Nỗi buồn chiến tranh

  • doc
  • 20 trang
Đề tài
TIẾP CẬN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH
DƯỚI GÓC ĐỘ THỂ LOẠI

Sinh viên thực hiện:
Bùi Phương Uyên(NT)

0760271

Đỗ Thị Thanh Nhàn

0760159

Nguyễn Thị Ngọc Tú

0760267

Nguyễn Thị Ngọc Như

0760170

I. Giới thiệu tác giả tác phẩm
1.1 Tác giả
1.1.1 Cuộc đời
Bảo Ninh (sinh ngày 18 tháng 10 năm 1952) tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh tại
huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng
Bình. Ông vào bộ đội năm 1969. Thời chiến tranh, ông chiến đấu ở mặt trận B -3 Tây
Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ. Từ 19761981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984-1986
học tại trường viết văn Nguyễn Du. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1997.
Hiện nay Bảo Ninh đang công tác tại báo Văn nghệ Trẻ.
1.1.2 Sự nghiệp sáng tác
Năm 1987, xuất bản truyện ngắn Trại bảy chú lùn.
Năm 1991, xuất bản tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (in lần đầu năm 1990 tựa đề
Thân phận của tình yêu, được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và đã được đón
chào nồng nhiệt)
Năm 2002 xuất bản Truyện ngắn Bảo Ninh.
Bảo Ninh còn viết một số truyện ngắn về đề tài chiến tranh, trong đó truyện Khắc
dấu mạn thuyền đã được dựng thành phim. Truyện ngắn Bội phản của Bảo Ninh trong tập
truyện Văn Mới do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2005.
1.2 Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
1.2.1 Hoàn cảnh sáng tác và số phận Nỗi buồn chiến tranh
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được xuất bản lần đầu tiên năm 1990 với tiêu
đề Thân phận của tình yêu do các biên tập viên nhà xuất bản Hội nhà văn lựa chọn. Chỉ
một năm sau đó, tác phẩm được tái bản với tiêu đề do chính tác giả đặt tên từ trước Nỗi
buồn chiến tranh. Cũng trong năm đó, cuốn sách được giải thưởng của Hội nhà văn.
Từ những ngày đầu xuất hiện, Nỗi buồn chiến tranh đã gây xôn xao dư luận vì
tính phức tạp của nó. Gần 15 năm sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, tác phẩm vẫn làm say
mê đọc giả bởi cốt truyện quen mà lạ, gần gũi mà như xa vời. Đó là câu chuyện bi thảm
về tình yêu trong chiến tranh và những chiêm nghiệm về thời chiến, một thời mà theo
dòng ý thức của cuốn tiểu thuyết này đã trở thành quá khứ. Khác với những tác phẩm

trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, ý chí chiến đấu của
người lính trên mặt trận vì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh lại miêu tả chiến tranh từ góc
độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân thầm kín mà trước
đó chưa nhà văn nào nói được. Do đó, có một thời gian tác phẩm bị cấm xuất bản và bị
cấm lưu truyền nhưng vẫn được đông đảo người đọc ưa thích.
Ngay sau khi nhận giải thưởng ở Việt Nam, Nỗi buồn chiến tranh được dịch sang
tiếng Anh bởi Frank Palmos và Phan Thanh Hảo, xuất bản năm 1994 với tựa đề The
Sorrow of War. Cuốn sách được một số nhà phê bình đánh giá là một trong những tiểu
thuyết cảm động nhất về chiến tranh. Bản dịch này được đọc rộng rãi ở phương Tây, và là
một trong số ít sách nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở đây.
Tác phẩm được đưa vào danh sách 50 dịch phẩm xuất sắc nhất nửa thế kỷ qua của
Hiệp hội dịch giả Anh, đồng thời được coi là một trong 10 tiểu thuyết hay nhất Đông
Nam Á.
1.2.2 Tóm tắt tác phẩm
Nỗii buồn chiến tranh về cơ bản được chia làm bảy phần dựa trên các cách chia
trang thống nhất trong cả bốn bản in (1990, 1991 và hai bản năm 2003). Tác phẩm không
có cốt truyện, tình tiết rành mạch mà chỉ là những mảng hồi ức của nhân vật Kiên, một
người lính của tiểu đoàn 27 độc lập hoạt động trên địa bàn B3 còn sống sót, về cuộc
chiến tranh đẫm máu vừa qua và về mối tình với cô bạn học trường Bưởi tên là Phương.
Kiên xuất thân từ một gia đình trí thức tiểu tư sản miền Bắc. Cha là họa sĩ nhưng tranh
của ông lại bị người ta phê phán là thể hiện những chân dung ma quỷ. Mẹ Kiên, một đảng
viên, bỏ cha từ lúc Kiên còn nhỏ để lấy chồng khác. Kiên biết rất ít về người chồng sau
của mẹ, một nhà thơ tiền chiến về già. Kiên là sự kết hợp hoàn hảo giữa mẹ và cha: xung
phong đi bộ đội ở tuổi mười bảy, khăng khăng chiến đấu, bỏ lại người yêu, cứng rắn và
can đảm. Kiên đã xả thân làm người hùng, lao vào cuộc chiến để phục vụ sự nghiệp cứu
nước.
Trải qua nhiều mối tình, cả khi mới biết những rung động đầu đời với người hàng
xóm tên Hạnh, rồi vào bộ đội với bao cảm xúc của tuổi trẻ nhưng người Kiên yêu nhất
vẫn là Phương. Vì quá nhớ Kiên nên Phương quyết định lên tàu thăm Kiên nhưng không
may tàu bị đánh bom. Trong lúc loạn lạc, Phương bị làm nhục. Cảm thấy quá xấu hổ và
đau đớn, Phương lấy chồng. Ngày hòa bình, Kiên trở về và rất đau khổ khi biết Phương
đã lấy chồng. Từ đó, Kiên trở thành “nhà văn cấp phường”, sống một thời hậu chiến đầy
u buồn. Anh lao vào viết như một “Thiên mệnh” xa vời, tối tăm. Kiên như người mộng
du lang thang cả đêm khắp phố phường, đêm đêm viết hàng núi giấy. Những câu chữ

xuất hiện trong “bóng đêm âm u” của tiềm thức, vô thức đã trở thành những hình tượng
ảo giác trên trang bản thảo. Ngày kia anh đốt bản thảo tác phẩm của mình, bên người con
gái câm, một biểu tượng đẹp, một bản sao khác của Phương. Cô gái câm là người đọc có
thể, người đọc tương lai tiểu thuyết của Kiên. Cô là người duy nhất chứng kiến một tiểu
thuyết đang hình thành trong bóng đêm, trong cơn say, trong điên khùng và hoảng loạn,
trong vô thức, tức là từ nỗi buồn tình yêu và nỗi buồn chiến tranh.
II. Tiếp cận Nỗi buồn chiến tranh dưới góc độ thể loại
2.1 Nỗi buồn chiến tranh – tiểu thuyết dòng ý thức
2.1.1 Khái niệm tiểu thuyết dòng ý thức
Dòng ý thức là thuật ngữ văn học chỉ một xu hướng sáng tạo văn học (chủ yếu là
văn xuôi) khởi điểm từ đầu thế kỉ XX, tái hiện trực tiếp đời sống nội tâm, xúc cảm và liên
tưởng ở con người.
Thuật ngữ tiếng Anh "stream of consciousness" được nhà tâm lý học người Mỹ
William James đưa ra trong cuốn The Principles of Psychology (Cơ sở tâm lý học) xuất
bản năm 1890, khi cho rằng ý thức là một dòng chảy, một dòng sông mà ở đó những tư
tưởng, cảm xúc, liên tưởng bất chợt luôn lấn át nhau và đan bện một cách kỳ quặc, "phi
logic".
Văn học dòng ý thức chủ yếu thể hiện trong tiểu thuyết dòng ý thức. Tiểu thuyết
dòng ý thức “chỉ tác phẩm tiểu thuyết dựa trên quan điểm hệ thống về thời gian tâm lí,
trực cảm, dòng ý thức và phân tích tinh thần, dùng thủ pháp độc thoại nội tâm, tự do liên
tưởng miêu tả tính lưu động, đứt đoạn, sâu sắc và tính tầng thứ của hoạt động tâm lí nhân
vật, lấy thế giới chủ quan và trực cảm để thay thế phản ánh thế giới khách quan, mạnh
dạn phá vỡ trật tự không gian, thời gian tự nhiên” (Đỗ Văn Hiểu)
2.1.2 Thời gian trần thuật – thời gian phi tuyến tính và đồng hiện
Thời gian trần thuật chính là thời gian của truyện kể, là thời gian của trật tự các sự
kiện đã được phân bố lại trong truyện do sắp xếp chủ quan của người kể chuyện. Thời
gian trần thuật không tuân theo quy luật của thời gian vật lí mà đã được tái tạo lại bởi
người kể chuyện. Và theo G.Genette, thời gian trần thuật là thời gian giả (Pseudo time).
Thông qua lí thuyết của Genette, chúng ta sẽ tìm hiểu tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và
thấy được sự đảo lộn trình tự trần thuật của Bảo Ninh – người kể chuyện. Hay nói cách
khác chúng ta sẽ tiếp cận với những phương diện đặc sắc trong việc tổ chức thời gian trần
thuật ở tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Đó chính là kiểu trần thuật phi tuyến tính với
những đảo lộn thời gian và với kĩ thuật đồng hiện.

Có thể nói trần thuật phi tuyến tính trở thành một trong những đặc điểm cho thấy
sự đổi mới tư duy tiểu thuyết khi cảm thức hiện tại, khi khát vọng làm chủ thời gian trở
nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một trong những hình thức tổ chức lại trình tự trần thuật
trong Nỗi buồn chiến tranh là từ hiện tại, quay ngược về quá khứ để kể chuyện. Nhân vật
Kiên – một cựu chiến binh trở về sau ngày hòa bình đã kể lại cuộc chiến đã qua, “một
cuộc chiến tranh chưa từng được biết tới, như thể đó là cuộc chiến của riêng anh”. Nhân
vật Kiên thuật lại những sự kiện đã qua, đã thuộc về quá khứ từ điểm nhìn của chính
mình. Và thông qua Kiên, người đọc có thể hình dung sự ám ảnh của chiến tranh, những
mất mát mà cuộc chiến mang lại cho Kiên và những đồng đội của anh. Từ đó ta thấy
được dòng chảy số phận của từng con người trong chiến tranh “Khổ sở vì đói, vì sốt rét
triền miên, thối hết cả máu, vì áo quần bục nát tả tơi và vì những lở loét cùng người như
phong hủi, cả trung đội chẳng còn ai trông ra hồn thằng trinh sát nữa. Mặt mày ai nấy
như lên rêu”. Chúng ta thấy rằng Bảo Ninh đã xử lý thời gian rất linh hoạt. Nếu mạch
trần thuật sự kiện được đẩy lùi về quá khứ thì mạch biểu hiện cảm xúc cứ trôi dạt, lan tỏa
từ quá khứ đến hôm nay. Dường như những chuyện của quá khứ không hề khép lại mà
tiếp tục sống cùng với nhân vật Kiên trong dòng trôi của hiện tại.
Có thể nói, ở tiểu thuyết dòng ý thức như Nỗi buồn chiến tranh, sự đồng hiện thời
gian được thể hiện rất rõ. Phá vỡ trật tự thời gian thông thường, kết cấu dòng ý thức ở
Nỗi buồn chiến tranh là hệ quả của việc tạo ra một thời gian trần thuật chỉ phụ thuộc vào
thời gian tâm trạng, vào dòng tâm tư của nhân vật Kiên. Trong Nỗi buồn chiến tranh có
sự đan cài giữa thời gian trần thuật và thời gian câu chuyện xoay quanh những hồi ức,
những kỉ niệm và giấc mơ của nhân vật Kiên. Việc tổ chức thời gian đồng hiện theo kĩ
thuật điện ảnh của tác giả nhằm soi chiếu cặn kẽ con người hiện đại với nhiều chiều kích.
Chính nhờ hình thức đồng hiện này mà Bảo Ninh có thể nối kết những chuyện thuộc về
những khoảng thời gian khác nhau và vì thế rút ngắn được thời gian kể.
Trong đồng hiện thời gian, yếu tố giấc mơ trở thành phương thức tự sự hiệu quả để
đi vào khám phá thế giới tâm linh con người, để mở rộng biên độ thời gian. Trong Nỗi
buồn chiến tranh, giấc mơ xuất hiện rất nhiều nhằm đồng hiện nhiều mảng thời gian khác
nhau, đảo trật tự tuyến tính. Kiên thường hay mơ về Phương – người phụ nữ đã đánh thức
tình yêu trong Kiên thời tuổi trẻ, là nguồn sức mạnh chập chờn trong quãng đời chiến
trận của anh “những giấc mơ đậm đặc cảm giác, nóng bỏng và ngọt lịm như mật ứa ra
trào lên lấp đầy cõi mộng mị. Trong những đêm mưa ấy, từ giữa miền không gian xa xanh
sâu thẳm khuất chìm sâu sương mù ký ức, người con gái của thành phố quê hương lại
hiện lên và bước tới với anh trong bóng hình tiên nữ mờ ảo. Cả người gai lên, xương thịt
chờn rợn, run rẩy, rung động trong nỗi khát khao thèm muốn được hưởng tới độ tột cùng
cảm giác xúc tiếp êm ái, choáng ngợp, đáng kinh hãi với cái hình hài yêu dấu, mong

manh, mềm mại như cánh hồng ấy”. Giấc mơ của Kiên thường là thời gian hồi ức “trong
mơ, trí nhớ khuấy đảo, lật tung tất cả, lần tìm trong đổ nát đam mê niềm đau buốt, vô hạn
độ, vô bến bờ của anh đối với nàng từ tận những thuở hồng hoang xa tít mù tắp thời trai
trẻ”. Chính trong hồi tưởng mà Kiên đi tìm ý nghĩa thực của đời mình. Dường như ở
Kiên luôn có sự cố gắng để sắp xếp những kỉ niệm lộn xộn, nối khớp chúng với những sự
kiện lịch sử chung của dân tộc, để có được một kết luận. Dù sống trong thời bình nhưng
Kiên “không tài nào nhấc chân ra khỏi miệng hố của chiến tranh, loại người bị ký ức quá
kinh khủng đè bẹp và làm cho suy đốn”. Ngay cả mối tình với Phương cũng bị cuộc
chiến đó chia đôi “Đời anh chỉ có hai tình yêu thôi. Một mối tình của anh và Phương hồi
trước chiến tranh. Và sau chiến tranh là mối tình khác, cũng giữa anh với nàng.” Như
vậy, bằng việc sử dụng thời gian đồng hiện, Bảo Ninh đã khẳng định sự bất lực của con
đối với lịch sử, con người chỉ là nạn nhân mà thôi.
Với những cách tân trong nghệ thuật trần thuật, Bảo Ninh đã phá vỡ cấu trúc thời
gian đơn tuyến vốn vẫn thường gặp trong văn xuôi truyền thống. Thời quá khứ trong
truyện kể không còn là quá khứ đơn (tách biệt với hiện tại) mà thường là quá khứ liên
quan đến hiện tại và thậm chí cả tương lai. Những câu chuyện quá khứ qua hồi tưởng của
Kiên được đặt vào dòng chảy bề bộn của cái hôm nay khiến thời gian như được kéo lùi
về hiện tại và không ngừng tiếp diễn. Chính cách trần thuật phi tuyến tính và đồng hiện
này đã góp phần xác lập một cấu trúc thời gian trần thuật đặc thù ở tiểu thuyết Việt Nam
hiện đại.
2.1.3 Kết cấu trần thuật theo thời gian, không gian tâm lý
Nỗi buồn chiến tranh phá vỡ kết cấu trần thuật tuân theo không gian, thời gian tự
nhiên, tạo nên kết cấu trần thuật theo không gian, thời gian tâm lý. Tiểu thuyết truyền
thống khi sắp xếp tình tiết thường tuân theo không gian, thời gian tự nhiên, phù hợp
logic, quá khứ, hiện tại vừa có sự phân biệt, lại vừa có sự kế tiếp nhau, là mô hình kết cấu
trần thuật tuyến tính. Còn tiểu thuyết dòng ý thức như Nỗi buồn chiến tranh lấy dòng ý
thức và hoạt động tâm lí của nhân vật Kiên làm sợi dây kết cấu xuyên suốt tác phẩm, đảo
lộn trật tự không gian, thời gian tự nhiên, quá khứ, hiện tại, tương lai.
Kết cấu trần thuật theo thời gian, không gian tâm lý phản ánh sự thay đổi bản chất
của tự sự vượt thoát khỏi những dạng tự sự truyền thống. “Thay vì bám vào cuộc phiêu
lưu của nhân vật, nhà văn lại biến tự sự trở thành một cuộc phiêu lưu của cái viết” (Đỗ
Đức Hiểu – Thi pháp hiện đại NXB Hội nhà văn 2000). Thông qua dòng tâm tưởng của
nhân vật Kiên – nạn nhân của lịch sử, chúng ta thấy được số phận của họ. Chính lịch sử
đã để lại những đường cày, những vết thương không bao giờ cứu chữa được. Kiên đã chịu
đựng tận đáy những nỗi đau mà lịch sử để lại trên cuộc đời và tâm hồn mình “Âm vang

những ngày tháng đã qua như những chuỗi sấm nguồn xa tắp làm tâm hồn anh từng lúc
một hoặc sôi sục hoặc nhói đau hoặc ngưng lặng đi”. Chính kết cấu trần thuật này đã
đánh dấu sự thay đổi trong phương thức mô tả và phản ánh lịch sử của Bảo Ninh. Bảo
Ninh đã tiếp cận lịch sử qua từng thân phận cá nhân và phản ánh lịch sử từ “tấm gương”
ý thức cá nhân. Lịch sử tan vỡ thành mảnh vụn của ý thức cá nhân và Bảo Ninh trở thành
người gom nhặt những mảnh vụn ý thức đó từ bóng tối của những thân phận.
2.1.4 Phân tích tâm lý nhân vật thông qua độc thoại nội tâm
Tiểu thuyết dòng ý thức viết về tâm lí và ý thức nhân vật không giống như tiểu
thuyết truyền thống xuất phát từ phương diện tác giả mà để nhân vật tự bộc lộ thông qua
độc thoại nội tâm còn tác giả thì lui vào hậu trường.
Tác phẩm dìu người đọc vào sâu bên trong thế giới tâm hồn của nhân vật Kiên để
từ đó khám phá những bí mật mà từ lâu anh muốn che giấu, thậm chí là phủ nhận. Kiên
từng hững hờ với mẹ, coi thường cha, thậm chí có lúc nghi ngờ tình yêu với Phương,
ghen tuông và thù hận cô, anh cũng có những hoang tưởng nhục dục với thây người chết,
đôi khi hèn nhát trong chiến trận. Vì thế anh muốn kể hết trong cuốn sách anh đang viết,
đó không chỉ là một “tiểu thuyết đầu tay” mà là một tác phẩm đặc biệt, là “cuộc phiêu lưu
cuối cùng trong cả cuộc đời làm lính của anh”. Bảo Ninh đã sử dụng độc thoại nội tâm để
nhân vật có thể tự nói lên những dằn vặt ẩn sâu bên trong tâm hồn mình “Nhưng mà tâm
hồn tôi thì đã ngưng bước lại ở những tháng ngày ấy chứ không tài nào mà đổi đời nổi
như bản thân đời sống của tôi. Một cách trực giác tôi luôn nhận thấy quanh tôi quá khứ
vẫn đang lẩn khuất. Đêm đêm giữa chừng giấc ngủ tôi nghe thấy tiếng chân tôi từ những
thuở nào đó xa rồi vang trên hè phố lát đá…Ôi năm tháng của tôi, thời đại của tôi, thế hệ
của tôi! Suốt đêm nước mắt tôi ướt đầm gối bởi nhớ nhung, bởi tiếc thương và cay đắng
ngậm ngùi”. Quên đi chiến tranh là một việc hết sức khó khăn đối với Kiên. Kiên ý thức
được điều này nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng theo ý muốn của con người
“Nói chung, chẳng biết đến bao giờ thì lòng mình mới nguội nổi, trái tim mình mới thoát
khỏi gọng bàn tay siết chặt của những kỉ niệm chiến tranh…để lại những vết thương mà
tới bây giờ, một năm đã qua hay mười năm hay hai mươi năm nữa, vẫn còn đau, đau
mãi”. Việc sử dụng độc thoại nội tâm của Bảo Ninh giúp người đọc thấu hiểu sự phi lý
của chiến tranh, chất tàn bạo của lịch sử. Để cho nhân vật tự bộc lộ những suy nghĩ của
mình, tự xưng tôi để kể lại những gì đã qua trong cuộc chiến là cách mà Bảo Ninh thuyết
phục người đọc. Bởi chúng ta đều hiểu rằng chính Kiên là người đã quan sát lịch sử và
trải qua lịch sử. Chính điều này giúp Nỗi buồn chiến tranh thuyết phục hơn. Lời bộc bạch
của Kiên là một độc thoại dài, là một dòng tâm sự đau thương của chính nhân vật muốn
chia sẻ với thế hệ hôm nay.

2.1.5 Ngôn ngữ nhiều cảm giác
Những rung cảm thẫm mỹ đối với tác phẩm được tạo ra từ ngôn từ. Nỗi buồn
chiến tranh cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Với hệ thống ngôn ngữ nhiều cảm giác,
Nỗi buồn chiến tranh – câu chuyện của quá khứ được quy tụ qua cảm giác sống động,
tươi mới của hiện tại. Đó là một hệ thống ngôn từ với lời kể thiên về miêu tả, đầy các từ
láy, từ diễn tả tâm trạng, cảm giác, tả thiên nhiên, với những lời bình phẩm, đánh giá...
không giống ngôn từ nặng về hành động, sự kiện của truyện truyền thống. Cách "hiện tại
hoá" câu chuyện bằng cảm giác "như là một nét đặc thù khá rõ của phương thức tự sự
mới" (Trần Đình Sử).
Theo thống kê của TS. Bùi Thanh Truyền “trong 280 trang của tiểu thuyết Nỗi
buồn chiến tranh, có tới 116 lần Bảo Ninh sử dụng những từ ngữ, hình ảnh rùng rợn, li
kì: tiếng thở than buồn thảm của thế giới rừng sâu, vời vợi xa xôi và tuyệt mù hư ảo, đám
hành khách từ trong mộ hiện ra, ma cà rồng, ảo giác, kì quái, ma quái, hoang đường…”.
Thậm chí chỉ trong một trang xuất hiện hàng loạt các từ ngữ gây ấn tượng và cảm giác
mạnh: "thần chết sờ soạng", "vô khối hồn ma quỷ lang thang", "mịt mù lam chướng",
"những kì lễ lạt của giới các âm hồn", "cuộc điểm danh của các toán quân đã chết", "chim
chóc khóc than như người", "các loại măng đỏ au như những tảng thịt ròng ròng máu",
"đom đóm to kinh dị lớn tày cái mũ cối", "cây cối hoà giọng với gió rên lên những bản
nhạc ma"... Rải rác toàn truyện, Bảo Ninh luôn sử dụng ngôn ngữ gây nhiều cảm giác này
“lềnh bềnh xác người sấp ngửa”, “linh hồn lở loét”, “gờ núi lạnh lẽo”, “bóng đen trườn
khỏi võng”, “nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn”…Cảnh tượng mà Bảo Ninh
gợi ra thông qua ngôn ngữ không khỏi khiến những con người yếu bóng vía "có thể điên
lên hoặc chết rũ vì khiếp sợ". Hệ thống ngôn từ đầy ám ảnh gợi cảm giác này đã góp
phần khắc hoạ chân thực hơn diện mạo tàn khốc của chiến tranh, khiến người đọc không
khỏi ám ảnh.
Là "yếu tố thứ nhất của văn học" (M. Gorki), ngôn ngữ văn học một thời kì, nói
như Trần Đình Sử, "gắn với đặc trưng tư duy hình tượng của thời ấy, là "hoá thạch" của
đời sống tâm lí, xã hội một thời, là tấm gương phản chiếu gần xa ý thức thẩm mĩ, luân lí,
chính trị thời ấy". Văn học, vì thế, không chỉ có nhiệm vụ ghi chép sự thay đổi của ngôn
ngữ, nó còn là chính sự thay đổi đó nữa. Có thể nói, ngôn ngữ trong Nỗi buồn chiến
tranh in đậm dấu vết chuyển mình của một giai đoạn văn học đầy sôi động.
2.2 Hiện tượng phân rã cốt truyện trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
Nếu như trong văn học giai đoạn 1945-1975, với lối kết cấu sự kiện đơn tuyến, cốt
truyện có một vị trí quan trọng tạo thành một cái khung cố định, sắp xếp tổ chức chuỗi sự

kiện mạch lạc và chặt chẽ thì cùng với xu hướng kết cấu tâm lý trong văn xuôi sau 1986,
cốt truyện bị đẩy xuống hàng thứ yếu, nhường chỗ cho những dòng chảy bất định của tâm
trạng con người. Cốt truyện vẫn tồn tại song bắt đầu bị biến dạng và phân rã - "thay vì
duy trì tính thống nhất trong trình tự thời gian và nhân quả của chuỗi sự kiện gắn với
hành động của nhân vật chính, tự sự tan vỡ thành một chuỗi lắp ghép các phân đoạn, các
"mảnh vỡ" của cuộc đời nhân vật chính...","thay vì triển khai tự sự bám vào "cuộc phiêu
lưu của nhân vật", nhà văn lại biến tự sự trở thành một "cuộc phiêu lưu của cái viết"
nghĩa là sự chắp ghép ngẫu nhiên những mảnh vỡ - những sự kiện phân tán và rời rạc"
(Trịnh Bá Đĩnh dịch, Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn học, 2002)
2.2.1 Cốt truyện là một bức tranh lắp ghép, phân mảnh
Để dễ dàng tiến hành khảo sát sự lắp ghép, phân mảnh trong cốt truyện một cách
rõ ràng thì chúng ta cần hệ thống được những sự kiện chính trong truyện. Hệ thống sự
kiện chính trong Nỗi buồn chiến tranh có thể tóm tắt như sau:
Thứ tự Sự kiện
1. Hành trình đi tìm đồng đội
2. Ký ức kinh hoàng về tiểu đoàn 27
3. Cuộc sống của lính trinh sát: Bài bạc và hồng ma
4.Tâm trạng của Kiên khi Can đảo ngũ
5.Tình yêu vụng trộm của những người lính với 3 cô gái
6. Cuộc đụng độ với bọn thám báo trả thù cho 3 cô gái
7. Trở lại với chuyến đi tìm hài cốt
8. Suy nghĩ của Kiên về cuốn tiểu thuyết đang viết dở
9. Ký ức về thời thơ ấu
10. Suy nghĩ về cuộc sống đời thường, về những con người trong chung cư
11. Kỷ niệm giữa Kiên và Hạnh
12. Cuộc chia lìa đau đớn đầu tiên với Phương sau chiến tranh
13. Kiên và cuộc gặp gỡ với cô gái "Cà fê xanh"
14. Ký ức về người bạn Trần Sinh
15. Đối mặt với đau đớn ngay sau hòa bình (Gặp Hiền trên cùng chuyến tàu. Đổ vỡ tình
yêu với Phương)
16. Cuộc sống cô đơn, vô phương hướng sau chiến tranh
17. Những mẩu chuyện hư thực trong chuyến đi tìm hài cốt
18. Ký ức về cái chết khủng khiếp của Quảng
19. Chuyện ở Sân bay Sài Gòn trong ngày hoà bình đầu tiên
20. Ký ức về người đàn bà câm

21. Những suy nghĩ về cuộc đời, cái chết, nghệ thuật của nhà văn Kiên - nhà văn Phường
22. Ký ức về người cha
23. Kỷ niệm về mối tình đầu trong sáng với Phương
24. Những ám ảnh về Phương theo Kiên trong những ngày bị thương
25. Cuộc chia tay vĩnh viễn với Phương
26. Cuộc sống của một người lính hậu chiến
27. Gặp Phương trước lúc lên đường vào B
28. Kỷ niệm về Phương ở Đồ Sơn
29. Phương và Kiên trên chuyến tàu Hà Nội - Vinh
30. Thoát chết trong buổi sáng ngày 30/4
31. Ký ức đau thương về Hoà
32. Ký ức về Phương ở tuổi 16
33. Bất hạnh đến với Phương trên chuyến tàu vào B
34. Những sự kiện dẫn Kiên đến quyết định xa rời Phương đi vào cuộc chiến
Có thể dựa vào biến cố lịch sử để chia cuộc đời nhân vật Kiên làm 3 giai đoạn:
trước chiến tranh, trong chiến tranh và sau chiến tranh. Tuy nhiên, thực tế tác phẩm cho
thấy cuộc đời đau khổ, đứt đoạn này còn bị tan ra thành những mảnh vỡ phức tạp hơn.
Không theo trật tự thời gian, từng mảnh đời nhân vật bị chia cắt ra, bị phân tán vào ký ức
lộn xộn, chắp nối và rời rạc của nhân vật chính. Cốt truyện là một bức tranh lắp ghép mà
các mảnh vỡ bị đảo lộn lên, bị tung ra, lật nhào toàn bộ thứ tự, vị trí ban đầu của nó. Đến
đây, có cảm giác như văn học đã gần với các thủ pháp cắt xén, lắp ghép hình ảnh trong
điện ảnh. Nhìn vào chuỗi các sự kiện được thống kê ta có thể thấy được sự kiện thứ 1 và
thứ 7 thực ra là một sự kiện liền mạch nhưng đã được cắt chia ra cho các mảnh ký ức 2,
3, 4, 5, 6 xen vào giữa. Hoặc chính bản thân biến cố về chuyến tàu Hà Nội - Vinh ở cuối
truyện lại bị phân tán xen kẽ giữa các sự kiện khác, biểu hiện ở sự không liên tục của nó
trong trình tự trần thuật 27, 29, 33. Người đọc có thể chắp nối được đây, đó những hình
ảnh của quá khứ với hiện tại, thời bình và thời chiến theo dòng kí ức của nhân vật.
Ta còn bắt gặp sự lắp ghép qua những tình tiết trong câu chuyện như: Câu chuyện
đang kể đến cô giao liên Hoà thì bỗng dừng lại, xen vào đó là chuyện Kiên viết tiểu
thuyết (hoà bình), tiếp đó là việc ghé thăm lại Đồi Mơ, câu chuyện lại xen ngang ký ức về
người dượng (trước chiến tranh), mạch lại quay về việc Kiên viết tiểu thuyết (hoà bình)
-chuyện những người trong khu dân cư - chuyện về Hạnh -nghĩ về Phương (trước chiến
tranh) - chuyện cô gái điếm em đồng đội của Kiên - nghĩ về đồng chí Sinh - xoay quanh
câu chuyện ngày Kiên trở về sau chiến tranh - chuyện cô gái câm ở chung cư - nghĩ về
Phương và Kiên lúc còn trẻ - nghĩ về sự tác động của Phương đối với Kiên trong chiến
tranh… Cứ như thế, từng câu chuyện không có quan hệ nhân quả gì với nhau lại được

xếp cạnh nhau tạo sự phức tạp, đứt gãy và chuyển đổi nhanh chóng. Kiểu kết cấu này dựa
trên kỹ thuật lắp ghép của nghệ thuật điện ảnh. Về hình thức cấu trúc truyện có vẻ rời rạc,
lỏng lẻo, về nội dung được kể không tuân theo quy luật nhân quả, cái ảo và cái thực đan
xen. Cấu trúc tác phẩm được lắp ghép từ những mảnh vụn của hiện thực không tạo ra
những tình huống kịch, các yếu tố sự kiện được triển khai theo mạch vận động của cảm
xúc.
Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh dù không đánh số thứ tự nhưng tác phẩm
cũng được chia thành bảy phần dài ngắn khác nhau, tùy thuộc vào cảm xúc của nhân vật
mà câu chuyện diễn tiến.Tính phân mảnh thể hiện rõ nhất ở nhân vật chính mà ở đây là
nhân vật Kiên.Tác giả đập vỡ các mảng văn trần thuât thành những vụn vỡ rời rạc, xô
lệch không theo một trật tự nhân quả nào và tương ứng với mõi mảnh đời sống được biểu
hiện. Thay vì duy trì tính thống nhất trong trình tự thời gian và nhân quả của chuỗi sự
kiện gắn với hoạt động của nhân vật chính thì tác phẩm tan vỡ thành những mảnh của
cuộc đời nhân vật chính. Những câu chuyện mà Kiên nhớ lại trong tác phẩm được trình
bày không trọn ven trong cùng mọt lúc mà phân thành những đoạn khác nhau và xen kẽ
vào nhau.Ở đầu tác phẩm Kiên nhớ về cô giao liên Hòa, chuyện được kể ở phần kết thúc
là “Hòa gục ngã giũa trảng cỏ và đằng sau bọn Mỹ xô tới, vây xúm lại, trần trùng trục,
lông lá một bầy như những con đười ươi, phì phò thở, giằng giật, nặng nề hộc rống lên”.
Sau đó câu chuyện dừng lại, người đọc chưa rõ nguyên nhân cũng như bắt đầu của câu
chuyện, xen vào đó là những sự kiện và chi tiết khác. Đến gần cuối tác phẩm, toàn bộ câu
chuyện vê cô giao liên Hòa mới hoàn chỉnh. Đặc sắc nhất trong sự phân mảnh các câu
chuyện là những kí ức về Phương. Phương là người phụ nữ xuất hiện hầu như xuyên suốt
cả tiểu thuyết, gắn kết các suy nghĩ của Kiên, là động lực cho Kiên viết và cũng là
nguyên nhân làm anh đau khổ.Những câu chuyện về Phương được Kiên nhớ cũng rời rạc,
chắp nối và rải đều khắp tác phẩm. Khi là hình ảnh Phương và Kiên trong những ngày ấu
thơ, của tuổi mười bảy; khi là hình ảnh của Phương bị làm nhục ở nhà ga Thanh Hóa và
khi là Phương – nạn nhân sau chiến tranh sống cuộc đời trụy lạc.Xuyên suốt trong tác
phẩm là nỗi nhớ về Phương, da diết và ám ảnh. Câu chuyên Phương và Kiên ở nhà ga
Thanh Hóa trong chuyến tàu Hành quân vào Nam được phân ra thành ba mảnh vỡ xuất
hiện xen kẽ không đồng thời mà nó đứt gãy cùng với kí ức của Kiên.
Tính phân mảnh còn thể hiện trong mối liên hệ giữa các nhân vật ngày càng trở
nên lỏng lẻo trong một thế giới rời rạc. Họ hoàn toàn chưa thông hiểu nhau và đặc biệt là
chưa hiểu thấu chính mình.Nhân vật trong Nỗi buồn chiến tranh mang “đầy những vết
dập xóa trên thân thể tâm hồn”, tiêu biểu là Kiên. Cả cuộc đời Kiên là những nỗi đau nối
tiếp, trước chiến tranh là nỗi mất mát tình thương của mẹ, sự xa cách với cha; trong chiến
tranh và hòa bình là nỗi đau nặng nề hơn về sự hủy diệt mất mát của tình người, sự hi

sinh của đồng đội và những khoảng trống không thể lấp đầy trong tình yêu với Phương.
Kiên sống như môt chứng nhân của lịch sử, đầy dằn vặt và đau khổ nhưng mọi người
hầu như không hiểu được anh, họ cười nhạo Kiên, xem anh như môt kẻ tàn tật về tâm
hồn. Những người có thể hiểu Kiên thì cũng trong hoàn cảnh như anh, đó là cô gái câm
sống âm thầm lặng lẽ nhưng ngày càng say đắm mê muội Kiên và để anh chiếm đoạt chị
“môt cách cuồng bạo, khốc liệt, giằng xé, thẳng thừng tàn phá, đâm vào chị nỗi đơn độc
bí ẩn, sắc như dao, đầy hiểm nghèo của anh”. Hơn thế nữa là Phương, cô bạn gái, người
vợ không trọn vẹn của Kiên. Chính Phương cũng là môt nạn nhân của chiến tranh và đã
trượt dài trong xã hội hậu chiến, người con gái đã cho Kiên thêm sức mạnh để chiến
thắng và bước qua chiến tranh đã sống dưới ánh mắt khinh bỉ của biết bao nhiêu
người.Thế nhưng dù yêu Kiên như thế nào thì trong Phương có những suy nghĩ của Kiên
cô cũng không thể nào hiểu được, như cha Kiên đã từng nói sắc đẹp của Phương là lạc
thời và lạc loài. Chính vì vây thân phận Phương cũng lạc đi trong xã hội và trong cuộc
đời Kiên.
Mặc dù không có ý định phân tích Nỗi buồn chiến tranh dưới ảnh hưởng của chủ
nghĩa hậu hiện đại, tuy nhiên, khi tiếp xúc với lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại, ta
nhận thấy Nỗi buồn chiến tranh có những biểu hiện gần gũi. Chẳng hạn, đề cập tới đặc
trưng phân mảnh của phương pháp sáng tác này, Barry Lewis cho rằng: "Hoặc là cốt
truyện bị nghiền nát thành từng viên nhỏ của biến cố và hoàn cảnh, nhân vật bị phân tán
thành một bó những khát vọng nhức nhối...", hay một nhà nghiên cứu khác nhận xét
"những ghép nối chiều sâu được thể hiện qua các tiểu đoạn đứt khúc, ghép quá khứ với
hiện tại, tâm cảnh với ngoại cảnh, lịch sử và phi lịch sử...” . Văn xuôi Việt Nam sau 1986
đang trong quá trình vận động nên chưa thể kết luận rõ ràng về điểm tới của xu hướng
phát triển này. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là tự sự đương đại đang nỗ lực vượt thoát
khỏi những dạng thức truyền thống.
2.2.2 Tiểu thuyết trong tiểu thuyết
Do kết cấu lắp ghép và phân mảnh dẫn đến trong tác phẩm có kiểu “truyện lồng
truyện” hay “tiểu thuyết trong tiểu thuyết”. Nỗi buồn chiến tranh là sự song hành hai
cuốn tiểu thuyết đó là cuốn tiểu thuyết của nhà văn và tiểu thuyết của nhân vật Kiên. Bản
thảo của nhân vật được lồng vào trong tác phẩm chính, đó là nơi nhà văn vừa viết vừa
suy tư về tác phẩm của mình, là nơi nhân vật cũng được trao quyền sáng tạo như nhà văn
khiến cho hiệu năng sáng tạo như nhân lên. Dạng tiểu thuyết này làm cho môt nhân vật
sống trong nhiều thế giới như thế giới thực, thế giới của kí ức, vô thức và nhân vật sống
trong nhiều vai khác nhau như người kể chuyện, nhân chứng, nạn nhân, cũng có thể là
nguyên nhân của câu chuyện. Chính vì vậy mà các giới hạn không gian và thời gian mở

ra đến vô hạn theo hồi tưởng, kí ức của nhân vật. Nỗi buồn chiến tranh là một tiểu thuyết
chiến tranh nghiệt ngã, tiểu thuyết tình yêu lãng mạn nhưng xót xa, đau đớn.Những mảnh
kí ức âm thầm và dang dở, những giấc mơ hiện hữu hoặc tàn phai, mỗi tiểu thuyết trở
thành một tiểu tự sự về nội tâm và khát vọng cá nhân, khát vọng sống và yêu nhưng
không trọn vẹn.
Tác phẩm có thể chia thành hai tiểu thuyết: tiểu thuyết tình yêu và tiểu thuyết viết
về chiến tranh.Tiểu thuyết tình yêu bao gồm mối tình của Kiên và những người phụ nữ đi
qua đời Kiên mà tiêu biểu nhất là Phương. Chuyện tình giữa Kiên và Phương là chủ đạo
và xuyên suốt tác phẩm, đầy nồng nhiệt nhưng cũng đầy nỗi đau. Nó diễn ra với biết bao
sự kiện, bắt đầu bằng tuổi thơ bên cạnh nhau từ những ngày chơi trò con nít, đi học,
những buổi tắm sông đến những năm mười bảy tuổi đầy rạo rực khát khao. Khung cảnh
Kiên và Phương bên nhau ở bờ hồ luôn là kỉ niệm đẹp trong kí ức của Kiên. Đó là những
giây phút một đi không trở lại, nhưng sống mãi trong Kiên và có khi là sức mạnh giúp
anh vượt qua những gian khổ trong chiến tranh. Như Kiên đã từng nghĩ, anh có hai mối
tình, một mối tình trước chiến tranh anh dành cho Phương và một mối tình sau chiến
tranh anh cũng dành cho Phương, nhưng nó hoàn toàn khác nhau và Kiên biết rằng “tất
cả những nhân vật nữ mà anh say mê trong sáng tác của mình rút cuộc vẫn chỉ là những
giấc mơ về Phương”. Mối tình với Phương sau chiến tranh cũng nồng nàn da diết nhưng
giữa hai người có những khoảng cách khiến họ không thể yêu như nhày xưa, những vết
thương trong chiến tranh đã làm họ có những vết thương tình cảm. Ở tuổi mười bảy, Kiên
đã không tự chủ và không đủ minh mẫn để suy xét những lời châm chọc, Kiên bỏ rơi
Phương giữa nơi Phương đã bị vùi dập mà vẫn nghĩ rằng có thế Phương sẽ tha thứ cho
anh còn anh thì “sẽ không bao giờ tha thứ”. Trở về sau chiến tranh Phương sống trong
thân phận ê chề của kỹ nữ Kiên lạc đắm trong men say, cả hai đều yêu, vẫn sống cạnh
nhau nhưng có gì đó đã ngăn họ đến với nhau.Tiểu thuyết tình yêu của Kiên và Phương
đọng lại cuối cùng là nỗi đau, của hai thân phận dở dang và lạc loài.
Tiểu thuyết nhỏ thứ hai viết về chiến tranh, cuộc chiến thần thánh của dân tộc ta
trong thời kháng chiến chống Mỹ. Đó là câu chuyện của những trận đánh ác liệt của quân
ta và quân giặc, những cuộc càn quét, những hi sinh của đồng đội và đời sống chiến
trường gian khổ. Tất cả thê hiện phần nào những hiện thực sống động của một giai đoạn
khói lửa, giai đoạn con người sống vì đất nước chứ không vì cá nhân.
2.3 Thế giới nhân vật mang biểu tượng và ý nghĩa trong Nỗi buồn chiến tranh
Có ba tuyến nhân vật hiện lên trong ký ức của Kiên: những người phụ nữ, những
người đồng đội và những người thân.

2.3.1 Những người phụ nữ
Nỗi buồn chiến tranh tràn ngập “những khuôn mặt đàn bà mến thương”. Thật vây,
Bảo Ninh là một trong những nhà văn dành cho phụ nữ một vị trí trang trọng trong tác
phẩm của mình. Từ Hiền – cô gái phế binh quê Nam Định Chợ Rồng Kiên gặp trong
chuyến tàu ngày trở về đến Lan, người góa phụ trẻ của Đồi Mơ…Họ đi qua cuộc đời
Kiên, có người chỉ là ngọn gió thoáng qua trong trí nhớ anh. Họ là hiện thân cho tính nữ,
cho tình yêu khi âm thầm khi mãnh liệt, đó là sự đối âm với chiến tranh. Chính những
người phụ nữ đã đánh thức trong nhân vật Kiên tình yêu, kêu gọi anh nhìn lại mình, níu
kéo Kiên quay về không chỉ với cuộc sống mà còn đánh thức tình người trong anh, tiêu
biểu là Phương.
Ngay lúc định tử hình bốn tên thám báo đã giết hại ba cô gái của trại tăng gia,
quyết định cho chúng nhận cái chết theo kiểu chết tận mắt, chết tận tay, chết nhìn thấy
đáy huyệt thì Kiên lại tha cho chúng. “Chẳng phải vì những lời van xin, chẳng vì nỗi
hoang mang của đồng đội, mà bởi tự nhiên lúc đó anh chợt nhớ tới Phương và anh đã để
cho lũ người đó được sống”. Cũng vì nhờ Phương, nhớ đến tình yêu với nàng mà Kiên đã
không ngăn cấm những mối tình hoang của các đồng đội, đồng thời sức mạnh tình yêu đã
ngăn không cho Kiên nhập cuộc vào cùng với họ. Và giữa những cái chết, giữa những
đoạn ký ức đầy tai họa và đau khổ, Kiên lại mơ thấy và cảm thấy vị ngọt của giọt sữa
trinh nữ mà Phương đã cho anh. Chính nó đã cho anh sinh lực để trở thành người mạnh
nhất, nhiều may mắn nhất trong chiến tranh – kẻ sống sót.
Có thể nói, Phương và người đàn bà câm là ngọn nguồn nuôi dưỡng cảm hứng
sáng tạo trong anh. Phương là tâm điểm của biết bao nhiêu câu chuyện trong cuốn tiểu
thuyết của anh, còn người đàn bà câm là người lắng nghe tất cả những câu chuyện của
Kiên kể lúc anh say khướt, những chuyện lòng thòng anh kể hằng đêm là những gì anh
đang viết, trong đó có cả chị. Chị là người ngồi thu âm các ý nghĩ, các trường đoạn của
anh, cũng chính chị là người đã chứng kiến Kiên đốt những bản thảo của mình như cha
anh đã từng đốt tranh trước mặt Phương – một nghi lễ cuồng tín, man dị, dấy loạn.
Trong những khoảnh khắc tuyệt vọng của cuộc đời, người phụ nữ biểu hiện như
nơi trú ẩn của cuộc đời Kiên, đặc biệt qua hình ảnh người thiếu phụ ở Đồi Mơ. “Bỗng
dưng một ngày nào đó anh gặp cảnh ngộ không may, thấy đã hết ngả để đi tiếp thì xin
anh hãy nhớ ngay rằng, Đồi Mơ là nơi anh đã lên đường chiến đấu lập nghiệp, mai sau
nếu muốn cũng sẽ là một nơi, một chốn anh về.”
Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, người phụ nữ là biểu tượng cho cái đẹp và
nhân tính, có ý nghĩa như một sự cứu rỗi cuộc đời Kiên trong một thế giới khủng khiếp

của chiến tranh. Bên cạnh đó, chiến tranh cũng biến họ thành nạn nhân của sự hủy diệt.
Cô giao liên Hòa và Phương là hai hình ảnh tập trung nhất của hình tượng này. Là cô gái
miền biển quê Hải Hậu nhưng lại làm giao liên đường rừng, Hòa đã sai sót trong việc dẫn
đường, thế nhưng cô đã là hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Sự hi sinh của Hòa là một nỗi
đau ghê gớm đối với Kiên và cũng đối với người đọc. Để bảo vệ Kiên, bảo vệ an toàn
đường rút cho anh em thương binh, Hòa đã lấy mình đánh lạc hướng quân giặc trong khi
Kiên run rẩy thì Hòa đã nhanh chóng trườn khỏi chổ nấp bắn chết con chó và vùng chạy,
hướng chạy của Hòa kéo hàng chục tên Mỹ da đen ra xa Kiên, đồng thời cũng hút chúng
lệch khỏi vệt đường có thể dẫn tới nơi thương binh đang nghỉ. Tuy nhiên cái giá mà Hòa
phải trả là sự đau đớn về thể xác và tâm hồn, hơn cả cái chết. “Ngợp ngay trước mắt
Kiên, ở ngoài trảng, trên đám những cây bổi bị giẫm nát, ngay sát tảng đá rêu mốc hình
đầu người, kín ngợp một đống kinh khủng đem ngòm, lấp loáng mồ hôi và phì phò hơi
thở dốc. Không nghe thấy tiếng Hòa kêu, nhưng mà có thể cảm thấy tiếng kêu ấy… Sự
thể ghê rợn bày ra: quằn quại trong yên tĩnh man rợ”.
Tập trung nhất trong tính chất nạn nhân là Phương. Đối với Kiên, Phương là người
đánh thức tình yêu trong anh và cũng là sức mạnh giúp anh vượt qua chiến tranh nhưng
chính Phương là nạn nhân của cuộc chiến. Phương bị làm nhục ngay trong những giờ
khắc khởi đầu của cuộc chiến. “Chẳng còn sót chiếc cúc nào, đứt cả rồi, nịt vú trật ra, một
bên dải đeo sa xuống. Ngực Phương lạnh ngắt, lấm tấm mồi hôi”, “ở ống quần lụa bên
phải bị rách toang lộ hết đùi, những vết máu loang dòng chảy xuống đầu gối”, Phương
không thấy đau chỉ một vẻ tê dại hãi hùng trong ánh mắt. Và chính nỗi đau này là nguyên
nhân tạo nên khoảng cách đầu tiên trong tình yêu của Kiên và Phương. Kiên bỏ rơi
Phương khi anh nhận thấy sự trong trắng, vẻ kiều diễm có tính chất bản năng cùng với
thiên hướng hoàn mỹ bẩm sinh của Phương đã hoàn toàn mất đi không phải do hoàn cảnh
giằng xé mà do chính Phương rũ tuột. Và anh sẽ không đời nào tha thứ cho Phương.
Chính điều đó đã làm cho tình yêu của họ mãi mãi đau khổ và không thành, ngay cả khi
hòa bình gặp lại nhau, dù còn yêu nhau tha thiết nhưng những vết thương trong lòng họ
không thể nào chữa lành được, để rồi dù sống cạnh nhau họ vẫn như sống ở hai thế giới,
Phương trở thành một ca kỹ bất cần đời, Kiên buông thả đời mình trong rượu, thuốc và
nỗi đau. Cả hai đều âm thầm chịu đựng, càng khổ sở vì tình họ càng phóng túng cuộc
sống, bạc đãi bản thân mình. Tình yêu tan vỡ, nhân phẩm người phụ nữ bị chà đạp, đó là
sự hủy diệt của chiến tranh, sự chà đạp lên đời sống con người.
2.3.2 Những người đồng đội
Đối với Kiên, ký ức về đồng đội luôn gắn liền với cái chết. Cái chết phản ánh bản
chất hai mặt của chiến tranh, một mặt nó là sự chà đạp lên nhân tính, một mặt là cái đẹp
của tình người.

Chiến tranh gắn liền với bạo lực, hủy diệt con người về thể xác lẫn tâm hồn, nó
khơi dậy bạo lực và sự tàn nhẫn trong con người, cũng như sự dửng dưng với cái ác.
Những cảnh máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc nhoe nhoét, thân thể giập vỡ, tanh bành,
phùn phụt hơi nóng cho ta thấy được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh.
Khoảng cách giữa sự sống và cái chết là rất mong manh và đôi khi ý muốn được
sống trỗi dậy làm cho con người quên cả những hy sinh. Khi bị bao vây cùng với Thịnh
và Tâm, Tâm liều mình lao vào tên giặc cho Thịnh và Kiên chạy, lẽ ra phải hợp lực hạ thủ
quân giặc và cầm lấy vũ khi thì Kiên và Thịnh vùng chạy thục mạng nhưng chỉ có Kiên
thoát, Thịnh hy sinh. “Kiên mất trí đi vì sợ, vì đau đớn và bại hoại tinh thần, Kiên đâm
đầu chạy cho đến lúc quỵ liệt, ngã khuỵu gối. Nhưng từ đấy ý thức của anh vẫn không
ngừng thổn thức rền rĩ lên nỗi vui mừng xấu xa gần như là một sự hài lòng hiểm độc vì
rằng rốt cuộc mình vẫn còn sống”.
Chiến tranh cũng đã biến Kiên trở nên vô cảm, tàn sát không gớm tay, “Kiên muốn
ngừng bắn nhưng bàn tay thần chết giữ rịt lấy tay anh. Dòng lính áo xám bị xe tăng rượt
dồn tới, dồn tới để chết chồng chất vì tay Kiên. Không phải là bắn nữa mà là tàn sát.”
Thậm chí, ngay cả người đã cứu mạng Kiên, đã hy sinh mình cho các thương binh và
Kiên an toàn, bị giết dần dần trước mắt Kiên cũng đã bị Kiên bỏ rơi và quên lãng trong
nhiều năm. Chỉ trong tầm ba chục thước, Kiên đủ sức dùng trái lựu đạn đã rút chốt quăng
vào đám Mỹ da đen để cứu Hòa nhưng cuối cùng Kiên đã lẳng lặng tra lại chốt rồi từ từ
bò lui, êm thấm trở về khe cạn. Sự hi sinh của Hòa được Kiên đồng nhất vào sự hy sinh
chung của tất cả “một người ngã xuống để người khác có thể sống chuyện đó quá bình
thường”. Câu nói của Can trước ngày đào ngũ “tôi không sợ chết, nhưng cứ bắn giết mãi
thế này thì chết hoại tình người”, và câu nói của người lính ở phi trường Tân Sơn Nhất
“hãy coi chừng mà xem lại nhân tính” là nỗi đau khi chứng kiến tình người ngày càng bị
hủy hoại.
Ở một mặt đối lập hoàn toàn của chiến tranh, trái với sự khốc liệt, sự chà đạp, là
cái đẹp của tình người. Những người đồng đội sát cánh bên nhau, chiến đấu và chấp nhận
quy luật của chiến tranh: mình chết thì bạn mình sống. Hàng loạt sự hi sinh và Kiên là
người may mắn nhất còn sống sót, dù rằng tính mạng của anh lại được thay thế bởi bao
đồng đội. Vào buổi sáng ngày 30 tháng 4, khi cùng phân đội thọc sâu vào tấn công dãy
lầu Lăng Cha Cả, đã có một giây Kiên chần chừ, và một giây ấy Kiên đã lấp bằng tính
mệnh của Từ, dòng máu đặc sệt của Từ vọt tóe vào mặt Kiên. Cũng gần giống như thế,
trên tầng ba của nhà cảnh sát Buôn Ma Thuột, Oanh đã che chắn cho Kiên khỏi loạt đạn
của kẻ mà hai người đã sơ ý tha chết. Cừ, Tâm,… cũng hi sinh cho Kiên và đồng đội
được sống. Đó là biểu hiện của vẻ đẹp tình người trong chiến tranh.

2.3.3 Những người thân
Những người thân đối với Kiên có thể kể đến mẹ, dượng và người cha nghệ sĩ,
trong đó hình ảnh của người dượng và người cha được khắc hoạ như một sự báo trước
cho số phận của Kiên và Phương.
Tình yêu đối với cha trỗi dậy muộn màng như khía vào tim Kiên, mãi khi cha mất
và cho đến khi trải qua cuộc chiến tranh Kiên mới có thể hiểu cha phần nào. Cả cha và
dượng Kiên đều nổi bật ở sự yếu đuối và lạc loài, họ là những người cuối cùng của thế hệ
đã qua, những nhà thơ thời tiền chiến và hoạ sĩ thời mỹ thuật Đông Dương. Cả hai đều
không thể hoà nhập vào đời sống hiện tại mà chỉ sống như những cái bóng mờ nhạt, thậm
chí lập dị như cha Kiên. Cha và dượng Kiên vừa mang ý nghĩa như một sự đối chiếu giữa
cái tự do cá nhân của một thời đã qua và cái anh hùng của thời đại sắp đến, đồng thời họ
cũng như một tiên cảm về nhưng gì sẽ đến.
Cha Kiên thôi làm việc ở viện bảo tàng, ông suy sụp hẳn và sống khép mình, đắm
mình trong rượu và hoàn toàn giam mình trên gác vẽ. Ở đó ông âm thầm vẽ và độc thoại,
những bức tranh với bao khuôn mặt dị dạng và vàng úa. Mỗi ngày một thêm lạc bước rời
ra khỏi cõi dương không ngoái nhìn lại. Màu sắc, hình ảnh, suy nghĩ trong tranh của cha
Kiên không hợp với thời đại, tất cả quên lãng ông, không ai mua tranh ông và tranh ông
sẽ bị phê phán. Hành động đốt tranh trước lúc mất được thể hiện sự tột cùng của sự lạc
loài của một tâm hồn trong thời đại mới, đồng thời cũng là sự tiên cảm về sự phá huỷ tiêu
diệt cái đẹp của chiến tranh sắp gần kề.
Cha Kiên đã từng nói với Phương “Cháu rất đẹp. Sắc đẹp của cháu không bình
thường. Vẻ đẹp lạc thời và lạc loài sẽ đau khổ đấy. Khổ lắm”. Điều này hoàn toàn đúng
với số phận của Phương sau này. Ông để cho Phương thấy ông đốt tranh cũng như muốn
để cho một sắc đẹp thấy trước sự đau đớn của việc giết chết cái đẹp.
Trong Nỗi buồn chiến tranh, người cha nghệ sĩ như là một tấm gương nhãn tiền
báo trước cho cả Phương và Kiên. Đối với Phương là sự vùi dập cái đẹp, còn đối với
Kiên là những đớn đau và mất mát. Chính Kiên khi đi qua chiến tranh đã tự giam mình
trong quá khứ, anh bị cầm tù trong chính suy nghĩ và đặt ra thiên mệnh cho chính mình,
và anh viết để thực hiện thiên mệnh đó. Hành động đốt sản phẩm tinh thần của mình cũng
giống như việc đốt tranh của cha anh, và khi anh đã hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết của
mình, rời bỏ ngọn hải đăng Hale có nghĩa là anh đã hoàn thành xong thiên mệnh, đã giải
thoát được mình khỏi những ám ảnh của quá khứ đồng thời cũng nhận ra không gì có thể
tiêu diệt được tình người.

“Nghĩa vụ của một con người trước Trời Đất là sống chứ không phải là hy sinh nó,
là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ”, câu nói của người
dượng khuyên Kiên lúc ra đi là một tiên cảm đối với anh. Kiên đã không hy sinh trong
chiến tranh, mà đã đi qua nó, nếm trải tất cả những khốc liệt, đau thương mất mát mà
chiến tranh mang lại.
III. Vị trí của Nỗi buồn chiến tranh trong dòng tiểu thuyết Việt Nam hiện đại
3.1 Một số nhận định của các nhà nghiên cứu về tác phẩm
Xung quanh tác phẩm này có nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Có thời, nó còn bị
cấm lưu hành vì bị cho rằng có tư tưởng lệch lạc, trái với đường lối cách mạng của Nhà
nước.
Nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi: "Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của
văn học đổi mới"
Independent, một trong những nhật báo có uy tín của nước Anh đã nhận xét về
cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh : "Vượt ra ngoài sức tuởng tượng của người Mỹ, “Nỗi
buồn chiến tranh” đi ra từ chiến tranh Việt Nam đã đứng ngang hàng với cuốn tiểu thuyết
chiến tranh vĩ đại của thế kỷ,(...). Một cuốn sách viết về sự mất mát của tuổi trẻ, cái đẹp,
một câu chuyện tình đau đớn...một thành quả lao động tuyệt đẹp".
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết trên báo Thể thao và Văn hóa số ra ngày
28.10.2006: “Nỗi buồn chiến tranh đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại - đó là câu
chuyện của thân phận của mất mát của tình yêu và chiến tranh…”.
Một nhà phê bình táo bạo hơn cho rằng “ “Nỗi buồn chiến tranh” vượt lên trên tất
cả các tác phẩm văn xuôi của Mỹ đã viết về cuộc chiến Việt Nam”
Một cựu binh Mỹ viết sau khi mua “Nỗi buồn chiến tranh” năm 1999: “Tôi đã đọc
sách này một cách do dự, nhưng sau trang đầu thì tôi đã bị cuốn vào nó. Là một lính thủy
đánh bộ, tôi đã chiến đấu chống lại anh ta vào năm 68 - 69 và đã có mặt ở Sài Gòn khi
anh ta vào đấy năm 75. Tôi tự thấy mình có sự hối tiếc đối với những người lính Bắc Việt
và chút gì đó xấu hổ vì đã gây ra những nỗi buồn mà anh ta đã viết ra. Cuốn sách này cần
cho tất cả các cựu binh Việt Nam”.
Dennis Mansker, thành viên của hội cựu binh vì hòa bình và hội cựu binh Việt
Nam chống chiến tranh, tác giả sách A Bad Attitude: A Novel from the Vietnam War, đã
bất ngờ khi được đọc “Nỗi buồn chiến tranh: “Đây là một bức tranh trung thực và tàn
nhẫn đến kinh ngạc. Đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh trước nỗi đau mang tính phổ quát

của những người lính ở mọi bên xung đột, và cuốn sách này là nên đọc đối với những ai
chọn nghề “binh nghiệp”.
Susan L., một nữ quân nhân viết: “Văn hóa phương Tây không thường mô tả phụ
nữ là người bảo vệ quê hương mình và là chiến binh cho đất nước mình. Với tư cách một
phụ nữ và là một phụ nữ làm lính tôi cảm thấy thân thuộc với những phụ nữ trong truyện
này. Chưa ai từng bảo họ là họ không thể chiến đấu và chết cho tổ quốc mình. Tôi khâm
phục họ. Tôi đã thấy cách họ được mô tả và tôi hiểu rằng trong nền văn hóa Mỹ của mình
có lẽ sẽ không bao giờ thấy được một chủ nghĩa anh hùng như thế. Phần lớn các nữ nhân
vật trong tiểu thuyết này hoặc bị giết hoặc bị hãm hiếp, thế nhưng họ vẫn được phép coi
là những anh hùng. Tôi thấy đây là sự khác nhau lớn giữa “Nỗi buồn chiến tranh” và các
bộ phim, cuốn sách của Mỹ. Đọc sách này đã thêm một chiều kích mới cho cuộc chiến
tranh Việt Nam đối với tôi. Tôi mừng là đã có cơ hội thấy được nhiều phía của vấn đề”.
Leif A. Torkelsen cho đây là cuốn tiểu thuyết chiến tranh hay nhất thế kỷ XX., ông
viết: “Liệt kê đầy đủ các phẩm chất của sách này ở đây là không thể. Liên quan đến văn
học Việt Nam, đây là một tác phẩm ngoại hạng so với tất cả các tác phẩm khác cùng lĩnh
vực. Liên quan đến văn học chiến tranh thì chỉ có Phía Tây không có gì lạ là may ra có
thể so sánh được. Bảo Ninh đã viết nên bản tụng ca đẹp đẽ đầy ám ảnh về sự trong trắng
bị mất đi trong dòng xoáy chiến tranh. Tuổi trẻ, tình yêu và nghệ thuật đều được mô tả kỹ
lưỡng dưới ánh của ẩn dụ tối hậu đối với cuộc sống là chiến tranh”.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với tác phẩm như Đại tá Đỗ Viết
Nhiệm (2004) cho rằng: “ Viết phải chân thật. Viết như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo
Ninh là thiếu chân thật”.
3.2 Vị trí của Nỗi buồn chiến tranh
Nỗi buồn chiến tranh được coi là một cột mốc sáng chói của văn học thời kỳ đổi
mới. Tác phẩm không chỉ lạ về hình thức mà còn mới mẻ cả về nội dung so với thời điểm
nó ra đời. Chỉ sau một thời gian ngắn, “Nỗi buồn chiến tranh đã được đông đảo bạn đọc
trong và ngoài nước tiếp nhận nồng nhiệt. Có thể nói, đây là cuốn sách đầu tiên của Văn
học Việt Nam khai thác chiến tranh dưới góc độ cá nhân.”
Nỗi buồn chiến tranh được các nhà phê bình nhận định là đã mở ra một hướng đi
mới trong nội dung và hình thức cho dòng văn học viết về đề tài chiến tranh. Đây là một
trong những cuốn tiểu thuyết đáng đọc nhất của Văn học Việt Nam. Tiểu thuyết đã lọt
vào top 50 tác phẩm văn học nước ngoài dịch sang tiếng Anh hay nhất trong nửa thế kỷ
qua và được xếp ở vị trí thứ 37.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh qua thời gian đã dần khẳng định được chỗ
đứng của mình trong lòng bạn đọc, thể hiện sức sống mãnh liệt của một cuốn tiểu thuyết
thời hiện đại. Với cái nhìn ngày càng khách quan và mới mẻ hơn của độc giả cũng như
giới phê bình văn học, giá trị của tác phẩm này ngày càng được khám phá với sự đón
nhận nồng nhiệt, trân trọng. Nó đóng góp một phần không nhỏ cho sự đi lên và ngày càng
phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Tuấn Anh (dịch), Văn học hậu hiện đại thế giới NXB ĐHQG Hà Nội 2003.
2. Nguyễn Minh Châu, Vài suy nghĩ về tiểu thuyết Báo Việt Nam số 24/9/1983.
3. Trịnh Bá Đĩnh (dịch), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học NXB Văn học 2002.
4. Nguyễn Văn Long – Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên), Văn học Việt Nam sau 1975
NXB Giáo dục 2009.
5. Trần Đình Sử (chủ biên), Tự sự học – một số vấn đề lí luận và lịch sử NXB ĐHSP
Hà Nội 2004.
6. Trần Đình Sử, Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam NXB Giáo dục
1999.
7. TS Bùi Thanh Truyền, Sự đổi mới của truyện có yếu tố kì ảo sau 1986 qua hệ
thống ngôn từ.