Tiểu thuyết mẫn và tôi của phan tứ nhìn từ góc độ thể loại
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
BỘ MÔN NGỮ VĂN
----------
VÕ TRƯỜNG GIANG
MSSV : 6086173
TIỂU THUYẾT MẪN VÀ TÔI CỦA PHAN TỨ
NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THỂ LOẠI
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ văn
Cán bộ hướng dẫn: ThS. Bùi Thanh Thảo
Cần Thơ, năm 2012
ĐỀ TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1.
Lý do chọn đề tài
2.
Lịch sử vấn đề
3.
Mục đích nghiên cứu
4.
Phạm vi nghiên cứu
5.
Phương pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Vài nét về thể loại tiểu thuyết
1.1.1. Khái niệm về thể loại tiểu thuyết
1.1.2. Đặc điểm thể loại tiểu thuyết
1.1.2.1 .Tiểu thuyết nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư
1.1.2.2. Tiểu thuyết tái hiện cuộc sống không thi vị hóa, lãng mạn hóa, lí
tưởng hóa
1.1.2.3. Nhân vật tiểu thuyết là con người nếm trải
1.1.2.4. Cái “thừa” là một trong những cái chính yếu trong thành phần
của thể loại tiểu thuyết
1.1.2.5. Xóa bỏ khoảng cách giữa người trần thuật và nội dung trần thuật
1.1.2.6. Tiểu thuyết có khả năng tổng hợp nhiều nhất các khả năng nghệ
thuật của các loại văn học khác
1.2. Vài nét về Phan Tứ và tác phẩm “ Mẫn và Tôi”
1.2.1. Về tác giả Phan Tứ
1.2.1.1. Thân thế, gia đình
1.2.1.2. Sự nghệp văn chương
1.2.1.3. Các giải thưởng văn chương
1.2.2. Vài nét về tác phẩm “ Mẫn và Tôi”
1.2.2.1. Hoàn cảnh ra đời, bối cảnh lịch sử của tác phẩm
1.2.2.1. Hoàn cảnh ra đời, bối cảnh lịch sử của tác phẩm
CHƯƠNG 2: NỘI DUNG TIỂU THUYẾT MẪN VÀ TÔI CỦA PHAN
TỨ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THỂ LOẠI
2.1. Hiện thực khốc liệt của chiến tranh
2.2. Sự kết hợp yếu tố đời tư và sức mạnh cộng đồng
2.2.1.Hình ảnh người chiến sĩ
2.2.1.1. Nhân vật Mẫn
2.2.1.2. Nhân vật Thiêm
2.2.1.3. Các nhân vật phụ
2.2.2. Tình đoàn kết quân dân
2.2.3. Tình yêu đôi lứa trong hoàn cảnh chiến tranh
2.2.3.1. Tình yêu nhuốm màu lí tưởng
2.2.3.2. Nỗi khát khao hạnh phúc trong tình yêu của tuổi trẻ
2.2.3.3. Lòng chung thủy biết hi sinh cho người mình yêu
CHƯƠNG 3: ĐẶC SẮC VỀ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT
“MẪN VÀ TÔI” CỦA PHAN TỨ
3.1. Nghệ thuật thể hiện cái “thừa” trong tác phẩm
3.2. Kết cấu của tác phẩm phong phú và đa dạng
3.2.1. Quan hệ đối chiếu tương phản
3.2.2. Quan hệ bổ sung
3.2.3. Bố cục và thành phần của trần thuật
3.3. Nghệ thuật xóa bỏ khoảng cách người trần thuật và nội dung trần thuật
3.4. Tác phẩm có khả năng tổng hợp các khả năng nghệ thuật của các thể loại
khác
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Tiểu thuyết là một loại tự sự cỡ lớn có những khả năng riêng trong việc tái
hiện với một quy mô lớn những bức tranh hiện thực đời sống, trong đó chứa đựng
nhiều vấn đề sâu sắc của đời sống xã hội, của số phận con người, của lịch sử, của
đạo đức, của phong tục…chính vì thế đây là một thể loại thường được các nhà văn
dùng để phản ánh những mảng đề tài lớn của đời sống hiện thực. Khi nhắc đến
những mảng đề tài lớn chúng ta không thể không nhắc đến chiến tranh, đây là một
đề tài được rất nhiều nhà văn của chúng ta viết, bởi lịch sử phát triển của nền văn
học nước nhà luôn gắn với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Là một nhà văn khá thành công ở thể loại tiểu thuyết, Phan Tứ đã tái hiện
được khá sinh động cái khí thế hào hùng của nhân dân Miền Nam trong thời đánh
Mĩ. Mà đặc biệt với Mẫn và Tôi, nhà văn đã chinh phục được biết bao trái tim của
độc giả đương thời cũng như thế hệ sau khi đến với tác phẩm.
Được xem là cuốn tiểu thuyết giàu tính chiến đấu và có ý nghĩa, Mẫn và Tôi
của nhà văn Phan Tứ nếu được nhìn dưới góc độ thể loại sẽ thấy nhiều nét hay và
độc đáo, từ phương diện nội dung lẫn nghệ thuật. Trước tiên về nội dung, tác phẩm
đã tái hiện lại được không khí hào hùng, sôi sục của nhân dân Miền Nam trong thời
kì đánh Mĩ cứu nước. Ở nơi đó hiện thực của chiến tranh, sự chiến đấu anh dũng,
những nỗi buồn và niềm vui, lòng căm thù của quân dân ta và hình ảnh của người
cán bộ được nhà văn thể hiện rất đậm nét và sinh động. Còn nghệ thuật của tác
phẩm được nhà văn thể hiện khá sâu sắc về đặc trưng cũng như đặc điểm của thể
loại tiểu thuyết như: nghệ thuật kết cấu, nghệ thuật về cái thừa, xóa bỏ khoảng cách
của người trần thuật và nội dung trần thuật hay khả năng tổng hợp của thể loại…
Mặc dù là một tác phẩm thành công, được nhiều người đánh giá hay và có
giá trị, nhưng theo sự khảo sát của chúng tôi thì những bài nghiên cứu sâu về tác
phẩm là khá ít ỏi. Thiết nghĩ, chúng ta cần có những bài nghiên cứu sâu và nhiều
hơn nữa những tác phẩm có giá trị như thế để những cái hay, cái quý của tác phẩm
được nhiều người biết đến nhằm góp thêm cho sự phát triển của nền văn học nước
nhà, chính vì lẽ đó mà chúng tôi chọn đề tài này để nghiên cứu với ước muốn đóng
góp một chút công sức nhỏ bé của mình để làm sáng tỏ thêm vấn đề thể loại trong
tác phẩm “Mẫn và Tôi” của nhà văn Phan Tứ.
2. Lịch sử vấn đề
Mẫn và Tôi là một tác phẩm ra đời khá lâu nên cũng có nhiều bài đánh giá
của các nhà phê bình, các học giả, nhưng nhìn chung thì chưa có bài viết nào đánh
giá được toàn diện tác phẩm một cách thấu đáo, triệt để, sau đây chúng tôi đưa ra
hai đại diện có những đánh giá về tác phẩm mà trong quá trình thu thập tài liệu
chúng tôi nhận thấy có những nét độc đáo
Thứ nhất, chúng tôi xin nói về những đánh giá của phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị
Đức Hạnh về tác phẩm. Trong “Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam”- nhà
xuất bản KHXH tác giả Nguyễn Thị Đức Hạnh chủ yếu khai thác nhiều về nội dung
của tác phẩm cụ thể là:
Đầu tiên, Lê Thị Đức Hạnh đã nói lên được hình ảnh người cán bộ rất đậm
nét trong tác phẩm, ngoài Mẫn và Thiêm thì còn rất nhiều người cán bộ có tài như:
Điển, Năm Dòng, Bảy Quay Nón, Ba Tơ, Tư Luân, Chị Bỉnh, Chị Tám Giàu…Tuy
không tập trung vào loại nhân vật này nhưng bằng nhiều nét sắc gọn, gợi cảm nhà
văn đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai mờ. Còn khi nói về vẻ
đẹp của Mẫn thì Lê Thị Đức Hạnh cũng nhận xét một cách rất tinh tế “cô du kích
Tam Sa cứ mỗi lúc một rõ dần, sáng lên với cái vẻ hồn nhiên, tươi trẻ của cô gái hai
mươi, cái sắc sảo từng trải của một cô cán bộ lãnh đạo. Trong những nét đẹp kín
đáo, mộc mạc của Mẫn luôn toát lên vẻ trong sáng trong tâm hồn, nhiệt tình trong
trái tim và nhạy bén trong suy nghĩ, hành động”[10; tr.325]. Mẫn chẳng những là
một cô du kích chiến đấu giỏi mà cô còn là hiện thân của cái đẹp, cái đẹp mà khói
bụi chiến tranh không bao giờ làm mờ đi được. Cùng với Mẫn thì Thiêm cũng được
tác giả nhìn nhận là một người chiến sĩ có đức và tài, nổi bật ở Thiêm là say mê lý
tưởng, là hoài bão lớn, là lập trường dứt khoát, kiên định. Chính những điều trên
cho ta thấy bên cạnh lớp cán bộ lớn tuổi thì đã có sự vươn lên mạnh mẽ, phát triển
của thế hệ cán bộ cách mạng mới, đặc biệt là lớp trẻ.
Kế tiếp, Lê Thị Đức Hạnh đã đề cập đến tình yêu thời chiến trong tác phẩm,
đó là tình yêu đẹp của Mẫn và Thiêm, hồi đầu Thiêm cho rằng Mẫn không thuộc
loại người tôi thích…nhưng qua thời gian trong công tác họ hiểu nhau, mến phục
nhau và trở nên thân mật, tác giả đã có những đánh giá, phát hiện khá độc đáo, sở dĩ
họ yêu nhau bởi cả hai cùng có một số nét cơn bản giống nhau: cùng một lí tưởng,
cùng ham học hỏi, cùng dám nghĩ, dám làm, chính những mối tình đẹp ấy đã tạo
nên những bản hùng ca trong ánh sáng mới của thời đại. Qua mối tình và hoạt động
của Mẫn và Thiêm tác giả đã gợi ra một số vấn đề rất ý nghĩa, nhất là vấn đề tình
yêu và lý tưởng.
Mặc dù đánh giá không nhiều về nội dung của Mẫn và Tôi nhưng Lê Thị
Đức Hạnh đã nói lên được phần nào về giá trị nội dung của tác phẩm. Tuy nhiên,
chúng tôi thiết nghĩ nếu đánh giá một tác phẩm nhưng chỉ đề cập đến nội dung thì
vẫn chưa đủ, bởi yếu tố nghệ thuật là một phần khá quan trọng làm nên chiều sâu
cũng như mang lại sự thành công cho đứa con tinh thần của nhà văn.
Thứ hai là Trong “Tiểu thuyết việt Nam thời kì 1965-1975 nhìn từ góc độ thể
loại”- Nhà xuất bản giáo dục của tác giả Nguyễn Đức Hạnh đã nói về một số đặc
điểm nghệ thuật chung của thể loại tiểu thuyết giai đoạn 1965-1975 là đậm chất sử
thi, chúng tôi chỉ trích dẫn những tư liệu về tác phẩm Mẫn và Tôi trong phần tác giả
điểm qua các tác phẩm của giai đoạn 1965-1975 để dẫn chứng cho đề tài nghiên cứu
của mình, qua khảo sát chúng tôi cũng nhận được một lượng kiến thức khá ít ỏi mà
tác giả đã nói về Mẫn và Tôi cụ thể như sau:
Về nhân vật, nhân vật anh hùng trong tác phẩm được xây dựng theo cấu trúc
nghệ thuật nói về sự phi thường của sức mạnh tinh thần, trí tuệ, tài năng, chiến
công, lý tưởng và khát vọng, sự xả thân cho cộng đồng. Đó là cấu trúc nghệ thuật có
nội dung mang chất sử thi và hình thức mang tính tiểu thuyết với tính đời thường,
bình dị của nó mà tiêu biểu cho nghệ thuật đó là nhân dân làng Cá, thể hiện rõ nhất
là ở nhân vật Mẫn và Thiêm.
Ngoài ra Trong Mẫn và tôi (Phan Tứ) Nguyễn Đức Hạnh còn nói về không
gian, thời gian sử thi vì ở không gian, thời gian ấy đang diễn ra một xung đột mang
tính cộng đồng: xung đột giữa dân tộc với ngoại xâm. Từ xung đột này, sự chiến
thắng hay thất bại của quân dân làng Cá mang tính điển hình vì khả năng phản ánh
cả cục diện và xu thế lịch sử của chiến trường miền Nam, rộng ra là cả nước. Hai
tuyến nhân vật địch - ta đối đầu trong xung đột lịch sử này được miêu tả bằng kinh
nghiệm cá nhân của nhà văn thống nhất tuyệt đối với kinh nghiệm cộng đồng. Ta
dũng cảm, mưu trí, yêu nước, căm thù giặc. Địch tàn bạo mà hèn nhát, ngu tối. Ta
thắng - địch thua là tất yếu!
Kết cấu của tiểu thuyết sử thi Việt Nam 1945 - 1975 là kết cấu sự kiện. Cốt
truyện bao giờ cũng xoay quanh trục sự kiện lịch sử - xã hội. Sự vận động tính cách
và sự hoàn thiện nhân cách ở phương diện con người xã hội của nhân vật bao giờ
cũng được cắm mức bằng sự kiện lịch sử - xã hội. Vì thế, lịch sử số phận, lịch sử
tâm hồn của nhân vật luôn song trùng với lịch sử của quê hương đất nước ở thời đại
kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quá trình trưởng thành về tính cách của
Mẫn và Thiêm ta thấy rất rõ rệt từ đầu đến cuối tác phẩm .
Bên cạnh đó về nội dung thì tác giả cũng có cái nhìn bao quát như về hệ
thống nhân vật ( chính diện, phản diện), đề tài tình yêu… tuy nhiên tác giả chỉ điểm
qua một cách chung chung với các tác phẩm khác cùng thời. Mặc dù Nguyễn Đức
Hạnh có đánh giá, nghiên cứu sâu, rộng về tiểu thuyết Việt Nam thời kì 1965-1975
dưới góc độ thể loại, tuy nhiên đối với tác phẩm Mẫn và Tôi của nhà văn Phan Tứ
thì tác giả không đề cập đến nhiều vì lẽ đó chúng tôi nghĩ cần có sự nghiên cứu sâu
hơn nữa để giá trị của tác phẩm ngày càng sáng tỏ.
Mặc dù nguồn tư liệu về tác phẩm không nhiều nhưng những nghiên cứu,
nhận xét, đánh giá của Nguyễn Thị Đức Hạnh và Nguyễn Đức Hạnh là nguồn tài
liệu hữu ích định hướng cho chúng tôi nghiên cứu đề tài này một cách dễ dàng hơn.
3. Mục đích đề tài
Đi vào tìm hiểu tác phẩm Mẫn và Tôi của nhà văn Phan Tứ, chúng tôi chủ yếu
khai thác những nét độc đáo về mặt nội dung và nghệ thuât mà tác phẩm đã thể
hiện, từ đó nói lên những cái đặc trưng tiêu biểu của thể loại tiểu thuyết nhằm củng
cố và nắm vững một số kĩ năng về kiến thức lí luận văn học nói chung và tiểu
thuyết dưới góc nhìn thể loại nói riêng. Bên cạnh đó khi đi vào tìm hiểu, nghiên cứu
kĩ nội dung và nghệ thuật tác phẩm sẽ làm bổ sung khá nhiều lượng kiến thức về cái
hay, cái đẹp cũng như cái hạn chế mà tác phẩm chưa đạt được cho người nghiên
cứu để rồi người nghiên cứu có cái nhìn khách quan hơn đối với một tác phẩm
thuộc thể loại tiểu thuyết cũng như việc tiếp nhận nền văn học của dân tộc.
Một điều không kém phần quan trọng khi chúng tôi nghiên cứu đề tài này là
nhằm khẳng định được những đóng góp quý báu mà nhà văn Phan Tứ đã cống hiến
cho nền văn học nước nhà.
4. Phạm vi nghiên cứu
Đối với Mẫn và Tôi của nhà văn Phan Tứ chúng tôi tập trung nghiên cứu vấn
đề nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm dưới góc nhìn từ thể loại tiểu thuyết. Bên
cạnh đó chúng tôi có thể đề cập đến một số vấn đề khác nhằm đối chiếu so sánh, để
thấy được sự khác biệt, thấy được cái hay cái đẹp về giá trị của tác phẩm này.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi sử dụng các phương pháp: chứng
minh, giải thích, so sánh, tổng hợp…nhằm diễn đạt các luận cứ, luận điểm một cách
cụ thể và dễ hiểu. Để rồi từ đó người đọc có thể nhận diện một cách dễ dàng và sâu
sắc giá trị về nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm mà người nghiên cứu muốn nói
đến. Ngoài ra chúng tôi còn kết hợp cả hai phương pháp diễn dịch và quy nạp nhằm
tóm ý và diễn giải một cách logic các ý trong đề tài để từ đó đề tài sẽ trở nên hoàn
thiện và chuyển được mạch cảm xúc đến người đọc.
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1 Vài nét về thể loại tiểu thuyết
1.1.1. Khái niệm về thể loại tiểu thuyết
Như chúng ta cũng đã biết tiểu thuyết là loại tự sự cỡ lớn, nó ra đời từ rất lâu
tùy theo quá trình phát triển lịch sử văn học của mỗi dân tộc. Ở Châu Âu tiểu thuyết
xuất hiện vào thời kì xã hội cổ đại tan rã cũng như văn học cổ đại suy tàn. Cho nên
các tiểu thuyết cổ đại của Hi Lạp, La Mã đã không thể đứng chen vai với anh hùng
ca, bi kịch, hài kịch cổ đại nữa. Cá nhân lúc ấy không còn cảm thấy lợi ích và
nguyện vọng của nó gắn liền với cộng đồng xã hội cổ đại, nhiều vấn đề của cuộc
sống riêng tư đặt ra gay gắt. Số phận họ bị đe dọa bởi sự cướp bóc trên các nẻo
đường, bị chiến tranh giành giật lãnh thổ đẩy vào cảnh sống chết bất trắc, bị nhà
đương cục bóc lột tàn nhẫn. Con người ý thức được tình trạng trơ trọi không nơi
bấu víu của họ. Bêlinxki phân tích nguồn gốc tiểu thuyết đã viết rằng, tiểu thuyết
bắt đầu phát sinh từ lúc “vận mệnh của con người, mọi mối liên hệ của nó với đời
sống nhân dân được ý thức. Vì vậy đời sống cá nhân bất luận thế nào cũng không
thể là nội dung của anh hùng ca Hi Lạp, nhưng có thể là nội dung của tiểu thuyết”.
Hay giai đoạn mới của tiểu thuyết bắt đầu từ thời Phục hưng ở châu Âu (thế kỉ XIVXVI), khi xảy ra quá trình giải phóng con người khỏi thần quyền của nhà thờ. Khi
con người bắt đầu được ý thức như một thực thể xã hội, mang tính trần tục cụ thể
trong các quan hệ xã hội và điều kiện xã hội. Điều kiện đó làm cho các mầm móng
đặc trưng của tư duy tiểu thuyết nói trên được phát triển thêm. Lí tưởng nhân văn
được khẳng định, sự miêu tả rộng lớn tất cả các quan hệ cá nhân và xã hội gắn liền
với ý thức phê phán hoàn cảnh làm cho tiểu thuyết thời này có bộ mặt mới. Còn
mầm móng của tiểu thuyết Trung Quốc cũng xuất hiện sớm, vào đời Ngụy Tấn ( thế
kỉ III- IV) dưới dạng, “chí quái”, “chí nhân”- chuyện ghi chép những việc quái dị
hoặc những việc thuộc sinh hoạt cá nhân của các danh sĩ, ở ngoài giới hạn kinh sử.
Riêng đối với tiểu thuyết Việt Nam phát triển muộn. Từ thế kỉ X-XII mới
xuất hiện những truyện văn xuôi dưới dạng các thần phả (Việt điệu u linh) hoặc ghi
chép các truyền thuyết dân gian (Lĩnh Nam chích quái), sang thế kỉ XV- XVIII với
các tác phẩm như Thánh Tông di cảo của Lê Thánh Tông, Truyền kì mạn lục của
Nguyễn Dữ, Truyền kì tân phả của Đoàn Thị Điểm mới xuất hiện những chuyện
viết về đời tư của người bình thường, nhất là phụ nữ. Đến Hoàng Lê nhất thống chí
(đầu thế kỉ XIX) mới có quy mô tiểu thuyết : 17 hồi hơn 30 nhân vật, bao quát một
khoảng thời gian dài từ năm 1767- 1802 nhiều chi tiết về cuộc sống nhiều mặt. Đầu
thế kỉ XX tiểu thuyết xuất hiện nhưng chưa được định nghĩa mang tính thống
nhất. Chính vì sự mơ hồ đó đã tạo ra những quan niệm khác nhau và không
thống nhất về thể loại này. Mỗi tác giả có một cách nhìn riêng, có người có lí
giải về phương diện nội dung nhưng cũng có tác giả lí giải ở phương diện
nghệ thuật, có người thì dựa vào dung lượng tiểu thuyết hay nội dung mà tiểu
thuyết phản ánh chia ra thành nhiều loại khác nhau. Nhưng nhìn chung họ vẫn
có cái nhìn tương đồng về phương diện phản ánh hiện thực: “theo họ trước
tiên tiểu thuyết phải viết về cuộc đời trước mắt. Phải có gì đó thiết thực, liên
quan ngay đến người đọc. Đây là nét bao trùm trong quan niệm chung”
[tr16]. Đến lượt từng người viết một, nó sẽ được triển khai thành những khía
cạnh cụ thể: “ Nguyễn Trọng Quản lưu ý đến việc sử dụng lời ăn tiếng nói
thông thường để kể chuyện và miêu tả. Những người chủ trương cuộc thi của
Nông Cổ mín đàm đòi hỏi điều đưa ra trong tiểu thuyết phải đáng tin cậy chớ
không chấp nhận chuyện bịa đặt vu vơ như vẫn thấy trong các loại “ hàng
chợ” . Trong cuốn “Bàn Về Tiểu Thuyết” Phạm Quỳnh có đưa ra ý kiến “ Tiểu
thuyết đời này thì có thể giải nghĩa tiểu thuyết như thế này: Tiểu thuyết là một
truyện viết bằng văn xuôi đặt ra để tả tình tự người ta, phong tục, xã hội, hay là
những sự lạ tích kì, đủ làm cho người đọc có hứng thú. Như vậy thì phạm vi của tiểu
thuyết rộng lắm: phàm sách gì không phải là sách dạy học, sách lí luận, sách khảo
cứu, sách thi ca thì đều là tiểu thuyết cả, mà tiểu thuyết có khi lại gồm được cả các
lối kia, vì trong một bộ tiểu thuyết, cũng có chỗ nghị luận, chỗ khảo cứu, chỗ ngâm
vịnh, chỗ khuyên răn”. Còn trong cuốn Khảo về tiểu thuyết , Vũ Bằng đưa ra một
quan điểm lỗi thời cho rằng tiểu thuyết là một thể loại văn học để “tiêu khiển”, để
làm cho người đọc “quên mình đi” trong chốc lát. “Tiểu thuyết nguyên sinh ra vì
một mục đích đó mà thôi, Người xem không cần biết đó là thực hay giả, người xem
chỉ cần trong chốc lát quên cái cỏi đời ô trọc này đi để nhảy lên trời vào thăm điện
Ngọc hoàng Thượng đế hay hòa mình vào với Lý Quảng, giả tảng uống rượu say để
thử chòng ghẹo xem Sở Vân là con trai hay con gái…Về sau này muốn cho thích
hợp với cuộc đời khoa học hơn, người ta rút phép đi, làm cho những chuyện mới
nhưng không nằm ngoài mục đích làm cho độc giả quên đời, quên cuộc đời của
họ”[-120]. Đó là những nhận định đầu tiên, những khái quát đầu tiên về tiểu thuyết.
Tuy chưa đầy đủ nhưng đó là những nét phác thảo có giá trị lớn, sau này có nhiều
nhận định và ý kiến về tiểu thuyết mà tôi nghĩ là tương đối đầy đủ và hiện đại.
Trong bộ Bách khoa từ điển văn học giản minh xuất bản năm 1958 ở hợp
chủng quốc Hoa Kì cho rằng: “Tiểu thuyết là một chuyện kể về văn xuôi có quy mô
lớn. Cũng giống như truyện (novel), tiểu thuyết khó lòng định nghĩa một cách chính
xác, một phần vì tính chất dài ngắn bất định, một phần là nó bao gồm rất nhiều loại
hình và dị dạng… vấn đề định nghĩa này làm cho việc xây dựng một lịch sử tiểu
thuyết có được ít nhiều tính chân xác trở nên đặc biệt khó khăn, vì ta không thể biết
chắc được những tác phẩm nào nằm trong thành phần của lịch sử đó”[-121]
Trong quyển 25 Năm một vùng tiểu thuyết- Nguyễn Kim Hoa, Nguyễn Thị
Kim Anh, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trần Đan Tâm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
cũng đưa ra nhiều khái niệm về tiểu thuyết:
Tiểu thuyết là một thể văn xuôi kể một câu chuyện (Tự điển Hán Việt, Sài
Gòn, 1953)
Tiểu thuyết là chuyện dài bằng văn xuôi có dung lượng lớn với nhiều nhân
vật hoạt động trong phạm vi xã hội rộng lớn. (Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản
Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988)
Sau khi trích dẫn ra nhiều khái niệm tiểu thuyết thì nhóm tác giả trong quyển
sách này cũng đã đưa ra một khái niệm về tiểu thuyết như sau: “Tiểu thuyết, còn gọi
là truyện dài là một thể loại văn học bằng văn xuôi, nhiều trang, nhân vật, tình tiết
phức tạp, nhiều tuyến, nhiều tầng, hoạt động trong một không gian, thời gian không
hạn chế”.
Hay Từ điển tiếng việt của nhà xuất bản văn hóa thông tin có nói : “tiểu
thuyết là tác phẩm viết bằng văn xuôi, nội dung là do trí tưởng tượng của tác giả
đặt ra”
Tiểu thuyết là truyện có cốt truyện và nhân vật mà nhà văn dựa vào cuộc sống xây
dựng nên theo một phương pháp điển hình hóa và theo một tư tưởng, tình cảm.(Từ
điển học sinh, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1988)
Còn trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học do Nguyễn Khắc Phi chủ biên có
khái niệm về tiểu thuyết: “Tác phẩm tự sự cỡ lớn, có khả năng phản ánh hiện thực
đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số
phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả các
điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng”.
Ngoài ra có một số nhà văn của chúng ta cũng có các nhận xét về tiểu thuyết
như Thạc Lam đã từng chia sẻ: “Cái khuynh hướng của tiểu thuyết bây giờ là hết
sức gần sự sống để được linh hoạt và thật như cuộc đời”- Thạch Lam.( Thạch lam,
tuyển tập, nhà xuất bản hội nhà văn, H.,1957, tr 119.). Cùng với Thạch Lam thì
Nguyễn Đình Thi cũng đưa ra ý kiến của mình trong Công việc của người tiểu
thuyết: “Nhiều nhà phê bình thường ví những tiểu thuyết lớn như những cuốn bách
khoa của đời sống. Theo tôi thì mỗi cuốn tiểu thuyết đều phần nào có mang tính
bách khoa, ấy, vì đời sống tự nó là bách khoa”.(Nguyễn Đình Thi, Công việc của
người tiểu thuyết “(in lần thứ hai), NXB văn học,H.,tr.135,136).
Như vậy theo thời gian các định nghĩa về tiểu thuyết đã dần dần được bổ
sung và thấy ngày càng đầy đủ hơn, riêng đối với tiểu thuyết Việt Nam chúng tôi
thấy có một khái niệm tương đối đầy đủ và được nhiều người chấp nhận là : “Tiểu
thuyết là hình thức tự sự cỡ lớn đặc biệt phổ biến trong thời cận đại và hiện đại.
Với những giới hạn rộng rãi trong hình thức trần thuật, tiểu thuyết có thể chứa
đựng lịch sử của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức, xã hội, miêu
tả cụ thể các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng. Không
phải ngẫu nhiên mà thể loại tiểu thuyết chiếm địa vị trung tâm trong hệ thống thể
loại văn học cận đại, hiện đại.”[6; tr.387]
Tóm lại quá trình phát triển của tiểu thuyết qua các giai đoạn tương đối
phong phú và đa dạng nên để khái niệm hoặc định nghĩa nó một cách đầỳ đủ nhất
thì không phải là một công việc dễ dàng cho các học giả, các nhà phê bình cũng như
các nhà văn cho nên mỗi người có một cách nhìn nhận về những khía cạnh khác
nhau của thể loại. Vì vậy, chúng ta khó có thể giới thiệu đầy đủ cũng như đưa ra
khái niệm thống nhất về thể loại này, đó cũng là điều dễ hiểu.
1.1.2 Đặc điểm thể loại tiểu thuyết
1.1.2.1 Tiểu thuyết nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư
Đặc điểm thứ nhất làm cho tiểu thuyết khác biệt với sử thi (anh hùng ca), ngụ
ngôn là ở cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư. Đời tư là tiêu điểm miêu tả cuộc sống
một cách tiểu thuyết. Tùy theo từng thời kì phát triển, cái nhìn đời tư có thể sâu sắc
đến mức thể hiện được, kết hợp được với các chủ đề thế sự hoặc lịch sử dân tộc.
Nhưng yếu tố đời tư càng phát triển, chất tiểu thuyết càng tăng, yếu tố lịch sử dân
tộc càng phát triển, chất sử thi càng đậm đà. Tiểu thuyết sử thi theo nhà nghiên cứu
Siserin, là “tiểu thuyết mà từ trong tới ngoài vượt khỏi cái khung của nó, trong đó
đời tư con người thấm nhuần lịch sử và triết học lịch sử, con người được thể hiện
như một phần tử sống động của nhân dân mình. Tiểu thuyết sử thi nắm bắt đổi thay
của các thời kì lịch sử, sự tiếp nối của các thế hệ, nó hướng tới các số phận tương
lai của nhân dân hay giai cấp”.
1.1.2.2. Tiểu thuyết tái hiện cuộc sống không thi vị hóa, lãng mạn
hóa, lí tưởng hóa
Đặc điểm thứ hai làm cho tiểu thuyết khác với truyện thơ, trường ca, thơ
trường thiên và sử thi là chất văn xuôi tức là một sự tái hiện cuộc sống không thi vị
hóa, lãng mạn hóa, lí tưởng hóa. Miêu tả cuộc sống như một thực tại cùng thời
đang sinh thành, tiểu thuyết hấp thụ nó vào mọi yếu tố bề bộn, ngổn ngang của cuộc
đời, bao gồm cả cái cao cả lẫn cái tầm thường, nghiêm túc và buồn cười, bi và hài,
cái lớn lẫn cái nhỏ. Các thể loại nói trên, nói chung không thể dung nạp chất văn
xuôi như một đặc trưng của nội dung thể loại, mặc dù trên quỹ đạo của văn học hiện
đại, các thể loại ấy có thể bị “tiểu thuyết hóa” và dung nạp ít nhiều chất văn xuôi.
So với tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, Truyện Kiều của Nguyễn Du ít chất
tiểu thuyết hơn, mặc dù nhà thơ của chúng ta đã gạt bỏ nhiều chất văn xuôi tự nhiên
chủ nghĩa của nguyên tác để tái tạo lại nàng Kiều trong chất văn xuôi trong sáng
hơn, nhưng mặt khác, để trở thành nhân vật của truyện thơ cổ điển, Kiều đã được lý
tưởng hóa, thi vị hóa nhiều hơn.
1.1.2.3. Nhân vật tiểu thuyết là con người nếm trải
Thứ ba, cái làm cho nhân vật tiểu thuyết khác với nhân vật sử thi, nhân vật
kịch, nhân vật trung cổ là ở chỗ nhân vật trong tiểu thuyết là con người nếm trải
trong khi các nhân vật kia là con người hành động. Hứng thú của nhân vật kịch và
nhân vật truyện cổ là ở chỗ nhân vật làm gì, nói gì, nghĩ gì. Nhân vật tiểu thuyết
cũng hành động, và trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhân vật còn tích cực
tham gia cải tạo môi trường, nhưng với tư cách là đặc trưng của thể loại, nhân vật
ấy xuất hiện như là con người nếm trải, tư duy, chịu khổ đau, dằn vặt của đời. Tiểu
thuyết miêu tả con người trong hoàn cảnh, không tách nó khỏi hoàn cảnh một cách
nhân tạo, không cô lập nó cũng như không cường điệu sức mạnh của nó. Nó miêu tả
nhân vật như một con người đang trưởng thành, biến đổi và do đời dạy bảo. Trong
khi hành động nhân vật tiểu thuyết “lãnh đủ” mọi tác động của đời. Như cô Kiều
“tiểu thuyết” hơn các nhân vật truyện Nôm bởi cô nếm trải nhiều hơn. Trong kịch
cũng có “nhân vật nếm trải”, chẳng hạn như Promete bị xiềng hay Hamlet trong
Hamlet, nhưng vì hạn chế của thời gian sân khấu, lại thiếu lời người trần thuật, nói
chung kịch không tái hiện trọn vẹn quá trình nếm trải nhiều mặt của con người.
Chính vì vậy, miêu tả thế giới bên trong, phân tích tâm lí là một phương diện rất đặc
trưng cho tiểu thuyết, mặc dù nói chung, loại văn học nào cũng không thể bỏ qua
được khía cạnh tâm lí.
1.1.2.4. Cái “thừa” là một trong những cái chính yếu trong thành
phần của thể loại tiểu thuyết
Điều làm cho tiểu thuyết khác với truyện ngắn trung cổ, truyện vừa, “tiểu
thuyết đoản thiên” là ở chỗ trong các truyện ấy, cốt truyện đóng vai trò chủ yếu
cùng với nhân vật. Mọi yếu tố tác phẩm được tổ chức sát với sự vận động của cốt
truyện và tính cách hầu như không có gì “thừa”, tất cả nằm trọn trong các liên hệ
nhân quả. Lời nói nhân vật cũng chỉ là một khâu thúc đẩy cốt truyện phát triển, hoặc
mở nút. Tiểu thuyết thì không thể. Nó chứa bao nhiêu cái “thừa” so với truyện vừa
và truyện ngắn trung cổ, mà đó là cái chính yếu trong thành phần của thể loại tiểu
thuyết: các suy tư của nhân vật về thế giới, về đời người, sự phân tích cặn kẽ các
diễn biến tình cảm, sự trình bày tường tận các tiền sử của nhân vật, mọi chi tiết về
quan hệ giữa người và người, về đồ vật và môi trường và nói chung là toàn bộ tồn
tại của con người. Như Sống mòn của Nam cao, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi là tiểu
thuyết : về nghề, về đồng nghiêp, về ước mơ, về sự đói, về thành kiến nghi kị, về
bản thân, về tính yếu đuối…những tình tiết về San, về Mô, về Oanh, về ông Học, về
U em, về đôi vợ chồng nhà lá, về bữa ăn đều không thiết thực cho một cốt truyện
nào, nhưng nó phơi bày ra toàn bộ sự đầy đặn của tồn tại như một trạng thái và quá
trình. Ở Vỡ Bờ theo quan điểm truyện vừa thì những chi tiết như sau sẽ xem là thừa.
Chẳng hạn, những cảnh người phụ nữ yếu đuối, mảnh khảnh cầm càn xe ba gác chở
gỗ nặng nề, xiên xẹo lao ầm ầm xuống dốc cầu Long Biên. Chỉ cần một chút sẩy
chân là tan xác dưới bánh xe, nhưng người ta vẫn sống, dũng cảm và sáng tạo (T.
I,tr. 230-232); hay một em bé chừng lên bốn năm tuổi bị bệnh bại liệt teo cả đôi
chân, nhưng để được chơi nó đã trèo qua bậc cửa cao hơn nó để ra ngoài sân. Nó lấy
hết gân sức đu người lên cái bậc cửa ghê ghớm ấy, úp bụng xuống nghĩ lấy hơi, rồi
lại quay người, lấy tay cầm đôi chân teo lủng lẳng vắt qua bên kia bậc cửa, xong lại
thả mình ra ngoài…(T. II, tr 131). Những chi tiết loại ấy không thể tìm thấy trong
truyện vừa, trong Truyện Kiều hoặc trong các bộ tiểu thuyết Trung Quốc đồ sộ đời
Minh vì chúng không gắn với cốt truyện mà gắn với sự suy nghĩ triết lí về cuộc đời.
1.1.2.5. Xóa bỏ khoảng cách giữa người trần thuật và nội dung trần
thuật
Một đặc điểm cũng không kém phần quan trọng của tiểu thuyết là xóa bỏ
khoảng cách của người trần thuật và nội dung trần thuật, tiểu thuyết hướng về miêu
tả hiện thực như cái hiện tại đương thời của người trần thuật. Là một hiện tại cùng
thời, tiểu thuyết cho phép người trần thuật tiếp xúc, nhìn nhận các nhân vật một
cách gần gũi như những người bình thường, thường tình có thể hiểu họ bằng kinh
nghiệm của mình. Chính khoảng cách gần gũi này làm cho tiểu thuyết trở thành một
thể loại dân chủ, nó cho phép người trần thuật có thể có thái độ thân mật, thậm chí
suồng sã đối với nhân vật của mình. Và từ đó có thể nhìn hiện tượng từ nhiều chiều,
sử dụng nhiều giọng nói. Tiểu thuyết hấp thu mọi loại lời nói khác nhau của đời
sống, san bằng ngăn cách lời trong văn học và ngoài văn học, tạo nên sự đối thoại
giữa các giọng nói với nhau. Cuộc sống trong tiểu thuyết là một cái gì đó chưa xong
xuôi. Ngay lời trần thuật, dòng ý thức nhân vật cũng là một quá trình chưa xong
xuôi. Chẳng hạn như văn của Nam Cao trong Sống mòn…Kết cấu của tiểu thuyết
cũng thường là kết cấu để ngỏ.
1.1.2.6. Tiểu thuyết có khả năng tổng hợp nhiều nhất các khả năng
nghệ thuật của các loại văn học khác
Cuối cùng với các đặc điểm đã nêu, tiểu thuyết là thể loại văn học có khả
năng tổng hợp nhiều nhất các khả năng nghệ thuật của các loại văn học khác. Tiểu
thuyết thế kỉ XIX- XX đã cung cấp nhiều mẫu mực về tổng hợp đó. Chẳng hạn tiểu
thuyết sử thi- tâm lí của L. Tônxtôi (chiến tranh và hòa bình), tiểu thuyết- kịch của
Đôxtôiepxki, tiểu thuyết tâm lí- trữ tình của Macsxen Pruxt (Đi tìm thời gian đã
mất), tiểu thuyết sử thi, trữ tình của Hêminguây (Chuông nguyện hồn ai), truyện trữ
tình của Sêkhốp, tiểu thuyết sử thi của Shôlôkhốp, tiểu thuyết trí tuệ của T.Mann,
tiểu thuyết huyền thoại của Mawcket. Ngoài ra còn có thể kể đến tiểu thuyết tư liệu,
tiểu thuyết chính luận…Những hiện tượng tổng hợp đó làm cho bản thân thể loại
tiểu thuyết cũng đang vận động, không đứng yên. So với sử thi, bi kịch, hài kịch,
tức là các thể loại đã trở nên cũ xưa thì theo Bakhtin, tiểu thuyết là “thể loại duy
nhất đang hình thành và chưa xong xuôi’. Dĩ nhiên không nên tuyệt đối hóa các ý
kiến trên bởi lẽ hiện tượng tổng hợp cũng có cả trong thơ và trong kịch. Chẳng hạn
thơ trữ tình chính trị - sử thi của Tố Hữu, kịch tự sự của Béctôn Brết. Về mặt nào
đó, các thể loại khác vẫn đang hình thành và chưa xong xuôi. Tuy nhiên, ở tiểu
thuyết, các khả năng tổng hợp và năng động lớn hơn.
1.2. Vài nét về Phan Tứ và tác phẩm “ Mẫn và Tôi”
1.2.1. Về tác giả Phan Tứ
1.2.1.1. Thân thế, gia đình
Phan tứ tên thật là Lê Khâm, khi sáng tác ông có hai bút danh là Phan Tứ, Lê
Khâm. Ông sinh ngày 20/12/1930, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), quê gốc ở
xã Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam. Lê Khâm là một trong số nhà văn mà Cách
mạng Việt Nam đã sản sinh và nuôi dưỡng. Lớn lên từ trong dòng sữa ấy, tài năng
và những đóng góp của cây bút này gắn liền với quá trình phát triển của công cuộc
giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Với Lê Khâm, viết văn không chỉ là sự bộc
lộ tình cảm, niềm say mê văn chương mà còn là sự thể nghiệm những nhận thức,
suy nghĩ, trăn trở, như tìm câu trả lời cho những vấn đề cấp bách của cuộc sống
đang đặt ra cho chính mình và rộng hơn cho cả dân tộc. Mặt khác, cũng từ cuộc
chiến đấu này, Lê Khâm đã thu được những chất liệu vô giá và tôi luyện cho ngòi
bút ngày càng giàu thêm chất thép. Nói cách khác, viết văn với Lê Khâm, vừa là
một nhiệm vụ cách mạng, vừa là một hứng thú, một nhu cầu của cuộc sống bản
thân, một sự đền ơn, trả nghĩa.Thật xúc động biết bao khi đọc được những dòng tâm
sự của Lê Khâm: “ Đuổi theo cuộc sống mới, cứ băn khoăn chưa trả được bao
nhiêu món nợ trong quãng đời đã qua. Ngồi viết truyện cũ lại luôn bị những người
mới, việc mới vẫy gọi phía trước”.
Đúng vào tuổi mười lăm, cái tuổi mà Lê Khâm đang như “con ngựa non
thèm phóng nước đại” thì đã sớm đón nhận được ánh sáng còn lẻ loi của cách mạng
(tháng 4/1945) để hăng hái tham gia liên lạc Việt Minh bí mật, và sau tiếp tục làm
cán bộ thiếu nhi, làm tuyên truyền xung phong mật trận Đà Nẵng, rồi học trường lục
quân Trần Quốc Tuấn, làm trung đội phó xung kích ở Hạ Lào trợ chiến biên phòng,
trợ lý văn hóa đoàn 80 thuộc Bộ tổng tư lệnh…Tháng 8/ 1958 anh vào học trường
Đại học Tổng hợp, khoa Ngữ văn, đồng thời viết văn. Sau đây là các giai đoạn về
cuộc đời của ông:
Được kết nạp Đảng vào ngày 20-3-1950
Ngày vào Hội Nhà văn: 28- 11- 1980, ông từng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn
Đại học Tổng hợp Hà Nội (1961)
Tháng 4-1945 đến tháng 8-1945: Tham gia làm liên lạc cho Việt minh huyện
Quế Sơn, Quảng Nam.
Tháng 8-1945 đến tháng 5-1950: là cán bộ thiếu nhi Hiệu đoàn Thanh niên
cứu quốc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh.
Ngày 15-5-1950 nhập ngũ tại Hà Tĩnh, học trường Lục quân (Thanh Hóa) 18
tháng, chiến đấu tại Lào trong quân tình nguyện Việt Nam, tập kết ra Bắc tháng 111954.
Tháng 8-1958 đến 1961 chuyển ngành học khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp
Hà Nội.
Tháng 5-1961: đi B, cán bộ văn nghệ thuộc ban tuyên huấn Khu ủy Khu V,
viết báo và truyện ngắn, tham gia phát động quần chúng ở cơ sở, Huyện ủy viên.
Tháng 6-1966: Ra Bắc điều trị, công tác đối ngoại, theo dõi văn nghệ Miền
Nam, Quyền Tổng biên tập Nhà Xuất bản Giải phóng, bồi dưỡng các nhà văn trẻ.
Tháng 12-1974: Đi B lần 2, tham gia chiến dịch Tổng tiến công 1975 và đi
thực tế các tỉnh Nam Bộ.
Tháng 5-1975 đến tháng 12-1980: Phụ trách chuyên môn Trại sáng tác văn
học quân khu V, Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn từ cuối năm 1975, Ủy viên
Ban Thư ký hội Nhà văn từ năm1983 đến 1989, kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Văn học
Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng năm 1978 đến 1988. Đại biểu Quốc hội khóa
VIII.
Từ năm 1993 đến tháng 4-1995: chữa bệnh do hậu quả chất độc màu da cam,
tiếp tục hoàn thành bộ tiểu thuyết Người cùng quê.
Phan Tứ từ trần ngày 17/4/1995, an táng tại nghĩa trang gia đình xã Hòa Hải,
quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra ông còn được nhà nước tặng
nhiều huân chương cao quý:
Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất.
Huân chương kháng chiến chống Mĩ hạng nhất.
Huân chương quyết thắng hạng nhất.
Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng
Huân chương độc lập hạng ba
Huy chương anh dũng chống Pháp.
Nước Lào tặng: Huân chương chiến thắng hạng nhất
1.2.1.2.
Sự nghệp văn chương
Những tác phẩm đã xuất bản :
Bên kia biên giới: Tiểu thuyết, 1958, 1978
Trước giờ nỗ súng: Tiểu thuyết, 1960, 1961, 1969, 1976, 1977.
Về làng: Tập truyện, 1964, 1976.
Gia đình má bảy: Tiểu thuyết, 1968, 1971, 1972, 1975, 1984.
Măng mọc trong lửa: Bút kí, 1972, 1977.
Mẫn và Tôi: Tiểu thuyết, 1972, 1975, 1978, 1987, 1995, 1999.
Trại S.T.18: Tiểu thuyết, 1974.
Trong mưa núi: Hồi kí, 1984, 1985.
Người cùng quê: Tiểu thuyết
Tập 1:1985, 1995
Tập 2: 1995
Tập 3( quyển 1+ quyển 2), 1996.
Dịch Sông Hằng mẹ tôi, văn học Ấn Độ 1984, 1985.
Ngoài ra còn có một số truyện ngắn, bút kí, hồi kí in trong các cuốn truyện nhiều
tác giả.
1.2.1.3. Các giải thưởng văn chương
Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu.
Giải thưởng văn học 30 năm (1945- 1975) của Quảng Nam – Đà Nẵng.
Giải A mười năm (1975- 1985) của Quảng Nam- Đà Nẵng.
Giải A mười năm (1985- 1995) của Quảng Nam- Đà Nẵng.
Người cùng quê- Thưởng sách hay năm 1995 của Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000
1.2.2. Vài nét về tác phẩm “ Mẫn và Tôi”
1.2.2.1. Hoàn cảnh ra đời, bối cảnh lịch sử của tác phẩm
Rời miền Nam từ năm 19 tuổi, gần suốt thời kì kháng chiến sống ở
nước bạn, niềm thương nhớ xứ sở, quê hương ở Lê Khâm càng trở nên da
diết, nóng bỏng, không nguôi. Nhất là trong lúc miền Nam đang có chiến sự,
anh càng cảm thấy thôi thúc cần phải trở về để vừa cầm súng, cầm bút ở quê
nhà. Anh xin đi B, và đến tháng 6/1961 anh là nhà văn đầu tiên lên đường.
Từng là bộ đội anh sẵn sàng làm bất cứ việc gì, ở bất cứ đâu, anh làm rẫy 7
tháng liền, đi thực tế trong vùng giải phóng, tham gia phát động quần chúng
ở đồng bằng…lúc đi với bộ đội về xã, khi tới những nơi sắp nỗi dậy đồng
khởi, rồi anh làm phóng viên báo Cờ giải phóng. Cuộc chiến ác liệt, trong
lòng cũng ngại dễ hi sinh nên anh tranh thủ viết những cái mình đã tích lũy
được, nhỡ “có gì” còn để lại cho đời được chút ít. Anh chui vào kho lúa ở
vùng giáp ranh để viết. Cuộc sống vất vã, gian lao, có lúc “kiệt sức đến mức
đứng lên lại ngồi xuống, hai mắt cá đau nhức như xương ống chân mọc gai
nhọn đâm hút vào hai bàn chân. Vẫn phải đi kiếm cũi, lấy nước…”.Rồi “có
hôm hụt gạo, cả ngày chỉ được một nắm bằng quả cam, chúng tôi rẽ vào
rừng chặt cây chuối vác theo, đến tối thái ra chén sạch” (Trong mưa núi).
Hoàn cảnh khó khăn đến mấy nhà văn vẫn tranh thủ viết ra được nhiều tác
phẩm phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu sôi nổi của quân và dân miền Nam
như Về làng, Gia đình má bảy và đặc biệt là cuốn tiểu thuyết giá trị Mẫn và
tôi. Sau khi Gia đình má bảy được đánh giá cao, Phan Tứ càng phấn chấn
viết cuốn nữa, bởi trong anh còn lưu giữ đầy ắp chất liệu chiến đấu cuộc sống
miền Nam (do chấn thương cột sống và bị thương từ tháng 6/ 1966) thế là
giữa năm 1969, Phan Tứ mới dạp dạp khởi thảo, đến năm 1971 thì thật sự bắt
tay vào viết Mẫn và tôi. Trong tác phẩm phạm vi hiện thực ngày càng đi sâu
hơn qua việc đặc biệt nhà văn quan tâm miêu tả tầng lớp cán bộ, nồng cốt của
phong trào. Nếu như Về làng, hình ảnh người cán bộ còn chưa đậm nét, thì
tới Gia đình má bảy đã sâu sắc, sinh động hơn. Nhưng, phải đến Mẫn và tôi,
Phan Tứ mới có những đóng góp xuất sắc về mặt này. Giữa cái biển cả quần
chúng đang bừng bừng khí thế của “cuộc nỗi dậy của lòng yêu nước và
những mối thù chưa trả” thì ngòi bút của nhà văn đã nhằm khắc sâu hình ảnh