Vấn đề phân định từ loại trong tiếng việt

  • pdf
  • 58 trang
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA SƯ PHẠM

BỘ MÔN SƯ PHẠM NGỮ VĂN

ĐỖ THỊ NGUYỆT ÁNH

VẤN ĐỀ PHÂN ĐỊNH TỪ LOẠI TRONG
TIẾNG VIỆT
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Sư phạm Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: NGUYỄN VĂN TƯ

Cần Thơ, 5/2010

1

Phần I: PHẦN MỞ ĐẦU

I. Lí do chọn đề tài:
Ngôn ngữ không phải là tiếng nói riêng của một cá nhân nào mà ngôn ngữ là tiếng nói
của cả một cộng đồng dân tộc. Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp trong đời sống hàng
ngày của con người, đóng vai trò cực kì quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển xã
hội hoặc một cộng đồng dân tộc. Ngôn ngữ được xem là một hệ thống tín hiệu đặc biệt.
Trong nhà trường, ngôn ngữ là một trong những môn học rất quan trọng trong chương
trình đào tạo từ bậc tiểu học cho đến bậc trung học. Nó cung cấp những kiến thức cơ bản
cho người học và rèn luyện kĩ năng giao tiếp, tạo lập văn bản, tiếp nhận văn bản…phục
vụ nhu cầu đời sống con người.
Đến nay, lĩnh vực ngôn ngữ được mở rộng và liên quan đến nhiều ngành khoa học ở
nhiều lĩnh vực khác nhau: văn học, sử học, triết học…Có thể nói ngôn ngữ là một lĩnh
vực phong phú và phức tạp. Đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu từ loại. Hiện nay, vấn đề
phân định từ loại tiếng Việt vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu
ngôn ngữ do có nhiều ý kiến bất đồng thậm chí đối lập. Chính vì thế việc nghiên cứu vấn
đề phân định từ loại là một điều thú vị với người viết. Qua đó, người viết hi vọng sẽ có
được những kiến thức cần thiết để ứng dụng vào trong học tập và trong cuộc sống.

II. Lịch sử vấn đề:
Vấn đề phân định từ loại trong ngôn ngữ học nói chung:
Những người đầu tiên chia các từ trong ngôn ngữ ra làm từ loại là các nhà triết học Hilạp Prô- ta- gô- rát và Pla- tôn. Họ cho rằng từ của tiếng Hi- lạp chia thành hai loại: danh
từ và động từ. Nhưng khái niệm “từ loại” của họ không giống như khái niệm “từ loại”
của các nhà ngôn ngữ học ngày nay. Xuất phát điểm của họ là lời nói (logos), cho nên “từ
loại” mà họ quan niệm chính là những bộ phận của lời nói; danh từ là từ dùng để khẳng
định một sự vật hay một hiện tượng nào đó, cũng tức là chủ ngữ; động từ là cái từ nói về
danh từ, tức là vị ngữ. Đây là một cống hiến quan trọng cho ngôn ngữ học, song cách
chia đó đã nhập vấn đề từ loại và vấn đề chức năng của từ làm một, đã lẫn lộn từ loại của
ngôn ngữ và thành phần của câu nói. Điều này cũng đễ hiểu: các học giả thời bấy giờ

2

nghiên cứu ngôn ngữ chủ yếu là do nhu cầu của phép hùng biện, và về sau này, do nhu
cầu của việc nghiên cứu lô- gic.
Nhà triết học A-ri-xtot còn thêm hai từ loại nữa là liên từ và quán từ (A- ri-xtot gọi là
“thành phần”). Ông nói: “Trong bất kì lời nói nào cũng có mấy bộ phận: yếu tố, âm tiết,
liên từ, danh từ, động từ, thành phần, cách và câu”.
Cùng thời kì với các nhà triết học Hi- lạp, các nhà ngữ pháp Ấn Độ, Pa- ni- ni và I- a-xko,
chia từ thành bốn loại: naman (danh từ), akhyata (động từ, đúng hơn phải gọi là vị ngữ),
upasarga (giới từ) và nipata (trợ từ).
Về sau, học phái A-lếch-xan-đơ-ri tiếp tục phát triển lí luận về từ loại. A-rít-tác (thế kỉ I
trước công lịch) và những học trò của ông như Tơ-rác-xơ, v.v… chia từ Hi-lạp ra thành 8
loại: danh từ, động từ, tính động từ, thành phần, đại danh từ, giới từ (tiền trí từ), phó từ và
liên từ.
Tơ-rác-xơ quan niệm: danh từ là từ loại có thể biến cách, biểu thị vật thể hoặc sự vật,
động từ là từ loại không thể biến cách, nhưng biến hình theo thời, ngôi và số.; tính động
từ là từ loại vừa có đặc điểm của động từ vừa có đặc điểm của danh từ; thành phần là từ
loại có thể biến hình, đặt trước hay sau danh từ, có giống, số và cách; đại danh từ là từ
thay thế cho danh từ, biểu thị một ngôi nhất định; giới từ (tiền trí từ) là từ loại có thể
đứng trước các từ loại khác và cũng có thể dùng trong kết cấu nội bộ của từ và câu; phó
từ là từ loại không biến hình, có thể xác minh cho động từ, phụ vào động từ; liên từ là từ
loại nối liền các ý lại theo một trật tự nhất định và chỉ rõ sự ngắt quãng khi bày tỏ ý
tưởng. Cách chia từ loại này được các nhà ngữ pháp La-mã, và sau này được cả các nhà
ngữ pháp về tiếng Xla-vơ áp dụng vào việc nghiên cứu. Khi nghiên cứu tiếng La-tinh
người ta bỏ từ loại thành phần đi vì trong tiếng này không có, và thêm loại thán từ vào.
Chỉ riêng có Va-rôn thì lại chia tiếng La-tinh ra thành bốn loại: loại có biến hình theo
cách là danh từ, loại biến hình theo thời gọi là động từ, loại vừa biến theo cách vừa biến
theo thời gọi là tính động từ, loại không biến hình gọi là trợ từ. Đến thế kỉ thứ tư sau công
lịch, Đô-na-tút (Aelins Donatus) và Pri-xia-nút (Priscianus) chia từ trong tiếng La-tinh
thành tám loại: danh từ, đại từ, động từ, tính động từ, phó từ, liên, từ, giới từ và thán từ.
Do tiếng La-tinh là tiếng thông dụng ở Châu Âu thời đó, và do sách ngữ pháp mà hai
người viết trên giản dị, dễ hiểu, cho nên cách phân chia từ loại này đã thành bản mẫu cho
các nhà ngữ pháp ở Châu Âu.

3

Tóm lại, từ chỗ nhập cục các từ loại và các thành phần của câu, người ta đã dần dần phân
ra một số từ loại xét theo đặc điểm ngữ pháp, và về sau từ loại đã trở thành một khái niệm
khác trước, mặc dầu tên gọi của chúng vẫn theo cũ.
Việc phân định các từ loại xưa thiếu một nguyên tắc nhất quán, cho nên đầu thế kỉ XIX,
nhà ngôn ngữ học người Đức là A.F. Béc-nác-đi (Bernhardi) chủ trương theo nguyên tắc
lo-gic để phân định từ loại. Ông phân theo nhiều bậc: trước hết là thực từ, hư từ, và loại
trung gian tức là đại từ. Thực từ chia làm ba thứ: thực thể từ, định từ và động từ; Hư từ
chia thành: giới từ, trợ từ và phó từ gốc. Cuối cùng, định từ lại chia làm ba: tính từ, tính
động từ và phó từ (không phải loại gốc). Còn các động từ như ta thường quan niệm thì
ông coi là một khối phức hợp.
Đến khi ngôn ngữ học phát triển, khi việc so sánh các ngôn ngữ phát triển, thì vấn đề
nguyên tắc phân định các từ loại trong các ngôn ngữ khác nhau lại trỗi dậy.
Ở Nga, nhà ngôn ngữ học A.A. Po-lép-ni-a phân tích từ loại cách qua khía cạnh ý nghĩa
đồng thời với chức năng cú pháp của từ. Ông cũng nghiên cứu cả khía cạnh hình thức đặc
biệt của các từ loại. Nhưng đối với ông, vấn đề ý nghĩa vẫn quan trọng hơn cả. Còn F.F.
Fooc- tu-na-top thì chủ trương phân định các từ loại theo sự biến hóa hình thức của từ,
A.A. Sác-ma-tốp, học trò của F.F. Fooc- tu-na-top, thì lại coi vấn đề từ loại có quan hệ
với cú pháp. Viện sĩ L.V.Séc-ba thì có chủ trương khác: cơ sở phân định từ loại dựa vào
sự tổng hợp của các đặc điểm về hình thức, cú pháp và ý nghĩa. Nhưng trong khi phân
loại, không phải bao giờ ông cũng vận dụng cả ba mặt đó. Tiếp tục phát triển ý kiến của
Séc- ba, viện sĩ V.V. Vi-nô-gra-đốp chú trọng đến cả ba mặt ý nghĩa, chức năng cú pháp
và hình thái của từ. Ông chia từ trong tiếng Nga theo mấy bậc; trước hết từ chia thành:
thực từ, tự từ, hư từ và thán từ.
Khi nghiên cứu ngôn ngữ Đông Á như tiếng Hán, tiếng Việt, tiếng Thái, v.v…, thấy các
từ trong các ngôn ngữ đó không biến hình, một số nhà ngôn ngữ học như Henri Maspero,
Bernhard Karlgren, M. Grammont, v.v…, cho rằng các ngôn ngữ đó không có từ loại.
Henri Maspero nói: “Trong tiếng Hán, không có cái gì phân định ra danh từ và động từ
về mặt ngữ pháp được. Từ trong tiếng Hán không phải là danh từ, cũng không phải là
động từ, mà là một cái gì chưa phân hóa”.
Ở Trung Quốc, xưa kia người ta chỉ chia từ ra làm hai loại: thực tự và hư tự. Cách chia
này được nhà ngôn ngữ học người Nga N.A.Bi-tru-rin giới thiệu với các học giả Châu Âu

4

qua cuốn ngữ pháp tiếng Hán viết năm 1835 của ông Mã Kiến-trung, tác giả cuốn ngữ
pháp đầu tiên của người Trung Quốc (1898) viết theo quan điểm học thuật phương Tây,
cho rằng trong tiếng Hán “tự không có nghĩa rõ rệt, do đó không có loại rõ rệt”, mà
muốn định loại thì phải “xem nghĩa của đoạn văn”. Ông theo ngữ pháp Tây-Âu mà chia
các từ loại tiếng Hán, và có thêm “trợ tự” là loại đặc biệt của tiếng Hán đã được người
xưa nghiên cứu. Căn cứ phân định từ loại của ông là hoàn cảnh của lời nói, song nói cho
cùng, thì đó là ý nghĩa của từ. Năm 1924, cuốn “Tân trước quốc ngữ văn pháp” của Lê
Cẩm- hi ra đời. Tác giả chủ trương lấy câu làm đơn vị (cú bản vị), lấy thành phần của câu
làm căn cứ phân loại. Chẳng hạn như: từ nào làm chủ ngữ, tân ngữ, bổ túc ngữ là danh từ;
từ nào dùng làm vị ngữ là động từ; từ nào làm phụ ngữ của danh từ là tính từ, làm phụ
ngữ của động từ và tính từ là phó từ. Ảnh hưởng của ông khá lớn ở Trung Quốc, và trong
những năm kháng chiến của ta, cách phân chia này đã ảnh hưởng tới một số người nghiên
cứu ngữ pháp Việt Nam như Phan Khôi, Nguyễn Lân,…. Khoảng năm 1937, Lục Chí- vĩ
căn cứ vào kết cấu của từ để chia từ loại và đạt được nhiều thành tích tốt về khoa học, vì
phương pháp này khách quan hơn những phương pháp cũ. Cao Danh- khải thì lại chủ
trương: “thực từ tiếng Hán không thể chia loại được vì chúng không có dấu hiệu khách
quan về hình thái”.
Tóm lại, vấn đề phân định từ loại là một vấn đề đã được các nhà ngôn ngữ học trên thế
giới chú ý từ lâu, nhưng cho đến nay, nó chưa phải là vấn đề đã được giải quyết xong
xuôi. Nguyên nhân là vì xuất phát điểm về lí luận không giống nhau và phương pháp
phân tích khác nhau, nhất là tính mục đích của việc phân định từ loại nhiều khi chưa được
rõ ràng.

Vấn đề phân định từ loại trong tiếng Việt:
Theo tài liệu cũ nhất nói về các từ loại trong tiếng Việt, là bài tựa trong cuốn Từ điển
Việt- Bồ Đào Nha- La tinh của A-lêch-xăng đơ Rốt (in ngày 5 tháng 12 năm 1951 ở La
Mã), tác giả đã chia từ tiếng Việt ra thành: danh từ, động từ, tính từ, đại từ và những từ
không biến hình.
Song từ những năm gần đây, vấn đề từ loại trong tiếng Việt mới được nghiên cứu kĩ
lưỡng hơn. Hàng loạt các công trình của các nhà nghiên cứu ra đời, có những công trình
nghiên cứu khẳng định tiếng Việt không có từ loại như công trình nghiên cứu của tác giả

5

Lê Quang Trinh và Hồ Hữu Tường, các tác giả này cho rằng tiếng Việt là thứ ngôn ngữ
đơn lập nên không thể có từ loại: “Trong tiếng Việt, không có quán từ, danh từ, cũng
không có đại từ, động từ không có giống, không có số, chỉ có từ không thôi, những từ đó
nhất loạt là đơn âm tiết, nói chung không biến hình và ý nghĩa cơ bản của chúng là do
những từ đặt trước hay đặt sau, nghĩa là do tác dụng và vị trí của chúng ở trong câu làm
cho biến đổi đi và rõ ra”. (Lịch sử văn chương Việt Nam). Tuy nhiên, bên cạnh những tác
giả có quan niệm tiếng Việt không có từ loại thì vẫn có những quan niệm của các tác giả
thừa nhận, khẳng định có vấn đề từ loại trong tiếng Việt như: “Việt Nam Văn phạm” của
Trần Trọng Kim, tác giả Trần Trọng Kim đã theo phương pháp của Tây học để chia các
tiếng ra thành từng loại. Thực ra phương pháp Tây học của ông Trần Trọng Kim thuộc
loại phương pháp cổ truyền bắt nguồn từ thời Aristote. Hay như “Văn phạm Việt Nam”
của Bùi Đức Tịnh cũng dựa theo phương pháp truyền thống giống như phương pháp của
Bùi Trọng Kim, tuy nhiên Bùi Đức Tịnh đã có công đóng góp một số ý kiến mới. Bên
cạnh đó còn có “Sơ thảo ngữ pháp” của giáo sư Lê Văn Lý, tác giả này lại dựa vào khả
năng kết hợp của các từ ngữ để phân chia từ loại. Nguyễn Tài Cẩn thì lại đưa ra một
hướng đi mới, ông dựa vào đoản ngữ để phân định từ loại trong “Ngữ pháp tiếng Việt”.
Ngoài ra, còn có thể kể tên một loạt công trình nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ khác
như: Hồ Lê với “Cú pháp tiếng Việt”, Nguyễn kim Thản với “Nghiên cứu ngữ pháp tiếng
Việt”, Lê Biên với “Từ loại tiếng Việt hiện đại”, Diệp Quang Ban và Hoàng văn Thung
với “Ngữ pháp tiếng Việt”, v.v…
Nhìn chung các công trình nghiên cứu của các tác giả có thể nói cũng khá nhiều, tuy
nhiên cho đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nhà nghiên cứu trong vấn
đề phân định từ loại tiếng Việt.

III. Mục đích nghiên cứu:
Vì đây là vấn đề còn gây nhiều tranh luận, chưa có sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu
ngôn ngữ nên chúng tôi tò mò muốn được tìm hiểu về vấn đề còn chưa ngã ngũ này.
Trước hết, tìm hiểu vấn đề phân định từ loại trong tiếng Việt sẽ giúp chúng tôi hiểu sâu
hơn về ngữ pháp tiếng Việt. Đồng thời từ đó sẽ có cái nhìn bao quát hơn về vấn đề này.
Qua đó chúng tôi hi vọng sẽ xây dựng được một nền tảng kiến thức vững chắc để có được

6

những định hướng đúng đắn khi tiếp cận những vấn đề ngữ pháp phức tạp trong tiếng
Việt.

IV. Phạm vi nghiên cứu:
Nội dung khảo sát của đề tài tập trung chủ yếu vào phân định từ loại trong tiếng Việt. Do
đó chúng tôi sẽ đi vào lược thuật những quan điểm phân định từ loại trong tiếng Việt của
một số tác giả và trên cơ sở đó, chúng tôi mạn phép thử đề xuất một cách phân chia từ
loại khác. Để hoàn thành luận văn, chúng tôi tham khảo một số tài liệu có liên quan đến
từ loại và việc phân định từ loại của một số tác giả.

V. Phương pháp nghiên cứu:
Đây còn là vấn đề đang được bàn luận, gây nhiều tranh cãi và chưa có sự nhất trí cao
giữa các nhà nghiên cứu. Chính vì thế trong bài viết của mình, chúng tôi chủ yếu dùng
phương pháp tổng hợp, lược thuật các quan điểm của một số nhà ngôn ngữ. Trên cơ sở
các ý kiến của các nhà nghiên cứu, chúng tôi đưa ra hướng giải quyết của mình.

7

Phần II: PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: Khái quát về vấn đề phân định từ loại trong tiếng Việt:
1. Khái niệm từ loại:
Từ loại là những lớp từ có cùng bản chất ngữ pháp, được chia theo ý nghĩa, theo khả năng
kết hợp với các từ ngữ khác trong ngữ lưu và thể hiện những chức năng ngữ pháp nhất
định ở trong câu. Hệ thống từ loại có tính chất là cơ sở của cơ cấu ngữ pháp một ngôn
ngữ nhất định.

2.Vài nét về phân định từ loại:
Nguyễn Kim Thản đã khẳng định: “Bất kì một ngôn ngữ nào có từ thì ngôn ngữ ấy nhất
định sẽ có từ loại.” Chúng ta có nhiều cách để chia các từ trong ngôn ngữ ra thành loại.
Chẳng hạn chia âm đầu ra A, B, C để phục vụ cho việc soạn từ điển, chia theo vần cái để
phục vụ cho việc làm thơ, hoặc chia các từ theo sự cấu tạo của chúng…Tuy nhiên đó là
những cách chia khác hẳn cách chia từ loại mà ta đề cập ở đây.
Trong các ngôn ngữ thuộc hệ thống Ấn- Âu việc phân chia từ loại tương đối đơn giản vì
các ngôn ngữ này có đặc tính riêng biệt của nó (giống, số, ngôi…). Người ta có thể dựa
vào cơ sở hình thái học của nó để phân chia từ loại.
Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, không biến đổi hình thể cho nên cách phân loại tương
đối khó. Một số nhà nghiên cứu như Lê Quang Trinh, Hồ Hữu Tường không thừa nhận
phạm trù từ loại trong tiếng Việt. Các nhà nghiên cứu đó cho rằng “Tiếng Việt cơ cấu
theo một lối khác hẳn với ngôn ngữ phương Tây nên không có từ loại” (Lịch sử Văn
chương Việt Nam- Hồ Hữu Tường). Thế nhưng, các tác giả này đã quên đi một điều là ý
nghĩa từ loại của một số ngôn ngữ không nhất thiết phải biểu hiện bằng sự biến hóa hình
thái mà có thể được biểu hiện bằng những đặc điểm ngữ pháp khác (trật tự của từ, quan
hệ cú pháp, khả năng kết hợp của từ…).
Và trong quyển Nghiên cứu Ngữ pháp tiếng Việt, Nguyễn Kim Thản đưa ra luận điểm để
bác bỏ quan điểm của các tác giả trên như sau: “không thể vì thấy một từ được sử dụng
linh hoạt, có nhiều chức năng khác nhau mà phủ nhận tận gốc vấn đề từ loại”. Ông đưa
ra ví dụ để chứng minh cho ý kiến của mình: “Nữ diễn viên X, người Việt Nam có thể
đóng đủ các vai thuộc các nghề nghiệp khác nhau, quốc tịch khác nhau, v.v…, thậm chí

8

cả tính biệt khác (đóng giả nam). Nhưng nếu lấy tính biệt ra mà phân định, thì diễn viên
X vẫn là nữ, nếu lấy quốc tịch ra mà phân định thì người ấy vẫn là người Việt Nam, chứ
không phải vì đóng nhiều vai trò khác nhau mà có thể phủ nhận được tính biệt, quốc tịch
của người đó”. Từ đó, ông khẳng định tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ không biến hình
khác đều có thể phân định các từ loại được.
Căn cứ vào đặc điểm của tiếng Việt, ta có thể khẳng định: tiếng Việt cũng có phạm trù
từ loại như bất cứ ngôn ngữ nào khác trên thế giới.
Ở đây, ta thấy “tiếng Việt là thứ ngôn ngữ đơn lập (không biến hình) nên tính ngữ pháp
của tiếng Việt là sự liên hệ ngữ pháp riêng biệt và chặt chẽ (trật tự của từ và từ công
cụ)”. (Giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt 1- Nguyễn Văn Tư) .
Ví dụ: - Cho tôi ít muối. (danh từ)
- Tôi muối dưa.

(động từ)

- Ăn dưa muối.

(tính từ)

Chỉ khi chúng xuất hiện như vậy thì ta mới định được từ loại của nó, từ nào là danh từ, từ
nào là động từ, từ nào là tính từ. Phân biệt được chính xác như vậy thì ta mới hiểu rõ
được ý nghĩa của nó.
Như vậy: Từ loại của tiếng Việt đã trở thành một vấn đề quan trọng trong ngôn ngữ nói
chung và trong ngữ pháp nói riêng, vì chúng ta có phân tích được từ loại của ngôn ngữ thì
chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của từ trong câu của một ngôn ngữ. Tiếng Việt chúng ta
có phân chia được từ loại thì chúng ta mới hiểu rõ được từ và từ đó việc sử dụng tiếng
Việt mới chính xác và dễ dàng.

Chương 2: Vấn đề phân định từ loại trong tiếng Việt
Vấn đề phân định từ loại trong tiếng Việt là một vấn đề khá phong phú và phức tạp. Mỗi
tác giả dựa trên một quan điểm khác nhau nên đưa ra những cách phân loại không giống
nhau. Sau đây, người viết xin đi vào lược thuật một số cách phân loại của một số tác giả
tiêu biểu thông qua các công trình nghiên cứu của họ.

1. Trần Trọng Kim- Việt Nam Văn Phạm
Là người đầu tiên có công trong việc vỡ hoang cánh đồng “văn phạm Việt Nam”, Trần
Trọng Kim đã không dựa vào lối học chữ nho, “lấy tiếng nặng, tiếng nhẹ, mà phân ra
9

làm bốn thứ là: thực tự, hư tự, bán thực tự, bán hư tự; nghĩa là tiếng nặng, tiếng nhẹ,
tiếng hơi nặng, tiếng hơi nhẹ” như tiếng Hán. Nhưng ông cho rằng “đã học một tiếng nói,
thì phải biết rõ cái giá trị và công dụng của từng tiếng ở trong câu nói. Muốn hiểu rõ như
thế, tất phải theo cái phương pháp của Tây học, chia các tiếng ra thành từng loại, rồi mỗi
loại xét riêng một mục, như lối văn phạm của Tây, để phân biệt cái tính cách và cách
dùng các thứ tiếng ấy”.
Ông lập luận: “tiếng Việt Nam là tiếng đa âm, không biến hình biến dạng, có khi một
tiếng biến ra nhiều nghĩa, có khi một tiếng biến ra thứ tiếng khác. Và ông lấy cái nghĩa
và cách dùng của nó mà định ra từng loại”.
Có người cho rằng: tiếng Việt Nam có cái tính cách và cái tinh thần không giống như
tiếng các nước bên Tây. Nếu theo phương pháp văn phạm của Tây mà làm văn phạm Việt
Nam thì sợ không đúng. Nhưng ông khẳng định “vẫn biết mỗi tiếng nói là một cái tinh
thần đặc biệt. Song tiếng nói là cách biểu diễn cái tư tưởng của người ta ra cho người
khác biết. Cách biểu diễn ấy tuy khác, nhưng bao giờ cũng phải theo cái lý cho thuận. Đã
theo lý, thì dù đông dù tây, đâu đâu cũng một lý cả. Vậy theo phương pháp của Tây mà
phân ra các tự loại, tưởng không phải là sự sai lầm, miễn là ta giữ được cái tinh thần của
tiếng ta mà đem phô diễn ra cho rõ ràng là được”.
Dựa vào văn phạm phương Tây mà cụ thể là văn phạm của Pháp, tác giả Trần Trọng Kim
đã chia kho từ vựng tiếng Việt ra thành mười ba từ loại: danh tự, mạo tự, loại tự, chỉ định
tự, đại danh tự, tĩnh tự, động tự, trạng tự, giới tự, liên tự, tán thán tự, trợ ngữ tự và tiếng
đệm.
- Tác giả Trần Trọng Kim định nghĩa: “Danh tự là tiếng để gọi một sự hay một vật
(người, ngựa, vườn, đạo đức, công, tội…)”. Và ông chia danh tự ra làm hai tiểu loại, đó
là danh tự chung và danh tự riêng. Trong mỗi tiểu loại lại chia thành nhiều tiểu loại nhỏ
hơn nữa. Ví dụ: danh tự chung thì được chia ra thành nhiều loại nhỏ nữa như là: cụ thể
danh tự, trừu tượng danh tự, danh tự đơn, danh tự ghép, tổng hợp danh tự.
- Còn với mạo tự, ông khái niệm: “Mạo tự là tiếng đứng trước tiếng danh tự đã có một
tiếng khác hay một câu chỉ định rồi”. Và những tiếng mạo tự đó có tác dụng làm cho
mạnh, cho rõ cái nghĩa của tiếng danh tự.

10

- Loại tự: là tiếng đứng trước tiếng danh tự để chỉ định tiếng danh tự ấy thuộc về loại nào.
Tiếng loại tự được chia ra làm hai loại: tiếng loại tự chung (con, cái) và tiếng loại tự riêng
của từng loài. Vị trí của tiếng loại tự bao giờ cũng đặt trước tiếng danh tự.
- Chỉ định tự: những tiếng như: sách này, việc kia, người nào, thì những tiếng này, kia,
nào,… chỉ định cái nghĩa tiếng danh tự: sách, việc, người. Những tiếng ấy là chỉ định tự.
Chỉ định tự được chia ra làm bốn loại: chỉ thị chỉ định tự, số mục chỉ định tự, nghi vấn chỉ
định tự, phiếm chỉ chỉ định tự.
- Đại danh tự: là những tiếng dùng để thay thế tiếng danh tự. Có hai thứ đại danh tự: nhân
vật đại danh tự và chỉ định đại danh tự.
- Tĩnh tự: là những tiếng biểu diễn cái phẩm, cái tính, cái trạng thái- trạng tức là cái thể
của một người hay một vật. Bao gồm tĩnh tự đơn và tĩnh tự ghép, và thông thường, tiếng
tĩnh tự hay đi với tiếng danh tự hay đại danh tự. Ví dụ: Cái nhà lớn; Người buồn bã; Nó
nghèo…
- Động tự: là tiếng biểu diễn cái dụng của chủ từ. Gồm có động tự đơn (nói, cười, ăn,
uống,…) và động tự ghép (bênh vực, buôn bán, bẩm báo, dòm ngó,…)
- Trạng tự: là tiếng dùng để phụ thêm nghĩa một tiếng động tự, một tiếng tĩnh từ, một
tiếng trạng tự khác hay cả một mệnh đề.
Ví dụ: Động tự: Chạy chậm; Làm khó nhọc.
Tĩnh tự: Đẹp lắm; Giàu quá.
Trạng tự: Nói mau quá; Đi rất vất vả.
Mệnh đề: Bất đắc dĩ tôi phải nói.
Trạng tự được chia thành nhiều thứ như: trạng tự chỉ thể cách; chỉ số lượng; chỉ cục diện
của động tự; chỉ thời gian; chỉ nơi chốn; chỉ sự nghi vấn; chỉ ý kiến. Bên cạnh đó, tác giả
Trần Trọng Kim cũng khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của trạng tự trong tiếng Việt
Nam.
- Giới tự: là tiếng dùng để liên lạc một tiếng với tiếng túc từ của nó. Và ông theo cái quan
hệ của nó lập ra mà chia tiếng giới tự thành giới tự chỉ nơi chốn; chỉ thời gian; chỉ duyên
cớ; chỉ mục đích.
- Liên tự: là một tiếng dùng để liên hợp mấy tiếng cùng một loại, hoặc mấy mệnh đề,
hoặc mấy câu với nhau. Có hai thứ liên tự: tập hợp liên tự và phụ thuộc liên tự.

11

- Tán thán tự: là tiếng dùng để biểu diễn một cái cảm tình, một sự xúc động rất mạnh, đột
nhiên mà phát ra. Tán thán tự thường là tiếng kêu, biểu diễn sự vui mừng, sự ngạc nhiên,
sự đau đớn, sự kinh hãi hay lo sợ, sự tức giận, sự than vãn,…Và tán thán tự thường đứng
lẻ một mình, không có quan hệ gì với tiếng khác về mặt văn phạm. Do đó vị trí của nó
thường không nhất định.
- Trợ ngữ tự: là tiếng đặt trước ở một câu để làm cho câu ấy có vẻ hoạt động và mạnh mẽ.
Những tiếng dùng làm trợ ngữ tự là: a, à, ư, nhỉ, nhé,…
- Tiếng đệm: là tiếng tự nó không có nghĩa gì cả, nhưng đặt trước hay đặt sau một tiếng
chính thì nó làm cho cái nghĩa tiếng chính ấy biến khác đi. Có ba thứ tiếng đệm: tiếng
đệm đặt trước tiếng chính; tiếng đệm đặt sau tiếng chính; và tiếng đệm đặt thêm vào tiếng
trạng tự ghép.

2. Bùi Đức Tịnh- Văn phạm Việt Nam
Dựa vào ý nghĩa của mỗi tiếng và khả năng kết hợp. Đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn
vừa giản dị vừa phân minh.
- Theo tác giả Bùi Đức Tịnh: “Bất cứ một ngôn ngữ nào đã qua khỏi trạng thái dã man
cũng đều gồm có hai từ loại: một loại dùng để mệnh danh (các sự vật và các việc xảy ra);
một loại dùng để chỉ tương quan giữa các ý niệm trong lời nói”. Loại thứ nhất gọi là thực
tự, loại thứ hai gọi là hư tự.
Những tiếng dùng để mệnh danh cũng như những tiếng dùng làm dụng cụ văn phạm đều
chia ra làm nhiều loại khác nhau, do nơi đặc tính về ý nghĩa và công dụng trong lời nói.
Một từ loại gồm những từ có những tính cách giống nhau về ý nghĩa và công dụng trong
lời nói.
Ông đưa ra một ví dụ và phân tích:
“Bất cứ trong hoàn cảnh nào, người Việt Nam yêu nước cũng tôn trọng quốc văn”.
Khi nói ra một câu như thế, ta đã mệnh danh những người, những vật, những tính cách,
những việc xảy ra và nhờ các dụng cụ văn phạm để kết cấu những tiếng mệnh danh kia:
Hoàn cảnh và quốc văn mệnh danh những vật (vật với ý nghĩa: cái gì có một thể chất
hoặc cụ thể (hoàn cảnh) hoặc trừu tượng (quốc văn).
Người Việt Nam mệnh danh những người.
Tôn trọng mệnh danh một việc xảy ra (cũng có thể nói là một hành động).

12

Yêu nước mệnh danh một tính cách của người.
Bất cứ, trong, nào, cũng đều là những dụng cụ văn phạm định sự tương quan giữa ý
nghĩa của các từ mệnh danh.
Ông lần lượt xét về các loại tiếng dùng để mệnh danh rồi đến các loại tiếng làm dụng cụ
văn phạm.
Và để biệt phân từ loại ông chủ yếu dựa vào ý nghĩa của mỗi tiếng, tuy nhiên cần được
xét song song với tác dụng văn phạm, khả năng kết hợp (với những loại tiếng nào đó) của
tiếng ấy. Và ông đặc biệt nhấn mạnh về tiêu chuẩn: vừa phân minh vừa giản dị. Ông
cho rằng: “Một sự phân loại quá tổng quát sẽ kém phân minh. Nhưng, một sự phân loại
quá vụn vặt sẽ tạo nên những phiền phức vô ích cho người học.”
- Ông đưa ra dẫn chứng: cuối thế kỉ XIX, các nhà văn phạm học Pháp đã biệt phân các từ
ra làm 10 loại. Nhưng hiện nay họ đã bớt một số loại để giản dị hóa hệ thống từ loại của
họ. Và ông cũng lợi dụng nó để tránh những sự phân biệt không cần thiết. Ông khẳng
định: “Xu hướng giản dị hóa là một điều hợp lý. Đối với người Pháp, sở dĩ xu hướng giản
dị hóa không thể thực hành ngay được là vì họ đã có sẵn những ý niệm do sự thông dụng
tạo ra. Riêng về văn phạm học nước ta, nó còn đang trong giai đoạn hoàn toàn mới mẻ.
Ta có thể lợi dụng hoàn cảnh thuận tiện ấy để tránh những sự phân biệt không cần thiết”.
Tuy nhiên với ông, sự giản dị hóa vẫn phải tôn trọng giới hạn của sự phân minh: “không
thể vì lí do muốn tránh phiền toái mà tập hợp cả những loại tiếng có những tính cách dị
đồng rõ rệt vào cùng một từ loại”.
- Và theo ông, sở dĩ cần biệt phân từ loại mục đích chính là để tiện việc đề ra những quy
tắc về cách đặt câu. “Chính phép đặt câu mới là quan trọng”. Trong sự biệt phân từ loại
miễn ta làm sao cho các quy tắc văn pháp sẽ khỏi bị hiểu lầm (vì lẫn lộn giữa các từ loại)
là đủ rồi.
- Tác giả quyển Việt Nam văn phạm đã biệt phân các từ ra làm 13 loại:
Danh từ
Mạo từ
Loại từ
Chỉ định từ
Đại danh từ
Tĩnh từ

13

Động từ
Trạng từ
Giới từ
Liên từ
Tán thán từ
Trợ ngữ từ
Tiếng đệm
- Nhận thức rằng tiếng Việt là ngôn ngữ phối vận, thay vì là đơn vận cho nên các từ loại
mạo từ, loại từ, trợ ngữ từ và tiếng đệm thành ra vô ích. Tác giả đã bỏ bớt những chỗ
rườm rà, vô ích và lấy sự phân minh về ý nghĩa làm tiêu chuẩn, tác giả rút gọn lại các từ
thành 9 từ loại:
Danh từ
Tĩnh từ

Các loại tiếng mệnh danh

Động từ
Đại từ
Chỉ định từ
Phó từ
Liên từ
Giới từ
Thán từ

3. Lê Văn Lý- Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam
Tiêu chuẩn xếp loại: dựa vào khả năng phối hợp của các tự loại.
Tác giả Lê Văn Lý đã từng khẳng định: “cần phải tìm cách phân chia các tự ngữ ra thành
từng loại một, mỗi loại phải có những đặc điểm riêng cho phép xếp một tự ngữ này vào
tự loại này, và xếp một tự ngữ kia vào tự loại kia”. Thường thường mỗi ngôn ngữ đều có
những tiêu chuẩn riêng giúp ta làm công việc này. Chẳng hạn, ta lấy tự ngữ “nhà”, muốn
xếp “nhà” vào tự loại nào, ta phải nói tại sao ta xếp “nhà” vào tự loại đó. Hay nếu ta lấy
tự ngữ khác như “đẹp”, ta phải nêu lên những lí do tại sao “đẹp” lại không thuộc về một
tự loại với “nhà”.

14

Những tiêu chuẩn cho phép ta làm công việc xếp loại các tự ngữ trong tiếng Việt là
những chứng tự. Vì các tự ngữ Việt Nam không thay đổi hình dạng (trừ một vài biến thể
của một số rất ít các tự ngữ như: năm, giăm, lăm, nhăm…) cho nên muốn xếp loại các tự
ngữ Việt Nam, ta không nhìn vào hình thái của tự ngữ mà ta xem xét tự ngữ đó có thể
phối hợp được với những tự ngữ nào khác. Công việc này đã cho phép khám phá ra được
một số tự ngữ, mà chúng ta gọi là chứng tự, nghĩa là những tự ngữ có thể phối hợp với
một số tự ngữ này, và không thể phối hợp được với một số tự ngữ khác. Chúng ta dùng
những chứng tự đó để làm tiêu chuẩn phân chia các tự ngữ của tiếng Việt Nam ra từng
loại một. Bao nhiêu những tự ngữ có thể phối hợp được với một số các chứng tự nào đó
thì sẽ thuộc về cùng một tự loại với nhau.
Ví dụ như: Tất cả những tự ngữ nào có thể phối hợp được với những, nhiều, mỗi, mọi,…
thì thuộc về một tự loại. Vậy những tự ngữ như: nhà, cây, chó, người v.v… thuộc về cùng
một tự loại, vì người ta có thể nói: những nhà, nhiều nhà, mỗi nhà; những cây, mỗi cây,
nhiều cây,…
Hay là những tự ngữ nào có thể phối hợp được với: đã, sẽ, đang, vẫn,… cũng thuộc về
cùng một tự loại như nhau. Vậy những tự ngữ như là: cho, đi, ăn, chơi,…thuộc về cùng
một tự loại, vì người ta có thể nói: đã cho, sẽ cho, đang cho, vẫn cho; hoặc đã đi, đang đi,
sẽ đi, vẫn đi,….
Ví dụ: những tự ngữ thuộc về tự loại A là tất cả các tự ngữ có thể có một trong những
ngữ vị chỉ số nhiều sau đây đứng trước để làm thành một ngữ tuyến có nghĩa: những,
mấy, lắm, nhiều, đông, đầy, các, mọi, cả. Những tự ngữ như: người, vật, cây, nhà, sách,
vở, giường, chiếu, cha, mẹ…thuộc về tự loại A (danh tự).
Ông cho rằng “những tự ngữ nào đã phối hợp được với A thì sẽ không phối hợp được với
B. Và ngược lại, những tự ngữ nào phối hợp được với B thì cũng sẽ không thể phối hợp
được với A”. Chính vì thế, tác giả có thể khẳng định những chứng tự tích cực của A đồng
thời cũng là những chứng tự tiêu cực của B, và ngược lại, những chứng tự tích cực của B
cũng là những chứng tự tiêu cực của A.
Trong trường hợp có những chứng tự có thể phối hợp được với cả hai tự loại A và B,
chẳng hạn như hai chứng tự “lắm” và “nhiều”, thì cách phối hợp cũng khác nhau: “lắm”
và “nhiều” là những chứng tự đứng trước một tự ngữ A, như: lắm tiền, nhiều con… Khi

15

phối hợp với một tự ngữ thuộc loại B, thì “lắm” và “nhiều” lại đứng sau một tự ngữ B,
như: khỏe lắm, học nhiều…
Bên cạnh tự loại B, tác giả Lê Văn Lý còn chia thành một tự loại khác có tên là B’ (hay
tĩnh từ). Sở dĩ tác giả đặt tên là B’ vì những tự ngữ đó cũng có những phối hợp của B và
lại có thêm những phối hợp với những chứng tự riêng của B’.
Ba tự loại A, B, B’ chiếm đại đa số các tự ngữ của Việt ngữ. Còn lại bao nhiêu tự ngữ
khác, ông xếp chúng vào tự loại C.
Trong số những tự ngữ C, tự ngữ nào có thể phối hợp được với tự ngữ “chúng”, ngữ vị
chỉ số nhiều, sẽ được gọi là C1 (hay ngôi tự). Ví dụ: chúng tôi, chúng ta, chúng nó, chúng
mày. Tôi, ta, mày, nó là C1. Chúng là những tự ngữ chỉ ngôi.
Hay những tự ngữ C nào có thể phối hợp được với những tự ngữ: độ, chừng, ngót là
những tự ngữ thuộc tự loại C2. Chúng là những tự ngữ chỉ số lượng. Ví dụ: độ bảy tám,
chừng ba mươi, ngót hai chục. Bảy, tám , ba chục, hai mươi là C2.
Còn các tự ngữ C khác được xếp vào tự loại C3, mà tác giả gọi tên chúng là Phụ tự.
Những tự ngữ C3 có một đặc điểm chung là chúng không có chứng tự. Nhưng chính cái
khuyết điểm này cũng là một tiêu chuẩn để nhận định ra chúng. Ta có thể nói được là:
Trong Việt ngữ, những tự ngữ nào không có chứng tự là C3 hay là Phụ tự.
Trong nội bộ các phụ tự, chúng ta có thể xếp chúng, tùy theo vị trí của chúng thường có
trong một câu, thành những Phụ tự khởi đầu, Phụ tự tận cùng, Phụ tự trung gian và Phụ tự
tự do; tự do là không có một vị trí nhất định nào trong câu nói: nó có thể ở đầu, ở giữa
hay ở cuối một ngữ tuyến.
Phụ tự khởi đầu như: bởi, vì, tại, hễ, nếu, giá, dẫu, tuy, càng… Đa số các chứng tự đều
thuộc về loại Phụ tự này.
Phụ tự trung gian như: mà, và ,nên, cho nên, thì, nhưng, song, hoặc, vả lại, hay là…
Phụ tự tận cùng như: này, nào, đực, sống (trống), cái, mái, nhau, nhá, nhé, cơ mà, nữa…
Bên cạnh đó, tác giả cũng xếp vào tự loại C3 này những Cảm thán tự như: a, à, e, ô, ối,
chà,…. Và những Nghĩa thanh tự như: hí hí, hu hu, ve ve, vù vù, đùng đùng…
Tất cả những tự ngữ trong tiếng Việt kể cả những tự ngữ có nguồn gốc ngoại lai cũng đã
được tác giả xếp vào những tự loại nhất định. Kết quả cuối cùng là ông xếp tất cả tự ngữ
trong tiếng Việt vào sáu tự loại mà ông gọi là A, B, B’,C1, C2, C3. Trong đó A là Danh
tự, B là Động tự, B’ là Tĩnh tự, C1 là Ngôi tự, C2 là Số tự, C3 là Phụ tự.

16

Trong sáu tự ngữ này, năm loại đầu được xếp theo tiêu chuẩn các chứng tự. Loại cuối
cùng C3 (phụ tự) là loại không có chứng tự. Những phụ tự cũng được chia ra làm phụ tự
đứng đầu câu, giữa câu, cuối câu và những phụ tự tự do, nghĩa là không có một vị trí nhất
định.

4. Nguyễn Tài Cẩn- Ngữ pháp tiếng Việt
Dựa vào đoản ngữ để phân loại.
Nguyễn Tài Cẩn cho rằng: “không phải từ nào trong kho từ vựng cũng có vai trò và khả
năng giống như từ nào…có những từ có khả năng đứng làm trung tâm của đoản ngữ, có
những từ lại không có khả năng đứng làm trung tâm của đoản ngữ như thế; có những từ
chỉ có khả năng đứng làm trung tâm của đoản ngữ kiểu này, có những từ lại có khả năng
đứng làm trung tâm của đoản ngữ kiểu khác…”. Do đó ông khẳng định “đoản ngữ chính
là nơi thể hiện rõ nhất các đặc trưng khác nhau của những từ loại, những nhóm từ
khác nhau”. Chính vì vậy, ông nhận định một điều chắc chắn “hoàn toàn có khả năng
căn cứ vào tổ chức của đoản ngữ, lấy tổ chức của đoản ngữ làm một tiêu chuẩn để chia
kho từ vựng thành những loại, tiểu loại hoặc nhóm nhỏ khác nhau”.
Tiêu chuẩn phân định trong truyền thống là dựa vào “khả năng kết hợp” và “chức năng
cú pháp” của từ. Nguyễn Tài Cẩn về cơ bản cũng dựa vào tiêu chuẩn phân định từ loại
của truyền thống. Ông xác định “dựa vào khả năng làm trung tâm của đoản ngữ chính là
dựa vào cái gọi là khả năng kết hợp, và dựa vào thành tố phụ của đoản ngữ là dựa vào
chức năng cú pháp của từ”. Tuy nhiên cách phân phối của ông khác cách phân phối của
truyền thống:
Nếu trong truyền thống xưa nay, người ta thường nhập khả năng làm định tố, trạng tố, bổ
tố với khả năng làm chủ tố, vị tố thành một tiêu chuẩn duy nhất- tiêu chuẩn “chức năng
cú pháp của từ”- để đối lập với khả năng làm trung tâm đoản ngữ- tiêu chuẩn khả năng
kết hợp thì ở đây tác giả lại chủ trương một lối phân phối khác: Ông đề nghị nhập khả
năng làm định tố, bổ tố, trạng tố với khả năng làm trung tâm đoản ngữ thành một tiêu
chuẩn (ông gọi là tiêu chuẩn tổ chức đoản ngữ). Và tách khả năng làm chủ tố, vị tố thành
một tiêu chuẩn riêng (tiêu chuẩn làm trung tâm trong mệnh đề).

17

Tuy nhiên tác giả cũng thừa nhận nếu chỉ dựa vào tổ chức đoản ngữ để phân loại kho từ
vựng không thôi thì chưa đủ. Phải có cả tiêu chuẩn “dựa vào mệnh đề” bổ sung thì kết
quả mới đáng tin cậy. Ông đưa ra cơ sở để lí giải như sau:
+ Có dựa vào mệnh đề thì mới có điều kiện để làm đến khả năng hoạt động của từ ở hai
cương vị có tầm quan trọng bậc nhất đối với câu nói, là cương vị làm chủ tố và cương vị
làm vị tố.
+ Có dựa vào mệnh đề thì mới có đủ cơ sở để đoán định về những trường hợp mà riêng
tiêu chuẩn “dựa vào đoản ngữ” không đủ sức soi sáng. Ông lấy ví dụ như từ “dương lịch”
chẳng hạn, thật khó để kết luận được “dương lịch” là một từ thuộc từ loại danh từ. Không
thể nói “tất cả dương lịch”, “một dương lịch”, “hai dương lịch” hay “dương lịch này”,
“dương lịch nọ”v.v…Nhưng nếu dựa cả vào mệnh đề, xem xét ở cương vị chủ tố, vị tố, từ
đó có khả năng như thế nào, thì câu trả lời lại trở nên sáng tỏ.
Mặc dù vậy, tác giả vẫn khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của đoản ngữ “với riêng
một mình tiêu chuẩn “dựa vào đoản ngữ” khi phân loại chúng ta cũng có thể đạt được
những phát hiện hết sức quan trọng”.
- Sau đây là cách dùng đoản ngữ để phân chia từ loại, tiểu loại:
Trước hết cần phải làm cho các bước phân loại từ thấp đến cao được gắn chặt với nhau
hơn nữa, tạo thành một quá trình thống nhất từ đầu tới cuối. Chia kho từ vựng thành
những mảng lớn (mảng thực từ, mảng hư từ), chia những mảng lớn thành khối, cụm bé
hơn (chia mảng thực từ thành một khối gọi là thể từ, một khối gọi là hư từ; chia mảng hư
từ thành một cụm gọi là quan hệ từ, một cụm gọi là công cụ từ…) rồi lại chia các khối,
cụm đó thành từ loại (chia khối vị từ thành từ loại động từ, từ loại tính từ; chia quan hệ từ
thành từ loại giới từ, từ loại liên từ), và chia mỗi từ loại thành tiểu loại, nhóm nhỏ (chia
danh từ thành danh từ chung và danh từ chung, chia động từ thành động từ nội động và
động từ ngoại động, chia liên từ thành liên từ đẳng lập và liên từ phụ thuộc…). Và ông
cho rằng “phải cố gắng làm sao để trong phạm vi có thể, làm cho toàn bộ cả quá trình
phân loại được đặt trên một cơ sở thống nhất về mặt nguyên tắc, tiêu chuẩn, cũng như
phương pháp cụ thể”.
Nếu ở bước phân định từ loại đã đối lập danh từ với động từ, tính từ căn cứ vào sự khác
nhau ở thành tố phụ đoản ngữ, và ở các bước phân định tiểu loại, nhóm, nhóm nhỏ tiếp
đó cũng đã dựa vào chi tiết khác nhau ở trong tổ chức đoản ngữ (ví dụ: đối lập động từ

18

nội động với động từ ngoại động, đối lập danh từ đếm được với danh từ không đếm được,
đối lập danh từ biệt loại với danh từ không biệt loại, đối lập định từ sau với định từ trước,
v.v…) thì ở các bước khác cũng nên cố gắng dựa vào đoản ngữ để phân loại:
- Chẳng hạn, ở bước chia kho từ thành những lớp, những mảng lớn, có thể dựa vào đoản
ngữ để vạch sự đối lập giữa những từ có khả năng làm thành tố đoản ngữ và những từ
không có khả năng làm thành tố đoản ngữ, rồi ở trong mảng đầu, đối lập những từ có khả
năng làm trung tâm với những từ chuyên làm thành tố phụ; hoặc ngược lại, đối lập
những từ có khả năng làm trung tâm đoản ngữ với những từ không có khả năng làm
trung tâm đoản ngữ, rồi ở trong lớp này tiếp tục chia nhỏ thành từ chỉ chuyên làm thành
tố phụ đoản ngữ và từ nằm ngoài đoản ngữ v.v…
- Hơn nữa, ngay đối với những kiểu từ như “à, ừ, nhỉ, nhé” hoặc “của, bởi, vì, cho
v.v…”, ông xác định vẫn có thể dựa vào đoản ngữ để phân định từ loại cho chúng. Ví dụ:
+ Có thể tách “à, ừ, nhỉ, nhé v.v…” thành một loại, dựa trên cơ sở là khi ghép chúng vào
sau một đoản ngữ thì chúng nhất định sẽ biến đoản ngữ đó thành câu.
So sánh: Đoản ngữ chưa thành câu -> Đoản ngữ đã trở thành câu.
Một cốc bia

->

Một có bia nhé!

Không ngủ nữa

-> Không ngủ nữa à?

+ Có thể tách “của, bởi, vì, cho v.v…” thành một loại, dựa trên cơ sở là khi ghép thêm
vào trước một đoản ngữ, chúng nhất định sẽ làm cho đoản ngữ đó gắn chặt với một hay
một vài chức năng cú pháp nhất định nào đấy.
So sánh:
ví dụ: bạn đến

- Bạn: * Có thể làm chủ tố
* Có thể làm bổ tố đối tượng

ví dụ: thương bạn

* Có thể làm bổ tố chỉ người nhận

ví dụ: tặng bạn một cuốn sách

* Có thể làm bổ tố chỉ kẻ bị sai khiến ví dụ: bảo bạn chăm học
* Có thể làm định tố

ví dụ: em bạn

* Có thể làm trạng tố

ví dụ: khổ vì bạn

ví dụ: em của bạn

- Của bạn: chỉ có thể làm định tố
Hoặc làm bổ tố chỉ kẻ bị tổn thất

19

ví dụ: vay của bạn một đồng bạc.

Nếu xem một đơn vị nào đấy, khi chưa đặt vào một chức năng nhất định, là bất biến thể,
và xem đơn vị đó, khi đã đặt vào một hay một vài chức năng nhất định, là biến thể, thì cả
trường hợp thêm bớt, thay đổi thành tố phụ trong đoản ngữ và cả trường hợp ghép giới từ
vào đầu đoản ngữ để “dạng thức hóa” đoản ngữ, rõ ràng là chúng ta đều có khả năng quy
được cả vào trong một vấn đề duy nhất: vấn đề tổ chức và biến hóa tổ chức của đoản
ngữ.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh một điểm cần lưu ý là, khi dựa vào tổ chức đoản ngữ để phân
loại kho từ vựng, cần phải có con mắt nhìn thật bao quát: “không nên chỉ lưu ý vào một
dạng cá biệt nào của đoản ngữ mà phải vươn lên nhìn đầy đủ toàn bộ mọi biến dạng
của đoản ngữ có thể có, đi từ dạng giới hạn chỉ có một mình trung tâm (thành tố phụ
triệt tiêu, đoản ngữ bề ngoài trùng với từ) chuyển qua tất cả các dạng trung gian có thể
có, đến trường hợp giới hạn ngược lại, trường hợp đoản ngữ có dạng lí tưởng”.
Trước đây, khi tiến hành phân loại, chúng ta thuờng có cách phát biểu đại loại như:
“danh từ có thể đứng liền sau “tất cả”, “cả”; động từ có thể đứng liền sau “đã, sẽ, đang”
v.v…”. Thực ra, trong việc kết hợp danh từ trung tâm với những thành tố phụ “tất cả”,
“cả”…, cách kết hợp liền “tất cả” + danh từ” chỉ là một cách kết hợp rất cá biệt trong
nhiều cách kết hợp có thể có. Bên cạnh cách kết hợp như thế, chúng ta còn có nhiều cách
kết hợp khác nữa.
1. Tất cả

bọn ấy

2. Tất cả những

bọn ấy

3. Tất cả cái

bọn ấy

4. Tất cả những cái

bọn ấy

Không phải chỉ ở dạng đầu đặc trưng của từ “bọn” mới đuợc thể hiện ra mà nó thể hiện
ra ở tất cả mọi biến dạng, ở dạng 2 cũng như ở dạng 3, dạng 4.
Nếu chỉ dựa vào dạng 1 để phát biểu không những đã phiến diện mà còn gây ra những
khó khăn trong khi nhận diện danh từ. Nếu nói danh từ có thể đi liền sau “tất cả” thì khi
gặp trường hợp từ “tất cả” không đứng liền ở trước (dạng 2, 3, 4) thì chúng ta đành phải
bó tay sao? Nhìn bao quát được tất cả mọi biến dạng chúng ta không những nhận diện
ngay được danh từ khi nó đứng liền sau “tất cả’ mà chúng ta còn nhận diện được nó khi
nó không đứng liền sau từ phụ đó. Chính vì lẽ đó, ông yêu cầu phải có cái nhìn thật bao
quát khi dựa vào tổ chức đoản ngữ để phân loại kho từ vựng tiếng Việt.

20