Quan điểm của nguyễn công hoan về một số vấn đề văn học luận văn thạc sỹ ngữ văn

  • doc
  • 119 trang
1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

ĐỖ THỊ HUYỀN

QUAN NIỆM CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN
VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VĂN HỌC

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC
MÃ SỐ: 60.22.32

Người hướng dẫn khoa học: TS. PHẠM TUẤN VŨ

VINH - 2011

2
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Nói tới trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945 không
thể không nói tới Nguyễn Công Hoan. Nguyễn Công Hoan là nhà văn hiện
thực xuất sắc, là người chiếm vị trí quan trọng trong nền văn học hiện thực
Việt Nam. Ngay từ những sáng tác đầu tiên, Nguyễn Công Hoan đã thực sự
chinh phục độc giả khắp nơi trong cả nước và gây được sự chú ý của giới
phê bình văn học. Nhắc tới Nguyễn Công Hoan là nhắc đến “một sức sáng
tạo mãnh liệt”, “một đời văn lực lưỡng”. Trong cuộc đời viết văn của mình,
Nguyễn Công Hoan đã để lại một sự nghiệp văn chương lớn với hơn 200
truyện ngắn, 30 truyện vừa, hàng chục tiểu thuyết và nhiều công trình nghiên
cứu, phê bình văn học... Di sản đó là kết quả của tài năng lớn cùng với quan
niệm đúng đắn, sâu sắc về các vấn đề cơ bản của văn chương. Với những
thành công trong sáng tác và nghiên cứu phê bình, Nguyễn Công Hoan đã
đóng góp to lớn vào nguồn mạch của văn học dân tộc, thúc đẩy mạnh mẽ sự
phát triển của văn xuôi hiện đại đương thời. Quan niệm văn chương của
Nguyễn Công Hoan rất đáng nghiên cứu.
1.2. Tài năng và quan niệm văn chương của Nguyễn Công Hoan
được hiện thực hoá bằng các tác phẩm. Người đọc tìm thấy trong các tác
phẩm của Nguyễn Công Hoan một sự lao động nghệ thuật tài năng, công
phu và nghiêm túc. Vì thế mà nhiều nhà văn trẻ đã học hỏi được nhiều từ
sự sáng tạo của ông. Không những thế, tài năng và quan niệm văn chương
của Nguyễn Công Hoan còn được biểu lộ qua nhiều văn bản có tính chất
nghiên cứu, lý luận phê bình. Trong đời văn của mình Nguyễn Công Hoan
rất có ý thức đúc rút, tổng kết kinh nghiệm sáng tác để truyền lại cho các thế
hệ nhà văn lớp sau. Một số tác phẩm thể hiện trực tiếp và tập trung quan
niệm văn chương Nguyễn Công Hoan như: Đời viết văn của tôi, Nxb Văn
học, 1971, Hỏi chuyện các nhà văn, Nxb Thanh niên, 1977, Với nghề văn,

3
Nxb Thanh niên, 2003,... Đây là những tác phẩm có giá trị lý luận, trình bày
quan niệm của tác giả về văn học và nghề văn. Hơn nữa đây là lý luận của
người sáng tác nên có nhiều điểm rất đáng để nghiên cứu. Nguyễn Công Hoan
với tư cách là một nhà văn, ông đưa ra những cách hiểu, những ý kiến về những
thể tài mà ông vận dụng trong sáng tác văn chương được đúc rút từ chính đời
viết văn của mình. Vì thế, dù là bàn về một vấn đề lý luận mà không khô khan,
rất thiết thực với những người đồng nghiệp, những thế hệ viết văn trẻ.
1.3. Nguyễn Công Hoan là một nhà văn lão thành. Nhiều vấn đề lý
luận mà ông đặt ra có ý nghĩa sâu sắc đối với người học tập và nghiên cứu.
Những tổng kết và đánh giá của Nguyễn Công Hoan về nghề rất giản dị,
gần gũi, chân thực và khách quan. Những quan niệm về bản chất của sáng
tạo văn chương, về truyện ngắn và tiểu thuyết, về ngôn ngữ văn học, đều có
ý nghĩa đối với những người học tập, nghiên cứu và sáng tác. Quan niệm
văn học của Nguyễn Công Hoan không chỉ biểu lộ nhận thức, tài năng và
bản lĩnh nghệ thuật của một cá nhân mà còn phản ánh quan niệm của
đương thời. Bởi vậy, nghiên cứu di sản của ông góp phần nhận thức tình
hình lý luận phê bình văn học của nước ta nửa sau thế kỷ XX.
1.4. Đã không ít các công trình nghiên cứu nhằm giới thiệu, và khẳng
định tài năng của Nguyễn Công Hoan ở lĩnh vực tác phẩm trên nhiều bình
diện như nghệ thuật xây dựng nhân vật, phong cách trần thuật, đặc điểm
ngôn ngữ, lời văn nghệ thuật, ngôn ngữ trào phúng, nghệ thuật truyện ngắn
của Nguyễn Công Hoan trước cách mạng, tính kịch trong truyện ngắn
Nguyễn Công Hoan... Riêng vấn đề quan niệm của Nguyễn Công Hoan về
một số vấn đề văn học thì mới chỉ được đề cập đến một vài khía cạnh nhỏ,
mà chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến một cách đầy đủ, toàn
diện và có hệ thống. Chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu này nhằm góp phần
đánh giá tài năng, phong cách và bản lĩnh văn chương của Nguyễn Công
Hoan, góp phần nhận thức sự đóng góp của nhà văn lớn này cho lý luận
phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX.

4
2. Lịch sử vấn đề
Nguyễn Công Hoan là một nhà văn lớn. Sự nghiệp văn học của ông
ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu. Ở đây chúng tôi
chỉ đề cập đến những công trình nghiên cứu có đề cập đến quan đến quan
niệm của Nguyễn Công Hoan về các vấn đề văn học.
Sinh thời, có một đôi lần được trò truyện với tác giả Bước đường
cùng, Nguyễn Minh Châu đã có cái nhìn đầy tôn kính và sợ sệt như trước
một con khủng long đã sống từ thời cổ đại. Nhà văn lão thành, con người
tầm cỡ ấy luôn luôn có những lời khuyên hết sức chí tình và chân thành:
“Đừng bao giờ lười biếng nằm ườn ra trên một cách viết như một sự tự
khuôn định, và cũng đừng bao giờ để cho văn chương trở nên xa lạ với đời
sống dân tộc của mình” [18, 205]. Nguyễn Minh Châu nhắc lại lời khuyên
của Nguyễn Công Hoan với những người viết văn: “Kinh nghiệm viết văn
thì vô vàn, kể hàng ngày chưa hết. Mỗi tác phẩm đều cho ta được một số
kinh nghiệm khác nhau. Nghề viết văn không phải do đọc lắm kinh nghiệm
và lý luận mà thành thạo được. Muốn thành thạo, trước hết ta phải làm, và
làm nhiều. Anh muốn bơi thì anh phải nhảy xuống nước mà tập. Chỉ đứng
trên cạn mà hỏi cách, thì thiên vạn cổ anh chẳng biết bơi” [18, 207]. Nguyễn
Minh Châu còn nhận thấy ở Nguyễn Công Hoan “Một nhà văn mà sở trường
là đả kích, tố cáo chế độ cũ, khi gia nhập hàng ngũ cách mạng, nghĩa là bây
giờ những lý tưởng của chế độ cũng là lý tưởng của nhà văn, nhà văn và
chế độ đã là một, thì sự rèn luyện để làm biến đổi thói quen ngòi bút phải
tự đặt ra thật nghiêm khắc” [18, 208].
Trong cuốn Nguyễn Công Hoan về tác giả - tác phẩm do Lê Thị Đức
Hạnh tuyển chọn (Nxb Giáo dục, 2003), giáo sư Phan Cự Đệ tìm hiểu quan
niệm về văn học của Nguyễn Công Hoan và nhận thấy những người viết
văn cùng thời Nguyễn Công Hoan, như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng
Thuật, Vũ Đình Long vẫn còn mang nặng quan niệm văn chương để chở
đạo đức, hay để dạy luân lý cho đời, nhưng Nguyễn Công Hoan đã vượt

5
qua được khuôn khổ của chủ nghĩa giáo huấn và chủ nghĩa quy phạm, tuân
theo chủ nghĩa khách quan lịch sử trong khi phản ánh và bình giá hiện thực.
Tuy nhiên một số truyện ngắn, truyện dài của ông vẫn có khuynh hướng
chứng minh cho những luận đề đạo đức. Nhà nghiên cứu nhận xét: “Có lúc
Nguyễn Công Hoan đã hiểu một cách đơn giản quan niệm văn học phục vụ
chính trị”, “nghệ thuật là phương tiện vận tải nội dung chính trị. Khi ngồi
vào bàn viết nhà nghệ thuật chỉ còn phải nghĩ việc dùng nghệ thuật cho
khéo léo để cái đề tài có tính chất chính trị ấy cho nó mềm mại, hấp dẫn mà
thôi”. “Nghệ thuật là hình thức, chính trị là nội dung” [18, 186]. Nghệ thuật
nào cũng có tính khuynh hướng, nhưng nội dung tác phẩm nghệ thuật
không phải chỉ là những vấn đề chính trị. Nhà văn phản ánh cuộc sống
thông qua lăng kính chủ quan của mình, đó là cuộc sống sinh động muôn
màu, muôn vẻ trong tính toàn vẹn và phức phức tạp của nó, chứ không phải
chỉ minh họa chính trị. Do quan niệm có phần còn phiến diện và đơn giản
nên đôi khi Nguyễn Công Hoan có khuynh hướng mượn nhân vật phát
ngôn cho những vấn đề đạo đức (Cô giáo Minh), hoặc chính trị (Tranh tối
tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư), nhân vật thường bị hiện đại hoá, không có
đời sống riêng và ngôn ngữ được cá thể hoá.
Vương Trí Nhàn trong bài Nguyễn Công Hoan và thể tiểu thuyết
đánh giá: “Khi kể về cuộc đời của mình, nhà văn Nguyễn Công Hoan
không có lối mơn man gượng nhẹ. Ông gây ấn tượng bằng cách làm ra vẻ
nói tuột hết mọi điều cả điều xấu lẫn điều tốt. Thậm chí, vượt lên thói
thường ông còn bất chấp dư luận, sẵn sàng đến mức trâng tráo kể lể tỉ mỉ
mọi điều xấu sẵn có ở mình. Con người ông trong Đời viết văn của tôi hiện
ra với hai đặc điểm:
Thứ nhất, là thói lê la chơi bời từ đó biết nhiều biết rộng, biết từ việc
trong nhà cho đến việc kín đáo chốn quan trường, rồi việc làng quê, việc
chợ búa học hành thi cử. Hãy nhớ lại đoạn Nguyễn Công Hoan kể rằng
mình bỏ học xuống ngồi gác đùi gác vế nói chuyện với những người lính

6
trong huyện đường. Những lần tiếp xúc này để lại trong ông ấn tượng
không bao giờ quên nổi; nếu có thể nói đến một thứ vốn sống thì ở Nguyễn
Công Hoan, cái vốn ấy đa tạp, vượt ra ngoài cái khả năng mà một người
bình thường có thể có.
Thứ hai, là cái xu hướng nhìn đời theo lối khinh thế ngạo vật. Ông
không coi cái gì là quan trọng, không thích tin ở những lời giáo huấn. Ông
xa lạ với cách nhìn thiêng liêng theo kiểu lý tưởng hóa. Ông muốn nhìn
gần, nhìn thẳng, nhìn tận tim đen mọi người, mọi chuyện.
Cái vốn sống ấy, lối nhìn đời ấy quả thật là sự chuẩn bị tốt nhất để
ông trở thành người viết tiểu thuyết. Tại sao? Bởi có một đặc điểm của tiểu
thuyết vốn gắn với thể tài này từ thuở ra đời, đấy là tính chất bình dân và
khả năng sống lam lũ giữa đám chúng sinh. Như các nhà nghiên cứu lịch sử
tiểu thuyết đã khẳng định, thể tài vốn bắt đầu từ những câu chuyện linh
tinh người ta kể với nhau ngoài đường phố. Nó dông dài, nó ba vạ, nó có
khả năng chứa chấp cả cái bi lẫn cái hài, cái cao cả lẫn cái thấp hèn. Với
tạng Nguyễn Công Hoan, sự đa tạp đó rất thích hợp. (Đôi lúc Nguyễn
Công Hoan được miêu tả như là ngòi bút chỉ quen viết về những người
cùng khổ, những phần tử thuộc loại dưới đáy trong xã hội. Thật ra thì nhà
văn này đã viết đủ thứ: về người giàu và người nghèo, về cùng đinh và
quan lại, về những mối tình cành vàng lá ngọc, và những pha ghẹo gái thô
lỗ của mấy anh lính lệ phố phủ... Hầu như động vào đâu, ông cũng có kinh
nghiệm)” [46].
Trong Nguyễn Công Hoan và lý luận, nhân đọc hỏi chuyện các nhà
văn, in trong cuốn Nguyễn Công Hoan tác giả - tác phẩm, Vương Trí Nhàn
viết: “Sinh thời, nhà văn Nguyễn Công Hoan thường công nhiên nói rằng
mình không thích lý luận, không đọc và không tin lý luận lắm. Có ai ngờ
không kể những tác phẩm chưa in, thì quyển sách cuối cùng được xuất
bản khi ông còn sống và cuốn sách đầu tiên in sau khi ông mất, đều thuộc
loại lý luận” [18, 317]. Và kết luận, ông khẳng định một điều rằng: “Các

7
nhà văn rất nên tham gia lý luận, nhất là lý luận dưới dạng kinh nghiệm”
[18, 317]. Theo Vương Trí Nhàn viết: “Từ mấy năm trước, Nguyễn Công
Hoan đã có dịp phô diễn cách hiểu của ông về nghề nghiệp qua một tập
sách nửa tự truyện, nửa trình bày kinh nghiệm. Đó là cuốn Đời viết văn của
tôi. Ông nói gì ở tập sách đó? Rằng trời phú cho ông thói quen thích quan
sát và khéo kể chuyện thì ông viết. Rằng viết tức là chắp nối những chuyện
mình đã biết cho sát tâm lý người đọc, khiến cho họ cầm quyển sách trên
tay khỏi bỏ xuống. Và hãy yên tâm, cốt sao giữ lấy cốt cách của mình, còn
ra văn chương là chuyện rất công bằng, viết hay tự nhiên có người đọc,
không việc gì phải quan trọng hóa vấn đề cho thêm rắc rối. Nghiêm khắc
mà nói, đó là một quan niệm còn quá hồn nhiên, và có thể nói là tự nhiên
nữa. Nhưng phải công nhận Nguyễn Công Hoan đã thành thật với mình.
Mà đằng sau ông đã có một khối lượng sáng tác khổng lồ bảo đảm cho
những điều ông nói” [18, 370-371].
Lê Thị Đức Hạnh là nhà nghiên cứu dành nhiều tâm huyết nhất
trong việc tìm hiểu và nghiên cứu truyện ngắn và quan niệm văn học của
Nguyễn Công Hoan đã nhận định: “Từ một thái độ sống dứt khoát, từ
một động cơ viết rõ ràng, Nguyễn Công Hoan thường lập ý cho truyện
của ông có tư tưởng, chủ đề cụ thể, rõ ràng, khiến người đọc dễ nhận
thấy” [18, 391]. Nhà nghiên cứu còn cho biết, làm nên sức mạnh của
truyện ngắn Nguyễn Công Hoan chủ yếu là nó dễ hiểu, vì nó thực.
Trong bài Nguyễn Công Hoan nhà văn hiện thực lớn Lê Thị Đức
Hạnh khái quát: “Quả là từ cái tình đối với cuộc sống nên ngay từ hồi còn ở
tuổi thanh niên, giữa lúc xã hội đang còn những biến động phức tạp, tuổi
trẻ rất dễ mất phương hướng, thế mà Nguyễn Công Hoan đã có một quan
niệm sống đúng đắn, lành mạnh,... nên khi viết văn, ông đã có quan niệm
vừa giản dị vừa thiết thực: Văn chương không phải là một thứ để giải trí.
Nó phải thêm một nhiệm vụ là có ích” [18, 19]. Tác giả Lê Thị Đức Hạnh

8
cũng đề cập tới quan niệm của Nguyễn Công Hoan về văn chương, tuy
nhiên chưa thật có hệ thống.
Trong công trình Nguyễn Công Hoan (1903- 1977), Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội, tác giả Lê Thị Đức Hạnh cũng dành một số trang bàn về
quan niệm của Nguyễn Công Hoan về truyện ngắn, tiểu thuyết. Nhưng
phần nhiều đi vào các thời kì sáng tác, nghệ thuật truyện ngắn và tiểu
thuyết, ngôn ngữ trong tác phẩm, còn khía cạnh quan niệm của Nguyễn
Công Hoan cũng chỉ đề cập trên một số phương diện nhỏ.
Như vậy, có thể thấy, quan niệm về một số vấn đề văn học của
Nguyễn Công Hoan là một vấn đề còn ít người bàn. Bàn về tác phẩm, về
truyện ngắn, về tiểu thuyết, về phẩm chất con người, về các thời kỳ hoạt
động, sáng tác,… của Nguyễn Công Hoan nhiều, nhưng về vấn đề quan
niệm mang tính chất lý luận của nhà văn thì rất ít người đề cập, và mới chỉ
đề cập đến ở một số khía cạnh nhỏ.
Qua quá trình tìm hiểu lịch sử vấn đề, tác giả đề tài nhận thấy, nghiên
cứu quan niệm của Nguyễn Công Hoan về văn học, chưa có một công trình
nào toàn diện, đầy đủ và sâu sắc. Những nhận xét, những ý kiến đưa ra chỉ
dừng lại ở một số vấn đề về quan niệm nhỏ, và những đánh giá sơ bộ.
Chúng tôi mạnh dạn đi sâu vào việc tìm hiểu quan niệm của Nguyễn Công
Hoan về các vấn đề văn học, trong đó tập trung vào một số vấn đề như:
quan niệm của Nguyễn Công Hoan về bản chất của sáng tạo văn chương,
về truyện ngắn và tiểu thuyết, về ngôn ngữ văn chương. Việc nghiên cứu
những đóng góp của Nguyễn Công Hoan trên phương diện lý luận là vấn
đề thiết thực và hữu ích. Nó không chỉ giúp cho người nghiên cứu sáng
tỏ hơn về nhiều vấn đề lý luận và phê bình văn học ở Việt Nam thế kỷ
XX mà còn là chìa khóa để góp phần giải mã những ẩn số trong sáng tác
của ông. Giúp cho độc giả hiểu hơn những quan niệm của Nguyễn Công
Hoan về văn chương và có một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này. Đa
số những ý kiến của Nguyễn Công Hoan về lý luận và phê bình văn

9
chương đều giản dị, chân thực, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người nhưng có
giá trị cao.
3. Mục đích nghiên cứu
3.1. Luận văn khái quát quan niệm của Nguyễn Công Hoan về vấn
đề bản chất của sáng tạo văn chương, về truyện ngắn và tiểu thuyết, về
ngôn ngữ văn chương.
3.2. Lý giải những nội dung trên từ đặc điểm tác giả, một người trực
tiếp sáng tác, một tài năng văn học và là người có bản lĩnh nghệ thuật lớn,
và từ lý luận phê bình, từ đời sống văn học đương thời.
3.3. Đánh giá những quan niệm đó và chỉ ra những đóng góp của
chúng cho lý luận phê bình và sáng tác.
4. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu quan niệm văn học của Nguyễn Công Hoan được trình
bày trong các công trình:
1. Nguyễn Công Hoan, Đời Viết văn của tôi, Nxb Văn học, 1971.
2. Nguyễn Công Hoan, Hỏi chuyện các nhà văn, Nxb Tác phẩm
mới, 1997.
3. Nguyễn Công Hoan, Với nghề văn, Nxb Thanh niên, 2003.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu văn học: thống kê,
phân loại, tổng hợp, phân tích...
Luận văn chú trọng phương pháp đối sánh: Đối sánh quan niệm của
Nguyễn Công Hoan qua các thời kỳ, đối sánh quan niệm của Nguyễn
Công Hoan trong văn bản lý luận phê bình và trong sáng tác của cùng tác
giả, đối sánh quan niệm của Nguyễn Công Hoan với quan niệm của một
vài tác giả khác.
6. Đóng góp của luận văn
Trên cơ sở khảo sát những công trình có tính chất lý luận, tự thuật về
đời viết văn tiêu biểu của Nguyễn Công Hoan, luận văn tiến hành nghiên

10
cứu quan niệm của Nguyễn Công Hoan về một số vấn đề văn học. Luận văn
đi vào phân tích, tổng hợp, đối sánh quan niệm của Nguyễn Công Hoan qua
tác phẩm của ông, nhằm khẳng định vị trí của nhà văn trong tiến trình lịch sử
văn học Việt Nam hiện đại. Đồng thời, đánh giá thỏa đáng hơn những đóng
góp của nhà văn đối với mảng truyện ngắn, tiểu thuyết và với sự phát triển
của ngôn ngữ văn học dân tộc. Mặt khác, nghiên cứu quan niệm của Nguyễn
Công Hoan trong mối liên hệ mật thiết với tư tưởng và phong cách nghệ
thuật của nhà văn để làm nổi bật được cá tính sáng tạo và những nét độc đáo
riêng biệt của nhà văn so với các nhà văn khác.
Nguyễn Công Hoan là một tác giả quan trọng, hiện nay, tác phẩm
của ông đã được đưa vào trong chương trình dạy học. Luận văn cung cấp
thêm một tài liệu học tập, nghiên cứu thiết thực về quan niệm văn chương
Nguyễn Công Hoan, giúp học sinh, sinh viên có thêm điều kiện tiếp cận
một cách khoa học và trân trọng những trang viết của nhà văn.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài Mở đầu và Kết luận, nội dung luận văn được trình bày trong
ba chương:
Chương 1: Quan niệm của Nguyễn Công Hoan về bản chất của sáng
tạo văn chương
Chương 2: Quan niệm của Nguyễn Công Hoan về truyện ngắn và
tiểu thuyết
Chương 3: Quan niệm của Nguyễn Công Hoan về ngôn ngữ văn chương
Sau cùng Tài liệu tham khảo

11
Chương 1
QUAN NIỆM CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN
VỀ BẢN CHẤT CỦA SÁNG TẠO VĂN CHƯƠNG

1.1. Vai trò và bản chất của hư cấu trong sáng tạo văn chương
1.1.1. Vai trò của hư cấu
Hư cấu là phương thức xây dựng hình tượng điển hình qua việc sáng
tạo ra những giá trị mới, những yếu tố mới như sự kiện, cảnh vật, nhân vật
trong một tác phẩm theo sự tưởng tượng của tác giả. Đây là một yếu tố
không thể thiếu của sáng tác văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật bắt
nguồn từ cuộc sống nhưng không sao chép nó. Từ những chất liệu thực tế,
nghệ sĩ tổ chức, nhào nặn, sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật sinh
động, rõ nét và điển hình hơn, tạo nên chủ đề tác phẩm.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Hư cấu là vận dụng trí tưởng
tượng để sáng tạo nên những nhân vật, câu chuyện, những tác phẩm, nhằm
phản ánh cuộc sống và thực hiện những mục đích nghệ thuật nhất định.
Qua hoạt động hư cấu, nghệ sĩ nhào nặn, tổ chức chất liệu được rút ra từ
cuộc sống để tạo ra những tính cách, những số phận, những hiện tượng
mới, những sinh mệnh mới có ý nghĩa điển hình vừa biểu hiện tập trung
chân lý cuộc sống, vừa biểu hiện cá tính sáng tạo, phong cách độc đáo và ý
tưởng thẩm mĩ của mình” [11, 129]. Hư cấu là một trong những hoạt động
cơ bản của tư duy nghệ thuật, là một trong những khâu có ý nghĩa quyết
định của quá trình sáng tạo nghệ thuật. M.Gorki cho rằng, đối với nhà văn,
quan sát, nghiên cứu và hiểu biết vẫn chưa đủ, còn cần phải “bịa đặt”, sáng
tạo ra nữa, cho nên không có hư cấu thì không thể và không tồn tại được
tính nghệ thuật. Như vậy, có thể hiểu, hư cấu là một hoạt động cơ bản, tất
yếu của sáng tạo nghệ thuật. Hư cấu đóng một vai trò quan trọng trong
sáng tạo các giá trị văn học.

12
Hư cấu nghệ thuật là một thao tác nghệ thuật không thể thiếu trong
sáng tạo của tiểu thuyết. Hư cấu nghệ thuật chính là quá trình tập hợp, lựa
chọn, sắp xếp tài liệu từ nhiều hiện tượng khác nhau, trên cơ sở đó thông
qua trí tưởng tượng nhà văn sáng tạo ra một hiện tượng cá biệt mới, hiện
tượng này thể hiện được bản chất đời sống một cách sinh động, trong sáng
và tập trung. Có thể gọi quá trình xây dựng một tác phẩm văn chương là
quá trình hư cấu nghệ thuật. Điều này càng khẳng định thêm rằng, tác
phẩm nghệ thuật không phải là sự đơn thuần chụp ảnh máy móc cuộc sống,
hay kiểu “thấy gì ghi nấy” tùy tiện được. Từ đó đặt ra một vấn đề, một yêu
cầu quan trọng không thể thiếu được, đồng thời, đó là yêu cầu thể hiện tài
năng, trí tưởng tượng - sáng tạo của nhà văn.
Hư cấu nghệ thuật không hề mâu thuẫn với hiện thực, trái lại, nó làm
cho nghệ thuật gần cuộc sống hơn, chân thực hơn, phong phú hơn. Bởi, hư
cấu không gì khác hơn là sự chắt lọc tính chất cuộc sống, sắp xếp chúng lại
trong một cơ cấu nhất định, dưới ánh sáng của một lí tưởng nhất định. Hư
cấu như là một ống kính kỳ diệu soi cho thấy bản chất của đời sống, gạt ra
ngoài những gì là ngẫu nhiên, đang che lấp cái bản chất, chỉ ra lối đi lên
của cuộc sống mà chính nó đang manh nha ở ngoài đời. M.Gorki từng nói
về vai trò của cảm xúc và tưởng tượng cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật
một cách hóm hỉnh, đại ý rằng: Nếu một bài thơ viết về chiếc bánh mỳ mà
không có gì khác chiếc bánh mỳ thì người ta sẽ chọn chiếc bánh mỳ chứ
không ai chọn bài thơ cả.
Người nghệ sỹ có quyền hư cấu dựa trên cảm xúc tưởng tượng và
những kinh nghiệm chủ quan của mình. Nói một cách chính xác hơn, anh ta
hoàn toàn có quyền tái hiện cuộc sống theo cách riêng của mình. Điều quan
trọng chỉ còn là mức độ và giới hạn cho phép người nghệ sỹ hư cấu khi
sáng tạo các sự kiện, hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học nghệ
thuật để làm sao cho công chúng có thể tiếp nhận. Điều đó hoàn toàn phụ
thuộc vào tài năng sáng tạo của người nghệ sỹ.

13
Mỗi nhà văn đứng trước các vấn đề xã hội có cách nhìn, cách nghĩ
khác nhau, nhất là cách khai thác và cách thể hiện thành tác phẩm thì
không ai giống ai. Là người sáng tác, Nguyễn Công Hoan có một cái nhìn
rất giản dị nhưng lại bao quát sâu sắc về vai trò của hư cấu trong sáng tạo
văn chương. Ý thức được vai trò của hư cấu là bản chất của sáng tạo nghệ
thuật nên Nguyễn Công Hoan cũng giống như các tác giả khác rất coi trọng
sự khổ công sáng tạo, tìm tòi của người nghệ sĩ trong sáng tác.
Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh vai trò của hư cấu. Ông cho rằng:
“Hư cấu là nguyên lý cơ bản của văn học, nhưng mức độ pha chế có khác
nhau trong từng thể loại. Hư cấu làm cho sự thật cô đọng hơn, tập trung
hơn, thật hơn sự thật. Cho nên, trong một bút ký hay một truyện ngắn, nếu
tập trung được cho sự việc tốt đẹp hơn, cho nhân vật có tâm hồn cao hơn,
thì tác động mới mạnh mẽ đến người đọc” [21, 78]. Từ những chi tiết có
thật nhà văn sáng tạo, chắt chiu, gạn lọc lấy những nét độc đáo, gây được
ấn tượng sâu ở người đọc.
Trong quan niệm văn chương, Nguyễn Công Hoan bao giờ cũng xem
hư cấu có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Hư cấu không chỉ giúp cho nhà
văn sáng tạo nghệ thuật mà còn là cơ sở để xây dựng cốt truyện, khám phá
những vấn đề của cuộc sống. Với sở trường nhanh nhạy, biết nắm bắt, sàng
lọc những vấn đề của cuộc sống, nên khi va chạm với thực tế cuộc sống,
Nguyễn Công Hoan luôn luôn có ý thức tìm ra vấn đề để xây dựng cốt
truyện. Sẵn có trong mình con mắt nhìn cuộc đời và xã hội hài hước, kết
hợp với thái độ bi quan nên ông luôn nhận thấy trong xã hội: “Cái gì cũng
giả dối, đáng khôi hài. Thế mà, thằng làm trò khôi hài là thằng thực dân lại
làm ra mặt nghiêm chỉnh. Thật là buồn cười” [28, 367]. Quan niệm đó giúp
ông rất nhạy bén trong việc tìm ra những thói hư tật xấu, mang đậm chất
hài, giàu kịch tính.
Nguyễn Công Hoan rất đề cao vai trò của hư cấu. Nhờ hư cấu, ông
đã giới thiệu với bạn đọc nhiều bức tranh về những người, những việc,

14
những hình ảnh đầy đủ hơn, bao quát hơn, tập trung hơn cuộc sống do đó
mà tiêu biểu hơn cho thực tế, sinh động hơn, hấp dẫn hơn.
Nguyễn Công Hoan cho rằng hư cấu, tưởng tượng nhằm đem đến
cho người đọc những cảm xúc chân thực, nóng hổi tính thời sự. Sáng tạo
nghệ thuật, người làm nghệ thuật phải có cái tâm. Dù tài năng trong sáng
tạo nhưng thiếu cái tình đối với cuộc sống thì cũng không đem lại hiệu quả.
Bởi vậy, theo ông, chỉ khi nào tác giả thực sự xúc động thì mới truyền được
xúc động cho người đọc. Ông cho biết khi viết truyện Tắt lửa lòng: “Nhiều
đoạn tôi thấy lòng dào dạt, muốn chảy nước mắt, vợ tôi biết truyện tôi bịa
mà khi đọc cũng giàn giụa nước mắt” [28, 164].
Về điểm này, có thể thấy giữa Nguyễn Công Hoan và Bùi Hiển có sự
gặp gỡ. Nhà văn Bùi Hiển cho rằng: “Viết đến đoạn nào mà tác giả cảm
xúc mới làm cho độc giả cảm xúc, mới tìm được chữ đúng, mới đặt được
câu xứng đáng, để đưa cái hơi văn đến vừa chỗ làm người đọc dạt dào, nao
lòng. Cũng như khi anh tả một việc ngộ nghĩnh, chính anh cũng phải buồn
cười trước” [21, 76]. Bản thân nhà văn này cũng từng suýt chảy nước mắt
trước những đoạn cảm động dù do chính mình hư cấu ra: “Tôi xúc động
ngay với cái truyện mà chính mình bịa ra. Có được trường hợp ấy tôi thấy
sảng khoái lắm. Cho nên viết bằng thái độ, cho chữ có hồn là việc mà tôi
hết sức cố gắng” [21, 76].
Trong sáng tạo các tác giả đều quan tâm đến vai trò của hư cấu, xem
hư cấu như là một nguyên lý cơ bản của sáng tác văn chương. Theo
Nguyễn Công Hoan hư cấu giúp cho nhà văn mài giũa được tài năng của
mình, thể hiện được vốn sống, vốn văn hóa và nâng cao nghệ thuật viết
văn, giúp cho nhà văn thể hiện được cuộc sống đa dạng và phong phú, và
phản ánh cuộc sống một cách sáng tạo, không giản đơn máy móc.
Trong hư cấu, tác giả có thể sử dụng các biện pháp cường điệu, khoa
trương, phóng đại, nhân hóa,… để đạt được hiệu quả nghệ thuật cao nhất,
thể hiện được ý đồ nghệ thuật của mình. Hoạt động hư cấu đưa lại những

15
hình tượng nghệ thuật hấp dẫn. Vì vậy, giá trị của hư cấu nằm ở tính tư
tưởng, chủ đề tác phẩm và tài năng khái quát hiện thực của nhà văn.
Tóm lại, hư cấu, tức là sự bịa đặt, tưởng tượng đóng một vai trò hết
sức quan trọng trong sáng tạo văn chương. Những vấn đề về hư cấu tuy nhà
văn Nguyễn Công Hoan không viết thành mục, thành chương cụ thể nhưng
qua những vấn đề mà nhà văn đề cập tới ta thấy Nguyễn Công Hoan coi
trọng sự khổ công sáng tạo, tác giả nhận thấy, dù vất vả, khổ sở, song lại
cũng rất sung sướng. Sung sướng không chỉ vì được tận hưởng cái thú làm
việc mà còn vì nhà văn được sống với nhiều cuộc đời, nhiều số phận và
được trải nghiệm ở nhiều tính cách khác nhau.
1.1.2. Bản chất của hư cấu
Cuộc sống là cội nguồn phát sinh và mang lại sức sống cho văn
chương. Văn chương nảy sinh trong lòng đời sống xã hội, là sản phẩm của
xã hội. Bởi vậy, phải tìm bản chất của văn chương ở trong đời sống xã hội.
Các nhà lý luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Nguyễn Công Hoan là
người sáng tạo văn chương đồng thời là người viết lí luận bàn về bản chất
của sáng tạo văn chương. Ngoài những điểm gặp gỡ với các nhà văn khác,
quan niệm của ông có những điểm riêng, độc đáo, khác biệt.
Qua hồi ký kể về những kinh nghiệm viết văn của mình, có thể thấy,
quan niệm của Nguyễn Công Hoan về bản chất của sáng tạo văn chương
chân thành và nghiêm túc: “Viết bằng sự thật, trung thành với sự thật mà
không sợ áp lực của bọn cường quyền” [28, 132]. Những tài liệu sáng tác
đều được lấy từ trong đời sống thực tế. Theo ông: “Những tài liệu ấy do ta
trải qua, hoặc mắt ta nhìn thấy, hoặc tai ta nghe thấy đều là những việc thật.
Theo tôi nghĩ nôm na thì tiểu thuyết là một truyện bịa y như thật. Nhà tiểu
thuyết là người biết bịa truyện. Bịa hay đặt, cũng đều là do lao động sáng
tạo. Mà sáng tạo cũng không thể ngoài thực tiễn của lao động” [28, 146].
Hoàng Trung Thông khuyên: “Đừng ai hiểu nhầm câu nói của anh
“tiểu thuyết là bịa mà y như thật”. Đó là anh không thích dùng chữ hư cấu

16
đó thôi. Anh không bịa chút nào. Anh rất thời sự. Anh chỉ viết những điều
mắt thấy tai nghe, viết những điều có thực trong cuộc đời, với sự sáng tạo
của riêng anh và mọi người đều nhận thấy đó là sự thật” [18, 211]. Sự thật
đã được Nguyễn Công Hoan nhào nặn theo cách riêng của mình. Nó tạo
thành một dấu ấn riêng mang phong cách Nguyễn Công Hoan.
Quan niệm của Nguyễn Công Hoan về bản chất của sáng tạo rất độc
đáo: “Bịa, tức là hư cấu, nghĩa là sáng tạo ra những nội dung không để sự
việc như nguyên nó. Phải làm cho nó bổ ích, đó là lao động bằng trí óc.
Còn “y như thật” là đúng như mọi người thường thấy, nghĩa là “đúng ở chi
tiết, đúng ở toàn thể các sự việc. Nó đòi hỏi sự sống, hoàn cảnh sống và
nếp sống. Sự sống bảo ta viết thế nào (tài liệu). Hoàn cảnh sống bảo ta viết
cho ai (nghệ thuật viết hợp với đối tượng). Nếp sống bảo ta viết cái gì, phục
vụ thế nào (nội dung, lập trường, thái độ)” [28, 146]. Tóm lại, theo quan
niệm của nhà văn, bản chất của hư cấu, là bịa như thực.
Có khi ông nhấn mạnh: “Những sự thực xảy ra ở đời nếu chỉ trần lần
sự thực thì nó tầm thường, chẳng có gì là lạ, là hay, là đáng để viết tiểu
thuyết. Cho nên nếu muốn viết tiểu thuyết thế nào cũng phải bịa. Bịa, nghĩa
là chắp vá từng mảnh nhặt ở chỗ này, chỗ khác cho hợp lý để nó thành tất
cả, hoặc trong cái tất cả sẵn có thêm bớt từng mảnh cho hợp lý để nó không
tầm thường. Hợp lý cũng có nghĩa là thực. Nếu câu chuyện ví như cái áo
bằng vải to, thì những mảnh chắp vá hoặc thêm bớt không nên là gấm là
len. Gấm, len có đẹp hơn, bền hơn vải to, nhưng để vào đó không đúng
chỗ, hóa ra vô lý, chướng mắt. Ai cũng biết rằng anh mặc vải to, không có
gấm và len để vá. Sở dĩ anh có là do anh đã đi xin” [28, 146].
Cách trình bày quan niệm của Nguyễn Công Hoan rõ ràng, chân thực
và đơn giản. Có khi ông cho rằng: “Dù là bịa bằng cách chắp vá những
mảnh truyện cho nó thành một truyện, hay bằng cách thêm bớt những mảnh
truyện ở trong một câu chuyện, thì cũng phải bịa bằng sự thực, mới đúng

17
và mới hợp với tâm lý, với ngữ ngôn, với sinh hoạt, với hoàn cảnh nhân vật
trong truyện và tình tiết của truyện” [28, 146].
Quan niệm về bản chất hư cấu trong sáng tạo văn chương của
Nguyễn Công Hoan rất chân thành, giản dị và mộc mạc. Vì vậy, những cây
viết trẻ đến ông học tập được nhiều từ những điều tưởng như đơn giản ấy.
Trong các truyện cổ như thần thoại, cổ tích, tác giả dân gian cũng hư
cấu tưởng tượng bằng tinh thần say mê lí giải về hiện thực hết sức hồn
nhiên và ấu trĩ, thì các nhà văn hiện đại tưởng tượng, hư cấu trên cơ sở của
hiện thực, bằng tinh thần lí giải, phân tích hiện thực trên cơ sở của lí trí và
khoa học. Mỗi nhà văn có cách phân tích và lí giải hiện thực khác nhau.
Với Nam Cao, sự lí giải ấy hoàn toàn tỉnh táo, khách quan, còn với
Nguyễn Công Hoan, sự lí giải ấy đôi khi có phần chủ quan, tình cảm của
ông dành và nghiêng nhiều về phía những người nghèo khổ, thấp cổ bé
họng trong xã hội.
Quan niệm như vậy nên Nguyễn Công Hoan viết truyện bằng sự
thực, viết với tất cả tấm lòng, với tất cả tình thương những người nghèo
khổ, những người bị áp bức, bị chà đạp. Tính xã hội kết hợp với tinh thần
nhân đạo quyện chặt trong sáng tác của ông tạo ra nét độc đáo riêng biệt.
Những vấn đề ông quan tâm và khêu gợi được nguồn hứng của ông trong
các truyện là sự xung đột giàu nghèo trong xã hội đương thời. Đây là chủ
đề phổ biến trong hầu khắp các tác phẩm của ông từ truyện ngắn đến truyện
dài. Ngòi bút của ông bao giờ cũng nghiêng về phía người nghèo và dành
cho họ sự cảm thông sâu sắc.
Chẳng hạn, truyện Thằng ăn cắp là một truyện linh hoạt và bình dị
vô cùng. Dưới ngòi bút của nhà văn, tưởng chừng như đó là sự thực chẳng
chút hư cấu nào, người đọc tưởng như thấy ngay trước mắt cảnh tả trên
trang giấy.
Đây là một thằng nửa ăn mày, nửa ăn cắp “ra trò” giữa đám hàng rong:
“Một hôm nó vơ vẩn giữa đám hàng rong.

18
Thấy nó, bà hàng rau đứng dậy, quẩy gánh lên vai, đi chỗ khác. Bà
hàng thịt sờ lại ruột tượng. Bà hàng bún nắn lại túi tiền. Bà hàng lê bấm cô
hàng bánh đúc. Chị bán bánh rán đưa mắt cho bác bán khoai.
Họ thì thào:
- Thằng ăn cắp!” [29, 129].
Ấy là khi nó mới sán lại gần mà đã gây ra một loạt hoạt động, và sự
liên kết sinh động của những người bán hàng.
Dẫu nhà văn miêu tả thằng ăn cắp, nhưng cả một cảnh sống thực bày
ra trước mắt chúng ta. Lối tả tỉ mỉ các chi tiết là một đặc điểm của phương
pháp sáng tác hiện thực Nguyễn Công Hoan. Câu chuyện kết thúc một cách
rất đột ngột. Hai xu bún riêu, một trận đòn nhừ tử. Người đọc cảm giác xót
xa, thương cảm nhưng cũng đầy căm phẫn chế độ xã hội coi nhẹ giá trị con
người, coi mạng người như cỏ rác.
Như vậy, theo quan niệm của Nguyễn Công Hoan: “Một việc có thật
trên đời nếu chỉ trần lần sự thật, thì nó ngay đuồn đuỗn, mộc mạc, không có
gì là hay. Anh nào dại mà lại dùng nguyên để viết nó thành truyện ấy sẽ
hoặc sơ lược, hoặc công thức, hoặc tầm thường, nhạt hoét. Giá anh ấy bị
mắng cũng không oan! Ai bảo anh cho người ta ăn thịt sống? Anh phải nấu
nướng, thêm mắm muối, hành mỡ cho ngon lành chứ?” [27, 11-12]. Qua
tác phẩm của ông người đọc thấy, bản chất của hư cấu là sự thực được thêm
thắt, tô vẽ, chỉnh sửa. Theo cách nói của Nguyễn Công Hoan là phải cho
thêm “mắm muối, hành mỡ” thì nó mới trở thành văn chương một cách
sáng tạo. Sáng tác của Nguyễn Công Hoan đem đến cho người đọc những
cảm xúc chân thực, nóng hổi tính thời sự qua những cảnh, những người,
những việc tập trung tiêu biểu cho thực tế cuộc sống, hoàn toàn không phải
những sao chép cuộc sống một cách tầm thường.
Quan niệm về hư cấu của Nguyễn Công Hoan cũng rất gần gũi với
quan niệm về hư cấu của các tác giả văn học hiện đại. Nhà phê bình Đỗ
Ngọc Thạch nhấn mạnh rằng: Chức năng cơ bản của tiểu thuyết hiện đại

19
không phải là “minh họa” bằng một câu chuyện, một quan niệm về thế giới
hay về lịch sử đã được xác lập, mà là làm phát lộ, bằng những con đường
đặc trưng của nó, “cái mà chỉ có tiểu thuyết mới nói được”; vấn đề là làm
cho bật ra cái không được nói bởi chính sử, các vùng trải nghiệm của con
người mà các nhà sử học đã bỏ qua; là phá vỡ những điều đã được coi là
niềm tin chắc chắn, các tính chính thống, các quan niệm về thế giới đã
được thiết lập; là thám hiểm mặt lật ngược hay mặt trái của cái hình ảnh mà
xã hội chúng ta đã tự xây dựng về chính mình,... vì đó mới thật là chức
năng riêng của tiểu thuyết, vì ngoài tiểu thuyết ra không có bất cứ loại diễn
từ nào khác còn có thể làm được.
Nhà văn Trần Hoài Dương cho rằng: Nhà văn hoàn toàn có quyền hư
cấu, tưởng tượng, nhưng cái cốt lõi là bản chất của nhân vật lịch sử, sự kiện
lịch sử phải được tôn trọng. Mọi hư cấu, tưởng tượng của nhà văn rốt cuộc
cũng chỉ để đạt được yêu cầu tối thượng sao cho nhân vật lịch sử ấy, sự
kiện lịch sử ấy bộc lộ đúng nhất bản chất cốt lõi của mình.
Từ quan niệm đó, ta thấy có sự gặp gỡ giữa Nguyễn Công Hoan và
các tác giả khác. Đề tài nhà văn khai thác không phải nảy sinh từ cảm xúc
bâng khuâng, trước trăng, gió, mây, nước, mà bắt nguồn trực tiếp từ những
điều ngang trái, bất công xảy ra trong xã hội, từ những nhân vật, nhiều khi
có tên tuổi, đang sống sờ sờ trước mắt mọi người. Dù là sự thật hay hư cấu
tưởng tượng thì cũng nhằm mục đích đem lại cho người đọc bức tranh chân
thực về cuộc sống. Chính vì vậy, nghệ thuật hiện thực của truyện Nguyễn
Công Hoan xuất phát từ sự chân thành trong tư tưởng, tình cảm và thái độ
sống của nhà văn. Ông cũng đã từng nói về động cơ sáng tác của mình:
“Ngoài tất cả, còn lại một động cơ quan trọng hơn hết, nó đến với tôi lúc
nào không biết, nó đến rất tự nhiên, rất kín đáo, trở thành động cơ chỉ đạo.
Tức là lòng muốn viết những cái mà mình thấy cần viết. Không viết, không
an tâm. Không viết thì bứt rứt, hậm hực, thấy canh cánh bên lòng, thiếu
nhiệm vụ của người cầm bút” [28, 300]. Ông nhấn mạnh: “Không viết còn

20
là che giấu cho đối phương một tội lỗi mà chỉ mình mình biết, mình thấy.
Viết được ra thì lòng nhẹ nhàng, thanh thoát, sung sướng, kiêu hãnh. Bởi vì
mình vừa trút được ra giấy trắng, mực đen, để truyền tới độc giả, cái tâm
sự, cái tình cảm, cái ý kiến, cái thái độ của mình đối với một nhân vật, một
sự việc mà mình xúc động” [28, 300].
Nhìn chung, về cơ bản, quan niệm của Nguyễn Công Hoan về bản
chất của hư cấu trong sáng tạo văn chương có những điểm gần gũi với quan
niệm của các nhà văn hiện đại, dẫn tới những thành công trong sáng tác của
ông. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công thì vẫn còn bộc lộ những hạn
chế nhất định: trong khi lựa chọn các chi tiết chân thực, cụ thể, thì ngòi bút
Nguyễn Công Hoan đôi lúc không tránh khỏi những chi tiết thiếu chọn lọc,
làm hạn chế giá trị, ý nghĩa của truyện.
Từ việc tìm hiểu quan niệm của Nguyễn Công Hoan về vai trò và
bản chất của hư cấu, có cơ sở đi sâu hơn trong việc khám phá bản chất của
sáng tạo văn chương, tìm ra liên hệ giữa cái thực của cuộc sống và cái thực
trong văn chương.
1.2. Cái thực của cuộc sống và cái thực trong văn chương
1.2.1. Sự tương đồng giữa cái thực trong cuộc sống và cái thực
trong văn chương
Mác cho rằng: “Vận động của tư duy chỉ là sự phản ánh của vận
động hiện thực được di chuyển vào và được sự cải tạo trong đầu óc của con
người” [42, 70]. Kế thừa quan điểm đó, Lênin viết: “Kết luận duy nhất của
mọi người rút ra trong đời sống thực tiễn, kết luận mà chủ nghĩa duy vật
lấy làm cơ sở cho nhận thức luận của mình một cách tự giác là: có những
đối tượng, vật thể, tồn tại ở ngoài chúng ta, không lệ thuộc vào chúng ta, và
cảm giác của chúng ta đều là hình ảnh của thế giới bên ngoài” [42, 71].
Như thế có nghĩa hiện thực là nguồn gốc của nhận thức, của ý thức. Mà văn
chương là một hình thái của ý thức, một hình thức của nhận thức, do đó,
đời sống là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng nghệ thuật. Cho nên, xét đến