn Vũ Bằng” không thể không nhắc đến Văn Giá. Đồng cảm trước một số phận éo
le, khâm phục trước một nhân cách trong sáng và trên hết là sự ngưỡng mộ một tài năng
văn học, Văn Giá bỏ ra rất nhiều công sức trong việc tìm hiểu về cuộc đời cũng như sự
nghiệp văn chương Vũ Bằng qua quyển Vũ Bằng, bên trời thương nhớ. Với ông, Vũ Bằng
“không những là nhà báo bậc thầy mà còn là một nhà văn đầy tài năng” [6, tr. 5]. Văn
Giá đã “phác thảo một chân dung” Vũ Bằng, tìm và tập hợp những bài viết về cuộc đời
cũng như sự nghiệp sáng tác của nhà văn “bên trời thương nhớ” này với một thái độ đầy
trân trọng, đặc biệt là tùy bút Thương nhớ mười hai - tác phẩm lấy đi khá nhiều giấy mực
của các văn nghệ sĩ. Đặng Anh Đào nhân Tháng ba đi tìm thời gian đã mất, Nguyễn Thị
Minh Thái viết Tháng ba rét Bắc trong sầu xứ phương Nam, Nguyễn Thị Thanh Xuân có
Khúc ca hoài cảm của kẻ tình nhân. Văn Giá đã cảm được tâm sự của “người khách li
hương” qua Khúc nhạc hồn non nước và Tiếng kêu rỏ máu.
Là một thiên tùy bút đặc sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật, Thương nhớ mười hai
đã góp phần khẳng định thêm tài năng và phong cách Vũ Bằng trong giới văn chương
Việt Nam. Nhận được khá nhiều tình cảm của mọi người, bởi trước hết, tác phẩm là
những mảng hồi ức người con xa quê luôn vọng về cố hương. Ở đó, ta bắt gặp nỗi lòng
của kẻ tha hương, đêm ngày khắc khoải nhớ quê mà chưa một lần được trở lại. Tô Hoài
trong bài Vũ Bằng “Thương nhớ mười hai” đã nói đến tâm sự của người tha hương suốt
đời ám ảnh Vũ Bằng: “Thương nhớ mười hai, bàn tay giơ lên đếm một tháng, một ngày,
một năm, một đời. Đấy là cái tha thiết đầu tiên và cuối cùng” [6; tr. 115]. Lắng lại cùng
Thương nhớ mười hai của nhà văn “bên trời thương nhớ”, ta nhận ra một nỗi nhớ khắc
khoải, da diết đến ngần nào. Vũ Quần Phương đã cảm được nỗi lòng đó, ông cho rằng
trong văn Vũ Bằng có “nỗi buồn nhớ đất đai và năm tháng. Đó là cái buồn nhớ đặc thù
thưở đất nước cắt chia Nam Bắc(…) văn ông là một nỗi nhớ. Ở Sài Gòn những năm ấy,
nhìn về Hà Nội cố hương, ông có nỗi lòng của một kẻ ra đi không hạn định. Nhớ đốt ruột
đốt gan nhưng hy vọng ngày về lại quá mong manh” [6; tr. 32-133]. Rất tâm đắc những
sáng tác của Vũ Bằng, Văn Giá đã thấy được cái gọi là “thiên lý tương tư” của Vũ Bằng
và nhận xét: “Thương nhớ mười hai là một bản sầu ca đằng đẵng của một kiếp sống tha
hương khắc khoải nỗi nhớ thương về miền viễn xứ” [6; tr. 151], còn “Tháng ba rét nàng
Bân là một khúc nhạc hồn non nước mà người nghệ sĩ Vũ Bằng đã hát lên với tất cả nỗi
đắm say và thương nhớ của mình. Tâm hồn ông cẩn trọng lưu giữ tất cả những ấn tượng,
những kỉ niệm thiêng liêng về quê hương đất Bắc” [6; tr. 130].
7
Đấy là những nhận xét về nội dung còn về nghệ thuật, Thương nhớ mười hai xứng
đáng là một áng văn xuôi trữ tình độc đáo. Vũ Bằng di chuyển vào Sài Gòn ở tuổi bốn
mươi là “một trường hợp bị bứng ra khỏi sinh quyển văn hóa của mình” [6; tr 60]. Phải
chăng vì lẽ đó ông vẫn không thể hòa nhập vào được, để rồi cứ sống trong cảnh “ngày
Nam đêm Bắc” không thôi vọng về cố hương. Cho nên hầu hết thời gian trong sáng tác
của ông là thời gian của kí ức “mang tính chất song hành: hiện tại và quá khứ, quá khứ
được nhìn từ hiện tại” [6; tr. 79] và Vũ Bằng thường “trở về với thế giới hoài niệm”,
“với một không gian văn hóa Hà Nội và miền Bắc” [6; tr. 65]. Cô đơn, lạc lõng nơi miền
Nam xa lạ, Vũ Bằng chỉ còn biết sống với những miền kí ức xưa cũ, để rồi viết nên những
trang văn đong đầy nỗi nhớ niềm thương “các câu văn cứ kéo dài, chồng chất, hối hả,
xoắn cuộn, hổn hển dội lên từng đợt không dứt (…) Đó là thơ của niềm thương nhớ.
Trong văn Vũ Bằng, có những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, đẹp màu, đẹp nét, đẹp cả
cái không khí, tâm trạng phổ vào trong cảnh” [6; tr. 149]. Và “hầu như không có một câu
văn nào trong trạng thái miêu tả khách quan trung tính (...) Có nhiều câu văn cảm thán
với những lời hô gọi, nhiều từ hỏi đáp, nhiều quán ngữ. Không ít những câu văn được bố
trí theo cách đăng đối, hô ứng nhịp nhàng, mang dáng dấp biền ngẫu, đưa lại cảm giác
du dương, đắm đuối... Lại thêm các câu văn với nhiều phần mở rộng, nhiều điệp ngữ biến
hóa linh hoạt” [6; tr 82]. Trong Khúc nhạc hồn non nước, quan sát phần Tháng ba rét
nàng Bân, Văn Giá nhận thấy: “Hầu hết các câu văn Vũ Bằng đều được xây dựng bằng
những nội dung của các cảm giác ngũ quan (…) toàn là những câu văn đầy ấp cảm giác”
[6; tr. 127]. Ngôn ngữ trong Thương nhớ mười hai chủ yếu là “ngôn ngữ của lời ăn tiếng
nói hàng ngày, mang tính chất giản dị, giàu giá trị biểu cảm. Ở chổ trang trọng khiêm
cung hay kiêu sa lộng lẫy cũng xuất hiện lớp từ hán – Việt, với những chỗ nồng nàn
thương mến hay thân mật suồng sã thì rất nhiều hình dung từ, từ láy thuần Việt với nhiều
sáng tạo. Những chỗ nhằm phê phán văn minh lai căng kiểu Mỹ cũng thấy những từ phiên
âm theo kiểu tiếng Mỹ bồi rất chướng tai mang màu sắc giễu cợt... Ngôn từ Vũ Bằng
không đi theo hướng cầu kỳ mà cốt trọng cái thật, cái thành thật của cảm xúc và tâm
trạng” [6; tr. 82]. “Là thơ của niềm thương nhớ” nên có một sự tác động mãnh liệt đối
với những ai đã từng tìm đến Thương nhớ mười hai ,“từng câu tha thiết đã làm cho đến
cả người đương ở giữa Hà Nội cũng phải yêu lây. Những sành sỏi và sắc sảo toát ra ngòi
bút. Sao mà nhớ đến não nùng (…)những ai bây giờ ở phương trời có đọc Thương nhớ
mười hai, ai mà không có một cái quê để nhớ” [6; tr. 115].
Trên là những đánh giá về cuộc đời cũng như văn nghiệp của Vũ Bằng, mặc dù
khá muộn nhưng đến nay, những sáng tác của Vũ Bằng đã được đón nhận một cách rộng
rãi, cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được nghiên cứu trên nhiều phương diện đã góp
8
phần khẳng định vị trí văn học sử của Vũ Bằng, cũng như những đóng góp không thể phủ
nhận ở những tác phẩm giàu giá trị của ông. Chính những công trình nghiên cứu trên đã
cho chúng ta có một cái nhìn tổng quát về cuộc đời và văn nghiệp của Vũ Bằng. Đó là
những tìm kiếm và phát hiện đáng được trân trọng và rất cần thiết. Theo chúng tôi, những
phát hiện đó là nền tảng, cơ sở và là những gợi ý quý báu để chúng tôi vận dụng vào việc
nghiên cứu “Giá trị nội dung và nghệ thuật của trường thiên tùy bút Thương nhớ mười
hai”.
3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài “Giá trị nội dung và nghệ thuật của trường thiên tùy bút
Thương nhớ mười hai” (Vũ Bằng), chúng tôi không ngoài mục đích là khám phá những
đặc sắc về nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm, để thấy được cái hay, cái đẹp,
những giá trị nhân văn cao cả mà tác giả tùy bút đã gửi gắm đến chúng ta. Đồng thời qua
việc nghiên cứu này góp phần cho chúng tôi có một cái nhìn mới hơn về sự đa dạng,
phong phú của thể loại tùy bút và sự đóng góp của Vũ Bằng vào sự phát triển của nền văn
học dân tộc.
Song song đó, chúng tôi thu thập, tích lũy được những kiến thức, tư liệu thiết thực,
quý giá cho công việc học tập và nghiên cứu sau này.
4. Phạm vi nghiên cứu
Ở đề tài “giá trị nội dung và nghệ thuật của trường thiên tùy bút Thương nhớ
mười hai” phạm vi vấn đề nghiên cứu là toàn bộ những bình diện cơ bản về nội dung và
nghệ thuật của tác phẩm Thương nhớ mười hai. Chính vì vậy, phạm vi tư liệu phục vụ
chúng tôi trong quá trình nghiên cứu đề tài này chủ yếu là tùy bút Thương nhớ mười hai.
Song song đó, nguồn tư liệu quý giá phục vụ chúng tôi trong quá trình thực hiện đề tài
không thể không nhắc đến các tác phẩm cùng viết về con người, quê hương xứ Bắc của
các tác giả như: Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường… với những nguồn
tư liệu bổ ích và thiết thực như thế đã góp phần phục vụ cho chúng tôi rất nhiều trong quá
trình thực hiện nghiên cứu tìm hiểu về tùy bút Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng.
9
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện tốt luận văn này, chúng tôi đã vận dụng những luận điểm lí luận văn
học vào thực tiễn nghiên cứu. Song song bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng một số phương
pháp cụ thể sau đây:
Phương pháp tiểu sử: được sử dụng chủ yếu trong chương một, mục 1.1 để thấy
được mối quan hệ giữa tiểu sử của tác giả với tác phẩm, từ đó góp phần lí giải một số vấn
đề trong tác phẩm.
Phương pháp hệ thống: được sử dụng trong suốt quá trình thực hiện đề tài, đặc biệt
là ở chương hai, chương ba. Chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu các luận điểm về nội dung và
nghệ thuật của tác phẩm Thương nhớ mười hai một cách có hệ thống, đặt trong mối quan
hệ với sự nghiệp sáng tác của Vũ Bằng và đặc điểm của thể loại tùy bút.
Phương pháp so sánh: Để có cái nhìn cụ thể khách quan về những giá trị mà
Thương nhớ mười hai mang lại, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi còn tiến hành so
sánh đối chiếu với những tác phẩm có cùng thể loại. Phương pháp này được sử dụng chủ
yếu trong chương hai, chương ba khi tìm hiểu về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác
phẩm.
Tất nhiên, các phương pháp trên không phải thực hiện riêng lẻ, biệt lập mà phối
hợp với nhau trong suốt quá trình nghiên cứu; đặc biệt là kết hợp với các thao tác tư duy
phổ biến như: phân tích, chứng minh, bình luận, giải thích... để nhằm làm sáng rõ giá trị
nội dung cũng như nghệ thuật của trường thiên tùy bút Thương nhớ mười hai.
10
Chương I
NHÀ VĂN VŨ BẰNG VÀ TÙY BÚT THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI
1.1. Nhà văn Vũ Bằng- con người và sự nghiệp
1.1.1. Đôi nét về tiểu sử
Vũ Bằng tên thật là Vũ Đăng Bằng, sinh ngày 6.3.1913 trong một gia đình có chín
người con. Cụ thân sinh Vũ Bằng là Vũ Đăng Tự, hiệu Ân Học, vốn thuộc dòng họ túc
nho - một dòng họ nổi tiếng truyền thống khoa bảng nhiều đời thuộc xã Ngọc Cục, huyện
Lương Ngọc, tỉnh Hải Dương.
Bố mất sớm, Vũ Bằng sống với mẹ từ tấm bé. Gia đình Vũ Bằng có nhà sách
Quảng Thịnh ở phố Hàng Gai, Hà Nội chuyên in ấn và phát hành những chuyện kể dân
gian: Ba Giai Tú Xuất, Trê Cóc, Tấm Cám… Sau này, gia đình ông chuyển về phố Hàng
Da vẫn tiếp tục nghề xuất bản truyện Nôm, lấy tên là “Tam hữu tư thư cục”.
Từ nhỏ, Vũ Bằng đã được theo học trường Lycee Albert Saraut - một trường
trung học Pháp nổi tiếng thuở ấy cho đến hết ban Tú tài. Khi còn là học sinh trung học,
Vũ Bằng đã say mê làm báo, viết văn và từ rất sớm, ông đã có bài đăng trên các báo.
Khoảng năm 1934 -1935 khi mới ngoài hai mươi tuổi, Vũ Bằng kết hôn với bà
Nguyễn Thị Quỳ - người con gái Kinh Bắc chính gốc đẹp nết, đẹp người - hơn ông những
bảy tuổi và đã từng một lần dang dở. Khi về với ông, bà đã là mẹ của bốn người con
riêng.
Tháng 12. 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Vũ Bằng cùng gia đình tản cư ra
vùng kháng chiến. Cuối năm 1948, núp dưới danh nghĩa dân “hồi cư”, chấp nhận mang
tiếng xấu là quay lưng lại với kháng chiến, với đồng bào, dân tộc, Vũ Bằng cùng gia đình
về thành, bí mật tham gia vào mạng lưới hoạt động tình báo cách mạng. Sau khi Pháp rút
khỏi Việt Nam, năm 1954, được sự phân công của tổ chức, Vũ Bằng lại khăn gói vào
Nam nhận nhiệm vụ mới; để lại nơi miền Bắc thân yêu là người vợ thảo hiền và đứa con
còn niên thiếu.
Lúc ra đi, vững một niềm tin, sau hai năm hiệp thương thống nhất, Nam Bắc nối
liền một dải, ông sẽ trở về đoàn tụ cùng gia đình sống lại trong lòng miền Bắc, nhưng hai
năm đã kéo dài suốt hơn hai mươi năm và đau đớn hơn là cả đời ông vẫn không được một
lần quay lại cố hương. Ngay cả lúc bà Quỳ mất ông vẫn không được trở lại nhìn mặt cố
nhân lần cuối.
11
Hòa bình lập lại, Vũ Bằng vẫn sống lặng lẽ và cô đơn. Những tai tiếng, những cái
nhìn hờ hững vẫn không thôi rũ xuống đời ông. Trong những ngày cuối đời, ông thiếu
thốn về vật chất và ít thanh thản về tâm hồn. Ngày 8.4.1984, nhà văn Vũ Bằng qua đời trở về với cõi phật. Bình tro thi hài ông được đặt tại ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, thành phố
Hồ Chí Minh.
Vì nhiều nguyên nhân trong đó có sự đứt đoạn đường dây liên lạc, mãi đến
1.3.2000, cục chính trị thuộc Tổng Cục 2, Bộ Quốc Phòng đã có văn bản xác nhận nhà
văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo hoạt động suốt từ năm 1952 đến 30.4.1975. Tiếp đến,
4.12.2000, Vũ Bằng được nhà nước truy tặng “Huân chương kháng chiến hạng ba”.
Cả cuộc đời thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Tổ Quốc, của dân
tộc, đến khi đã yên nghỉ nơi vĩnh hằng, Vũ Bằng mới được ghi nhận danh phận một cách
rõ ràng. Bạn bè, đồng đội, đồng chí, bạn văn và cả những người hôm này đều nghiêng
mình, cúi đầu trước một con người với nhân cách cao cả.
1.1.2. Sự nghiệp văn chương
Khi Vũ Bằng vào học trường Albert Saraut, mẹ ông luôn nuôi hi vọng và hướng
con trai theo nghề thuốc, nhưng mọi dự định không thành. Vào những năm cuối, Vũ Bằng
quay sang làm báo, viết văn và quyết tâm theo nghiệp văn chương. Trong cuốn hồi ký
Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng đã thành kính bày tỏ tâm sự của bản thân trước mẹ: “Mẹ
ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: nếu trở lại làm người, con lại cứ xin làm báo!”
[1; tr. 385]. Có lẽ văn chương đã ngấm sâu trong con người ông ngay từ lúc cậu bé Vũ
Đăng Bằng quanh quẩn bên nhà sách của gia đình. Và niềm ham mê ấy cứ lớn dần lên,
nuôi dưỡng dần một tâm hồn văn chương, để rồi ông đến với báo, với văn như một lẽ tất
nhiên.
Vũ Bằng là nhà văn thuộc thế hệ thứ nhất của nền văn học Việt Nam, những sáng
tác của ông trải dài qua hai thời kì, trước và sau năm 1945. Từ rất sớm, ông đã có bài
đăng trên các báo: An Nam tạp chí, Đông tây, Trung Bắc tân văn….Ngoài những bài báo
có tiếng vang, ông còn viết nhiều tác phẩm văn chương có giá trị văn học. Năm mười sáu
tuổi, Vũ Bằng chính thức dấn thân vào làng văn, làng báo. Cũng trong năm đó, ông cho
trình làng tập văn châm biếm nhan đề Lọ Văn rất được nhiều người đương thời yêu thích.
Với lòng nhiệt huyết và sự say mê, trong lĩnh vực báo chí lúc này, Vũ Bằng trở
thành một trong những người hoạt động xông xáo và sôi nổi nhất. Vào thập niên 30-40,
Vũ Bằng đã là chủ bút tờ Tiểu thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật và
cộng tác với nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài Gòn… “Như một ông thợ nấu cực kỳ thành thạo
tay dao tay thớt, mắt để vào món vừa chín, mắt nhìn vào món bưng ra. Những chồng báo
12
ấy là thức ăn nuôi bài. Vũ Bằng làm báo, viết báo, cai đầu dài ba bốn tờ một lúc - anh
viết đủ thứ thượng vàng hạ cám, từ cái hộp thư, cái tin vặt, cái vui cười cái “biết ai tâm
sự” đến chuyện ngắn, chuyện dài đăng từng kỳ” [6; tr. 113]. Tô Hoài đã từng nhận xét
một cách hình tượng như thế về cuộc đời cầm bút của Vũ Bằng. Vũ Bằng viết nhanh, viết
khỏe và cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn chương. Bên cạnh làm báo, ông vẫn
thường xuyên miệt mài giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm văn chương có giá trị.
Trước Cách mạng tháng Tám, Vũ Bằng được biết đến như một tiểu thuyết gia. Vũ
Ngọc Phan đã rất trịnh trọng khi đặt Vũ Bằng vào hàng những nhà tiểu thuyết gia tả chân,
bên cạnh Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp. Để phơi bày cái nhơ nhớp
trong lối sống của tầng lớp thanh niên đương thời, năm 1937, Vũ Bằng cho ra đời tập tiểu
thuyết Một mình trong đêm tối. Đến năm 1940, ông tiếp tục xuất bản cuốn Truyện hai
người, Để cho chàng khỏi khổ. Đáng kể nhất trong giai đoạn này có thể kể đến là cuốn hồi
ký Cai của ông. Quyển hồi ký kể lại quá trình nghiện và cai nghiện á phiện đầy khó khăn
của chính tác giả.
Giai đoạn 1945-1954, Vũ Bằng “hồi cư”, những sáng tác của ông không chỉ là mũi
súng hướng vào kẻ thù mà còn là tiếng lòng thủ thỉ về một tình yêu quê hương đất nước
thầm kín. Với thái độ nghiêm túc của những người cùng cảnh ngộ, Vũ Bằng hoạt động rất
miệt mài trên mảnh đất của những người hồi cư. Chính vì thế, ông đã gặt hái được khá
nhiều thành công với một loạt truyện ngắn như: Giai đoạn mới (1949), Ở đây bán sách cũ
(1949), Tiếp theo và hết truyện Lưu Bình- Dương Lễ (1949) và một số truyện dài như:
Chớp bể mưa nguồn (1929), Thư cho người mất tích (1950), Bến cũ (1950).
Sau năm 1954, vào nhận nhiệm vụ ở miền Nam, Vũ Bằng tiếp tục hoạt động hăng
say trên lĩnh vực báo chí, văn chương. Ông tiếp tục cộng tác và làm thư ký tòa soạn cho
nhiều tờ báo: Hòa Bình, Dân chúng, Đồng Nai, Sài Gòn, Thế giới… Cũng chính trong giai
đoạn này, Vũ Bằng viết hăng say nhất. Ông liên tiếp trình làng nhiều tác phẩm văn
chương đầy giá trị với các thể loại khác nhau. Nếu giai đoạn trước, Vũ Bằng chủ yếu viết
tiểu thuyết, thì ở giai đoạn này, bên cạnh thể loại quen thuộc, ông còn thành công ở một
mảnh đất khó cày xới mới của văn chương đó là tùy bút. Các tập tùy bút tiêu biểu của ông
như: Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam và đặc biệt là Thương nhớ mười hai.
Nhận xét về sự nghiệp văn chương của Vũ Bằng, Văn Giá trong quyển Vũ Bằng,
bên trời thương nhớ cho rằng: “Ông viết văn, viết báo như một cách mưu sinh. Hơn thế,
ông viết như một nghiệp chướng. Bao nhiêu sung sướng, bao nhiêu bất hạnh, cả cái vinh,
cái nhục cũng từ đấy mà ra cả” [6; tr.13]. Trước và sau cách mạng Vũ Bằng đều có
những đóng góp thiết thực cho nền văn học nước nhà. Nếu trên mặt trận chính trị, Vũ
13
Bằng hoạt động âm thầm, lặng lẽ thì trên mặt trận văn hóa, ông là người nổ liên tiếp
những phát súng vang nhất. Sự nghiệp văn chương của ông đã minh chứng một điều rằng
những gì là tài năng, tâm huyết với dân với nước, cho nền văn học dân tộc thì sẽ mãi
chẳng phai mờ trong lòng mọi người.
Một số tác phẩm tiêu tiểu:
Lọ Văn (tập văn trào phúng, 1931)
Một mình trong đêm tối (tiểu thuyết, 1937)
Truyện hai người (tiểu thuyết, 1940)
Bèo nước (tiểu thuyết, 1944)
Ba truyện mổ bụng (tập truyện, 1941)
Cai (hồi ký, 1944)
Ăn tết thủy tiên (1950)
Miếng ngon Hà Nội (bút ký, 1960)
Miếng lạ miền Nam (bút ký, 1969)
Bốn mươi năm nói láo (hồi ký, 1969)
Khảo về tiểu thuyết (biên khảo, 1969)
Mê chữ (tập truyện, 1970)
Nhà văn lắm chuyện (1971)
Thương nhớ mười hai (tùy bút, 1972)
Người làm mả vợ (truyện ký, 1973)
1.1.3. Phong cách sáng tác
Đến với văn chương, Vũ Bằng viết một cách hăng say và không ngừng nghỉ. Bao
tâm tư tình cảm, bao niềm thương nỗi nhớ đều được ông gói trọn vào trang văn của mình;
để rồi, cứ mỗi lần mở ngõ vào sáng tác của Vũ Bằng, ta bắt gặp hình bóng một con người
sầu xứ da diết vọng về cố hương.
Vũ Bằng bén duyên với nghề viết từ rất sớm. Lúc đầu khi đặt chân vào làng văn
Việt Nam, ông trình chánh mọi người một lối tả chân đặc biệt. Nhận xét về vấn đề này,
Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Tiểu thuyết của Vũ Bằng rất gần của Nguyễn Công Hoan về lối
tả cảnh và nhân vật, dù là họ ở vào cảnh nghèo khổ hay giàu sang bao giờ Vũ Bằng cũng
tả bằng ngọn bút dí dỏm, nhạo đời hơi đá hoạt kê một chút; còn về cảnh, ông chỉ tả sơ sơ;
ông chú trọng vào hành vi ấy là động tác của cuốn tiểu thuyết và gây nên những cảnh
riêng biệt cho nhân vật” [20; tr. 91]. Bắt nhịp với hơi thở văn học cùng thời, ta tìm thấy
14
ở ngòi bút của Vũ Bằng một lối viết đầy tính phê phán đả kích nhưng vẫn dạt dào yêu
thương.“Anh có lối tả chân đặt biệt và trào phúng chuyên môn, có khi rất nhẹ nhàng khả
ái như Alphonse Dauded, có khi cầu kỳ lí thú như Courteline. Tôi không nói Vũ Bằng là
một văn hào, nhưng chắc chắn anh ta là nhà văn Việt Nam độc đáo trên lĩnh vực tả chân
trào phúng, trước kia và bây giờ” [6; tr. 121].
Càng về sau văn Vũ Bằng càng dễ bước vào lòng người hơn, bởi những sáng tác
của ông là “thơ của niềm thương nhớ”. Do nhiều lí do, đặc biệt là tính chất của công việc,
Vũ Bằng chỉ còn biết gửi vào trang văn của mình những tâm sự như một lời giải thích kín
đáo, nhẹ nhàng và đầy khéo léo. Mỗi một lời văn là một tiếng yêu thương được rót ra từ
tận đáy tâm hồn ông. Vũ Bằng đem đến mọi người một giọng văn tâm tình, thủ thỉ với
những ngôn ngữ đời thường bình dị. Ngôn từ không cần hoa mĩ, đài các, không cần trau
chuốt, gọt giũa. Câu văn cứ theo mạch cảm xúc mà dài ngắn khác nhau. Có khi “kéo dài,
chồng chất, hối hả, xoắn cuộc, hổn hển dội lên từng đợt không dứt” [6; tr. 149-150] và
“hầu hết các câu văn của Vũ Bằng đều được xây dựng bằng những nội dung của các cảm
giác ngũ quan (…) toàn là những câu văn đầy cảm giác [6; tr.127]. Điều này góp phần
tạo cho văn ông một vẻ duyên dáng, dung dị, gần gũi mà không kém phần hấp dẫn.
Giữa vô vàn những trang văn cùng viết về Hà Nội, về những nét văn hóa cổ truyền
của xứ Bắc ta vẫn nhận ra một Vũ Bằng với giọng văn rất riêng, đầy da diết. Đó là một
nỗi buồn man mác, một niềm nuối tiếc và một nỗi nhớ thương đến quay quắt. Sống giữa
Sài Gòn nắng gió mà khắc khoải nhớ xứ Bắc lãng mạn nên thơ. “Đó là cái buồn nhớ đặc
thù thuở đất nước cắt chia Nam Bắc(…) văn của ông là một nỗi nhớ. Ở Sài Gòn những
năm ấy, nhìn về Hà Nội cố hương, ông có nỗi lòng của một kẻ ra đi không hạn định. Nhớ
đốt ruột đốt gan nhưng hy vọng ngày về lại quá mong manh” [6; tr. 132]. Có lẽ vì thế,
thời gian, không gian trong văn Vũ Bằng thường là thời gian, không gian của tâm trạng,
của kí ức. Ông thường trở về “với thế giới hoài niệm”, và “một không gian văn hóa Hà
Nội và miền Bắc” [6; tr. 65]. “Tôi nhớ những buổi tối đi trên con đường Tòa Án ngan
ngát mùi hoa sữa, nhớ những đêm trăng hai đứa dắt nhau trên đường Giảng Võ xem
chèo, và những đêm mưa ngây, thức dậy thổi một nồi cơm gạo vàng ăn với thịt con gà
mái ấp’’. Hay “hai mươi mấy năm đã qua đi từ bữa trẩy hội chùa lần chót ấy, nhưng lòng
nào mà quên được cái buổi chiều giữa tháng hai năm đó, chúng ta cùng ngồi ở trên con
đò xuôi bến Đục ngắm những con cốc bói cá trên dòng nước trong văn vắt”. Đó là văn
của Vũ Bằng - văn của những hoài niệm, nhẹ nhàng nhưng da diết vô cùng.
“Bị bứng ra khỏi không gian văn hóa cổ truyền” cả đời gắn bó để đặt vào một
không gian mới hoàn toàn xa lạ và khó để thích nghi, Vũ Bằng như lạc lõng giữa Sài Gòn
nhộn nhịp, ồn ào. Ông cứ ngồi đấy với một hướng nhìn, hướng nghĩ duy nhất: đấy là xứ
15
Bắc cố hương. Chính vì vậy, viết về Hà Nội, về những kỉ niệm đã gắn bó gần nữa cuộc
đời là một mảng đề tài chiếm phần lớn trong sáng tác của Vũ Bằng.
Với nhu cầu muốn giãi bày những tâm tư tình cảm, bày tỏ những tâm sự u uất
“ngày Nam đêm Bắc”, Vũ Bằng đến với tùy bút như một lẽ tất nhiên và nhanh chóng ông
được ưu ái dành cho một vị trí hết sức trang trọng. Với những kiến thức uyên bác và ngòi
bút tài hoa, Vũ Bằng thật sự là một trong những nhà tùy bút nổi bật của văn học Việt
Nam.
Theo thời gian, ngòi bút của Vũ Bằng càng vững vàng hơn. Bên cạnh những cây
bút đầy tài hoa của nền văn học nước nhà, Vũ Bằng vẫn lặng lẽ góp thêm cho đời một
giọng văn rất riêng, rất Vũ Bằng, không thể lầm lẫn vào đâu được- một giọng văn trữ tình
ngọt ngào, da diết.
1.2. Tùy bút Thương nhớ mười hai
1.2.1. Khái quát về thể loại tùy bút
Xuất hiện khá muộn, song tùy bút là một thể loại văn xuôi đã góp phần làm phong
phú thêm cho nền văn học Việt Nam. Ở nước ta, tên tuổi của một số nhà văn đã gắn liền
với thể tùy bút như: Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nguyễn Đình Thi… Là thể loại
văn học rất khó viết nên tùy bút kén cả độc giả lẫn tác giả, những cây bút thành công ở
lĩnh vực này phải là người thật sự tài hoa và uyên bác.
Từ trước đến nay, tùy bút được nhiều người mặc nhiên hiểu theo nghĩa là tùy theo
ngọn bút mà đưa đẩy và nguyên tắc của tùy bút là “không có nguyên tắc gì cả”, được viết
theo cảm xúc chủ quan của tác giả. Tuy nhiên, bất kỳ sáng tác văn chương nào cũng phải
được khởi nguồn từ những rung động hết sức chân thành. Cảm xúc chủ quan của người
viết không chỉ đòi hỏi ở thể loại tùy bút. Vì vậy, vấn đề này vẫn chưa thật sự được giải
quyết một cách thỏa đáng và còn nhiều ý kiến khác nhau.
Là một thể loại văn xuôi giàu chất trữ tình, tùy bút được nhiều nhà nghiên cứu xếp
vào dạng tiểu loại của thể loại ký. Các tác giả của quyển Văn học Việt Nam thế kỷ XX cho
rằng: “Tùy bút là một thể thuộc loại hình ký có lối viết phóng khoáng, tự do và chủ quan
nhất… So với các tiểu loại khác, tùy bút giàu chất trữ tình hơn cả, tuy vẫn còn không ít
yếu tố chính luận và chất suy tưởng triết lý” [5; tr. 434]. Trong quyển Lý luận văn học –
vấn đề và suy nghĩ, Nguyễn Văn Hạnh cũng xếp tùy bút vào thể ký: “Các thể ký chủ yếu
có mặt cả trong văn học cổ điển và văn học hiện đại là ký sự, bút ký, tùy bút, nhật ký (…).
Trong văn học hiện đại, thể tùy bút được dùng để chỉ những tác phẩm viết một cách
phóng khoáng, tự do, theo dòng suy nghĩ, liên tưởng của người viết. Tùy bút cũng là ký, là
ghi chép, nhưng không chỉ ghi chép sự việc mà chi chép suy nghĩ, cảm xúc của người viết
16
khi tiếp xúc với thực tế [8; tr. 100]. Còn Hoàng Văn Hoành trong Từ điển Tiếng Việt định
nghĩa về tùy bút: “Tùy bút là thể ký ghi lại một cách tương đối tự do những cảm nghĩ của
người viết, kết hợp với việc phản ánh hiện thực khách quan”. [18; tr. 749]. Khác hẳn với
những ý kiến trên, Nguyễn Xuân Nam trong quyển Lí luận văn học cho rằng: “Tác phẩm
trữ tình không phải chỉ có thơ trữ tình, mặc dù nó là tiêu biểu nhất. Ngoài thơ trữ tình còn
có tùy bút, thơ văn xuôi, ca trù, từ khúc…Tùy bút là thể loại văn xuôi phóng khoáng. Nhà
văn theo ngọn bút mà suy tưởng, trần thuật, nhưng thực chất là thả người theo dòng liên
tưởng, cảm xúc mà tả người, kể việc” [22; tr. 188]. Trong Nguyễn Tuân toàn tập, tập 1,
Nguyễn Đăng Mạnh có nêu ra một định nghĩa : “Tùy bút là gì? Định nghĩa vừa dễ lại vừa
khó. Dễ vì khái niệm tự bản thân nó đã giải thích: là phóng bút, tùy bút mà viết chứ sao!
Nhưng chính vì thế mà khó. Vậy thì còn có thể nói gì về quy tắc thể loại của nó nữa? Ở
phương Tây hiện đại, tùy bút rất phát triển. Nhưng càng phát triển khái niệm tùy bút càng
mơ hồ. Có người đã nói: “tự do là phép tắc duy nhất của tùy bút”. Có thể hiểu một cách
đại khái thế này: người viết tùy bút thường mượn cớ thuật lại một sự kiện, một mẫu
chuyện nào đó mà mình có trải qua để nhân đấy nêu lên những vấn đề này khác mà bàn
bạc, mà nghị luận, triết luận, ném ra những suy tưởng của mình một cách thoải mái,
phóng túng” [13; tr. 107].
Trên đây là một số ý kiến về khái niệm tùy bút, dường như vẫn còn một sự nhập
nhằng trong việc đưa ra một ý kiến chung nhất về thể loại này. Trong tùy bút cũng có kể
chuyện, thuật sự tuy nhiên cấu trúc của tùy bút nói chung ít bị ràng buộc, câu thúc bởi các
trình tự, diễn biến. Các sự kiện khách quan thường không được trình bày liên tục do sự
xen kẽ của các cảm xúc chủ quan, các yếu tố trữ tình của người viết mà được khai thác từ
nhiều địa điểm thời gian khác nhau tùy theo dòng liên tưởng của tác giả. Nằm ở vị trí
trung gian: “Tùy bút - từ trong bản chất của thể loại - là những tác phẩm văn xuôi phát
sinh từ ký (gần với tự sự) và được viết chủ yếu theo mạch cảm xúc chủ quan của tác giả
(gần với trữ tình)” [30; tr. 2] nên chúng ta có thể xem: “tùy bút là một thể loại văn xuôi
thuộc loại tự sự, trữ tình” [14; tr. 30]. Có lẽ, đó là một cái nhìn chung nhất cho khái niệm
tùy bút. Chính sự hài hòa đó đã tạo nên một nét độc đáo cho thể loại này.
17
1.2.2. Thương nhớ mười hai – trường thiên tùy bút đặc sắc
của nhà văn Vũ Bằng
Nhà văn Triệu Xuân trong bài viết Vũ Bằng, người lữ hành đơn côi đã từng tâm sự:
“Có người bạn thân, trong lúc đàm đạo văn chương, hỏi tôi: “sắp sang thế kỷ 21 rồi, nếu
chỉ được phép mang mười cuốn sách văn học vào thế kỷ mới ông mang những cuốn
nào?”. Tôi trả lời ngay: “Một trong những cuốn tôi mang theo là Thương nhớ mười hai
của Vũ Bằng!”[28; tr. 5]. Nói thế đủ chứng tỏ rằng Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng có
giá trị và tầm ảnh hưởng lớn lao đến những người yêu văn chương và cả với nền văn học
Việt Nam như thế nào.
Mặc dù trải qua những thăng trầm, nhận chịu một số phận “éo le” như chính cuộc
đời của tác giả, Thương nhớ mười hai nói riêng và những sáng tác của Vũ Bằng nói chung
vẫn sống mãi cùng năm tháng. Bởi những gì là văn chương đích thực thì mãi sáng trong
giữa đời và Thương nhớ mười hai là một tập tùy bút như thế. Với giọng văn ngọt ngào
như lời tâm tình thủ thỉ, tác phẩm dễ dàng để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi
người.
Vũ Bằng viết Thương nhớ mười hai từ tháng giêng năm 1960, tiếp tục năm 1965
và hoàn thành vào năm 1970-1971. “Mười hai tháng thân phận một đời người ấy” (chữ
của Tô Hoài) đã ra đời trong suốt gần mười một năm dài đằng đẵng, đủ thấy sức nặng của
nhớ thương oằn nặng như thế nào trong ông. Nỗi nhớ ấy khắc khoải và da diết biết
nhường nào. Cứ chầm chậm qua từng tháng, từng mùa. Mỗi một tháng ông dừng lại ở một
đặc điểm riêng của những thời trân xứ Bắc. Tháng giêng, mơ về trăng non rét ngọt;
Tháng hai, tương tư hoa đào; Tháng ba, rét nàng Bân; Tháng tư; mơ đi tắm suối Mường;
Tháng năm, nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng; Tháng sáu, thèm nhãn Hưng Yên;
Tháng bảy, ngày rằm xá tội vong nhân; Tháng tám, ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng
tri thu; Tháng chín, gạo mới chim ngói; Tháng mười, nhớ gió bấc mưa phùn; Tháng mười
một, thương nhớ về những ngày nhể bọng con rận rồng; Tháng mười hai, nhớ ơi chợ Tết.
Và, vùng ký ức của Vũ Bằng không quên ưu ái dành phần riêng cho một mùa đặc biệtmùa Tết với Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh. Mười hai tháng với mười hai khung cảnh thiên
nhiên, đất trời cứ như tràn về từ trong dòng ký ức của Vũ Bằng. Vũ Bằng đã dành trọn
mười ba đoản thiên của tùy bút Thương nhớ mười hai để viết về văn hóa, phong tục của
Hà Nội trong nỗi hoài niệm da diết. Những nét văn hóa, những mảng tâm hồn của mảnh
đất Hà Nội và cả vùng quê Bắc bộ hiện lên rất rõ nét và sống động.
Đọc những trang văn của Vũ Bằng nói chung và Thương nhớ mười hai nói riêng,
chúng ta đón nhận đầu tiên là nỗi niềm thương nhớ khắc khoải, khôn nguôi. Ra đời trong
18
những ngày Vũ Bằng lạc lõng giữa Sài Gòn nắng gió mà không nguôi sầu nhớ tương tư
cố hương, Thương nhớ mười hai đã “bày tỏ rất rỏ tâm sự của một người con miền Bắc
nhớ da diết quê hương bên kia giới tuyến”, nhớ về một vùng kí ức đã gắn bó gần nửa đời,
nơi đó có gia đình, có bạn bè và có người vợ một lòng chờ đợi thủy chung. Thương nhớ
mười hai không chỉ là tâm sự của một “người sầu xứ” mà trước hết nó là một điếu văn,
một nén tâm hương ông thắp lên để tưởng nhớ người vợ tao khang. “Bắt đầu viết cuốn
sách này thì là nhớ. Viết đến câu chót (tháng chín) thì là thương, thương không biết bao
nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn: NGUYỄN THỊ QUỲ. Thân mến
tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu”. Vũ Bằng đã mở đầu tùy bút bằng
những lời yêu thương da diết ấy, đủ hứa hẹn với người đọc một Thương nhớ mười hai dạt
dào nhớ thương, khắc khoải ở những trang sau. Tình yêu gia đình hòa vào tình yêu lớn lao
của quê hương xứ sở đã tạo nên một sắc màu rất riêng cho tập tùy bút Thương nhớ mười
hai.
Bên một Hà Nội cổ xưa của Thạch Lam trong Hà Nội băm sáu phố phường, một
Hà Nội hào hùng, anh dũng của Nguyễn Tuân trong Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, Vũ Bằng đã
góp thêm vào nền văn học nước nhà một Hà Nội đầy thương nhớ. Hà Nội của Vũ Bằng
được tái hiện lại qua trái tim người tha hương luôn đêm ngày hoài vọng cố hương. Vì lẽ
đó, những trang văn Thương nhớ mười hai đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng và
không biết tự bao giờ.
Chương II
19
THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI – DÒNG HỒI ỨC MIÊN MAN
VỀ CỐ HƯƠNG VÀ CỐ NHÂN
2.1. Văn hóa dân tộc – mảng đề tài chính trong Thương nhớ mười hai
“Tùy bút là một thể loại văn xuôi giàu chất trữ tình, lấy cảm hứng làm nội dung
chính cho tác phẩm. Nó tiếp cận hiện thực đời sống trong khuynh hướng lý tưởng hóa,
luôn đề cao những chuẩn mực của cái Đẹp và cái Cao cả. Vì thế, các tác giả tùy bút
thường quan tâm đến văn hóa dân tộc với những giá trị vừa ổn định vừa biến thiên theo
từng bước thăng trầm của lịch sử” [14; tr. 115]. Là một trong những tác phẩm tùy bút
tiêu biểu viết về đề tài văn hóa, Thương nhớ mười hai được xem như “một áng văn bất hủ
viết về quê hương đất nước” [28; tr. 5]. Qua dòng hoài niệm khắc khoải về cố hương, Vũ
Bằng đã phục dựng lại cả một không gian văn hóa truyền thống của dân tộc.
2.1.1. Những thành tố văn hóa vật chất
“Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải (…).
Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp nhất (chúng ta
chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm
hồn người Hà Nội” [10; tr. 16]. Từ trước đến nay, Hà Nội luôn là nguồn thi hứng vô tận
của các văn nhân thi sĩ. Không gian thiên nhiên, không gian văn hóa Thăng Long – Hà
Nội tươi đẹp, giàu truyền thống mãi mãi là phần tâm hồn, tình cảm, là máu thịt không thể
tách rời của mọi người dân đất Việt khi hướng về miền Bắc thân yêu. Chính vì vậy, đã
không biết có bao nhiêu người dành cảm xúc của mình cho con người và mảnh đất ngàn
năm văn hiến này? Đó là, một Hà Nội Vang bóng một thời trong con mắt bậc tao nhân
mặc khách Nguyễn Tuân, một Hà Nội băm sáu phố phường với những cảnh trí văn hóa
con người qua cái nhìn của Thạch Lam… Còn đối với Vũ Bằng, ông góp thêm một Hà
Nội Thương nhớ mười hai với không gian bốn mùa xuân hạ thu đông. Mỗi một mùa là
những kí ức sâu đậm trong lòng người xa xứ về Hà Nội. Mười hai tháng nhớ thương dệt
nên mười hai bức tranh với những cảnh vật và con người xứ Bắc đầy thơ mộng, diễm
tình.
Khác với Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng viết về Hà Nội khi ông đang sống
giữa Sài Gòn ồn ào, nhộn nhịp mang nặng trong lòng những biệt li xứ sở. Ấy vậy mà cảnh
vật và con người nơi xứ Bắc quê hương vẫn cứ như vẽ ra trước mắt ông, đủ thấy nỗi nhớ
trong ông đong đầy đến ngần nào. Gắn bó gần nửa cuộc đời và giờ không được một lần
trở lại, tách hẳn ra với không gian sống đã nuôi dưỡng tâm hồn, điều đó thật khó chấp
nhận. Đặc biệt đối với một người nặng tình như Vũ Bằng lại càng day dứt nhiều hơn. Ông
gần như phân thân mình ra để sống một cuộc đời ngày Nam đêm Bắc. Nỗi nhớ ấy, tình
20