Tính hiện thực trong “gulliver du kí” của jonathan swift

  • pdf
  • 74 trang
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN
----------

PHAN HỒNG ĐIỆP

TÍNH HIỆN THỰC TRONG “GULLIVER DU KÍ”
CỦA JONATHAN SWIFT


Luận văn tốt nghiệp Đại học
Ngành Ngữ Văn



Cán bộ hướng dẫn: ThS. TRƯƠNG THỊ KIM PHƯỢNG

Cần Thơ, năm 2012

1

LỜI CẢM ƠN

Trải qua bốn năm học tập và rèn luyện dưới mái trường Đại học Cần Thơ,
người viết đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, dìu dắt và truyền thụ kiến thức của quý
thầy cô. Đó là hành trang quý báu giúp người viết vững vàng bước vào đời.
Người viết đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp của mình và đã tích lũy được
nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, làm hành
trang cho việc học tập và làm việc sau này. Tất cả đều nhờ vào sự hướng dẫn tận tình
của quý thầy cô. Người viết xin gửi lời tri ân đến quý thầy cô đã tạo điều kiện thuận
lợi cho người viết thực hiện tốt luận văn này. Đặc biệt, người viết xin gửi lời cảm ơn
chân thành đến cô Trương Thị Kim Phượng, người đã tận tụy, nhiệt tình, trực tiếp
hướng dẫn người viết trong suốt quá trình thực hiện luận văn. Cảm ơn gia đình, bạn bè
đã động viên, giúp đỡ người viết trong suốt thời gian qua.

2

ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích, yêu cầu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY THẾ KỈ XVIII, TÁC GIẢ JONATHAN
SWIFT VÀ TÁC PHẨM GULLIVER DU KÍ
1.1 Văn học phương Tây thế kỉ XVIII- Văn học Ánh sáng
1.1.1 Tình hình thế giới
1.1.2 Tình hình nước Anh
1.1.2.1 Tình hình chính trị- xã hội
1.1.2.2 Tình hình văn học
1.2 Tác giả Jonathan Swift
1.2.1 Đôi nét về cuộc đời
1.2.2 Sự nghiệp sáng tác
1.3 Tác phẩm Gulliver du kí
Chương 2: NỘI DUNG TÍNH HIỆN THỰC TRONG GULLIVER DU KÍ CỦA
JONATHAN SWIFT
2.1 Giới thuyết chung về tính hiện thực
2.1.1 Khái niệm tính hiện thực trong văn học
2.1.2 Biểu hiện tính hiện thực trong văn học
2.2 Nội dung tính hiện thực trong Gulliver du kí của Jonathan Swift
2.2.1 Gulliver du kí- bức tranh sinh động về triều đình nước Anh thế kỉ XVIII

3

2.2.1.1 Những rối ren trong nội bộ giai cấp thống trị và những tranh chấp giữa các
đảng phái, tôn giáo
2.2.1.2 Những chính sách cai trị của nhà vua nước Anh đương thời
2.2.2 Phản ánh chân thực cuộc sống con người
2.2.2.1 Chỉ trích, mỉa mai thứ khoa học giả hiệu, tách rời cuộc sống
2.2.2.2 Phê phán, đả kích lối sống tham vọng, giả dối
2.2.3 Ước mơ về một xã hội lí tưởng
Chương 3: NHỮNG ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT GÓP PHẦN THỂ HIỆN TÍNH
HIỆN THỰC TRONG GULLIVER DU KÍ CỦA JONATHAN SWIFT
3.1 Kết cấu
3.2 Bút pháp huyễn hoặc phi thường
3.3 Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.4 Yếu tố hài hước
3.5 Thể loại kí
3.6 Thủ pháp gián cách
PHẦN KẾT LUẬN

TÀI LIỆU THAM KHẢO
MỤC LỤC
NHẬN XÉT CỦA CÁN BỘ HƯỚNG DẪN
NHẬN XÉT CỦA CÁN BỘ PHẢN BIỆN

4

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nghệ thuật là những gì tinh túy, là hương nhụy trong mát và ngọt lành của tâm
hồn con người. Văn học chính là một trong những hình thái nghệ thuật sinh trưởng từ
tâm hồn, từ trái tim của mỗi chúng ta. Chắt lọc từ cuộc sống biết bao sự kiện, bao
thăng trầm đổi thay để có một cái gì của riêng tâm hồn mình, các nhà văn, nhà thơ đã
gửi gắm những nỗi niềm rất riêng từ những cái chung vào các tác phẩm văn học. Văn
học bắt nguồn từ cuộc sống và phản ánh hiện thực cuộc sống. Đó là cả một dòng sông
chở nặng phù sa, chảy qua tâm hồn và bồi đắp cho tâm hồn con người biết bao tình
cảm, biết bao nghĩ suy, ước mơ cao đẹp. Trên lớp phù sa màu mỡ ấy, cây đời mãi mãi
xanh tươi.
Ngay từ khi còn học ở mái trường Trung học, người viết đã được làm quen với
những tác phẩm văn học nước ngoài như: Chiếc lá cuối cùng (Ơ. Henry), Thư gửi mẹ
(Êxênhin), Một con người ra đời (M. Gorki)... Đến khi bước chân vào giảng đường
Đại học, người viết lại có dịp tiếp xúc và tìm hiểu sâu hơn các tác phẩm văn học
phương Tây, văn học Mĩ latinh, văn học Nga, văn học Ấn Độ- Nhật Bản… Qua sự
giảng dạy nhiệt tình của các thầy cô đã giúp người viết hiểu hơn, yêu hơn các tác phẩm
văn chương thế giới và điều đó đã không ngừng thôi thúc người viết khám phá, mạnh
dạn nghiên cứu về mảng văn học mà mình yêu thích.
Văn học phương Tây, đặc biệt là văn học Anh đã có những đóng góp và để lại
dấu ấn trong nền văn học thế giới với nhiều tác giả và tác phẩm tiêu biểu. Vì thế khi
tiếp nhận nền văn học thế giới và đã được đọc tác phẩm Gulliver du kí của Jonathan
Swift, người viết đã bị cuốn hút bởi một lối văn hài hước, dí dỏm. Mỗi câu chuyện,
mỗi hành động của nhân vật đều khiến người đọc bật cười nhưng đằng sau tiếng cười
ấy người viết cảm nhận được cả tư tưởng lớn lao mà tác giả muốn gửi gắm trong tác
phẩm. Với luận văn tốt nghiệp ra trường, người viết chọn đề tài “Tính hiện thực trong
Gulliver du kí của Jonathan Swift”, bởi lẽ đây là một tác phẩm đặc sắc và mang lại
cho người viết những cảm nhận, những khám phá mới mẽ. Đây là một đề tài hoàn toàn
mới đối với người viết, nhưng tin rằng với niềm đam mê tìm tòi khám phá cùng với sự
hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của thầy cô và các bạn, người viết có thể hoàn thành tốt
5

luận văn của mình. Gulliver du kí là cuốn sách được cả thế giới đọc trong mấy thế kỷ
qua và đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng, do vậy cũng sẽ có nhiều công trình
nghiên cứu bàn về vấn đề này. Với tư cách là người tiếp nhận và nghiên cứu tác phẩm,
người viết mong muốn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và
học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, làm hành trang cho việc học tập và làm việc sau
này. Đồng thời người viết mong rằng có thể đóng góp một phần nào đó vào việc tìm
hiểu tác phẩm một cách thấu đáo hơn, đóng vai trò là người đặt viên gạch tiếp theo tạo
nền móng cho các công trình nghiên cứu về sau được phong phú hơn.

2. Lịch sử vấn đề
Nói đến văn học Anh thế kỉ XVIII phải kể đến nhà văn Daniel Defoe. Tên tuổi
và tác phẩm của Daniel Defoe giữ một vị trí quan trọng trong giai đoạn này. Ông được
đánh giá là một trong những người đã sáng lập ra nền tiểu thuyết của Anh và cả Châu
Âu. Cùng với Daniel Defoe, văn học Anh thế kỉ XVIII còn nổi bật tên tuổi của Xuyp
(Jonathan Swift- 1667- 1745), ông được mệnh danh là nhà văn “châm biếm” nhất của
thời đại. “Nghĩ đến Xuyp là nghĩ đến sự điêu tàn của đế quốc rộng lớn” (Thackeray).
Nhận định của Thackeray đã cho ta thấy được vị thế to lớn của của Swift đối với nền
văn học Anh nói riêng và văn học thế giới nói chung. Gulliver du kí đã làm rạng rỡ tên
tuổi Swift và đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn học thế giới.
Gulliver du kí ra đời năm 1726 và nhanh chóng được bạn đọc trong và ngoài
nước đón đọc một cách nồng nhiệt. Và khi đến Việt Nam, tác phẩm này cũng dành
được sự ưu ái đó. Do có chiều dày lịch sử nên tác phẩm cũng được nhiều nhà khoa học
nghiên cứu quan tâm. Mỗi bài viết của các nhà nghiên cứu khoa học giúp cho ta có cái
nhìn tổng quan hơn về tác phẩm. Sau đây, người viết xin dẫn ra một số công trình
nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Việt Nam về Swift và tác phẩm nổi tiếng Gulliver
du kí gắn liền với tên tuổi của ông.
Trước tiên, tác giả Nguyễn Thành Thống trong quyển “Lịch sử văn học Anh
trích yếu”, Nhà xuất bản Trẻ năm 1997 khi đề cập đến tác phẩm Gulliver du kí có
nhận định: “Gulliver’s Travels (1726), vừa là một câu chuyện dành cho trẻ con, vừa là
một bài văn châm biếm dữ dội nhân loại” [21; tr. 196]. Việc trình bày ý kiến này
nhằm khẳng định Gulliver du kí đã làm rạng rỡ tên tuổi của Swift bởi giá trị tố cáo
hiện thực và châm biếm sâu sắc của nó.
6

Tiếp đến, trong quyển “Lịch sử văn học phương Tây tập 1” (Nhiều tác giả),
Nhà xuất bản Giáo dục năm 1979 có viết: “Vôn-te gọi Xuyp là Ra-bơ-le của nước Anh.
Giọng văn hài hước châm biếm của ông càng sắc bén hơn trong tác phẩm Gơ-li-vơ du
kí. Đó là tác phẩm tiêu biểu nhất, và cũng là tác phẩm có ý nghĩa phê phán xã hội gay
gắt nhất trong sự nghiệp sáng tác của Xuyp, “một quyển sách chiến đấu” nói như Rôbe Méc-lơ” [16; tr. 202]. Nhận định trên đã cho thấy tài năng của Swift và những giá
trị, đóng góp to lớn của Gulliver du kí trong văn đàn văn học thế giới. Gulliver du kí là
cuốn sách chiến đấu. Nó chống lại những kẻ thống trị là giai cấp phong kiến và tư sản
xấu xa, tàn ác, phản kháng chế độ xã hội bất công, ca ngợi lòng khoan dung và chủ
nghĩa nhân đạo.
Trong bản dịch “Gulliver du kí”, Nhà xuất bản văn học DONGA, dịch giả Đỗ
Đức Hiểu có giới thiệu đôi nét về tác phẩm cũng như sức hấp dẫn của nó đối với độc
giả: “Ngay từ khi ra đời, Gulliver du kí đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Trong
một bức thư gửi cho tác giả, thi sĩ người Anh nổi tiếng John Gay đã viết: “Đâu đâu
người ta cũng đọc tác phẩm này, từ hội đồng chính phủ cho tới các nhà trẻ”. Và kể từ
đó đến nay, Gulliver du kí chưa bao giờ ngừng tái bản” [10; tr. bìa].
Dịch giả Nguyễn Văn Sĩ trong bản dịch “Galivơ du ký”, Nhà xuất bản văn học
Hà Nội 2001, một lần nữa khẳng định sức ảnh hưởng của tác phẩm đối với độc giả ở
mọi lứa tuổi: “Không ai đọc Những cuộc phiêu lưu của Gulivơ dù ở lứa tuổi nào, mà
không soi lại mình và thấy rõ nhiều cái xấu nhà văn nói đến vẫn có ẩn nấp trong
người mình” [20; tr. 9].
Ngoài những công trình trên còn có một số công trình nghiên cứu khác của các
sinh viên trường Đại Học Cần Thơ có liên quan đến Swift và tác phẩm Gulliver du kí
của ông. Sinh viên Nguyễn Thị Trường Giang với đề tài “Chất Umua trong tác phẩm
Gulliver du kí của Jonathan Swift”, luận văn tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn, Cần
Thơ 5- 2001. Ở đề tài này, sinh viên Nguyễn Thị Trường Giang chủ yếu khai thác
những biểu hiện và giá trị của chất “Umua” hay còn gọi là hài hước được thể hiện qua
tác phẩm. Đồng thời cũng đã đề cập đến phần nào giá trị hiện thực trong tác phẩm
được biểu hiện qua tiếng cười nhẹ nhàng, thâm thúy.
Luận văn nghiên cứu gần đây nhất về “Yếu tố kì ảo trong Gulliver du kí của
Jonathan Swift” là của sinh viên Dư Trần Thanh Nhã, luận văn tốt nghiệp ngành Ngữ

7

văn, Cần Thơ 5- 2011, cũng cho thấy được nội dung phê phán, phản ánh hiện thực của
Gulliver du kí thông qua yếu tố kì ảo được thể hiện trong tác phẩm.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đều đánh giá cao tài năng và những
đóng góp của Swift thể hiện trong Gulliver du kí. Có thể nói, vấn đề tính hiện thực
trong Gulliver du kí của Jonathan Swift không phải là vấn đề hoàn toàn mới mẽ, các
nhà nghiên cứu cũng đã đề cập đến nhưng theo ý kiến chủ quan và vốn hiểu biết còn
hạn hẹp, người viết nhận thấy, hầu hết đó chỉ là những nhận định mang tính khái quát
chứ chưa có công trình nào đi vào nghiên cứu chuyên sâu về đề tài này. Do vậy, trong
quá trình nghiên cứu, người viết còn rất hạn chế về mặt tài liệu tham khảo. Tuy nhiên,
những ý kiến được trích từ các công trình nghiên cứu trên đây là những tư liệu hết sức
quý báu, những gợi ý quan trọng giúp cho người viết có hướng đi đúng đắn để hoàn
thành tốt đề tài nghiên cứu “Tính hiện thực trong Gulliver du kí của Jonathan Swift”.

3. Mục đích, yêu cầu
Đề tài “Tính hiện thực trong Gulliver du kí của Jonathan Swift” đã đặt ra cho
người viết những mục đích, yêu cầu sau:
- Trước hết, người viết bước đầu tìm hiểu những vấn đề về tình hình văn học
Anh thế kỉ XVIII, về tác giả Jonathan Swift cũng như tác phẩm Gulliver du kí. Để từ
đó thấy được sự tác động của hiện thực xã hội đến quan điểm sáng tác của nhà văn,
đồng thời tạo điều kiện giúp người viết hiểu và lí giải sâu sắc hơn tác phẩm Gulliver
du kí để hoàn thành tốt đề tài.
- Tiếp theo, người viết tìm hiểu giới thuyết về tính hiện thực. Từ cơ sở lí luận
đó, người viết đi vào nghiên cứu vấn đề trọng tâm mà đề tài đặt ra để thấy được tính
hiện thực được thể hiện trong tác phẩm.
- Cuối cùng người viết đi vào nghiên cứu những đóng góp nghệ thuật góp phần
thể hiện tính hiện thực trong Gulliver du kí của Swift để khẳng định những thành công
về nghệ thuật của tác phẩm.
Việc nghiên cứu đề tài “Tính hiện thực trong Gulliver du kí của Jonathan
Swift” đã mang lại nhiều say mê, hứng thú cho người viết. Do vậy, trong quá trình tiến
hành, người viết luôn có những tìm tòi, phát hiện mới để bổ sung và làm phong phú
hơn cho đề tài nghiên cứu của mình. Đồng thời, qua quá trình nghiên cứu, người viết
cũng có điều kiện để tích lũy thêm kiến thức, rút ra những bài học bổ ích cho bản thân.
8

Đặc biệt đó là điều kiện để người viết rèn luyện, bồi dưỡng và nâng cao kĩ năng phân
tích, so sánh, tổng hợp, đánh giá và còn cả những kĩ năng khoa học trong việc nghiên
cứu một vấn đề.

4. Phạm vi nghiên cứu
Gulliver du kí đã khẳng định vị trí của Swift trên văn đàn văn học thế giới và
xứng đáng là một tác phẩm nổi tiếng sống mãi với thời gian.
Do khả năng còn hạn chế về mặt khách quan và chủ quan, người viết chưa có
điều kiện tiếp cận và tìm hiểu hết về tác giả Jonathan Swift cũng như toàn bộ sự
nghiệp sáng tác của ông, mà chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu tác phẩm Gulliver du kí và
phạm vi nghiên cứu là “Tính hiện thực trong Gulliver du kí của Jonathan Swift”. Để
thực hiện đề tài nghiên cứu này, người viết tập trung vào tư liệu quan trọng nhất đó là
tác phẩm Gulliver du kí qua hai bản dịch của Đỗ Đức Hiểu, Nhà xuất bản văn học
DONGA 2011 và của Nguyễn Văn Sĩ, Nhà xuất bản văn học Hà Nội 2001. Ngoài ra,
người viết còn sử dụng một số tư liệu có liên quan để góp phần hỗ trợ cho việc triển
khai vấn đề, những tư liệu này sẽ được đề cập đến trong mục tài liệu tham khảo ở cuối
luận văn.
Với đề tài và phạm vi nghiên cứu giới hạn, người viết hi vọng có thể góp phần
làm sáng tỏ vấn đề luận văn nghiên cứu về tính hiện thực trong tác phẩm Gulliver du
kí của Swift, qua đó đóng góp cho những hướng nghiên cứu tiếp theo được phong phú
hơn.

5. Phương pháp nghiên cứu
Bất kì công trình nghiên cứu khoa học nào, người viết cũng cần đặt ra cho mình
phương pháp nghiên cứu cụ thể. Với đề tài “Tính hiện thực trong Gulliver du kí của
Jonathan Swift”, người viết vận dụng linh hoạt, phối hợp một số phương pháp nghiên
cứu khác nhau.
- Trước hết, người viết khảo sát văn bản cụ thể, tìm đọc tất cả các tài liệu có
liên quan đến đề tài. Sau đó, lập thư mục tài liệu tham khảo rồi lập đề cương tổng quát,
từ đó xây dựng đề cương chi tiết.

9

- Tiếp theo, người viết vận dụng và phối hợp các phương pháp như: phân tích,
tổng hợp, chứng minh, so sánh, dùng lập luận và dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ vấn
đề… Và tùy theo nội dung từng phần mà người viết có sự vận dụng linh hoạt, phù hợp.
Đây là công việc đòi hỏi tính khoa học và chính xác cao, do vậy người viết cần
chuyên tâm suy nghĩ, nghiền ngẫm vấn đề cho thật kĩ, không ngừng học hỏi, thường
xuyên trao đổi và tham khảo ý kiến của giảng viên hướng dẫn. Sự giúp đỡ nhiệt tình
của giảng viên hướng dẫn đóng vai trò quan trọng giúp người viết thực hiện tốt đề tài
nghiên cứu này.

10

PHẦN NỘI DUNG

Chương 1: VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY THẾ KỈ XVIII, TÁC GIẢ
JONATHAN SWIFT VÀ TÁC PHẨM GULLIVER DU KÍ
1.1 Văn học phương Tây thế kỉ XVIII- Văn học Ánh sáng
1.1.1 Tình hình thế giới
Thế kỉ XVIII đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong quá trình phát
triển của các nước phương Tây. Nó tồn tại trong lịch sử với cái tên đẹp: thế kỉ Ánh
sáng. Văn học ánh sáng châu Âu đã đóng góp cho đời nhiều cây bút tên tuổi như
Defoe, Swift, Montesquieu, Voltaire, J. J. Rousseau, Diderot, Schiller, Goethe …
Chế độ phong kiến tồn tại ở Phương Tây trong một thời gian dài, cho đến thế kỉ
XVIII đã trở thành một chướng ngại cho sự phát triển của xã hội. Giai cấp tư sản lớn
mạnh dần và mâu thuẩn giữa tư sản với phong kiến ngày càng gay gắt. Vấn đề đặt ra là
thanh toán một cơ cấu xã hội đã lỗi thời. Nhiệm vụ ấy về cơ bản được xem như giải
quyết trong thế kỉ XVIII.
Tuy nhiên, do sự phát triển không đồng đều giữa các nước về các mặt kinh tế,
chính trị, xã hội, nên thế kỉ XVIII ở các nước Tây Âu vẽ ra một cảnh tượng khá phức
tạp. Thế kỉ XVIII ở Anh là thời kì cách mạng đã lùi xa vào quá khứ, giai cấp tư sản
từng bước thỏa hiệp với giai cấp quý tộc. Ở Pháp là điểm chín muồi của cách mạng,
thế kỉ của niên đại 1789 gắn với sự sụp đổ của ngai vàng- biểu tượng của chế độ phong
kiến. Ở Đức là bức tranh của đất nước còn ngập chìm trong chế độ phong kiến cát cứ.
Tính chất mỗi nước không giống nhau, nhưng phương Tây của thế kỉ XVIII vẫn mang
một nét nổi bật chung: Thời kì diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt chống phong kiến. Do
đó, cuộc cách mạng Pháp 1789 không phải chỉ là riêng của Pháp mà có ý nghĩa và giá
trị như hồi chuông báo tử cho chế độ phong kiến trên phạm vi toàn châu Âu. Không
phải ngẫu nhiên có thể gọi thế kỉ XVIII ở phương Tây là thế kỉ của cách mạng 1789.
Chế độ phong kiến kết hợp với chính sách ngu dân của giáo hội đã kìm hãm
con người trong vòng ngu tối. Các triết gia, các nhà tư tưởng, nhà văn của thế kỉ XVIII
đã dấy lên phong trào đề cao lý trí, dùng ánh sáng của lý trí để xua tan bóng tối, soi tỏ
11

chân lí, giải phóng tư tưởng, mở mang trí tuệ cho con người, tạo điều kiện cho họ tiếp
xúc với văn hóa, khoa học, kỉ thuật. Ánh sáng của lý trí soi khắp các lĩnh vực chính trị,
tôn giáo, nghệ thuật, giáo dục, triết học, pháp luật . . . và trở thành một vũ khí chống
phong kiến sắc bén. Công trình đồ sộ Bách khoa toàn thư do Diderot lãnh đạo việc
biên soạn là một biểu hiện tập trung của phong trào. Do đó mà xuất hiện thuật ngữ Ánh
sáng. Ăngghen đánh giá các nhà văn Pháp thế kỉ XVIII là: Những vĩ nhân soi sáng đầu
óc con người để chuẩn bị cho cuộc cách mạng sắp bùng nổ.
Thuật ngữ Ánh sáng chỉ vai trò tiến bộ lịch sử của giai cấp tư sản so với chế độ
phong kiến già cổi, gợi lên sự so sánh giữa ánh sáng và bóng tối. Nó cũng nêu bật ý
nghĩa tiến bộ của phong trào tư tưởng và của nền văn học Ánh sáng thế kỉ XVIII.
Thuật ngữ ấy, dưới con mắt chúng ta ngày nay, còn gợi lên tính chất hạn chế tư sản, vì
không thể hiểu Ánh sáng thuần túy theo nghĩa rộng, mà đây là một khái niệm mang nội
dung cụ thể lịch sử gắn liền với một giai cấp trong thời kì nhất định. Ăngghen viết:
“Ngày nay chúng ta đều biết rằng sự thống trị của lí tính ấy chẳng qua là sự thống trị lí
tưởng hóa của giai cấp tư sản; rằng công lí vĩnh cửu đã được thực hiện trong nền tư
pháp tư sản; rằng bình đẳng rút cục lại là bình đẳng tư sản trước pháp luật; rằng một
trong những quyền chủ yếu của con người đã được ban bố: … là quyền sở hữu tư sản;
rằng Nhà nước hợp với lí tính, Khế ước xã hội của Ruxô chỉ ra đời và chỉ có thể ra đời
dưới hình thức một nền cộng hòa tư sản. Những nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỉ XVIII,
cũng không hơn gì những tiền bối của họ, nghĩa là không thể vượt qua được những
giới hạn mà thời đại riêng của họ đã quy định”.
Văn học phương Tây thế kỉ Ánh sáng mang những nét cơ bản chung, nhưng do
tình hình phát triển riêng ở từng nơi, nên văn học mỗi nước lại có những màu sắc riêng
biệt.

1.1.2 Tình hình nước Anh thế kỉ XVIII
Nước Anh trong thế kỉ XVIII có nhiều bước phát triển sớm hơn so với nhiều
nước Tây Âu khác như Ðức, Pháp. Ðiều đó đã để lại nhiều dấu ấn trong văn học Anh
thế kỉ XVIII.
Thời kì này, nước Anh không có nhiều cây đại thụ như ở Pháp, nhưng trên một
số lĩnh vực khác lại nảy nở những khía cạnh mới, có ảnh hưởng nhất định đến các
quốc gia khác.
12

Về lịch sử, đây là thời kì tích lũy tư bản chủ nghĩa ở Anh. Giai cấp tư sản ở
Anh ra đời sớm và đã lớn mạnh ngay từ thế kỉ XV, với nền sản xuất công nghiệp gây
ra nhiều đau khổ cho nông dân mất đất canh tác, vì phải làm đồng cỏ nuôi cừu.
Cách mạng tư sản Anh thắng lợi năm 1648 dưới vương triều Stuart. Nhưng chỉ
10 năm sau khi nền cộng hòa được thiết lập (1649), năm 1660 dòng họ Steward lại
quay về phục hồi chế độ phong kiến với sự lên ngôi của Charles II. Mãi đến năm 1668,
giai cấp tư sản Anh mới thắng lợi lần nữa, đưa Quận công Guillaume Dorange lên ngôi
vua, thành lập chế độ quân chủ lập hiến ở Anh.
Ðây là thời kì giai cấp tư sản Anh còn thể hiện được những nét tích cực của
một lực lượng xã hội tiến bộ trong việc đấu tranh chống phong kiến, đồng thời cũng
bộc lộ rõ các hạn chế của nó. Giai cấp tư sản Anh đã thỏa hiệp với chế độ phong kiến
và đưa đất nước đi lên theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Song song với tình trạng trì trệ về chính trị và sự phát triển kinh tế nhanh
chóng theo hướng tư bản chủ nghĩa. Kinh tế Anh phát triển với một bước ngoặc lớn
của sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ, nhưng cũng xuất hiện theo đó mối quan hệ
bóc lột tăng lên. Quần chúng lao động ngày càng bị bần cùng hóa.
Tình hình đặc biệt đó đã tác động rõ rệt đến văn học. Mặc dầu cách mạng tư sản
đã nổ ra ở Anh từ lâu, nhưng đến thời kì này tính chất chống phong kiến vẫn chưa lu
mờ trong đời sống văn học cũng như trong nhiều lĩnh vực hoạt động tinh thần khác của
đất nước, đặc biệt vào nữa đầu thế kỉ và gắn với tầng lớp tư sản tiến bộ. Mẫu người lí
tưởng nổi bật ta sẽ bắt gặp trong văn học Anh không phải là kiểu nhân vật “chiến sĩ”
phê phán, đập phá xã hội cũ như ở Pháp, mà lại là Rôbinxơn Cruxô, một “cá nhân
bình thường”, một con người thực tiễn, tháo vát, lạc giữa đảo hoang mà vẫn có thể xây
dựng được “cơ nghiệp” cho mình. Phần nhiều các tác phẩm ít được đề cập đến những
vấn đề chính trị xã hội rộng lớn, gay gắt mà hướng vào việc mô tả đời sống riêng tư
với các phong tục đạo đức của nó. Các nhà văn quan niệm rằng đề cập đến việc giáo
dục đạo đức con người trong cuộc sống bình thường là con đường tốt nhất tác động
đến đời sống xã hội của thời đại mình.
Mặt khác, do hoàn cảnh ra đời và phát triển sớm nên giai cấp tư sản Anh so với
giai cấp tư sản các nước khác cũng sớm bộc lộ những khía cạnh tiêu cực thuộc bản
chất giai cấp. Vì vậy, bên cạnh tính chất chống phong kiến nền văn học tiến bộ Anh
thế kỉ này còn có khuynh hướng phơi bày những mặt hạn chế của bản thân giai cấp tư
13

sản. Khuynh hướng ấy mới đầu xuất hiện lẻ tẻ, nhưng sang đến nửa sau thế kỉ thì càng
ngày càng trở nên rõ nét hơn.

1.1.2.1 Tình hình chính trị- xã hội
Vị vua cuối cùng của nhà Stuart, nữ hoàng Anne đã dùng ảnh hưởng của mình
để ủng hộ đảng Tories vì bà muốn con trai của James II (chết ở Pháp), là người Công
giáo, được gọi là The Pretender, làm người kế vị.
Quốc hội đã chống lại kế hoạch này và quyết định để nhà Hanover, Tin Lành,
kế nghiệp. Sau khi nữ hoàng Anne qua đời, Đảng Whings nắm quyền và giữ mãi cho
đến năm 1761.
Robert Walpole, làm thủ tướng từ năm 1721 đến 1742, thực thi quyền hành một
cách hiệu quả và Anh quốc trở thành một quốc gia hùng mạnh, chiếm Canada, Bengal
và thiết lập sự thống trị trên những thuộc địa Mỹ châu. Hơn 30 năm ổn định bắt đầu.
Những hậu quả gián tiếp của những cuộc cách mạng Mỹ và Pháp ở nước Anh:
Dư luận quần chúng tỏ ra tán thành những cuộc cách mạng ở Mỹ châu- tuy những
cuộc cách mạng đó chống lại “mẫu quốc”- nhưng lại không tán thành những cuộc cách
mạng ở Pháp.
*Ở giai đoạn này ghi nhận những biến đổi về trào lưu tư tưởng. Người ta phân
biệt ra ba giai đoạn chính:
- Bốn mươi năm đầu thế kỉ XVIII: bị thống lĩnh bởi khám phá của Newton (luật
hấp dẫn vũ trụ và những hậu quả của luật đó) và triết học của Locke (thuyết duy cảm).
- Giữa thế kỉ là ảnh hưởng của sự phục hưng tôn giáo với cảm hứng được khơi
dậy bởi Wesley- nhà sáng lập giáo phái Methodism.
- Cuối thế kỉ XVIII mang đậm nét cuộc cách mạng công nghiệp và lí thuyết
kinh tế “để muốn làm gì thì làm”. Nhà kinh tế học Adam Smith (1723-1790) trong
Wealth of Nations (1776), trình bày chủ nghĩa tự do kinh tế.
* Phong tục tập quán cũng có sự biến đổi rõ rệt:
- Đầu thế kỉ XVIII được đánh dấu bằng bạo lực đi kèm sự buông lỏng luân lí
đạo đức. Điều này đã được Hogarth (The Rake’s Progess) và Fielding ghi nhận một
cách chua chát và châm biếm.
- Sự phục hưng tôn giáo cũng như sự phân tầng giai cấp tư sản dẫn đến một sự
cải thiện và tiến bộ về ý thức xã hội vào giai đoạn giữa thế kỉ.
14

1.1.2.2 Tình hình văn học
Xã hội tác động đến những sáng tác văn học và ngược lại những tác phẩm văn
học cũng phản ánh trở lại xã hội đương đại. Tình hình văn học trong giai đoạn này
diễn ra khá phong phú và phức tạp:
* Tình hình văn xuôi rơi vào hai thái cực:
- Thanh lịch một cách tinh tế như Lord Chesterfield (1694-1773) và Horace
Walpole (1717-1797) với những Letters của họ.
- Đơn giản, không hoa mỹ và hiệu quả như nhật kí của John Wesley viết giữa
những năm 1735 và 1791 kể lại những cuộc chu du rao giảng tin mừng trên khắp miền
đất nước Anh.
* Tiểu thuyết ở thời kì này phát triển mạnh. Bên cạnh những tác giả tên tuổi thì
cũng phải kể đến những tiểu thuyết gia như:
- Smollet (1721-1771) với tác phẩm Thầy thuốc trên một con tàu cho chúng ta
thấy ở tiểu thuyết của ông những chi tiết hiện thực, nhất là cuộc sống ở biển.
- Goldsmith và Henry Mackenzie (1745-1831) khai thác loại tiểu thuyết tình
cảm đầy nước mắt. Goldsmith nổi tiếng với tiểu thyết The Vicar of Wakefield (1762),
Mackenzie với tác phẩm The Man in Feeling (1771). Ngoài ra, Fanny Burney (17521840) có viết một cuốn tiểu thuyết thuộc loại thư tín, cuốn Evelina (1778).
* Về sân khấu
- Có một sự biến chuyển nhưng không quan trọng lắm giữa hài kịch của thời
Trung Hưng và những hài kịch của Goldsmith và Sheridan.
- George Lillo (1693-1739) khai thác nguồn cảm hứng của hài kịch tình cảm
đầy nước mắt, đồng thời đưa vào đó những giá trị tư sản, ở đó tiền bạc giữ một vai trò
quyết định, đặc biệt trong tác phẩm The London Merchant (1731).
- John Gay đưa vào sân khấu yếu tố trào lộng với tác phẩm The Baggar’s Opera
(1728).
* Về thi ca
- Matthew Prior (1664-1721) trung thành với thơ trữ tình, dí dỏm, thường là
phóng đảng.
- Chủ nghĩa cổ điển do Dryden và Pope thiết lập đã nhanh chóng héo tàn.
Những đề tài tiền lãng mạn thay thế cho chủ nghĩa ấy.

15

1.2 Tác giả Jonathan Swift
1.2.1 Đôi nét về cuộc đời
Jonathan Swift (1667 – 1745), là một nhà văn châm biếm nổi tiếng của thời đại,
là một trong những nhân vật đầy bi kịch nhất nền văn chương Anh thế kỷ XVIII. Ông
sinh ngày 30 tháng 11 năm 1667 tại Hoey’ Court, Dublin, Ireland trong một gia đình
theo đạo Tin lành. Bố là một công chức, mất khi Swift chưa ra đời. Swift được chú dạy
dỗ và sau đó được học ở những trường tốt nhất Ai-len thời đó: đầu tiên là trường
Kilkenny, sau đó vào học khoa thần học ở trường Đại học Trinity năm 15 tuổi. Ngay ở
lứa tuổi này, ông đã chẳng thiết tha gì với tôn giáo và thần học. Học hành chểnh mảng,
cuối khóa, ông nhận được mảnh bằng của mình chỉ nhờ vào sự chiếu cố đặc biệt mà
nhà trường phát cho những sinh viên chưa đạt kết quả và không thể tiếp tục học thêm
được nữa. Năm 1688, Swift trở thành thư ký cho William Temple, một chính khách
kiêm nhà văn có tiếng tăm thời đó và cũng là một người bà con xa của ông. Việc làm
hằng ngày này với một ông chủ trí thức rất có ích lợi cho Swift, mặc dù ông thấy khó
chịu với địa vị của mình. Cũng trong thời gian này Swift có quen với cô học trò tên là
Esther Johnson, mà ông thường gọi là Stella và là người có liên hệ đến đời sống tình
cảm của ông.
Sir Temple có một tủ sách lớn chính vì thế Swift có cơ hội đọc nhiều và sự
nghiệp của ông cũng bắt đầu từ đấy. Chính vì để ủng hộ quan điểm của người bảo trợ
ông trong cuộc tranh cãi giữa phái Cựu và phái Tân được du nhập từ nước Pháp mà
ông đã viết tác phẩm đầu tay The Battle of the Books.
Năm 1694, Swift về ở Ireland để được thụ phong linh mục Anh giáo. Khi Sir
William Temple mất năm 1699, ông trở về quê hương và sống ở đó đến cuối đời,
nhưng ông vẫn thường xuyên đến Luân Đôn.
Đến năm 1771 ông đã viết được nhiều bài văn đả kích về tôn giáo và về chính
trị. Ban đầu ông có tình cảm với đảng Whings nhưng về sau lại đứng về phía đảng
Toris. Bài văn đả kích The Conduct of the Allies của ông đã góp phần làm sụp đổ
chính quyền của đảng Whings năm 1711.
Từ 1711 đến 1714, đảng Toris nắm chính quyền, ông quen thân với các bộ
trưởng Harley (bá tước của Oxfort) và St John (Bolingbroke), làm bạn với Pope và trở

16

thành nhân vật chính của nhóm “Wits”, Scriblerus Club mà các thành viên chính là
Pope, Gay, Arbuthnot.
Chính trong thời gian này, ông viết Journal to Stella, trong đó ông thổ lộ với
Esther Johnson những niềm vui, những nỗi thất vọng và những suy tư tỉnh ngộ của ông
về cách cư xử của con người trong thế giới chính trị. Những hy vọng tiến thân trong
Giáo hội Anh tan thành mây khói: năm 1713 ông trở thành chánh xứ nhà thờ chính tòa
Saint- Patrick ở Dublin trong khi đó ông đang giữ chức giám mục. Năm sau, nữ hoàng
Anne băng hà, đảng Toris đổ và Bolingbroke chạy trốn, tất cả những diễn biến ấy bắt
ông phải về ẩn náu ở Ireland cho đến khi chết.
Ba mươi năm cuối đời u tối vì một sự xung đột sâu kín giữa mối tình của ông
với Stella và mối tình ông dành cho Vanessa và vì chứng bệnh thần kinh dìm ông
trong sự thất vọng. Chính trong thời kì này, ông viết Những bài văn đả kích từ xứ
Ireland, trong đó ông tỏ ra là một nhà vô địch của chủ nghĩa quốc gia. Bệnh thần kinh
đã làm ông tàn tạ trong bốn năm cuối đời.
Swift mất ngày 19 tháng 10 năm 1745 ở Dublin.

1.2.2 Sự nghiệp sáng tác
Jonathan Swift đến với văn học không chỉ vì niềm say mê thực thụ. Trên những
trang viết của mình, ông còn thể hiện khuynh hướng chính trị, tấm lòng nhân đạo và
ước mơ xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Được mệnh danh là nhà văn châm biếm lớn
nhất của thời đại nên những tác phẩm trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác văn chương của
Swift đa số là những tác phẩm mang tính châm biếm, đả kích sâu sắc.
- Cuộc giao chiến của sách (The Battle of the Books) được viết năm 1697, in
năm 1704. Đây là một thiên tiểu luận đề cập đến “Cuộc tranh luận giữa phái Cũ và
phái Mới” diễn ra trong lĩnh vực văn học.
- Truyện cái thùng (A Tale of a Tub) là tác phẩm mang ý nghĩa biểu tượng,
châm biếm các giáo phái. Đó là một bài văn ẩn dụ miêu tả sự đối nghịch giữa ba anh
em: Peter (Giáo hội Công giáo Roma), Martin (Giáo hội Anh giáo) và Jack ( những
giáo phái li khai). Cả ba đều bóp méo di chúc của cha họ: không được sửa đổi y phục
đơn giản mà cha họ để lại, tức Kinh Thánh. Nhiều đoạn tán rộng ra ngoài khung cảnh
của một bài văn châm biếm về tôn giáo để trở thành một bài châm biếm tổng quát.

17

- Năm 1708 tác phẩm Sự tranh luận để chứng minh sự hủy bỏ đạo Cơ Đốc có
thể xuất hiện những bất tiện (An Argument to Prove that the Abolishing of Christianity
may be attended with some Inconveniences) ra đời. Đây là một bài văn châm biếm tôn
giáo vào loại xuất sắc.
- Năm 1708- 1709 viết Những tờ giấy Bickerstaff (The Bickerstaff Papers) :
Swift nhại những lời tiên đoán của Bickerstaff tiên đoán những sự kiện từng năm một,
với một nghệ thuật điêu luyện đến độ mọi người cho đó là một việc nghiêm chỉnh.
- Sự suy ngẫm trên cán chổi (A Meditation upon a Broom stick) viết năm 1710.
Bài văn châm biếm rất ngắn, chỉ gồm hai trang, nhưng hiệu quả và súc tích, văn phong
rõ ràng chính xác: “cái chổi” tượng trưng cho con người.
- Tác phẩm Cách xử sự của các đồng minh (1711), kêu gọi hòa bình với Pháp
có tác dụng đẩy dư luận lên án cuộc chiến tranh đó. Thời kì này ông còn viết Dự án tu
chính Anh ngữ (Proposal for correcting the English Tongue) và Nhật kí gửi Stella
(Journal To Stella). Tuy nhiên, Nhật kí gửi Stella không giúp độc giả hiểu rõ hơn mối
quan hệ giữa ông và cô học trò của mình mà lại là một tài liệu giúp hiểu thêm về
những hoạt động chính trị của nhà văn, về mối quan hệ giữa ông và các nhân vật có
tên tuổi lúc bấy giờ và về tình hình Luân Đôn những năm đầu thế kỉ XVIII.
- Dự án về việc sử dụng phổ biến sản phẩm công nghiệp Ailen (Proposal for the
Universal use of Irish Manufature) viết năm 1720 , kêu gọi nhân dân Ailen phát triển
công nghiệp riêng của nước mình và tẩy chay hàng hóa Anh.
- Năm 1724, Ông viết Những bức thư của người bán vải (The Drapier’s Letter):
tác phẩm phản ánh ít nhiều nguyện vọng của nhân dân Ailen muốn thoát khỏi tình
trạng lệ thuộc vào nước Anh.
- Năm 1726, Ông cho ra đời Gulliver du kí (Gulliver Travels) - tác phẩm đã đưa
tên tuổi của Swift tỏa sáng và chiếm vị trí quan trọng trong văn đàn Anh. Cuốn sách
vừa là câu chuyện dành cho trẻ em, vừa là bài văn châm biếm dữ dội của nhân loại,
đã đưa nhân vật chính, một nhà phẫu thuật, vào một loạt những cuộc du hành tưởng
tượng.
- Dự án đơn giản nhằm ngăn trẻ em con nhà nghèo ở Ailen trở thành gánh
nặng cho cha mẹ chúng (1729) : là tác phẩm nêu bật tình trạng nghèo đói của nhân dân
Ailen và vượt lên thành một bài văn châm biếm sâu sắc. Swift gợi ý một giải pháp cho
vấn đề nghèo khổ ở Ireland : trẻ con phải được vỗ béo để bị ăn thịt. Ngoài tính chất
18

mỉa mai ra, đây là một sự công kích chống chính sách của Giáo hội Anh giáo đã buộc
các tín đồ Tin lành thuộc những giáo phái li khai phải di cư, nhưng lại dung thứ cho
những người Công giáo vào cái thời mà sự trở lại của nhà Stuart (Công giáo) còn có
thể xảy ra.
- Năm 1738, Ông viết tác phẩm Cuộc nói chuyện lịch sử và đến 1745 viết tiếp
tác phẩm Lời chỉ bảo để phục vụ là bức tranh mỉa mai châm biếm những thói quen,
những tập tục trong đời sống.
Ngoài ra, Swift tham gia sôi nổi vào các hoạt động chính trị và trên lĩnh vực
báo chí. Ông hoạt động trong tờ Người quan sát (The Obserrator)- cơ quan ngôn luận
chính thức của đảng Toris. Viết một loạt bài báo phê phán cuộc đấu tranh giành thừa
kế ở Tây Ban Nha (1710-1713) và rất nhiều tác phẩm có tính chiến đấu cao.

1.3 Tác phẩm Gulliver du kí
Gulliver du kí hay Những cuộc phiêu lưu của Gulliver, Gulliver Phiêu lưu
kí (tiếng Anh: Gulliver's Travels) (viết năm 1726, chỉnh sửa năm 1735), tên chính thức
là Travels into Several Remote Nations of the World, in Four Parts. By Lemuel
Gulliver, First a Surgeon, and then a Captain of several Ships (Những cuộc phiêu
lưu đến một vài quốc gia xa xôi của thế giới, trong bốn phần. Bởi Lemuel Gulliver,
đầu tiên là một nhà giải phẫu, và sau là thuyền trưởng của một vài con tàu), là một
tiểu thuyết của Jonathan Swift, tác phẩm ra đời đúng vào thời điểm ông được hoan
nghênh nhiệt liệt ở Dublin sau tác phẩm Những bức thư của người bán vải (1724).
Tiểu thuyết được viết dưới dạng “du kí” thuật lại cuộc phiêu lưu của Gulliver đến các
xứ sở kì lạ do nhà văn tưởng tượng ra. Cuốn sách ra đời đã gần ba thế kỉ nhưng đến
nay vẫn được nhiều thế hệ độc giả yêu thích và tìm đọc.
Năm 2010, đạo diễn Rob Letterman đã chuyển thể Gilliver du kí thành bộ phim
hài đặc sắc mang tên “Chàng Gulliver du kí”. Tháng 1 năm 2011, bộ phim đã công
chiếu rộng rãi và nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả .
Nhân vật chính trong tác phẩm là bác sĩ Gulliver, nguyên làm nghề giải phẫu, vì
ham thích du lịch nên xin xuống làm việc tại một tàu buôn. Chàng gặp bão, đắm tàu,
một mình thoát chết và bơi được vào bờ biển nước Lilliput, xứ sở của giống người tí
hon. Gulliver bị bắt, giải vào nội địa, dần dần nhờ tính tình hiền hậu nên chinh phục
được thiện cảm của vua và được ưu đãi. Trong nước Lilliput lúc đó đang xảy ra mâu
19

thuẫn gay gắt giữa hai phái “Gót giày cao” và “Gót giày thấp” vì họ đi giày cao thấp
khác nhau. Nhà vua nghiêng về phía “Gót giày thấp”, nhưng thái tử hình như lại có
khuynh hướng thiên về phía “Gót giày cao”. Trong khi nội bộ đang có xâu xé thì lại
xảy ra chiến tranh giữa Lilliput với Blefuscu, nguyên nhân chỉ vì cuộc tranh cãi giữa
hai phái ăn trứng đập đầu to hay ăn trứng đập đầu nhỏ. Phái “Đập trứng đầu to” bị trục
xuất đã trốn sang Blefuscu và Blefuscu đang chuẩn bị kéo quân đánh Lilliput. Gulliver
giúp nhà vua chiếm được toàn bộ hạm đội của địch. Blefuscu phải cho xứ giả sang cầu
hòa. Nhưng chiến công của Gulliver làm lu mờ địa vị của nhiều quan chức tai to mặt
lớn trong triều đình Lilliput nên có lắm kẻ ghen ghét. Nhân một dịp Gulliver phóng
tiểu tiện để dập tắt đám cháy đang đe dọa thiêu hủy hoàn toàn cung điện, chàng bị kết
án trọng tội, phải trốn sang Blefuscu và từ nơi đây chàng đã trở về được quê hương.
Phần thứ hai là cuộc phiêu lưu của Gulliver đến xứ sở của những người khổng
lồ Brodingnag, ai cũng cao lớn như gác chuông nhà thờ. Ở đây, từ động vật đến cây
cỏ, tất cả đều có kích thước đồ sộ vượt xa trí tưởng tượng của Gulliver. Một người thợ
gặt bắt được chàng đang nấp dưới gốc khóm lúa, tưởng là con vật kỳ lạ liền đem nộp
chủ trại. Chủ trại đem chàng ra chợ làm trò mua vui cho thiên hạ để kiếm tiền rồi đưa
chàng lên Kinh đô tiếp tục ra mắt công chúng. Hoàng hậu vô cùng vui thích liền mua
Gulliver của chủ trại với giá rất cao. Hoàng hậu sai thợ đóng một “cái hộp” với đầy đủ
tiện nghi để làm phòng ở cho Gulliver. Chàng nhiều lần được hầu chuyện đức vua về
đủ các vấn đề chính trị, luật pháp, về nước Anh, về châu Âu, về Brodingnag. Chàng
cũng có lắm dịp được cho đi tham quan Kinh đô và cả những vùng xung quanh. Cuối
cùng, nhân một chuyến theo Vua và Hoàng hậu đi chơi vùng bờ biển, chàng bị chim
ưng gắp “cái hộp” mang đi, đánh rơi giữa biển. May mắn có chiếc tàu buôn đi ngang
cứu được Gulliver đưa trở về nước Anh.
Phần thứ ba: Gulliver phiêu lưu đến Laputa- một hòn đảo bay, nơi có các nhà sử
học, các nhà triết học, các nhà bác học chẳng khác gì những kẻ khờ dại, mất trí. Có
người tám năm trời ròng rã tìm cách tạo ra tia sáng mặt trời từ những quả bí; Có người
muốn dùng nước đá để điều chế thuốc súng... Tất cả đều chìm đắm trong suy tư nên xử
sự như những kẻ ngu ngốc trong đời sống thực tế. Gulliver rời Laputa sang đảo
Glơpđơpđrip, nơi trú ngụ của các thầy bói và các pháp sư chiêu hồn. Chàng gọi hồn
nhiều danh nhân thời cổ đại, qua đó biết được nhân loại đã bị lừa gạt bởi các nhà văn
dối trá và hư hỏng: Họ gán các chiến công hiển hách cho những kẻ hèn nhát, gán cho
20