Giá trị nội dung và nghệ thuật trong tiểu thuyết “tắt đèn” của ngô tất tố

  • pdf
  • 127 trang
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN

LÊ THỊ THƠ
MSSV: 6086216

GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRONG
TIỂU THUYẾT “TẮT ĐÈN”
CỦA NGÔ TẤT TỐ

Luận văn tốt nghiệp Đại học
Ngành Ngữ văn

Cán bộ hướng dẫn: Ths.Gv. HỒ THỊ XUÂN QUỲNH

Cần Thơ, năm 2012

ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu

PHẦN NỘI DUNG
Chương I: TIỂU THUYẾT “TẮT ĐÈN” ĐÃ ĐƯA NGÔ TẤT
TỐ TỪ MỘT NHÀ CỔ HỌC THÀNH MỘT NHÀ VĂN
HIỆN ĐẠI
1. Tiểu sử Ngô Tất Tố
1.1. Con người
1.2. Sự nghiệp sáng tác
2. Ngô Tất Tố là một nhà cổ học: khảo cứu, dịch thuật
3. Hoàn cảnh ra đời tiểu thuyết “Tắt đèn”
4. Từ một nhà cổ học, với tiểu thuyết “Tắt đèn”, Ngô Tất Tố đã trở thành một
nhà văn hiện đạị

Chương II: GIÁ TRỊ NỘI DUNG CỦA TIỂU THUYẾT
“TẮT ĐÈN”
1. Đề tài
2. Chủ đề
3. Giá trị hiện thực của tiểu thuyết “Tắt đèn”
3.1. Tiểu thuyết “Tắt đèn” tái hiện chân thực cảnh làng quê Việt Nam
3.1.1. Cảnh làng Đông Xá
3.1.2. “Tắt đèn” thể hiện các mối quan hệ
3.1.2.1. Mối quan hệ giữa những tên quan lại, địa chủ, cường hào
3.1.2.2. Mối quan hệ giữa những tên quan lại, địa chủ cường hào với
những người nông dân
3.1.2.3. Mối quan hệ giữa những người nông dân
3.2. “Tắt đèn” là bản cáo trạng đanh thép đối với chế độ sưu thuế
3.2.1. Đôi nét về chế độ sưu thuế
3.2.2. Tiểu thuyết “Tắt đèn” đã tố cáo chế độ sưu thuế và vạch trần bản
chất của bọn quan lại
4. Giá trị nhân đạo của tiểu thuyết “Tắt đèn”
4.1. Tiểu thuyết “Tắt đèn” thể hiện tập trung phẩm chất cao đẹp của người
phụ nữ Việt Nam
4.2. “Tắt đèn” thể hiện sự thông cảm, sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn đối
với những nạn nhân của chế độ sưu cao thuế nặng

Chương III: GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA TIỂU THUYẾT
“TẮT ĐÈN”
1. Ngôn ngữ tiểu thuyết
1.1. Thể hiện qua ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ người kể chuyện
1.2. Thể hiện qua việc miêu tả không gian và thời gian
1.3. Thể hiện qua lời văn nghệ thuật trong tác phẩm
1.3.1 Lời trực tiếp
1.3.2. Lời gián tiếp
2. Nghệ thuật xây dựng hoàn cảnh điển hình và tính cách điển hình
2.1. Hoàn cảnh điển hình
2.2. Tính cách điển hình
2.1.1. Tính cách nhân vật chị Dậu
2.1.2. Tính cách nhân vật vợ chồng Nghị Quế
3. Kết cấu

PHẦN KẾT LUẬN
PHẦN TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHẦN NHẬN XÉT CỦA CÁN BỘ HƯỚNG DẪN
PHẦN NHẬN XÉT CỦA CÁN BỘ PHẢN BIỆN

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Văn học hiện thực phê phán là dòng văn học tiêu biểu của nước ta giai đoạn 1930 1945. Trong trào lưu văn học này đã hội tụ rất nhiều những cây bút đầy tài năng như:
Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố…
Tuy vậy, do vốn hiểu biết về nông thôn, thái độ đối với nông dân, khuynh hướng
tư tưởng và nghệ thuật của mỗi nhà văn này có khác nhau, nên giá trị hiện thực của mỗi
tác phẩm cũng khác nhau.
Với Ngô Tất Tố, ông được xem là một trong những cây bút xuất sắc của dòng văn
học hiện thực trước cách mạng tháng Tám - 1945 và là một trong những tác giả lớn có
vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Chỉ với ba thập kỷ cầm bút, ông
đã để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ, độc đáo, bao gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết,
phóng sự, truyện ký lịch sử, khảo cứu, dịch thuật, tiểu phẩm báo chí…Ở thể loại nào
cũng để lại dấu ấn đặc sắc riêng. Và tiểu thuyết “Tắt đèn” là một trong những tác phẩm
xuất sắc của ông viết về nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, viết về khía
cạnh nóng bỏng của người nông dân Việt Nam sống dưới chế độ sưu cao thuế nặng, họ
bị áp bức, bóc lột đến cùng cực. “Tắt đèn là một bản tố khổ chân thật, sâu sắc, chan
hòa nước mắt và lòng căm phẫn của hàng triệu nông dân nghèo bị bóc lột. Tắt đèn là
một tác phẩm có giá trị hiện thực tố cáo và giá trị nhân đạo chủ nghĩa.” [11; tr.308].
“Tắt đèn” cũng là một trong những tác phẩm mang tính thời sự sâu sắc, tái hiện
chân thực đời sống của nhân dân Việt Nam dưới chế độ sưu cao thuế nặng. Từ đó, lên
án bênh vực, tố cáo, vạch trần bản chất xấu xa, đê tiện và tàn ác của bọn quan lại dưới
chế độ thuộc địa nửa phong kiến. Qua đó, “Tắt đèn” đồng cảm, cảm thông với số phận
của người nông dân là nạn nhân của chế độ sưu thuế dã man. Vì thế, tác phẩm được
đông đảo các nhà nghiên cứu, phê bình, độc giả quan tâm nghiên cứu. Có thể nói đó là
cơ sở để người viết đi vào tìm hiểu, triển khai giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong
tiểu thuyết “Tắt đèn” một cách rõ nét và toàn diện hơn. Vì thế, người viết quyết định

chọn đề tài “Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô
Tất Tố ” làm đề tài luận văn.

2. Lịch sử vấn đề
Nói đến tác phẩm xuất sắc nhất của Ngô Tất Tố và cũng là tác phẩm xuất sắc viết
về nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.Với vai trò và vị trí xứng đáng
trong nền văn học phê phán giai đoạn 1930-1945, các tác phẩm của ông, trong đó có
“Tắt đèn” được đông đảo các nhà nghiên cứu, phê bình, độc giả chú ý.
Các công trình nghiên cứu đề cập giá trị nội dung của tiểu thuyết “Tắt đèn”:
Trong sách Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật, Nxb Sự thật 1956,
Hồng Chương có bài viết “Tắt đèn – cuốn tiểu thuyết hiện thực xuất sắc” – Trong bài
viết này, Hồng Chương nhận định “Cũng như nhiều tác phẩm hiện thực chủ nghĩa khác
hồi bấy giờ, Tắt đèn chỉ mới bóc trần chế độ xã hội đương thời, nó chưa thể vạch ra
được con đường đi đến tương lai tốt đẹp. Nhưng không vì thế mà ta đánh giá thấp tác
phẩm nghệ thuật ưu tú đó. Với Tắt đèn một cuốn tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa duy
nhất đó của ông, Ngô Tất Tố cũng xứng đáng được liệt vào hàng các đại biểu xuất sắc
nhất của chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam” [12; tr.222].
Trích sách Tắt đèn, Nxb Văn hóa – Viện Văn học 1962, Nguyễn Tuân có bài viết
“Lời giới thiệu truyện Tắt đèn”. Qua bài viết, Nguyễn Tuân khẳng định giá trị nội dung
của “Tắt đèn”: “Tắt đèn xoáy sâu vào cái thuế đinh bất nhân đánh vào đầu người hàng
năm. Tắt đèn là câu chuyện khốn khổ của người làm ruộng nghèo phải bán con, lìa nhà,
đi ở vú để chạy cho xong một cái thẻ sưu. Cái thẻ sưu người thì vĩnh viễn ra tro rồi,
nhưng Tắt đèn vẫn còn truyền lại những cảm xúc phát ra từ những con người sống ở
một thời đại đánh thuế vào mạng người, đánh thuế vào hồn người sống và cả vào xác
người chết” [12; tr.207]
Trên tạp chí Văn học, số 3- 1963, Phong Lê có bài viết “Những đóng góp của Ngô
Tất Tố trong Tắt đèn”. Trong bài viết này, Phong Lê khẳng định giá trị nội dung của
“Tắt đèn”: “Tắt đèn có giá trị tố cáo sâu sắc hơn và đạt tới đỉnh cao trong trào lưu hiện
thực phê phán chính vì cuộc sống được miêu tả trong truyện đã khách quan dẫn ta đi

đến một nhận xét đúng đắn về nguyên nhân tình trạng nghèo khổ trong xã hội. Người
nông dân ở đây không hiện lên với những thói tục lạc hậu ràng buộc quanh mình. Sự
dốt nát không phải là cái cớ chủ yếu làm cho họ khốn khổ. Trái lại, đây là tất cả sức đè
nén, bóc lột vô cùng tàn nhẫn của cả một trật tự xã hội. Mối quan hệ tước đoạt giày xéo
lên nhau. Cuộc sống người nông dân là một cuộc sống bần cùng, đầy rẫy những cảnh
tan cửa nát nhà, bán con, đi ở vú, làm thuê…Yêu cầu khách quan đặt ra vô cùng cấp
thiết là một cuộc cách mạng, không phải chỉ để giải phóng cho phụ nữ, mà là giải
phóng cho cả mọi lớp người lao động nghèo khổ” [11; tr.256].
Trong sách Bình luận văn học, Nxb Văn học năm 1977, Như Phong có bài viết:
“Tắt đèn của Ngô Tất Tố, một tác phẩm sâu sắc nhất về nông dân nước ta trước cách
mạng”. Trong bài viết này, Như Phong khẳng định giá tri nội dung của tác phẩm “Tắt
đèn”: “Trong Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã vạch rõ bản chất nguyên nhân khổ cực của dân
quê, hơn thế nữa còn chỉ đích danh được thủ phạm: Đế quốc Pháp và địa chủ phong
kiến, với cả chế độ bóc lột áp bức của chúng. Trong một thời kỳ mà bọn thống trị cố che
phủ bộ mặt thật của chúng, mà một số người còn có nhận thức mơ hồ, lẫn lộn về sự thật
của nông thôn, nhà văn hiện thực của chúng ta đã phơi trần nguyên hình kẻ thù của
nông dân ra ánh sáng”. Ngoài ra ông còn nhấn mạnh những đóng góp của Ngô Tất Tố:
“Ngô Tất Tố đã góp được tiếng nói mạnh mẽ, rung động nhất trong các tiếng nói tố cáo
chế độ thực dân phong kiến và tội ác của chúng đối với nông dân. Cuốn Tắt đèn không
có kết luận, nhưng sự thật đọc xong, người ta không thể không thấy một câu kết luận tự
nhiên nảy ra tự chính lòng mình: “Trên đời này không thể để những cái bất công, vô lý
ấy tồn tại mãi mãi được!”. Đó là tác dụng của văn học hiện thực phê phán trước đây
mà bây giờ chúng ta có đủ lý do để nhận định rằng Tắt đèn là một tác phẩm tiêu biểu
sâu sắc nhất” [12; tr.229].
“Tắt đèn” là một tác phẩm giàu giá trị nội dung. Nó đã tố cáo và lên án chế độ sưu
thuế dã man của thực dân Pháp, đã bần cùng hóa nhân dân ta. Sưu thuế đánh cả vào
người chết, có biết bao nhiêu người phải bán vợ đợ con để trang trải cho xong “món nợ
nhà nước”. Vụ sưu thuế đến, xóm thôn rùng rợn trong tiếng trống thúc thuế suốt đêm
ngày. Bọn cường hào bắt trói đánh đập tàn nhẫn những kẻ thiếu sưu. Có thể nói “Tắt
đèn” là một bức tranh xã hội chân thực, một bản án đanh thép kết tội chế độ thực dân

nửa phong kiến đã áp bức bóc lột, đã bần cùng hóa nhân dân ta. Tình vợ chồng, tình mẹ
con, tình nghĩa xóm làng giữa những con người cùng khổ được nói lên qua tác phẩm
một cách chân thực. Số phận người phụ nữ, những em bé, những người cùng đinh được
tác giả nêu lên với bao nhiêu xót thương và đau lòng.
Trong sách Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật, Nxb Sự thật năm
1956. Hồng Chương có bài viết “Tắt đèn – cuốn tiểu thuyết hiện thực xuất sắc”. Trong
bài viết này Hồng Chương nhận định “Tắt đèn” chỉ mới bóc trần chế độ xã hội đương
thời, nó chưa thể vạch ra được con đường đi đến tương lai tốt đẹp nhưng không gì thế
mà đánh giá thấp về nó.
Còn đối với bài viết của Nguyễn Tuân, trích từ sách Tắt đèn, Nxb Văn hóa – Viện
Văn học, 1962. Bài viết có tên là “Lời giới thiệu truyện Tắt đèn”. Qua bài viết, Nguyễn
Tuân đi vào khai thác chế độ sưu thuế bất nhân trong tác phẩm “Tắt đèn”: “Tắt đèn”
xoáy sâu vào cái thuế đinh bất nhân đánh vào đầu người hàng năm.
Bài viết của Phong Lê, trên tạp chí Văn học, số 3 - 1963. Bài viết có tên là “Những
đóng góp của Ngô Tất Tố trong Tắt đèn”. Trong bài viết này, Phong Lê đã nhận xét
trong tác phẩm“Tắt đèn”, Ngô Tất Tố đã chỉ ra nguyên nhân tình trạng nghèo khổ trong
xã hội nước ta lúc bấy giờ. Đó là sự bóc lột vô cùng tàn nhẫn của chế độ sưu cao thuế
nặng, của giai cấp thống trị tàn bạo.
Đối với bài viết của Như Phong, ông khẳng định với tác phẩm “Tắt đèn”, Ngô Tất
Tố đã vạch rõ bản chất nguyên nhân khổ cực của dân quê, hơn thế nữa còn chỉ đích
danh được thủ phạm: Đế quốc Pháp và địa chủ phong kiến, với cả chế độ bóc lột áp bức
của chúng.
Nhìn chung, có nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về giá trị nội dung của tác
phẩm “Tắt đèn”. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu này cũng có điểm chung nhau là
đã chỉ ra giá trị đích thực của tác phẩm “Tắt đèn”, là một tác phẩm tái hiện chân thực
đời sống của người nông dân dưới chế độ sưu cao thuế nặng thời thuộc địa nửa phong
kiến. Và là một trong những cuốn tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa xuất sắc của dòng văn
học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.

Các công trình nghiên cứu đề cập đến giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết “Tắt đèn”:
Trên báo Mới, số 4, ngày 15-6-1939, Trần Minh Tước có bài viết: “Một nhà văn
quê - Ngô Tất Tố trong Tắt đèn”. Trong bài viết này, Trần Minh Tước nhận định:
“Trong văn phẩm ấy, Ngô Tất Tố đã dùng được đắc sách cái phương pháp khách quan
để tả cho chúng ta biết rõ ràng những cảnh tượng nơi hương ẩm, là một chỗ mà người
ta nhờ ông, nhận thấy rất nhiều mâu thuẫn và hủ nát ” [12; tr.166].
Báo Đông Phương số 10, ngày 1-9-1939, Phú Hương có bài viết: “Tắt đèn – tiểu
thuyết của Ngô Tất Tố”. Với bài viết này, Phú Hương cũng khẳng định giá trị nghệ thuật
của Tắt đèn: “Cốt truyện của Tắt đèn rất gần với sự thật. Những cảnh tượng như thế
hoặc gần như thế, luôn luôn xảy ra ở thôn quê xứ ta. Đọc ông Ngô Tất Tố, người ta phải
khâm phục sự quan sát tường tận, kỹ càng của ông. Mỗi lúc ông tả nhân vật sau lũy tre
xanh, y như ta thấy ngay được trước mắt” [12; tr.176].
Tạp chí Văn nghệ số 6; 6 – 1960, Nguyễn Tuân có bài viết: “Trước đèn, đọc đoản
thiên Ngô Tất Tố”. Trong bài viết này, Nguyễn Tuân có nhận định về giá trị nghệ thuật
của “Tắt đèn”: “Trong thời cũ, văn học và văn chương chỉ diễn tả những tâm trạng phụ
nữ thị dân hoặc có chấm phá đến phụ nữ làng thì chỉ đưa ra những nét thôn nữ dìu dịu.
Ngô Tất Tố đã đưa ra một nhân vật đàn bà nông thôn khỏe khoắn lành mạnh như chị
Dậu, tôi cho đó là một bằng chứng có giá trị mà Ngô Tất Tố đã góp được vào viện bảo
tàng con người Việt Nam tiến lên, tiến lên dưới lá cờ Đảng”.
Trên Tạp chí Văn học, Số 3, 1990, Đỗ Kim Hồi có bài viết: “Tiểu thuyết Tắt đèn
của Ngô Tất Tố”. Đỗ Kim Hồi nhận định giá trị nghệ thuật của “Tắt đèn”: “Ngòi bút “tả
chân” của tác giả Tắt đèn đã cày xới vào mảnh đất hội tụ đầy đủ nhất những mâu thuẫn
cơ bản trong một xã hội thực dân - phong kiến: mảnh đất nông thôn. Và tác giả đã chọn
miêu tả nông thôn xưa đúng vào ngày sưu thuế - cái thời điểm căng thẳng, dữ dội, mà
dưới làng sáng chớp của nó, bản chất của cuộc sống và của các loại người có khả năng
bộc lộ đến tận cùng” [12; tr.296].
“Tắt đèn” là một cuốn tiểu thuyết giàu giá trị nghệ thuật. Là một cuốn tiểu thuyết
có số lượng trên dưới hai trăm trang, nhưng có giá trị nghệ thuật hết sức đặc sắc. Về kết
cấu thì chặt chẽ và tập trung, các tình tiết, chi tiết đan cài chặt chẽ, đầy ấn tượng làm nổi

bật chủ đề. Hầu như nhân vật chị Dậu xuất hiện trong tác phẩm từ đầu đến cuối. Tính
xung đột, tính bi kịch cuốn hút hấp dẫn người đọc. Ngô Tất Tố đã khắc họa thành công
các nhân vật, đủ các hạng người, từ người dân cày nghèo khổ đến địa chủ, từ bọn cường
hào đến bọn quan lại đều có những nét riêng rất chân thực và sống động. Ngôn ngữ
trong “Tắt đèn” giàu giá trị hiện thực. Tóm lại “Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết có luận
đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác” [12; tr.171].
Trong bài viết “Một nhà văn quê - Ngô Tất Tố trong Tắt đèn” của Trần Minh Tước, trên
báo Mới, số 4, ngày 15-6-1939. Trần Minh Tước đã chỉ ra cách dùng phương pháp
khách quan để tả cảnh chân thực nơi hương ẩm của Ngô Tất Tố trong tác phẩm “Tắt
đèn”. Qua đó ta thấy được những mâu thuẫn của xã hội và những lề thói hủ nát.
Báo Đông phương số 10, ngày 1-9-1939, Phú Hương có bài viết “Tắt đèn – tiểu
thuyết của Ngô Tất Tố”. Trong bài viết này, tác giả đi sâu vào tìm hiểu cốt truyện của
“Tắt đèn” để thấy nó gần gũi với thôn quê và những cảnh tượng như thế luôn luôn xảy
ra ở thôn quê.
Còn đối với Nguyễn Tuân, trên tạp chí Văn nghệ số 6 tháng 6 - 1960, Nguyễn
Tuân có bài viết “Trước đèn, đọc đoản thiên Ngô Tất Tố”. Tác giả đã chỉ ra thành công
của Ngô Tất Tố là dám đưa ra một nhân vật phụ nữ nông thôn khỏe khoắn lành mạnh
như chị Dậu, là một bước tiến vượt bậc của Ngô Tất Tố .
Trên Tạp chí Văn học, số 3, 1990, Đỗ Kim Hồi có bài viết “Tiểu thuyết Tắt đèn
của Ngô Tất Tố”. Với bài viết này, Đỗ Kim Hồi đã đi sâu vào quan sát ngòi bút miêu tả
của “Tắt đèn” về xã hội thực dân phong kiến. Một xã hội mà ở đó những người nông
dân họ bị bóc lột một cách dã man.
Nhìn chung, có nhiều công trình nghiên cứu về giá trị nghệ thuật của tác phẩm
“Tắt đèn”. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu này cũng có điểm chung nhau là đã chỉ
ra giá trị nghệ thuật đặc sắc của “Tắt đèn” là một cuốn tiểu thuyết tuy với dung lượng
ngắn nhưng đã bao quát được bối cảnh xã hội Việt Nam trong mùa sưu thuế, giai đoạn
trước cách mạng tháng Tám - 1945 và xứng đáng là tác phẩm hiện thực xuất sắc của
dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945.

Các công trình nghiên cứu đề cập giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tiểu
thuyết “Tắt đèn”:
Trên báo Thời vụ, số 100, ngày 31-1-1939, Vũ Trọng Phụng có bài: “Tắt đèn của
Ngô Tất Tố. Trong bài viết này, Vũ Trọng Phụng khẳng định giá trị nội dung của tiểu
thuyết “Tắt đèn”. Theo ông, “Tắt đèn” là áng văn chương mà thiên hạ đang đợi: “là một
thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội – điều ấy, cố nhiên – hoàn toàn phụng sự dân quê,
một áng văn chương có thể gọi là kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy, mà lại là của một tác
giả đã được cái may mắn hơn nhiều nhà văn khác là đã được sống nhiều ở thôn quê,
cho nên có đủ thẩm quyền” [12; tr.171]. Vũ Trọng Phụng còn nhấn mạnh giá trị nghệ
thuật của “Tắt đèn”: “Thật thế, đọc quyển Tắt đèn này những đọc giả khó tính sẽ phải
chịu rằng óc quan sát của Ngô Tất Tố về những cảnh làm ruộng, thu thuế, chè chén xôi
thịt, hà lam, ức hiếp, bán vợ đợ con của đám dân quê, quả là một thứ óc quan sát tinh
tường như chỉ có phái nhà văn thuộc Pháp thì mới có thể linh lợi và phô diễn nổi một
cách linh hoạt như thế ” [12; tr.172].
Báo Văn nghệ, số 116, ngày 19- 4 -1956, Nguyễn Công Hoan có bài viết: “Đọc
Tắt đèn của Ngô Tất Tố”. Với bài viết này, Nguyễn Công Hoan cũng nhận định về giá
trị nội dung của “Tắt đèn”: “Tắt đèn là một cuốn truyện dài, chỉ tả một cảnh khổ của
một người nông dân phải đóng sưu thuế. Nhưng nó tiêu biểu cho hàng vạn, hàng triệu
cảnh khổ khác của hàng vạn, hàng triệu nông dân khác sống dưới chế độ phong kiến và
đế quốc tàn bạo” [12; tr.184,185]. Ngoài ra ông còn khẳng định giá trị nghệ thuật của
“Tắt đèn”: “Cuốn Tắt đèn là cuốn phim chiếu một sự thực, một sự thực thôi, nhưng rất tỉ
mỉ, để tố cáo tội ác tàn bạo và thối nát thời bấy giờ. Là cuốn tiểu thuyết in bằng giấy
trắng mực đen, nhưng đồng thời nó cũng là bàn tay chắc nịch vả vào bọn toàn quyền,
thống sứ cùng quan lại, tổng lý, và bọn bồi bút đồng lõa, đã cố lấp liếm cảnh thối tha
nhơ bẩn, còn khoe khoang những công trình khai hóa nhân đạo kiểu chúng. Là cuốn
tiểu thuyết in bằng giấy trắng mực đen, nhưng đồng thời nó là tâm hồn của tác giả tha
thiết yêu nông dân, tố cáo một chế độ cần phải đạp đổ, từ tầng trên là bọn đế quốc
thống trị, quan lại tay sai, cho đến tầng lớp dưới của nó là bọn tổng lý cường hào” [12;
tr.185].

Lịch sử văn học Việt Nam, Tập V, 1930 – 1945, Nxb Giáo dục, 1973, Nguyễn
Đăng Mạnh có bài: “Tắt đèn của Ngô Tất Tố”. Tác giả nhận định:“Tóm lại, Tắt đèn
không phải xuất phát một cách ngẫu nhiên. Nó là sự tổng hợp về bề rộng và nhất là về
bề sâu của những điều tác giả đã quan sát, đã từng trải, đã suy nghĩ rất nhiều từ trước
về đời sống của nông dân Việt Nam” [12; tr.262]. Ngoài ra trong bài viết, Nguyễn Đăng
Mạnh còn nhấn mạnh về thành tựu nghệ thuật của “Tắt đèn”: “Tắt đèn là một trong
những thành tựu xuất sắc nhất trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước
cách mạng. Tác phẩm chỉ vẻn vẹn có hơn một trăm trang nhưng đã bộc lộ được sâu sắc
tư tưởng chủ đề, đã vẽ ra được cả một xã hội nông thôn đen tối thời thuộc pháp, đã xây
dựng được những tính cách điển hình khá sắc sảo, trước hết là vì kết cấu của nó hết sức
tập trung xung quanh một nhân vật chính. Tác giả đã dồn nhân vật của mình vào một
không gian, thời gian rất hạn chế: làng Đông Xá trong bốn ngày, bốn đêm náo động
kịch liệt vì sưu thuế. Tính cách của nhân vật do đó phát triển rất nhanh tới mức độ căng
thẳng nhất, làm nổi bật lên ý nghĩa của tác phẩm một cách mạnh mẽ và sâu sắc. Tắt đèn
diễn ra trước mắt độc giả như một vở kịch ngắn một hồi, nhanh mạnh, gọn gàng. Từ
đầu đến cuối truyện không một chi tiết nào thừa, không một chi tiết nào không có trọng
lượng” [12; tr.271;272].
Văn học Việt Nam 1930 – 1945. Nxb Giáo dục, 1997, Phan Cự Đệ có bài viết:
“Tắt đèn”. Đối với bài viết này, tác giả khẳng định giá trị nội dung của “Tắt đèn”: “Giá
trị của một cuốn tiểu thuyết hiện thực phê phán như Tắt đèn không phải chỉ ở sức mạnh
tố cáo, đập phá xã hội cũ mà còn ở chỗ thấm đẫm một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa cao
quý. “Tắt đèn” là một bản tố khổ chân thật, sâu sắc, chan hòa nước mắt và lòng căm
phẫn của hàng triệu nông dân nghèo bị bóc lột. Tắt đèn là một tác phẩm có giá trị hiện
thực tố cáo và giá trị nhân đạo chủ nghĩa. Chính vì thế mà Tắt đèn trở nên một tác
phẩm lớn có tính nhân dân sâu sắc nhất trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt
Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám” [12; tr.308]. Ngoài ra trong bài viết, tác giả
còn nhấn mạnh giá trị nghệ thuật của “Tắt đèn”: “Tắt đèn đã có một sức tái hiện nghệ
thuật lớn lao, làm cho người đọc xúc động mãnh liệt, đồng thời cũng giúp họ nhận thức
cuộc sống một cách sâu sắc. Nghệ thuật của Tắt đèn là một thứ nghệ thuật đi vào chiều
sâu, vào cái tinh túy”[12; tr.308, 309].

“Tắt đèn” là một trong những thành tựu đặc sắc của văn học hiện thực Việt Nam
trước cách mạng. Là một cuốn tiểu thuyết tái hiện chân thực cuộc sống khốn cùng của
người nông dân dưới chế độ sưu cao thuế nặng giai đoạn trước cách mạng tháng Tám,
và là một tác phẩm có kết cấu chặt chẽ, rất liền mạch, giàu tính kịch. Đặc biệt tuy với số
trang ít ỏi, nhưng “Tắt đèn” đã dựng nên nhiều tính cách điển hình khá hoàn chỉnh trong
một hoàn cảnh điển hình. Khi vừa ra đời, tác phẩm đã được dư luận tiến bộ nhiệt liệt
hoan nghênh.
Đối với nhà văn Vũ Trọng Phụng, trên báo Thời vụ, số 100, ngày 31-1-1939 ông
có bài viết: “Tắt đèn của Ngô Tất Tố”. Trong bài viết này, Vũ Trọng Phụng đánh giá rất
cao về tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố: “Tắt đèn là áng văn chương mà thiên hạ
đang đợi, là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội, hoàn toàn phụng sự dân quê, một
án văn chương có thể gọi là kiệt tác”. Và đối với một án văn chương gọi là kiệt tác như
vậy thì chắc chắn rằng khi đọc quyển “Tắt đèn” này những đọc giả khó tính sẽ phải chịu
rằng óc quan sát của Ngô Tất Tố về những cảnh tượng nông thôn Việt Nam trước cách
mạng tháng Tám vô cùng chân thực và sinh đông. Những cảnh tượng đó qua ngòi bút
của tác giả nó như đang hiện ra trước mắt chúng ta.
Đối với nhà văn Nguyễn Công Hoan, trên tạp chí Văn nghệ, số 116, ngày 19- 4 1956. Ông có bài viết: “Đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố”. Nguyễn Công Hoan nhận định:
“Tắt đèn” là một cuốn truyện dài, chỉ tả một cảnh khổ của một người nông dân phải
đóng sưu thuế. Nhưng nó tiêu biểu cho hàng vạn, hàng triệu cảnh khổ khác của hàng
vạn, hàng triệu nông dân khác sống dưới chế độ phong kiến và đế quốc tàn bạo. Qua đó,
nó tố cáo tội ác tàn bạo của bọn quan lại tay sai và chế độ phong kiến thối nát thời bấy
giờ. Bên cạnh đó, “Tắt đèn” còn thể hiện tâm hồn của tác giả tha thiết yêu nông dân, tố
cáo một chế độ cần phải đạp đổ để đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Còn đối với Nguyễn Đăng Mạnh, trong Lịch sử văn học Việt Nam, Tập V,1930 1945, Nxb Giáo dục, 1973, ông có bài viết: “Tắt đèn của Ngô Tất Tố”. Với bài viết này,
ông đánh giá về tiểu thuyết “Tắt đèn”. Nó là sự tổng hợp về bề rộng và nhất là về bề sâu
của những điều tác giả đã quan sát, đã từng trải, đã suy nghĩ rất nhiều từ trước về đời
sống của nông dân Việt Nam. Ông nhận định về giá trị đích thực của tiểu thuyết “Tắt

đèn”. Nó là một trong những thành tựu xuất sắc nhất trong dòng văn học hiện thực phê
phán Việt Nam trước cách mạng. Mặc dù tác phẩm chỉ vẻn vẹn có hơn hai trăm trang
nhưng đã bộc lộ được sâu sắc tư tưởng chủ đề, đã vẽ ra được cả một xã hội nông thôn
đen tối thời thuộc Pháp, đã xây dựng được những tính cách điển hình khá sắc sảo.
Trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, Nxb Giáo dục, 1997, Phan Cự Đệ
có bài viết: “Tắt đèn”. Phan Cự Đệ khẳng định giá trị nội dung của “Tắt đèn”: Tác giả
không chỉ khẳng định sức mạnh của “Tắt đèn” là tố cáo, đập phá xã hội cũ mà còn ở chỗ
thấm đẫm một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa cao quý. Là một bản tố khổ chân thật, sâu
sắc, chan hòa nước mắt và lòng căm phẫn của hàng triệu nông dân nghèo bị bóc lột. Nó
có giá trị hiện thực tố cáo và giá trị nhân đạo chủ nghĩa. Chính vì thế mà “Tắt đèn” trở
nên một tác phẩm lớn có tính nhân văn sâu sắc nhất trong dòng văn học hiện thực phê
phán Việt Nam thời kỳ trước cách mạng tháng Tám. Và qua nhận định trên ông cho
rằng “Tắt đèn” đã có một sức tái hiện nghệ thuật lớn lao, nó là một thứ nghệ thuật đi vào
chiều sâu, vào cái tinh túy.
Nhìn chung có nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về giá trị nội dung lẫn giá
trị nghệ thuật của tác phẩm “Tắt đèn”. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu này cũng có
điểm chung nhau là đã chỉ ra giá trị đích thực của “Tắt đèn” là một cuốn tiểu thuyết với
dung lượng trên dưới 200 trang, đã được tác giả quan sát, miêu tả tỉ mỉ về bức tranh hiện
thực xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Qua bức tranh hiện thực
xã hội đó, tác giả đã tái hiện lại chân thực đời sống của người nông dân Việt Nam dưới
chế độ sưu cao thuế nặng. Vì thế “Tắt đèn” được xem như là một bản cáo trạng đanh
thép vạch trần bản chất xấu xa, đê tiện, tàn ác của bọn quan lại dưới chế độ sưu cao thuế
nặng. Và được đánh giá là một trong những tác phẩm hiện thực chủ nghĩa xuất sắc của
dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945.
Tóm lại, có khá nhiều công trình nghiên cứu về tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất
Tố. Điều này chứng tỏ “Tắt đèn” có sức thu hút rất lớn đối với giới phê bình và độc giả.
Tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố là một trong những tác phẩm tiêu biểu
của văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 -1945. Nó là sự tổng hợp cả

bề rộng và bề sâu những điều nhà văn đã quan sát, cảm xúc, suy nghĩ về cuộc sống
người nông dân đương thời.

3. Mục đích nghiên cứu
Vận dụng những hiểu biết vào nghiên cứu tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố để
phát hiện những thành tựu về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, cũng như giá trị và
vị trí của nó trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước cách mạng. Qua đề
tài này, người viết hi vọng có điều kiện nhìn nhận lại tác phẩm một lần nữa, để thấy
được những đóng góp của Ngô Tất Tố trong nền văn học hiện thực phê phán nói riêng
và trong nền văn học Việt Nam nói chung. Cũng như thấy được cái hay, cái mới của tác
giả trong việc thể hiện cái nhìn sâu sắc và chính xác về người nông dân dưới chế độ sưu
cao thuế nặng thời thuộc địa nửa phong kiến.

4. Phạm vi nghiên cứu.
Với đề tài “Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô
Tất Tố”, trước tiên người viết tìm hiểu về tác phẩm “Tắt đèn” từ một số tài liệu tham
khảo. Trên cơ sở đó, người viết khảo sát và tìm hiểu về giá trị nội dung và giá trị nghệ
thuật trong tác phẩm “Tắt đèn”. Bên cạnh đó, người viết cũng tham khảo những tác
phẩm viết về người nông dân của các tác giả như: Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn
Công Hoan…để từ đó thấy được cái riêng và nét nổi bật của Ngô Tất Tố trong việc tái
hiện chân thực đời sống của người nông dân Việt Nam dưới chế độ sưu cao thuế nặng.

5. Phương pháp nghiên cứu.
Để thực hiện đề tài này, người viết đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu
sau: phương pháp thống kê, phân tích, đối chiếu, so sánh, quy nạp, diễn dịch, tiểu sử.
Bên cạnh đó người viết cũng kết hợp với các thao tác: chứng minh, bình luận, phân tích.

PHẦN NỘI DUNG
Chương I:
TIỂU THUYẾT “TẮT ĐÈN” ĐÃ ĐƯA NGÔ TẤT TỐ TỪ MỘT
NHÀ CỔ HỌC THÀNH MỘT NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI.
1. Tiểu sử Ngô Tất Tố
1.1. Cuộc đời
Ngô Tất Tố sinh năm 1893 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Lộc Hà,
tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại
thành Hà Nội. (Về ngày sinh của Ngô Tất Tố cho đến nay cũng vẫn còn là những ý kiến
chưa thống nhất. Có những tài liệu nói ông sinh năm 1892 hoặc 1894. Năm sinh 1893 ở
đây là ghi theo tài liệu của Hội nhà văn Việt Nam).
Ông nội Ngô Tất Tố bảy lần thi hương, nhưng chỉ đỗ tú tài. Bố cũng sáu lần lều
chõng nhưng cũng không đỗ đạt gì. Về phần mình, năm 22 tuổi Ngô Tất Tố đỗ đầu
trong kỳ thi khai hạch ở địa phương nên người ta gọi ông là ông Đầu xứ Tố. Sau đó ông
cùng ông Đỗ Ngọc Toại theo khóa thi Ất Mão, khoa cuối cùng của Nho học tại trường
thi Hà Nam, nhưng đều bị hỏng.
Ngô Tất Tố xuất thân từ trong một gia đình nhà nho nghèo. Ông thân sinh là một
thầy đồ, sau sáu lần lều chõng về không, cùng ông nội đều là nạn nhân của chế độ khoa
cử thối nát thời phong kiến đã góp nhiều tài liệu sống cho tác phẩm “Lều chõng” sau
này của nhà văn.
Gia đình Ngô Tất Tố cũng chỉ là gia đình nông dân nghèo phải lĩnh thêm ruộng
làng để cày cấy và thường phải trả nợ lãi. Hoàn cảnh đó giúp nhà văn dễ dàng thông
cảm với cuộc sống khổ cực của nông dân lao động dưới sự áp bức bóc lột của bọn
cường hào địa chủ.
Thê, thiếp là chuyện thường tình của hầu hết những bậc nam nhi thời trước. Ngô
Tất Tố không thích những trò ấy, nhưng dường như duyên số đã sắp đặt sẵn ông có hai
người vợ, mà hai người vợ của ông lại là hai chị em ruột. Khi tản cư lên vùng ấp Cầu

Đen, Nhã Nam, Hà Bắc, việc làm đầu tiên là nhà văn phải dựng hai căn nhà lá nho nhỏ
cho hai bà, ở cách nhau chừng trăm mét, để yên bề trả nợ văn chương.
Ngô Tất Tố xuất thân nho học nhưng đã sớm bỏ bút lông, cầm bút sắt, hăng hái
bước vào làng văn, làng báo, tự tạo cho mình một địa vị xứng đáng. Ông bắt đầu con
đường hoạt động văn học với tác phẩm dịch từ chữ Hán “Cẩm hương đình” năm 1923.
Cho đến năm 1926, Tản Đà mở “An Nam tạp chí” và Ngô Tất Tố được mời ra Hà Nội
cộng tác. Đời làm báo của Ngô Tất Tố bắt đầu từ đó. Nghề báo đã giúp nhà văn đi sâu
vào ngóc ngách của đời thường để phanh phui những ung nhọt xã hội thối tha, những
kiếp sống lầm than của những kẻ dưới đáy xã hội, những lối sống phè phỡn của bọn
thống trị.
Sau khi ra được 10 số, “An Nam tạp chí” bị đình bản, lúc này Ngô Tất Tố trở về
quê.
Năm sau, ông vào Sài Gòn tiếp tục viết cho các tờ báo: “Đông Pháp thời báo”,
“Thần Chung” đến năm 1930.
Năm 1935 ông mở tại Hà Nội hiệu thuốc bắc “Thọ dân y quán”, đồng thời dịch
sách y học cho “Nhật Nam thư quán” và viết phóng sự: “Dao cầu thuyền tán” đăng trên
báo “Công dân”. Sau đó ông bị chính phủ thực dân cấm không cho viết tờ “Hải Phòng
tuần báo”, bắt đầu dời hiệu thuốc về quê và bị trục xuất khỏi các thành phố lớn.
Ông dành dụm tiền mua lại của ông anh họ tuần phủ mảnh đất và ngôi nhà cũ để
làm chổ ở riêng cho bà Hai. Ngôi nhà ấy hiện còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn tại làng
Lộc Hà. Trong thời gian này, một loạt các tác phẩm của Ngô Tất Tố ra đời như: Tắt đèn,
Lều chõng, Việc làng. Rồi phê bình “Nho giáo” của Trần Trọng Kim, Đường thi (dịch),
sau đó là Lão Tử, Mặc Tử, rồi văn học đời Lý, văn học đời Trần, Hoàng Lê nhất thống
chí (dịch).
Khi cách mạng thành công thì ông đã mở lòng ra chào đón và ông đã thực sự hòa
nhập cùng cách mạng. Ở quê Lộc Hà, ông đã tham gia Ủy ban giải phóng xã. Năm
1946, ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc và là nhà văn cao tuổi nhất lên chiến khu Việt
Bắc tham gia kháng chiến tại vùng Yên Thế, Bắc Giang.

Ngày 1.5.1948, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương cùng với Văn
Cao và Kim Lân. Trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất, ông được bầu vào
Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam.
Tại Yên Thế, Bắc Giang, sau một thời gian bị đau nặng, Ngô Tất Tố đã từ trần vào
ngày 20.4.1954 (tức 18.3 năm Giáp Ngọ) trước ngày kháng chiến chống pháp thắng lợi,
mộ của ông được đặt tại nghĩa trang liệt sĩ xã Mai Lâm.

1.2 Sự nghiệp sáng tác.
Sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố thành công ở nhiều lĩnh vực: khảo cứu, dịch
thuật, viết báo, viết văn. Về phương diện học thuật, ông là tác giả nhiều công trình
nghiên cứu triết học, văn học cổ, lịch sử có giá trị. Cuốn ký sự lịch sử “Vua Hàm Nghi
với việc kinh thành thất thủ” (1935) biểu lộ một tinh thần yêu nước, thái độ căm ghét
bọn tướng tá xâm lược và bọn Việt gian bán nước. Tuy xuất thân “cựu học” nhưng Ngô
Tất Tố không phải là người bảo thủ mà luôn cố gắng vươn tới những tư tưởng tiến bộ
của thời đại.
Trong cuốn phê bình “Nho giáo” của Trần Trọng Kim (1940), ông phê phán thái
độ nhắm mắt đề cao, xuyên tạc đối với Nho giáo của Trần Trọng Kim. Cuốn Lão Tử
(1942) viết chung với Nguyễn Đức Tịnh là công trình nghiên cứu công phu, có tinh thần
phê phán khoa học.Trong cuốn Mặc Tử (1942), Ngô Tất Tố đề cao những yếu tố duy
vật, tiến bộ trong học thuyết của Mặc Địch. Trong bộ Văn học Việt Nam, Ngô Tất Tố tỏ
ra thiết tha với việc bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp trong di sản văn học dân tộc.
Ông đặc biệt đề cao tư tưởng độc lập tự cường của văn chương đời Trần và phê phán
tinh thần nô lệ, bạc nhược, “bị trói buộc trong xiềng xích của nghề từ chương” đầy rẫy
trong văn chương học thuật phong kiến.
Về dịch thuật, bản dịch “Đường thi” (1940) và “Hoàng Lê nhất thống chí” (1942)
là những công trình có nhiều giá trị.
Trên lĩnh vực báo chí, ông là “Một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà nho”
(nhận xét của Vũ Trọng Phụng). Từ những năm 20, ông thường xuyên có mặt trên nhiều
tờ báo ở Trung, Nam, Bắc: An Nam tạp chí, Thần chung, Thực nghiệp, Đông phương,

Công dân, Tương lai, Việt nữ, Thời vụ, Đông Pháp, Con ong, Hải Phòng tuần báo…với
nhiều bút danh: Lộc Hà, Lộc Đĩnh, Phó Chi, Thôn Dân, Hy Cừ…Đặc biệt trong thời kì
Mặt trận dân chủ, do ảnh hưởng của phong trào đang dâng lên sôi sục, ngòi bút sắc bén
của ông tỏ ra xông xáo, tung hoành. Với tấm lòng ưu ái trước thời thế, luôn luôn băn
khoăn về số mệnh đất nước, nhân dân. Ông đã đứng khá vững trên lập trường dân chủ,
dõng dạc kết án tội ác của bọn thống trị và lên tiếng tố khổ cho nhân dân chịu mọi áp
bức bóc lột. Ông đả kích cả những tên thực dân cỡ lớn như Thống sứ, Thống đốc với
bài viết như: “Ông Thống sứ với trận mưa hôm nọ”; vào những bọn quan lại mà ông coi
như là “một phần nguyên nhân trong nỗi thống khổ của dân chúng”, hoặc từ những tên
việt gian. Ông đã nhiều lần tố cáo những thủ đoạn cho vay nặng lãi cắt cổ của bọn nhà
giàu và viết với các bài viết: “ Rõ thật rắc rối cái con đường quan báo”, “Về cách làm
giàu của nhiều quan lại An Nam” và viết một phóng sự vạch mặt bọn lang băm làm
giàu bằng bịp bợm với bài viết: “Dao cầu thuyền tán”. Ngô Tất Tố còn vạch trần tính
chất lừa bịp của những chủ trương “lập hiến” của bọn chính khách bán nước với các bài
viết như “Không phải đánh bốc”, “Đánh bài tây đấy”…không như nhiều nhà báo tư sản,
tiểu tư sản đương thời, ngòi bút đả kích của Ngô Tất Tố luôn luôn xuất phát từ quyền lợi
nhân dân lao động. Ông đã viết nhiều bài nêu lên tình cảnh thê thảm vì bị áp bức bóc
lột, bị thiên tai…với các bài như: “Mời ông Gô đa thăm mới nơi này”, “Bắc Ninh cấp
cứu”…tuy chưa có được nhận thức cách mạng và vượt khỏi tư tưởng chính trị cải lương
nên có những lệch lạc không tránh khỏi, nhưng ngòi bút Ngô Tất Tố vẫn đầy tính chiến
đấu và nói chung rất gần với cách mạng. Những bài tiểu phẩm của ông thường ngắn gọn
và có một nghệ thuật châm biếm sắc bén, thâm thúy.
Về sáng tác văn học, những tác phẩm chính Ngô Tất Tố trước cách mạng là: “Tắt
đèn” (1939), “Lều chõng” (1939), “Việc làng” (1939). Ngoài ra còn có một số truyện
ngắn, phóng sự đăng rải rác trên các báo.
Với sự ra đời của tác phẩm “Tắt đèn” đã đánh dấu bước chuyển nghệ thuật viết
văn của Ngô Tất Tố. Ngô Tất Tố là một nhà nho được đào tạo trong nền học cũ nhưng
ông tỏ ra là người đã tiến kịp thời đại. Tuy xuất thân cựu học nhưng Ngô Tất Tố không
phải là một người bảo thủ. Ông sáng suốt thấy rõ sự lỗi thời, bất lực của bọn hủ nho.