Giao tiếp sư phạm

  • doc
  • 79 trang
GIAO TIẾP SƯ PHẠM
GIAO TIẾP SƯ PHẠM
(Dùng cho các trường Đại học sư phạm và Cao đẳng su phạm)
PGS.. HOÀNG ANH – PTS. VŨ KIM THANH

LỜI NÓI ĐẦU
Tàl liệu “Giao tiếp sư phạm” nhằm giúp cho các sinh viên sư phạm hôm
nay, người giáo viên tương lai nắm được những tri thức cơ bản về giao tiếp
sư phạm và một số đặc điểm nhu cầu giao tiếp của học sinh PTTH. Bước đầu
hình thành một số kĩ năng cơ bản của giao tiếp sư phạm.
Tài liệu được viết theo chương trình phần giáo dục cốt lõi chuyên
nghiệp đã được “Chương trình giáo dục đại học” của Bộ nghiệm thu và gửi tới
các trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường Đại học sư phạm và
Cao đẳng sư phạm thực hiện tốt quyết định 2677/GD-ĐT của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo ngày 3/12/1993.
Để tài liệu được tiếp tục hoàn thiện trong những năm tới, chúng tôi
mong nhận được ý kiến đóng góp của các cán bộ giảng dạy và sinh viên.
Xin chân thành cám ơn.
Tác giả

MỞ ĐẦU
“Giao thiệp với mọi người là một nghệ thuật mà không phải ai cũng nắm
được. Bất kỳ ai cũng phải học điều đó”.
Icvapilic
Trong những điều kiện xã hội phát triển thì nhu cầu về tri thức khoa học
không ngừng tăng lên, đặc biệt là các tri thức về con người, về sự giao tiếp

của nó và các quy luật hoạt động cùng nhau. Cách mạng khoa học kỹ thuật
hiện đại không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng cả đến
mối quan hệ giữa con người với con người, đến hành vi, sự suy nghĩ và cuộc
sống của họ. Do đó, vấn đề giao tiếp giữa con người với con người nói
chung, giao tiếp sư phạm nói riêng đang được nghiên cứu như một vấn đề
thời sự cấp bách trong khoa học tâm lý, nhằm cung cấp những tri thức chung
về các quy luật của hành vi con người trong nhóm, trong lớp, mối quan hệ
giữa người với người trong lao động, học tập và giáo dục. Một trong những
nghề nghiệp có liên quan nhiều nhất và trực tiếp tới con người là hoạt động
sư phạm.
Hoạt động này sẽ mất hết ý nghĩa nếu không có giao tiếp giữa nhà giáo
dục và người được giáo dục.
Giao tiếp được thực hiện sẽ hướng họat động vào việc đạt các mục
đích giáo dục. Do đó vấn đề mới đặt ra cho việc đào tạo về nghiệp vụ cho
người giáo viên tương lai, để thực hiện chức năng giáo dục và giảng dạy, là
người sinh viên phải được chuẩn bị về vấn đề này và đồng thời sinh viên cần
chủ động tự chuẩn bị cho mình về các kinh nghiệm giao tiếp sư phạm. Học
phần này hi vọng cung cấp một phần nhỏ về mặt lí luận cũng như thực tiễn để
cho sinh viên làm tài liệu nghiên cứu và thực hành.
Tài liệu dược chia thành hai phần: lí thuyết và thực hành.
Phần I. Những vấn đề chung về giao tiếp sư phạm sẽ cung cấp cho
người học một số tri thức tâm lí cơ bản về giao tiếp sư phạm, về sự hiểu biết
lẫn nhau giữa con người với con người và vai trò của chúng trong hoạt động
nghề nghiệp sư phạm.
Phần II. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp sư phạm gồm hệ thống các bài
tập. Loại thứ nhất gồm một số trắc nghiệm (test) lý thú nhằm giúp người học
tự thử phát hiện một số phẩm chất tâm lý của mình về giao tiếp và giao tiếp
sư phạm. Loại thứ hai gồm các bài tập rèn luyện kỹ năng giao tiếp sư phạm.

Phần 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ GIAO TIẾP SƯ PHẠM
I. GIAO TIẾP SƯ PHẠM
1. Khái niệm
a) Vận dụng tâm lý học hoạt động vào công việc giáo dục trước hết dẫn
đến hình thành phạm trù hoạt động sư phạm tức là hoạt động dạy và học,
hoạt động giáo dục, hoạt động cùng nhau của thầy và trò. Hoạt động sư phạm
hay giao tiếp sư phạm (gtsp) nhằm làm cho thế hệ sau tiếp thu các tri thức, kỹ
năng, thái độ và người học với tư cách là chủ thể của hoạt động học (và bộ
phận của chủ thể của hoạt động sư phạm) biến những điều học được hình
thành năng lực và phẩm chất của bản thân, thành nhân cách.
Gần đây nhiều nhà nghiên cứu Liên Xô cũ như D.Z.Dunep,
V.I.Đacviađenxki, A.N.AiSuc, v.v… coi hoạt động sư phạm gồm hoạt động dạy
và hoạt động học có quan hệ mật thiết của thầy và trò. Về vấn đề này, nhà
tâm lý học A.Mentrinxkaia (1989) viết: “Hai hoạt động của thấy và trò là hai
mặt của một hoạt động”… Đavưđốp cũng viết “các hoạt động dạy học là các
hoạt động cùng nhau của thầy và trò”.
Hoạt động sư phạm diễn ra theo cấu trúc chung của một hoạt động, tức
là nó cũng có những yếu tố cấu thành, bao gồm một bên là điều kiện cụ thể
nơi diễn ra hoạt động, mục đích, động cơ và bên kia tương ứng là thao tác,
hành động, hoạt động và các mối qua lại giữa các thành tố ấy. Đối tượng của
hoạt động này là tri thức, kỹ năng, thái độ v.v… suy cho cùng là nhân cách
học sinh.
Chủ thể của hoạt động này là thầy và trò. Đôi khi ta nói một cách đơn
giản, trò là đối tượng của hoạt động dạy.
Thực ra trò và hoạt động của mình tiếp nối (gắn bó với) hoạt động dạy
của thầy nhằm vào nội dung, chương trình để chiếm lĩnh các nội dung hình
thành phát triển nhân cách của bản thân người học (đương nhiên quá trình
này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của cả thầy và trò).

Trước đây người ta hiểu hoạt động sư phạm là hoạt động dạy của thầy
bao gồm các hành động lựa chọn lựa chọn và sắp xếp tài liệu giảng dạy, cách
hành động tổ chức điều khiển học sinh và hành động thông tin, thông báo,
giảng giải, thuyết phục. Nhưng vì hoạt động giảng dạy không thể nào tách
khỏi hoạt động học mà ngược lại hại hoạt động này liên kết với nhau thành
hoạt động dạy và học, và gọi hoạt động này là hoạt động sư phạm.
Vậy hoạt động sư phạm là “quá trình dạy học bao gồm trong đó hoạt
động của thầy (hoạt động dạy) và hoạt động của trò (hoạt động học).
Thầy là chủ thể của hoạt động dạy, trò là chủ thể của hoạt động học.
Nói đúng hơn, thầy và trò cũng là chủ thể cùng nhau hoạt động dạy - học.
Quá trình truyền dạt và lĩnh hội này diễn ra trong các mối quan hệ giao
tiếp của thầy và trò. Như vậy giao tiếp sư phạm ở đây diễn ra như điều kiện
của hoạt động sư phạm. Theo X. L. Rubin Xtêin, hoạt động của nhà giáo dục
không thể nào được thực hiện bằng một phương tiện nào khác ngoài giao
tiếp. Thậm chí Lômốp cho rằng hoạt động của nhà sư phạm diễn ra theo
những quy luật giao tiếp. Ông viết tiếp “Trong một vài dạng hoạt động người
ta sử dụng nhũng phương tiện và cách thức đặc trưng cho giao tiếp, còn bản
thân hoạt động thì được xây dựng theo những qui luật giao tiếp (chẳng hạn
như hoạt động của nhà sư phạm).
Để nói lên sự gắn bó của hoạt động sư phạm với giao tiếp sư phạm
Muđơrích đã viết: “Theo quan điểm giáo dục học, thì việc tách giao tiếp tự do
ra như là một dạng đặc biệt của hoạt động có thể coi là hoàn toàn hợp lý”.
“Dạng đặc biệt” ở đây có thể hiểu như sau:
Thứ nhất: giao tiếp có cấu trúc chung của hoạt động, như đã trình bày
ở trên;
Thứ hai: dạng hoạt dộng này lại là điều kiện (phương thức) để tiến
hành một hoạt động khác. Kết luận này hoàn toàn phù hợp với giao tiếp sư
phạm và hoạt động sư phạm.

Nói về giao tiếp sư phạm, chính E. V. Sukanôva cũng có ý thống nhất
với kết luận vừa nói ở trên. Bà viết tiếp: giao tiếp là một phương thức chủ yếu
tác động lên các quan hệ của học sinh… Giao tiếp giữa thầy và trò là một
khâu quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, phát triển tính tích cực
nhận thức và xã hội của học sinh, trong quá trình hình thành tập thể học sinh.
Thực vậy trong một mức độ đáng kể, thành công của việc dạy học phụ
thuộc vào chỗ: dạy học được tổ chức như là sự tác động qua lại giữa thầy và
trò trên cơ sở một nội dung dạy học xác định.
Khía cạnh tâm lý của sực tác động qua lại giữa thầy và trò là ở chỗ nó
chính là sự giao tiếp trong quá trình dạy học. Sự tác động qua lại giữa thầy và
trò (như là một quá trình giao tiếp với mục đích dạy học) có mặt thông tin của
nó, bởi vì thầy thông báo cho trò những thông tin xác định. Sự giáo tiếp này
cũng là sự tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh (mặt tổ chức giáo dục).
Vì vậy các thầy giáo cần phải say nghĩ về tính chất của thông tin, lẫn những
hình thức biểu đạt thông tin. Họ phải suy nghĩ về tính chất và sức mạnh của
tác động tổ chức, phải luôn luôn nhớ rằng mỗi hành động giao tiếp bằng cách
này hay cách khác đều có tác động giáo dục.
Khi thầy giáo thông báo hay tổ chức hoạt động của học sinh, sự giao
tiếp giữa thầy – trò mang tính chất chế định, tác động của nó sẽ khác với khi
giao tiếp tự do trong giờ nghỉ, trong thời gian ngoài giờ học. Cả hai loại giao
tiếp (chế định và tự do) đều có những đặc điểm tâm lý của mình đối với các
nhóm học sinh khác nhau. Chẳng hạn, có những học sinh này né tránh sự
giao tiếp tự do, có những học sinh khác lại tìm kiếm nó. Đặc điểm tâm lý của
giao tiếp phụ thuộc nhiều vào chính người giáo viên và kỹ năng thực hiện
hình thức giao tiếp này hay hình thức giao tiếp kia. Do đó, trong dạy học diễn
ra các loại giao tiếp sau:
a) Giao tiếp giữa cá nhân (giáo viên) với cá nhân (học sinh).
b) Giao tiếp giữa cá nhân (giáo viên) với nhóm hay tập thể học sinh.
c) Giao tiếp giữa cá nhân (học sinh) với nhóm.

Đặc điểm tâm lý của quá trình dạy học trong loại giao tiếp này khác với
đặc điểm tâm lý của quá trình dạy học trong loại giao tiếp khác.
Giao tiếp còn là một thành tố của nội dung giáo dưỡng chúng ta cần
phải dạy cho học sinh cả nghệ thuật giao tiếp nữa: Như vậy, sự gương mẫu
của giáo viên về mặt giao tiếp cũng rất quan trọng cho sự thành công của dạy
và học và giáo dục.
Giao tiếp trong quá trình dạy học là một công cụ hiệu lực, bản đảm cho
việc củng cố ở học sinh cảm giác được bảo vệ và bảo trợ cần thiết đối với các
em.
Trạng thái tâm lý của cả thầy và trò được thay đổi trong quá trình giao
tiếp trong hoạt động dạy học.
Sự biến đổi của học sinh thường dễ thấy nhưng ít người chú ý đến sự
biến đổi song song ở thầy giáo. Đó là sự biến đổi hai chiều. Một mặt, bản thân
thầy giáo tích luỹ kinh nghiệm của mình, hiểu biết trẻ em sâu sắc hơn và do
đó nhân cách của họ biến đổi cho dù là ít ỏi như thế nào. Hơn nữa, sự biến
đổi này, không phải bao giờ cũng ít ỏi. Mức độ và khối lượng ảnh hưởng của
hiện thực xung quanh (trong trường hợp này là dạy học) đến nhân cách thầy
giáo là rất khác nhau nhau và mang tính chất chủ lực, phụ thuộc vào nhiều
yếu tố và hoàn cảnh. Vấn đề thầy giáo như là một nhân tố trong quá trình dạy
học, còn có một mặt khác quan trọng vô cùng, nhưng còn ít được nghiên cứu.
Đó là sự thay đổi xảy ra trong sự tiếp xúc với nhau trong từng giây từng phút
của học sinh tuỳ thuộc vào bước tiếp theo của giáo viên và sự biến đổi của
giáo viên - tuỳ thuộc vào bước tiếp theo của học sinh và két quả của nó. Ví
dụ, thầy giáo bắt đầu trình bày nhưng học sinh bọc lộ sự hứng thú.
Thầy giáo thay đổi giọng nói hay phương tiện, nội dung, vì ở học sinh
xuất hiện những ánh mắt hưởng ứng.
Thầy giáo củng cố hứng thú của học sinh được chuyển thành sự tìm
kiếm câu trả lời. Việc học sinh không trả lời được sẽ kích thích giáo viên đặt
ra câu hỏi gợi ý và cảm giác tìm ra được câu trả lời loé lên ở một số học sinh.

Tóm lại, trong hoạt động sư phạm của giáo viên, kể cả ở trên lớp cũng
như ngoài giờ trên lớp, nhất thiết có giao tiếp giữa thầy và trò, giữa thầy và
lớp, giữa thầy với các nhóm học sinh, giữa thầy với đồng nghiệp, giữa thầy
với phụ huynh học sinh, giữa học sinh và học sinh v.v… Có thể có giao tiếp
giữa thầy với lớp, với nhóm học sinh mà tác động tới từng học sinh. Trong tác
phẩm “Giao tiếp sư phạm” A.A.Leonchiev (Leonchiev. A.A
“Giao tiếp sư phạm” M. 1979.) cũng khẳng định, giao tiếp sư phạm là
giao tiếp có tính nghề nghiệp của giáo viên với học sinh ở trên lớp và ngoài
giờ lên lớp.
Giao tiếp sư phạm là điều kiện đảm bảo hoạt động sư phạm.
Hoạt động sư phạm là hoạt động dạy và học, hoạt động cùng nhau của
thầy và trò. Tương tự các hoạt động tập thể, hoạt động nhóm, hoạt động cùng
nhau của thầy và trò nhất thiết đòi hỏi phải có giao tiếp thầy trò, giao tiếp giữa
trò với trò v.v… như là một điều kiện cần thiết.
Từ phân tích trên chúng ta đi đến định nghĩa như sau:
Giao tiếp sư phạm là giao tiếp có tính nghề nghiệp giữa giáo viên với
học sinh trong quá trình giảng dạy (giáo dưỡng) và giáo dục, có các chức
năng sư phạm nhất đinh, tạo ra cac tiếp xúc tâm lý, xây dựng không khí tâm
lý thuận lợi, cùng các quá trình tâm lý khác (chú ý, tư duy v.v…) có thể tạo ra
kết quả tối ưu của quan hệ thầy trò, trong nội bộ tập thể học sinh và trong
hoạt động dạy cũng như hoạt động học.
Từ khái niệm trên chúng ta thấy rằng giao tiếp sư phạm là một thành
phần cơ bản của hoạt động sư phạm. Những trình thức chủ yếu của công tác
giáo dục và học tập diễn ra trong điều kiện giao tiếp như giảng bài trên lớp,
phụ đạo riêng, thi cử v.v.. Không có giao tiếp thì hoạt động của giáo viên và
học sinh không đạt được mục đích giáo dục.
2. Vị trí của giao tiếp sư phạm
Giao tiếp sư phạm có vị trí cực kỳ quan trọng trong cấu trúc năng lực
sư phạm. Giao tiếp nói chung có nhiều chức năng. Trong hoạt động sư phạm

giao tiếp sư phạm cũng có nhiều chức năng, nó có thể là phương tiện phục
vụ công việc giảng dạy, có thể là điều kiện xã hội - tâm lý bảo đảm quá trình
giáo dục; có thể là phương thức tổ chức các mối quan hệ qua lại giữa thầy và
trò. Nếu coi hoạt động sư phạm phục vụ ba mục đích: giảng dạy, giáo dục và
phát triển, tôi có thể xem giao tiếp sư phạm phục vụ việc thực hiện các mục
đích trên.
Trong việc thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, giao tiếp bảo đảm sự tiếp
xúc tâm lý với học sinh: hình thành động cơ tích cực học lập; tạo ra hoàn
cảnh tâm lý cho cả lớp hay nhóm tìm tòi nhận thức và cùng nhau suy nghĩ.
Trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục nhờ có giao tiếp mà có thể
giải quyết êm thấm các mối quan hệ giáo dục và sư phạm, tiếp xúc tâm lý
giữa nhà giáo dục và học sinh; hình thành xu hướng nhận thức trong nhân
cách; vượt qua các sự ngăn cách tâm lý, hình thành các mối quan hệ trên
nhân cách trong tập thể học sinh.
Trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển, giao tiếp tạo ra các hoàn
cảnh tâm lý kích thích việc hoàn thiện bản thân và tự giáo dục nhân cách…
Rõ ràng là giao tiếp sư phạm có một tác động khá rộng rãi trong hoạt
động sư phạm. Giao tiếp sư phạm giữ một vị trí hết sức quan trọng và nổi bật
trong cấu trúc năng lực sư phạm, trong tay nghề dạy học và giáo đục.
Giao tiếp sư phạm là những nguyên tắc, những biện phát và kỹ xảo tác
động lẫn nhau giữa giáo viên với tập thể học sinh mà nội dung cơ bản của nó
là trao đổi thông tin, là sự tác động về giáo dục và học tập, là việc tổ chức mối
quan hệ lẫn nhau và cũng là quá trình người giáo viên xây dựng và phát triển
nhân cách của học sinh. Giao tiếp sư phạm là một hệ thống phức tạp và là
quá trình sáng tạo để giải quyết các nhiệm vụ giáo dục, học tập là quá trình tổ
chức mối quan hệ sự hiểu biết lẫn nhau giữa giáo viên và học sinh.
Vì vậy mà trong việc đào tạo người giáo viên tương lai không thể thiếu
nội dung của giao tiếp sư phạm, thiếu nó thì người giáo viên không thể thực
hiện được nhiệm vụ của mình.

3. Các giai đoạn giao tiếp sư phạm
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý học (Xô viết cũ) A.A.
Bôđalôv, V.A.Cancalích, N.V.Cudơmina, A.A. Leonchiev giao tiếp có thể chia
thành năm giai đoạn sau đây:
a) Giai đoạn định hướng trước khi thực hiện giao tiếp
Trong giai đoạn này, người giáo viên tìm hiểu đối tượng giao tiếp (từng
học sinh, nhóm, tổ, lớp…). Người giáo viên mô hình hoá việc giao tiếp với
nhóm, lớp học sinh, để chuẩn bị cho hoạt động giảng dạy sắp diễn ra. Do đó
người giáo viên phải xác định mục đích và nhiệm vụ giáo dục; hoàn cảnh tâm
lý, đạo đức ở lớp học sinh; những đặc điểm tâm lý lứa tuổi và cá nhân học
sinh; những đặc điểm nhân cách của chính bản thân giáo viên; hệ thống các
phương pháp giáo dục và giảng dạy dược sử dụng trong giao tiếp.
b) Bên cạnh giai đoạn định hướng chung, trong trường hợp với
một lớp học mới, thì giao tiếp sư phạm ở đây còn phải qua giai đoạn tạo
ra bầu không khí tiền giao tiếp
Giai đoạn này dựa vào thông tin ban đầu của giáo viên về học sinh và
của học sinh về giáo viên. Trong giai đoạn này một việc hết sức có ý nghĩa là
làm sao tạo ra được ấn tượng ban đầu chân thật, mạnh mẽ có thể để lại dấu
ấn tốt đẹp cho quá trình giao tiếp sư phạm sau đó.
Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn mở đầu của quá trình giao tiếp nghĩa
là người giáo viên tổ chức trực tiếp ở trên lớp với học sinh ngay lúc đầu tiên
tiếp xúc với họ: giáo viên cụ thể hoá kế hoạch giao tiếp, chính xác các điều
kiện giáo tiếp và thực hiện sơ bộ giai đoạn khởi đầu giao tiếp trực tiếp.
c) Giai đoạn thứ ba là giai đoạn thăm dò tâm hồn của đối tượng
Ví dụ trước khi trình bày bài giáo viên tưởng tượng ra lớp học, dự kiến
các tình huống giao tiếp của học sinh với mình, dự báo trước sẽ tiếp thu bài
như thế nào.

Đây là giai đoạn cuối cùng thời kỳ chuẩn bị, đồng thời giai đoạn này
cũng chính là bắt đầu cuộc giao tiếp, thầy giáo hiểu tâm trạng học sinh, học
sinh đồng cảm với thầy giáo, hai bên hiểu biết lẫn nhau. Đây là bảo đảm cho
giao tiếp sư phạm nói riêng, cho cả quá trình giảng dạy, giáo dục nói riêng.
d) Giai đoạn điều chỉnh, điều khiển và phát triển quá trình giao tiếp
Giai đoạn thu hút sự chú ý của học sinh: giảng bài, trả lời, giữ trật tự
trong giờ giảng.
Đây là giai đoạn một loạt thao tác cần thiết như cách nói với học sinh,
cách im lặng giữa chừng, một số động tác tín hiệu: giơ thước, chỉ bảng v.v…
Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn ngôn từ, trình bày bài giảng, truyền
thụ tri thức; đây là trọng điểm, hạt nhân trong giao tiếp sư phạm.
c) Giai đoạn cuối cùng là phân tích hệ thống giao tiếp đã được
thực hiện và xây dựng mô hình giao tiếp cho hoạt động tiếp theo
Sự phân chia các giai đoạn giao tiếp ở trên không hoàn toàn tuyệt đối,
không có nghĩa các giai đoạn đó độc lập với nhau mà giữa các giai đoạn có
sự liên quan mật thiết, giai đoạn trước sẽ là cơ sở cho giai đoạn tiếp theo.
Vì vậy mỗi giai đoạn cũng có thể là một số kỹ năng.
Ví dụ: khi nói về sự cần thiết phải có ngôn ngữ rõ ràng, chính xác biểu
cảm…, Cancalich nói rằng ở đây có cả “kỹ năng làm cho học sinh nhìn thấy
điều nghe thấy”.
Tóm lại, muốn giao tiếp đạt kết quả thì hiểu mục đích, nội dung, cấu
trúc, phương tiện giao tiếp chưa đủ mà còn phải có được những kỹ năng, kỹ
xảo, những “thủ thuật” giao tiếp.

II. CÁC NGUYÊN TẮC GIAO TIẾP SƯ PHẠM
Trong quá trình giao tiếp giữa thầy, cô giáo và học sinh nhất thiết phải
có những quan điểm chỉ đạo, định hướng cho hành vi, hành động tiếp xúc của

họ nhằm đảm bảo kết quả của mọi quá trình giao tiếp gọi là nguyên tắc sư
phạm.
Những nguyên tắc này suy cho đến cùng đó là những yêu cầu ứng xử,
những yêu cầu này có tính bền vững đến mức độ chỉ đạo toàn bộ quá trình
giao tiếp ở mọi hoàn cảnh (mọi tình huống), ở mọi cá nhân. Tuy nhiên trong
nguyên tắc vẫn có độ dao động nhất định để đảm bảo kết quả của một quá
trình giao tiếp.
Tất nhiên việc vận dụng các nguyên tắc giao tiếp còn phụ thuộc vào đối
tượng, mục đích và nhiệm vụ của giao tiếp, phụ thuộc vào các tình huống
giao tiếp khác nhau.
Trong quá trình thực hiện giao tiếp giữa các chủ thể giao tiếp cần đảm
bảo các nguyên tắc sau đây:
1. Tính mô phạm trong giao tiếp
Giao tiếp sư phạm là một thành tố của nội dung giáo dưỡng, chúng ta
cần dạy cho học sinh cả nghệ thuật giao tiếp.
Như vậy, sự gương mẫu của giáo viên về mặt giao tiếp cũng rất quan
trọng. Sự tế nhị, lịch thiệp của giáo viên là một nhân tố rất quan trọng cho sự
thành công của quá trình dạy, học.
Trong giao tiếp giữa giáo viên và học sinh, chủ thể giao tiếp (thầy, cô
giáo) cần có sự thống nhất trong lời nói và hành động.
Trong giao tiếp không bao giờ để có sự mâu thuẫn trong lời nói và việc
làm của giáo viên, vì làm như vậy thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình
thành, phát triển nhân cách của học sinh.
Ví dụ: “Các em hãy làm theo lời tôi nói, đừng làm theo điều tôi làm”.
2. Nguyên tắc tôn trọng nhân cách đối tượng giao tiếp
Tôn trọng nhân cách đối tượng giao tiếp có nghĩa là phải coi đối tượng
giao tiếp (học sinh) là một cá nhân, một con người, một chủ thể với đầy đủ
các quyền được học tập, vui chơi, nhận thức, lao động… với những đặc trưng

tâm lý riêng biệt, họ được có quyền bình đẳng với mọi người trong các quan
hệ xã hội. Trong quá trình giao tiếp hãy tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng
giao tiếp bộc lộ những nét tính cách, tahi độ, nhu cầu, nguyện vọng… của họ.
Điều đáng lưu ý trong nguyên tắc này là chủ thể giao tiếp không nên áp
đặt đối tượng giao tiếp (học sinh) phải tuân theo ý của thầy, cô một cách duy ý
chí.
Tôn trọng nhân cách đối tượng, giao tiếp thể hiện ở phút ban đầu phải
gây được ấn tượng tốt đẹp.
Trong giao tiếp, giữa chủ thể giao tiếp với đối tượng giao tiếp có sự
hiểu biết lẫn nhau, chủ thể giao tiếp biết lắng nghe ý kiến của đối tượng giao
tiếp, dù đó là đúng hay sai thì cũng không cắt ngang hay tỏ thái độ không vừa
lòng để đối tượng giao tiếp sợ hãi mà không tiếp tục cuộc đối thoại, không
bày tỏ hết nguyện vọng của mình.
Tôn trọng nhân cách đối tượng giao tiếp còn được thể hiện ở trang
phục của giáo viên: trang phục thể hiện tính lịch sự, vì vậy trang phục cần hài
hòa, cân xứng với vóc dáng, (màu da, điệu bộ, lời nói…).
Như vậy chúng ta thấy quần áo là một tín hiệu thông háo. Cách ăn
mặc, cung cách cư xử (thô lỗ hay tế nhị…) tướng mạo và những gì bổ sung
cho tướng mạo như những nét điển hình trong giải phẫu (nốt ruồi, sẹo,…) và
sự trang điểm (dùng son phấn) cũng vậy. Trang phục là một chỉ số nói lên tuổi
tác, nghề nghiệp, tầng lớp xã hội hay hoàn cảnh của đối tượng giao tiếp.
Nhìn quần áo ta có thể biết người đang giao tiếp là công an hay bộ đội
hoặc một diễn viên. Người xưa ở Châu Âu người ra qui định quần áo cho
từng lớp người (trừ công an, bộ đội, nhân viên đường sắt; bác sĩ đang làm
việc trong bệnh viện; nhân viên tòa án trong khi đang làm nhiệm vụ). Nhưng
khi những người như trên ăn mặc những kiểu trang phục theo qui định của xã
hội thì tất nhiên họ cũng phải có những hành vi tương ứng.
Ví dụ: Người ăn mặc quân phục phải có thái độ nghiêm trang, người
mắc áo tang (người phương Tây vận quần áo đen, ngược lại người phương

Đông mặc áo trắng) thì không được phép cười đùa, hay nữ sinh viên, học
sinh đến trường mặc quần áo trắng, áo dài trắng…
Tôn trọng nhân cách giao tiếp ở phút ban đầu phải gây được ấn tượng
tốt đẹp, dễ chịu để đối tượng giao tiếp có thể thiết lập quan hệ tình cảm nào
đó, vì trang phục quyết định ấn tượng ban đầu và còn quyết định cho mối
quan hệ tiếp theo.
Vì vậy mà phương ngôn có câu:
“Gặp nhau nhìn quần áo
Tiễn nhau nhìn tâm hồn”.
Điều đó cho thấy việc trang phục của giáo viên trong giờ lên lớp có ý
nghĩa quan trọng biết nhường nào.
Trong nguyên tắc này, việc sử dụng ngôn ngữ nói: từ giọng điệu, cách
phát âm, viêc sử dụng từ sao cho đảm bảo tính văn hóa. Bất kỳ trong trường
hợp nào cũng không được xúc phạm đến danh dự, tổn thương đến phẩm giá
của học sinh.
Hành động của thầy, cô trong tiếp xúc với học sinh cũng phần nào thể
hiện sự tôn trọng nhân cách của họ, đang tiếp chuyện với học sinh, phụ
huynh và bất kỳ người bạn đồng nghiệp nào mà chủ thể giao tiếp xem đồng
hồ, hoặc quay sang tiếp chuyện người khác, thậm chí nhổ nước bọt… chứng
tỏ sự thiếu tôn trọng đối tượng giao tiếp. Hoặc hành động đập bàn, cau mày
nhăn trán, nghiến răng… đều biểu hiện sự thiếu tôn trọng người đang tiếp xúc
với mình, thể hiện một hành vi thiếu văn hóa.
Tôn trọng nhân cách dối tượng giao tiếp còn thể hiện ở chủ thể giao
tiếp biết kính trọng, tôn trọng, khích lệ những ưu điểm của người khác, biết
lắng nghe và biết kiềm chế khi cần thiết.
V. A.Xukhimlinxki đã viết “Hãy kính trọng nhưng ưu điểm của người
khác. Hãy làm cho người khác những cái như anh muốn để những người
khác làm như thế cho anh”.

Một điều kiện rất quan trọng trong giao tiếp là tôn trọng nhân cách của
đối tượng giao tiếp ý thức này được thường trực trong mỗi thầy, cô giáo. Phải
chăng sự tôn trọng các em chính là tôn trọng mình, chính nghề nghiệp của
mình.
3. Nguyên tắc có thiện chí trong giao tiếp
Trong quá trình giao tiếp, chủ thể giao tiếp (thầy, cô giáo) cần tạo ra
quan hệ tình cảm tốt đẹp để đối tượng giao tiếp dễ thông cảm và hiểu biết lẫn
nhau.
Trong giao tiếp sự hiểu biết lẫn nhau luôn luôn gắn với quá trình xúc
cảm, tình cảm. Có thiện chí trong giao tiếp là luôn tôn nghĩ tốt, luôn tạo điều
kiện thuận lợi cho người mình giao tiếp - đó là phụ huynh học sinh, là bạn
đồng nghiệp, là học sinh. Chủ thể giao tiếp luôn có thiện chí với đối tượng
giao tiếp; họ luôn tin tưởng ở đối tượng giao tiếp. Vì rằng xúc cảm có thể làm
biến dạng và làm sai lệch những hiểu biết của con người, làm cho người ta
vui thích, song ngược lại cũng có thể làm cho người la bực mình, giận dữ.
Nếu như vậy thì sẽ không mang lại hiệu quả giao tiếp (yêu nên tốt, ghét nên
xấu)
Trong giao tiếp, thầy cô giáo luôn động viên khích lệ tinh thần các em.
Trong học tập, thầy, cô giáo dừng khi nào nghĩ là học sinh của mình học kém,
đạo đức tồi, là học sinh cá biệt… Cho dù học sinh đó có kém thật đi chăng
nữa, đạo đức thuộc vào diện có vấn đề di, thì thầy, cô giáo vẫn nên nghĩ rằng
đó là những nét tính cách chưa được hoàn thiện và nó chỉ biểu hiện trong thời
gian ngắn và nhất định những học sinh này sẽ trở thành người tốt về mọi mặt.
Nói như cổ nhân: “Con người vốn sinh ra đã có tính thiện”. Hay như
Bác Hồ đã dạy:
“Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”

Do đó thầy, cô giáo không nên quát mắng học sinh là: “Dốt nát, ngu như
lợn…”. Thực chất những lời nói trên là thể hiện sự thiếu thiện chí, sự bất lực
của giáo viên đối với học sinh. Đó là điều cấm kị trong giao tiếp sư phạm.
Nhà giáo dục học nổi tiếng V.A.Xukhomlinxki đã khuyên rằng cần phải
tin tưởng ở con người, vì đó là cái tha thiết nhất đối với con người. Cần gìn
giữ nó, chống lại sự nghi ngờ lạnh nhạt của tính nghi ngờ lạnh nhạt.
Trong những hoàn cảnh khó khăn, lòng thành thực, thái độ chân thành
và cởi mở của nhà giáo hết sức quan trọng.
V. A. Xukhômlinxki cũng nhắn nhủ giáo viên rằng nếu nghi ngờ một điều
gì đó, cứ nói thẳng, đừng để sự nghi ngờ lại trong lòng, nhất là sự nghi ngờ
trẻ em, vì đối với nhà giáo, đó là gánh nặng rất nguy hiểm.
Trong quá trình giao tiếp, hiểu lẫn nhau là một quá trình đầy mâu thuẫn:
mâu thuẫn giữa những điều định nói ra một cách có ý thức hay vô thức; mâu
thuẫn giữa lời nói và hành vi, cử chỉ. Tại sao như vậy? Bởi vì đời sống tâm lý
của mỗi cá nhân rất phong phú, đa dạng, phức tạp. Mỗi người là một nhân
cách không lặp lại, nghĩa là có những nét tâm lý đặc trưng riêng mà khi tiếp
xúc không thể nào bộc lộ tất cả. Vì con người rất cụ thể, nhưng khi tiếp xúc và
tri giác lẫn nhau, mỗi người chỉ hiểu được từng phần.
Vậy làm thế nào để hiểu biết lẫn nhau trong quá trình giao tiếp là một
nghệ thuật. Muốn hiểu người giao tiếp với mình, ta phải chú ý đếnn động cơ
giữa giao tiếp của họ nghĩa là chủ thể phải đoán xem cái gì khiến họ tiếp xúc
với mình (tiếp xúc vì nhớ nhung hay vì sự giúp đỡ…, vì sắp chuẩn bị cho kỳ
kiểm tra, kỳ thi chẳng hạn…). Phải xem lời nói có đi đôi với việc làm của họ
hay không?. Muốn hiểu biết lẫn nhau trong giao tiếp phải tạo ra những điều
kiện cần thiết.
Tuy vậy, cái căn bản để đảm bảo sự thành công trong giao tiếp là phải
nghĩ tốt về đối tượng giao tiếp (học sinh), không nên có định kiến về học sinh.
Có như vậy mới tạo không khí tốt đẹp trong giao tiếp.

Trong quá trình giao tiếp, trong ý thức của chủ thể giao tiếp cùng đối
tượng giao tiếp không bao giờ nên nghĩ mình giao tiếp vì lợi ích của cá nhân:
Không nên vì lợi ích của bản thân mà làm gây thiệt hại đến uy tín của đối
tượng giao tiếp, của tập thể.
Trong giao tiếp sư phạm, thầy giáo không vì quyền lợi của bản thân mà
gây thiệt hại, xúc phạm đến danh dự, đến nhân cách của học sinh. Biết đặt lợi
ích của học sinh lên trên hết.
Đã từ lâu, ngành giáo dục đã có khẩu hiệu: “Tất cả vì học sinh thân
yêu”. Gọi là khẩu hiệu, nhưng thực chất đó là nguyên tắc ứng xử của thầy, cô
giáo đối với học sinh.
Trong quá trình giao tiếp không nên tính thiệt hơn, nặng nhẹ, nhiều ít.
Không nên ghen tị với thành tích của người khác, đồng thời không nên cười
chê, chế giễu trước thất bại của đối tượng giao tiếp.
4. Nguyên tắc đồng cảm trong giao tiếp
Nguyên tắc này thể hiện ở chỗ các chủ thể giao tiếp biết đặt vị trí của
mình vào vị trí của đối tượng giao tiếp. Muốn làm được điều này, chủ thể giao
tiếp đã phác thảo chân dung tâm lý tương đối ổn định trong đầu mình về đối
tượng giao tiếp.
Chủ thể giao tiếp nhờ phác hoạ chân dung tâm lý này mà họ đã ứng
xử, xử thế phù hợp với nhu cầu, mong muốn của đối tượng giao tiếp. Chủ thể
giao tiếp bao giờ hành động cũng tự mình trả lời được câu hỏi “nếu mình ở vị
trí học sinh thì sẽ như thế nào”. Thầy, cô giáo biết sống trong niềm vui, nỗi
buồn của các em, biết đặt vị trí của thầy, cô vào vị trí của học sinh khi tiếp
xúc, khi giải quyết các tình huống sư phạm. Có như vậy giáo viên mới có thể
cùng rung cảm với học sinh.
Đặc điểm này thực hiện chức năng “đồng nhất giữa chủ thế giao tiếp
với đối tượng giao tiếp”. Khi chủ thể giao tiếp biết đặt vị trí của mình vào vị trí
của đối tượng giao tiếp, chủ thể giao tiếp (thầy, cô giáo) phải luôn luôn quan
tâm đến học sinh, hiểu hoàn cảnh của từng học sinh.

Chẳng hạn trong khi lên lớp, trong lớp có học sinh nghỉ học thì giáo viên
nên tìm hiểu vì sao học sinh đó nghỉ học.
Nếu đặt vị trí của giáo viên vào vị trí của học sinh thì sẽ như thế nào?
Làm được điều đó thì giáo viên thể hiện được “thương người như thể thương
thân”.
Trong quá trình tiếp xúc, giáo viên biết mỉm cười thân mật, biết buồn
cùng với học sinh. Sự biểu hiện đó được thể hiện trong ngôn ngữ; trong thái
độ thiện cảm, dịu dàng ngay cả lúc cần kiên quyết dứt khoát.
Nguyên tắc này còn thể hiện ở chỗ chủ thể giao tiếp biết xác định đúng
không gian, thời gian giao tiếp.Và khi giao tiếp, chủ thể không nên gây căng
thẳng trong tâm trí học sinh qua mỗi lần giao tiếp. Sau mỗi lần tiếp xúc, nên
tạo cho các em một niềm vui mới, một khát vọng muốn tiếp xúc với thầy, cô
giáo.
Tóm lại, giao tiếp được coi như một loại hoạt động mà ở đó có sự tác
động qua lại giữa hai chủ thể giao tiếp. Trong quá trình giao tiếp trực tiếp hay
gián tiếp thì đó cũng là quá trình tác động có lúc chủ thể là giáo viên, có khi
học sinh là chủ thể.
Trong quá trình giao tiếp giữa giáo viên và học sinh, khi người giáo viên
đang thực hiện chức năng xã hội của mình, thì giáo viên là chủ thể còn học
sinh là đối tượng giao tiếp.
Tuy nhiên trong thời điểm cho phép, học sinh có thể giành được chủ
động trong giao tiếp nhắm đạt mục đích lĩnh hội tri thức.
Nhưng dù cho bất kỳ một cuộc tiếp xúc nào đi chăng nữa, mà trong đó
có thể giáo viên là chủ thể và ngược lại thì tất cả đều phải tuân theo những
nguyên tắc, những biện pháp tác động lẫn nhau, trong đó giáo viên làm nhiệm
vụ cơ bản là tổ chức mối quan hệ, là quá trình giáo viên xây dựng, phát triển
nhân cách của học sinh.
Giao tiếp sư phạm là một hệ thống phức tạp và là quá trình sáng tạo để
giải quyết các nhiệm vụ giáo dục, học tập. Muốn đạt được mục đích trên,

trong quá trình thực hiện chúng ta cần đảm hảo, quán triệt các nguyên tắc cơ
bản trong giao tiếp sư phạm.

III. PHONG CÁCH GIAO TIẾP SƯ PHẠM
1. Phong cách giao tiếp sư phạm
Phong cách giao tiếp sư phạm là toàn bộ hệ thống những phương
pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động tương đối ổn định, bền vững
của giáo viên trong quá trình tiếp xúc nhằm truyền đạt, lĩnh hội những tri thức
khoa học, vốn sống kinh nghiệm, kĩ năng kĩ xảo, xây dựng và phát triển nhân
cách toàn diện ở học sinh.
Nói tới phong cách giao tiếp sư phạm là nói tới hệ thống những phương
pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động… của giáo viên trong quá
trình tiếp xúc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ chú ý tới mặt
kĩ thuật, thủ thuật mà còn là cả toàn bộ nhân cách của chủ thể giao tiếp
(thầy).
Phong cách giao tiếp nói chung, phong cách giao tiếp sư phạm nói
riêng vừa có phần ổn định, tương đối bền vững, vừa có phần linh hoạt cơ
động.
Phần ổn định, tương đối bền vững của phong cách giao tiếp sư phạm
thể hiện: những phương pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động của
chủ thể giao tiếp là tương đối như nhau trong những tình huống khác nhau.
Chính vì vậy phong cách giao tiếp tạo nên những đặc điểm khác biệt giữa các
cá nhân. Dựa vào những dấu hiệu ổn định này mà các chủ thể giao tiếp hiểu
và có những phản ứng giao tiếp đáp lại phù hợp.
Phần linh hoạt, cơ động của phong cách giao tiếp sư phạm thể hiện:
trong một số trường hợp cụ thể, tình huống cụ thể những phương pháp, thủ
thuật tiếp nhận, phản ứng hành động của chủ thể giao tiếp có thể thay đổi để
thích ứng với hoàn cảnh, tình huống cụ thể đó. Trong giao tiếp sư phạm
những biểu hiện này được xem là sự khéo léo đối xử sư phạm của các thầy

cô giáo trong những hoàn cảnh cụ thể, đối với từng học sinh giúp cho người
giáo viên thích ứng với môi trường sống đa dạng và luôn thay đổi, hoạt động
giáo dục của họ đạt được hiệu quả cao.
2. Các loại phong cách giao tiếp sư phạm
R. N. Cresơ (Nguyễn Thạc, Hoàng Anh. Vấn đề chuẩn bị cho SV về
GTSP. Thông báo KH. ĐHSP HN I. 1988. Số A tr. 21 -24) nhà tâm lý học Mỹ
nghiên cứu về mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh chia ra ba nhóm:
A. Người giáo viên hướng hành vi của mình vào sự phát triển trí tuệ
học sinh: thường xuyên yêu cầu và kiểm tra, chỉ quan hệ chính thức, giảng tốt
bộ môn và được học sinh kính trọng.
B. Kiểu giáo viên có thiện ý. Trong quá trình giảng dạy họ có tính
hướng đến toàn bộ nhân cách học sinh, tập trung phát triển các phẩm chất xã
hội, để thiết lập mối quan hệ với trẻ, cố gắng hiểu họ và có thể giúp đỡ từng
học sinh trong số đó.
C. Một số giáo viên hạn chế thiện chí của mình với một số học sinh có
lựa chọn và thường là họcc sinh có năng lực học tập hơn.
Tác giả cũng chia ra ba loại học sinh có ảnh hưởng tới tính chất mối
quan hệ giữa giáo viên và học sinh:
 Người học sinh được giáo dục trong các gia đình thuận lợi thì dễ
dàng tham gia vào tập thể lớp, tích cực và cởi mở.
 Những học sinh được giáo dục trong gia đình không thuận lợi thì
không muốn tiếp xúc với bạn bè và có thái độ thù địch.
 Học sinh có phản ứng nhanh và sáng tạo
Tác giả cho rằng không có khả năng để giáo viên xây dựng thái độ tốt
như nhau với mỗi học sinh. Nhưng thái độ có hiệu quả nhất có thể có ở giáo
viên A với nhóm học sinh A, giáo viên B với nhóm học sinh B, giáo viên C với
nhóm học sinh C.

Mỗi nhóm học sinh có thể tìm những giáo viên làm thoả mãn những
nhu cầu giao tiếp của họ và làm dịu di những gì không đúng xuất hiện trong
quá trình quan hệvới những giáo viên khác.
Dựa trên kết quả của Cresơ, D. Dabakolxki (Ba Lan) đã lý giải theo
quan điểm lý luận bình quân các mối quan hệ liên nhân cách: AA, BB, CC là
sự kết hợp bình quân nhằm bổ sung lẫn nhau, còn AB, BC, sẽ gây xung đột
và không cân bằng.
Xu hướng nhân cách của người giáo viên có ảnh hưởng đến đặc điểm
mối quan hệ giáo viên - học sinh. Những động cơ ưu thế ổn định tạo ra xu
hướng nhân cách. Thái độ của con người đối với mình, đối với người khác,
đối với việc thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa cơ bản nhất để xác định xu hướng
nhân cách. Có ba loại xu hướng: xu hướng cá nhân, xu hướng xã hội và xu
hướng thực hiện các nhiệm vụ. Do đó cũng có thể gọi là các kiểu nhân cách:
xu hướng thứ nhất tạo nên bởi động cơ có lợi cho cá nhân coi thường đồng
nghiệp và công việc cần thực hiện và chỉ nhìn thấy trước hết là khả năng thoả
mãn những kì vọng của mình, không quan tâm đến quyền lợi của người khác
và của xã hội. Hai loại xu hướng sau tạo nên kiểu nhân cách xã hội hoặc là
hướng chú ý vào các vấn đề của người khác hoặc vào thực hiện nhiệm vụ.
Các tác giả cho rằng sự phát triển các kĩ thuật giao tiếp chịu ảnh hưởng
và bị chi phối bởi nguồn gốc sâu xa hơn là các đặc điểm xu hướng nhân cách
hay các cấu trúc động có cua cá nhân. Tuỳ những phẩm chất tâm lý chiếm ưu
thế trong nhân cách của người giáo viên mà tạo nên các kiểu quan hệ giữa
giáo viên và học sinh.
Nhiều nhà tâm lý giáo dục thường phân chia phong cách giao tiếp sư
phạm làm 3 loại: phong cách dân chủ, phong cách độc đoán, phong cách tự
do.
a) Phong cách dân chủ
Thực chất phong cách dân chủ trong giao tiếp với học sinh là thầy, cô
giáo coi trọng những đặc điểm tâm lý cá nhân, vốn sống kinh nghiệm, trình hộ